Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một buổi tiếp kiến riêng tại Santa Marta vào buổi chiều hôm thứ Hai 6/11 vừa qua với các thành viên của tổ chức ‘The Elders’, một nhóm các nhà lãnh đạo toàn cầu hoạt động vì hòa bình và nhân quyền trên toàn thế giới.
‘The Elders’ được thành lập cách đây 10 năm bởi cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và hiện đang đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm với một chiến dịch mang tên “Cùng sát cánh bên nhau” (Walk Together) – tiếp tục cuộc hành trình dai dẳng của cựu Tổng thống Mandela đến với tự do.
Ngay sau buổi hội tiếp, Philippa Hitchen, công tác viên Vatican Radio, đã nói chuyện với hai thành viên sáng lập của tổ chức ‘The Elders’, cựu Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan và bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ailen, cựu ủy viên cao cấp của LHQ về quyền con người, và gần đây hơn là đặc phái viên của LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu. Philippa đã bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi ông Kofi Annan về những vấn đề mà họ đã có thể thảo luận trong cuộc hội kiến với ĐTC Phanxicô …
Cựu lãnh đạo LHQ cho biết rằng điều đó là cực kì quan trọng đối với bốn đại diện của nhóm để có mặt tại Vatican vì họ chia sẻ nhiều lợi ích cũng như những giá trị chung. Ông cho biết tất cả đều muốn cam kết với ĐTC Phanxicô và đồng thời “thảo luận về việc làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực làm việc, làm thế nào để chúng ta có thể tập trung tất cả mọi nỗ lực vào một số những vấn đề này”.
Hòa bình, di dân, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới
Trong các lĩnh vực thảo luận, ông tiếp tục, đó chính là những vấn đề liên quan đến việc di dân, hòa bình, vũ khí hạt nhân, việc hòa giải và các cuộc xung đột, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu và bình đẳng giới, đó là “tầm quan trọng của việc trao cho phụ nữ tiếng nói và đồng thời tôn trọng vai trò của họ”. “Tôi hy vọng điều này sẽ trở thành vấn đề trước hết trong nhiều cuộc họp”.
Những nỗ lực chung để trở thành tiếng nói của những người bị gạt ra bên lề xã hội
Cựu Tổng thống Ai len, bà Mary Robinson, cho biết rằng nhóm này đã bày tỏ “sự đánh giá cao vai trò của mình và thực tế là bà, cũng giống như ‘The Elders’, đang cố gắng trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói và những người bị gạt ra bên lề xã hội, cố gắng đối phó với những khó khăn nhất trong các khu vực xung đột.
Bà cho biết tất cả cũng đã nói về các quốc gia bao gồm Venezuela và Congo, cũng như tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, tất cả những vấn đề, bà lưu ý, nơi mà “ĐTC Phanxicô đã đưa ra những chỉ dẫn của mình”.
Những giá trị chung, ý thức chung về mục đích
Bà Robinson cho biết rằng bà cũng cảm nhận được “sự ấm áp và tình cảm cũng như sự hài hước” trong cuộc gặp gỡ của họ với ĐTC Phanxicô. “Tôi đã rất ấn tượng bởi cảm giác thoải mái biết bao nhiêu khi được tiếp xúc với ĐTC Phanxicô, Ngài quả thực là một con người hài hước”, bà Robinson nói, đồng thời bà cũng cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dường như khiến cho mọi người “có cảm giác như đang ở nhà” khi họ thảo luận về “các giá trị chung, mục đích đạo đức chung, và những vấn đề chung”.
Tôi thiết nghĩ ĐTC Phanxicô có thể sẽ trở thành một ‘Elder’ trong tương lai, ông Annan và bà Robinson đều nhất trí, “Tôi thiết nghĩ Ngài sẽ trở thành một Super Elder”.
Trong những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ trình bày thêm những trích đoạn từ cuộc phỏng vấn này, chẳng hạn như việc ông Kofi Annan và bà Mary Robinson thảo luận về hội nghị khí hậu COP23, bình đẳng giới trong chính trị, vai trò của vấn đề ngoại giao và đàm phán hoà bình, di dân và những người tị nạn, cũng như tình hình tại Myanma khi ĐTC Phanxicô chuẩn bị thực hiện chuyến Tông du đến đây vào cuối tháng Mười Một sắp tới.
Minh Tuệ chuyển ngữ