ĐTC Phanxicô đã khuyến khích các Kitô hữu, các thanh thiếu niên khu vực Địa Trung Hải, cũng như tất cả mọi người có thành tâm thiện chí hãy “xem sự hiện diện của những người nhập cư chính là một cơ hội cho sự phát triển, gặp gỡ và đối thoại của con người; cũng như là một cơ hội loan báo và làm chứng cho Tin Mừng bác ái”.
ĐTC Phanxicô đã phát biểu tại một hội nghị nhằm thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn trên khắp khu vực Địa Trung Hải, và đồng thời hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của họ sẽ thúc đẩy một “cam kết quảng đại hơn nữa nhằm nuôi dưỡng một nền văn hoá đón nhận và liên đới, và đồng thời thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc”.
Giáo phận Ugento-S. Maria di Leuca – tọa lạc tại Puglia, nằm ở gót giày của nước Ý – đã tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề: “Địa Trung Hải: Hải cảng của Tình huynh đệ” diễn ra từ ngày 10/8 đến ngày 14/8 vừa qua.
Sự kiện, được đồng tài trợ bởi cộng đồng Sant’Egidio, đã diễn ra lần thứ hai. Năm 2016, họ đã cùng nhau gặp gỡ tại cuộc hội thảo với chủ đề: “Địa Trung Hải: Đại dương của những cầu nối; chứ không phải của sự chết chóc”.
Hội nghị diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Santa Maria di Leuca, và năm nay hội nghị có sự hiện diện của các thành viên đến từ Hội đồng Giám mục Ý (CEI), tổ chức Caritas, Pax Christi, Focsiv (một Tổ chức Kitô giáo bao gồm các tình nguyện viên quốc tế của Ý), và Migrantes (một cơ quan trợ giúp những người di cư); cũng như các bạn trẻ đến từ hơn 30 quốc gia.
Trong thông điệp của mình, ĐTC Phanxicô đã khuyến khích các Kitô hữu, các thanh thiếu niên khu vực Địa Trung Hải, cũng như tất cả mọi người có thành tâm thiện chí hãy “xem sự hiện diện của những người nhập cư chính là một cơ hội cho sự phát triển, gặp gỡ và đối thoại của con người; cũng như là một cơ hội loan báo và làm chứng cho Tin Mừng bác ái”.
ĐTC Phanxicô đã khuyến khích họ, bằng các công việc tốt đẹp của mình, vốn lên đến đỉnh điểm bằng việc ký kết Hiến chương Lueca, cam kết sự sẵn lòng của người ký tên “để bảo vệ, tái thiết và kết nối những cây cầu nối nối liền các quốc gia Địa Trung Hải”.
Tài liệu ban đầu được công bố trong ấn bản năm 2016 của sự kiện, và được đệ trình ĐTC Phanxicô vào ngày 22 tháng 10.
Hiến chương này là nhằm tạo ra “những hành lang nhân đạo mới và mở rộng hơn” đối với những người phải chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh và xung đột; việc ban hành các quy định rõ ràng đối với thương mại vũ khí; và việc đầu tư vào việc khai phá đối với việc bảo đảm “quyền được ở lại trong hòa bình cũng như trong các cộng đồng” của người dân, với hy vọng hướng tới một tương lai tươi sang.
Ý đã trở thành điểm đến phổ biến đối với những người phải chạy trốn khỏi cảnh bạo lực và nghèo đói tại Syria, Iraq, Libya, cũng như nhiều khu vực khác tại châu Phi và Trung Đông.
Hơn 180.000 người di cư và người tị nạn đã đến Italy chỉ trong năm 2016.
Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 18 tháng 6, tuần lễ Liên hợp quốc đánh dấu Ngày Tị nạn Thế giới, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh “ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta phải hỗ trợ những người tị nạn”.
ĐTC Phanxicô cũng đã ghi nhận “những câu chuyện đầy đau đớn và hy vọng” của những người phụ nữ, những người đàn ông và trẻ em đã phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, bách hại cũng như các hình thức bạo lực khác. ĐTC Phanxicô cũng đã cầu nguyện cho những nạn nhân đã thiệt mạng trong suốt cuộc hành trình.
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng bằng cách chia sẻ những câu chuyện của họ, những người tị nạn có thể “làm tan biến những nỗi lo sợ cũng như những ý thức hệ méo mó, đồng thời giúp nhân loại phát triển, và giúp tạo ra không gian cho cảm thức về sự cởi mở cũng như việc xây dựng những cây cầu nối”.
Minh Tuệ chuyển ngữ