ĐTC Phanxicô: “Giới truyền thông cần đưa ra một bức tranh toàn cảnh về những người nhập cư”

Hôm nay, thứ Sáu 7/4, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng khi đề cập đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, các phương tiện truyền thông cần phải chấm dứt những khuôn mẫu tiêu cực và đồng thời phải giải thích bức tranh toàn cảnh, nhằm làm sáng tỏ những nguyên nhân đằng sau việc di cư của họ.

Pope_Francis_on_the_papal_flight_from_Rome_Italy_to_Quito_Ecuador_on_July_5_2015_Credit_Alan_Holdren_CNA“Các phương tiện thông tin đại chúng cần phải được hướng dẫn bởi sự cần thiết phải giải thích các khía cạnh khác nhau của vấn đề di dân, đồng thời phải khiến cho công chúng nhận thức rõ nguyên nhân của hiện tượng này”, ĐTC Phanxicô phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 7/4.

“Việc vi phạm nhân quyền, các cuộc xung đột bạo lực trong tình trạng bất ổn xã hội, việc thiếu thốn các nhu yếu phẩm cơ bản, các thảm họa thiên nhiên cũng như nhân tai do con người gây ra: tất cả những điều này cần phải được công bố một cách rõ ràng hầu cho phép công chúng có thể hiểu đúng về hiện tượng di dân, vì thế, có được cách tiếp cận đúng đắn”.

Những nhận định của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới với tờ LibertàCivili của Ý, được xuất bản hai tháng một lần bởi Bộ Nội vụ Ý.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô đã đả kích kịch liệt những người làm việc trong các phương tiện truyền thông đã duy trì những khuôn mẫu tiêu cực đối với những người di cư cũng như những người tị nạn, đặc biệt là khi họ dựa vào những thông tin sai lệch.

“Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy họ nói về ‘tình trạng bất hợp pháp’ như một sự đồng nghĩa với những người nhập cư. Điều này là không chính xác; đó là thông tin bắt đầu từ một cơ sở hoàn toàn không chính xác và đồng thời thúc đẩy công chúng gia tăng một ý kiến tiêu cực”, ĐTC Phanxicô nói.

Điều này cho thấy sự ám ảnh của giới truyền thông với chủ nghĩa giật gân và những câu chuyện tiêu cực nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, ĐTC Phanxicô giải thích. Chúng ta luôn luôn nghe thấy bất kỳ  điều xấu xa nào mà những người di dân hoặc những người tị nạn đã làm, thế nhưng những câu chuyện kể về những điều tốt đẹp của họ thì quả là những”tin tức hiếm hoi”.

Những thông tin tốt đẹp là những thứ có thể “phá vỡ bức tường của sự sợ hãi cũng như sự thờ ơ”, ĐTC Phanxicô tiếp tục. Chỉ khi các phương tiện truyền thông, thông qua những hình ảnh và câu chuyện, trình bày về những khía cạnh của con người, chúng ta mới có thể vượt qua những khuôn mẫu cũng như những nỗi sợ hãi để thực sự gặp gỡ và chào đón người khác.

Đối với các Kitô hữu, “việc hội nhập hòa bình giữa những người thuộc các nền văn hoá khác nhau” chính là phản ánh tính phổ biến hay tính phổ quát của Giáo Hội, bởi vì “sự đa dạng sắc tộc và văn hoá chính là một chiều kích của đời sống Giáo Hội mà Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã mở ra cho tất cả mọi người”, ĐTC Phanxicô nói.

Nếu được xử lý một cách nhân đạo, vấn đề di cư sẽ tạo cơ hội gặp gỡ và phát triển cho tất cả mọi người, ĐTC Phanxicô tiếp tục.

“Chúng ta không được đánh mất ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm huynh đệ. Việc bảo vệ con người không hề có một rào cản nào; tất cả chúng ta đều hiệp nhất với nhau trong việc muốn đảm bảo một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người, kể cả các trẻ em bị buộc phải từ bỏ đất đai và quê hương xứ sở của họ. Quả thực, không có sự khác biệt về niềm tin nào có thể chống lại ý muốn này”.

Châu Âu và các khu vực khác trên thế giới hiện ở trong một “thời khắc quan trọng” khi nói về vấn đề di cư cũng như việc quản lý các chính sách di cư, ĐTC Phanxicô cho biết. Các nhà lãnh đạo cần phải có một “tầm nhìn xa và gắn kết” cũng như “sự tôn trọng đầy thận trọng đối với các quyền cơ bản của con người” nhằm tạo ra các chính sách chấm dứt những nguyên nhân của việc di dân bắt buộc.

Lặp đi lặp lại những điều mà Ngài thường nói về các chính sách này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng phải có sự hợp tác quốc tế về vấn đề tôn trọng đối với cả quốc gia đón tiếp cũng như những người được đón tiếp, và những người được đón tiếp nơi quốc gia mới cần phải tôn trọng pháp luật, các phong tục tập quán cũng như những truyền thống của đất nước mà họ hiện đang được cư trú.

Cũng vậy, châu Âu cũng như các quốc gia khác cần phải nhớ rằng họ cũng đã từng phải trải qua những kinh nghiệm đối với cả vấn đề nhập cư và di cư “một cách hết sức khó khăn”.

“Sau chiến tranh, tình cảnh quả thực vô cùng khó khăn đối với hàng triệu người châu Âu – những người đã thường xuyên phải cùng với cả gia đình của họ vượt biển để lên đường tới Nam Mỹ và Hoa Kỳ!”, ĐTC Phanxicô cho biết.

“Đó không phải là một trải nghiệm dễ dàng thậm chí ngay cả đối với họ. Họ phải chịu gánh nặng khi bị người ta coi là những kẻ xa lạ, họ đến từ những nơi xa xôi và một tiếng địa phương bẻ đôi cũng chẳng biết. Đó quả là một quá trình hội nhập không hề dễ dàng chút nào”.

Vào ngày 1/1 năm nay, ĐTC Phanxicô đã thành lập một Hội đồng Giáo Hoàng về Tị nạn và Di Dân thuộc Bộ Cổ võ Sự Phát Triển Con Người Toàn diện. ĐTC Phanxicô đã làm như vậy, bởi vì “hàng triệu người nhập cư, những người tị nạn, những người bị buộc phải di dời cũng như các nạn nhân của nạn buôn người cần được chăm sóc đặc biệt”.

Phản ánh sự cương quyết mạnh mẽ mà Ngài đã đặt lên vấn đề di dân trong suốt Triều đại Giáo Hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã tự phụ trách vấn đề này, “ít nhất là trong một khoảng thời gian”, ĐTC Phanxicô nói.

“Nhiệm vụ chính của Bộ này đó là nhằm hỗ trợ Giáo Hội và các linh mục – địa phương, khu vực và quốc tế – trong việc đồng hành với người dân trong mọi giai đoạn của quá trình di cư”, ĐTC Phanxicô nói.

ĐTC Phanxicô cho biết rằng đối với Ngài, Ngài đặc biệt nhớ đến những người phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, bách hại, các thảm họa thiên nhiên hoặc nhân tai do con người gây ra, cũng như nạn nhân của nạn buôn người, những người đang trong tình trạng bị bóc lột, đặc biệt là các lao động di dân, phụ nữ, các thanh thiếu niên và trẻ em.

Cũng như trong quá khứ, di dân chính là những người “làm giàu cho xã hội chúng ta”, ĐTC Phanxicô nói. “Chúng ta cần phải học hỏi nhiều điều từ quá khứ; điều quan trọng là phải hành động với một nhận thức, mà không làm khuấy động sự sợ hãi của những người ngoại kiều”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết