ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng di cư là ‘một trong những vấn đề luân lý có ý nghĩa quan trọng mà thế hệ của chúng ta hiện đang phải đối mặt’

ĐTC Phanxicô và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tham dự buổi lễ chào mừng tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok hôm 21 tháng 11. Sau đó, ĐTC Phanxicô đã có bài phát biểu với các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo và các thành viên của các ngoại giao đoàn (Ảnh: AFP)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư của châu Á hiện nay khi Ngài đưa ra bài phát biểu công khai đầu tiên trong chuyến viếng thăm kéo dài bảy ngày tới Thái Lan và Nhật Bản.
Sau khi được chào đón chính thức tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok và gặp Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ĐTC Phanxicô đã phát biểu với các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo và các thành viên của các ngoại giao đoàn.
ĐTC Phanxicô đã gọi vấn đề di cư là “một trong những dấu hiệu xác định thời đại của chúng ta” và đồng thời cũng chính là “một trong những vấn đề luân lý có ý nghĩa quan trọng mà thế hệ chúng ta hiện đang phải đối mặt”.
ĐTC Phanxicô cho biết Ngài hy vọng “cộng đồng quốc tế sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn xa để giải quyết các vấn đề vốn dẫn đến cuộc di cư bi thảm này và đồng thời sẽ thúc đẩy việc di cư an toàn, có trật tự và có quy định”.
“Cuộc khủng hoảng di cư không thể bị bỏ qua”, ĐTC Phanxicô nói. “Bản thân Thái Lan, được biết đến với sự chào đón mà nó đã cung cấp cho những người di cư và những người tị nạn, đã trải nghiệm cuộc khủng hoảng này như là kết quả của cuộc chạy trốn bi thảm của những người tị nạn từ các quốc gia lân cận”.
Theo báo cáo năm 2019 của nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc về vấn đề di cư ở Thái Lan, trong tổng số 69 triệu người hiện đang sinh sống ở Thái Lan, 4,9 triệu người không phải là người Thái, tăng 1,2 triệu người sau 5 năm. Các nhóm lớn nhất đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Thái Lan có khoảng 93.000 người tị nạn sống trong chín trại tập trung. Hầu hết họ đều là những người thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số đến từ Myanmar. Bangladesh hiện đang tiếp đón hơn một triệu người tị nạn Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Thái Lan là “người bảo vệ các truyền thống văn hóa và tâm linh lâu đời”, một quốc gia đa sắc tộc và đa dạng, vốn từ lâu đã “nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng sự hòa hợp và việc cùng nhau chung sống hòa bình giữa nhiều nhóm sắc tộc của họ”.
Nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong nghành công nghiệp bán dâm và ngành dịch vụ giúp việc nhà, là một vấn đề nghiêm trọng tại Thái Lan, theo Đạo luật Hợp tác chống Nạn buôn người của Liên Hợp Quốc.
“Thái Lan được công nhận như là điểm đến chính của nạn buôn người ở khu vực sông Mê Kông ngoài việc là một quốc gia xuất xứ và quá cảnh đối với tình trạng lao động cưỡng bức và buôn bán tình dục”, theo Liên Hợp Quốc.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo Thái Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chú ý đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em “những người bị tổn thương, bị vi phạm và bị đe dọa bởi nhiều hình thức bóc lột, nô lệ, bạo lực và lạm dụng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Thái Lan “để tiêu diệt tai họa này” và “những người nỗ lực làm việc để tiêu diệt tội ác này”.
“Tương lai các dân tộc của chúng ta được liên kết với cách thức chúng ta sẽ đảm bảo một tương lai phù hợp với phẩm giá cho con cái của chúng ta”, ĐTC Phanxicô nói.
ĐTC Phanxicô cũng đã nhận xét ngắn gọn về tình hình chính trị ở Thái Lan, đồng thời chúc mừng nước này vì đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 vốn đã đưa ông Prayut lên làm Thủ tướng. Sau khi không có đảng hay liên minh nào của các đảng phái có thể thành lập chính phủ, quốc hội đã bỏ phiếu cho vị Đại tướng này tiếp tục tại vị.
Nhưng, chủ yếu, ĐTC Phanxicô đã tập trung vào Thái Lan như một đất nước đa dạng về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo, mặc dù khoảng 90% dân số theo đạo Phật.
“Thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự toàn cầu hóa vốn thường được nhìn dưới góc độ kinh tế eo hẹp, có xu hướng xóa đi những đặc điểm nổi bật vốn hình thành nên vẻ đẹp và linh hồn của các dân tộc của chúng ta”, ĐTC Phanxicô nói. “Tuy nhiên, kinh nghiệm về một sự thống nhất vốn tôn trọng và dành chỗ cho sự đa dạng đóng vai trò như là nguồn cảm hứng và khích lệ cho tất cả những ai quan tâm về hình thức của một thế giới mà chúng ta muốn để lại cho con cái chúng ta”.
Đức Thánh Cha đã khẳng định cam kết của cộng đồng Công giáo Thái Lan “nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ và sôi nổi” để đối đầu với “tất cả điều sẽ khiến chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu khóc của nhiều anh chị em của chúng ta, những người khao khát được giải thoát khỏi cái ách của tình trạng nghèo đói, bạo lực và bất công”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cái tên Thái Lan theo nghĩa đen có nghĩa là “Vùng đất Tự do”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “tự do chỉ có thể có nếu như chúng ta có khả năng cảm thấy tinh thần đồng trách nhiệm với nhau và đồng thời loại bỏ tất cả mọi hình thức của sự bất bình đẳng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết rằng điều quan trọng đó chính là đảm bảo rằng các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận với giáo dục, lao động phù hợp với phẩm giá và chăm sóc sức khỏe để đạt được “mức độ bền vững tối thiểu vốn có thể cho phép sự phát triển con người toàn diện”.
Minh Tuệ (theo UCA News)