“Khoa học, giống như bất kỳ hoạt động nào khác của con người, có những giới hạn cần phải quan sát thấy vì lợi ích của nhân loại, và đồng thời đòi hỏi cần phải có một ý thức về trách nhiệm luân lý”, ĐTC Phanxicô cho biết hôm thứ Bảy 18/11. “Việc đo lường đúng đắn đối với sự tiến bộ, như Đức Phaolô VI nhắc nhớ, đó chính là điều nhằm vào lợi ích của mỗi người và toàn thể nhân loại”, ĐTC Phanxicô phát biểu với 83 tham dự viên tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hoá của Vatican. Các tham dự viên đã hội kiến ĐTC Phanxicô sau khi bế mạc phiên họp toàn thể của mình diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 18/11 vừa qua, thảo luận về chủ đề: “Tương lai của nhân loại: Những thách thức mới đối với nhân chủng học”.
Những tiến bộ không thể tin được
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Giáo Hội muốn cung cấp một sự chỉ dẫn đúng đắn cho con người vào lúc bình minh của một kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng những tiến bộ không thể tin được trong các lĩnh vực y khoa, di truyền học, thần kinh học và các cỗ máy “tự điều khiển”. Phát biểu về những tiến bộ đáng kinh ngạc trong di truyền học, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng những bệnh tật vốn được xem là không thể chữa khỏi cho đến gần đây đã bị loại trừ, và các khả năng mới đã mở ra để “thiết lập chương trình” đối với con người với những “phẩm chất” nhất định.
Không phải tất cả đều là câu trả lời
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “khoa học và công nghệ đã giúp chúng ta vượt qua những ranh giới kiến thức về tự nhiên, đặc biệt là về con người”, nhưng chỉ riêng những kiến thức đó thôi cũng không đủ để trả lời tất cả. “Ngày nay, ĐTC Phanxicô giả thích, chúng ta ngày càng nhận ra rằng cần phải kín múc từ kho tàng của sự khôn ngoan của các truyền thống tôn giáo, một sự khôn ngoan nổi tiếng, kho tàng văn học và nghệ thuật vôn liên quan đến sự sâu thẳm của mầu nhiệm của sự tồn tại của con người, mà không quên, nhưng bằng cách tái khám phá những điều đã được chứa đựng trong triết học và thần học”.
Giáo huấn của Giáo hội
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra hai nguyên tắc trong giáo huấn của Giáo Hội. Trước hết đó là “tính trung tâm của con người, vốn được coi là một mục đích chứ không phải là một phương tiện”. Con người phải hòa hợp với mọi loài tạo vật chứ không phải là một kẻ thống trị đối với tài sản kế thừa của Thiên Chúa, nhưng phải là một người coi sóc đầy yêu thương đối với công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa.
Nguyên tắc thứ hai đó chính là mục tiêu phổ quát của của cải, trong đó bao gồm cả tri thức lẫn công nghệ. Tiến bộ của khoa học và công nghệ, ĐTC Phanxicô giải thích, cần phải phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại, chứ không chỉ là một số ít người, và điều này sẽ giúp tránh những sự bất bình đẳng mới trong tương lai dựa trên sự nhận thức rõ ràng, và đồng thời ngăn chặn việc mở rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng những quyết định vĩ đại liên quan đến nghiên cứu khoa học cần phải được được thực hiện và đầu tư vào nó, cần phải được thực hiện cùng với toàn thể xã hội chứ không nên chỉ dựa vào các quy tắc thị trường hay bởi lợi ích của một số ít. Và cuối cùng, ĐTC Phanxicô nói, một nguyên tắc cần phải nhớ rằng không phải tất cả mọi thứ về mặt kỹ thuật hay khả thi đều có thể chấp nhận về mặt luân lý.
Minh Tuệ chuyển ngữ