Hôm thứ Năm 14/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên hiệp Tin Lành Thế giới (World Evangelical Alliance) hiện đang có mặt tại Rôma để thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ hơn với Giáo hội Công giáo, đặc biệt trong vấn đề tự do tôn giáo.
Liên hiệp Tin Lành Thế giới là một mạng lưới các Giáo hội Tin Lành tại 129 quốc gia đại diện cho hơn 600 triệu Kitô hữu Tin Lành trên toàn thế giới. Tổng thư ký của Hiệp hội này, Đức Giám Mục Efraim Tendero, đã dẫn đầu phái đoàn trong buổi hội kiến Giáo Hoàng và các cuộc hội đàm với Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo.
Đức Giám Mục Efraim Tendero đã có buổi nói chuyện với Philippa Hitchen về hy vọng tăng cường hợp tác thực tiễn với các tín hữu Công giáo ở các quốc gia trên thế giới.
Đức Giám Mục Efraim cho biết ngài mang đến ĐTC Phanxicô “lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn” trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, thúc đẩy việc phân phát Kinh Thánh và giải quyết các vấn đề về công bằng xã hội. “Chúng tôi muốn nhìn thấy thế giới này là một nơi mà hòa bình, công lý và chính trực thống trị”, Đức Giám Mục Efraim nói, “nơi mà tất cả mọi người đều có được mức sống phù hợp, và là nơi mà Đức Giêsu Kitô được công nhận là Chúa của tất cả mọi người”.
Việc tìm kiếm chương trình nghị sự chung
Đức Giám Mục Efraim lưu ý rằng Liên hiệp Tin Lành Thế giới và Hội đồng Giáo Hoàng vừa mới trải qua bảy năm đối thoại, đỉnh điểm là một tài liệu chung về Kinh Thánh và Truyền thống. Trong khi những khác biệt thần học vẫn còn tồn tại, Đức Giám Mục Efraim nói, quả thực là ngày càng quan trọng việc “tìm kiếm một chương trình nghị sự chung”, chứ không phải là “chú trọng vào những điều khác biệt cũng như những điều gây chia rẽ chúng ta”.
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Thế giới, Đức Giám mục Efraim đã phục vụ hơn 20 năm với cương vị là Giám đốc Quốc gia của Hội đồng các Giáo hội Tin Lành Philippines và Chủ tịch Cơ quan Hỗ trợ và Phát triển Philippines, hoạt động trong việc hỗ trợ người nghèo và những người thiếu thốn.
Tinh thần đại kết tại Philippines
Ở một quốc gia có 80% là người Công Giáo Roma, Đức Giám mục Efraim cho biết rằng các mối quan hệ đại kết quả là rất tốt đẹp và gần đây ngài được đề nghị giảng tĩnh tâm cho Hội đồng Giám mục Philipinnes. Cũng có một tinh thần hợp tác chặt chẽ đối với các vấn đề như nạn buôn người, chống biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, thúc đẩy hòa bình, cứu trợ và phát triển cho các nạn nhân của nhiều cơn bão ảnh hưởng đến khu vực.
Ngoài ra, hiện diện tại buổi hội kiến Đức Thánh Cha còn có Đức Cha Thomas K. Johnson, Đại sứ Tự do Tôn giáo của Liên hiệp Tin Lành Thế giới tại Vatican.
Tình trạng bách hại tôn giáo hiện đang ngày càng tồi tệ hơn đối với các Kitô hữu
Đức Cha Johnson ghi nhận vấn đề không chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể nào trên thế giới mà còn cho biết rằng ba năm vừa qua, chúng ta đã có thể chứng kiến cuộc bách hại tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội Kitô giáo.
Đức Cha Johnson nhắc lại việc thương nghị quốc tế quan trọng diễn ra cách đây hai năm ở thủ đô Tirana của Albania về tình trạng phân biệt đối xử, bách hại và tử đạo.
Hy vọng về các tài liệu giáo dục chung
Trong khi Đức Cha Johnson thừa nhận việc vẫn có những vấn đề về tình trạng phân biệt đối xử giữa các tín hữu Tin Lành và người Công giáo ở một số quốc gia, ngài cũng cho biết thêm rằng Giáo hội luôn cảm thấy “được hoan nghênh tại Vatican”.
Là một giáo sư triết học và chuyên gia về nhân quyền, Đức Cha Johnson đặc biệt quan tâm đến việc các tín hữu Công Giáo và Tin Lành xuất bản “những tài liệu giáo dục mà chúng ta đã cùng nhau khai triển”. Trong khi không ai mong đợi bất kỳ tuyên bố quan trọng nào từ cuộc họp hôm thứ Năm, Đức Cha Johnson cho biết những bước tiến khiêm tốn được thực hiện có thể dẫn đến “một liên minh rộng rãi hơn trong nhiều năm” và đồng thời củng cố thông điệp rằng “các Kitô hữu thuộc tất cả mọi giáo phái cần phải bảo vệ lẫn nhau”.
Minh Tuệ (theo Radio Vatican)