Tông huấn Evangelii nuntiandi của Thánh Phaolô VI “là magna carta của việc truyền giáo trong thế giới đương đại: nó là hiện tại, nó được viết vào năm 1975 nhưng nó như thể mới được viết ngày hôm qua, nó là hiện tại”.
Đức Thánh Cha nói điều này trong bài giáo lý của buổi tiếp kiến chung hôm qua, được đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô và dành riêng để nói về lòng nhiệt thành tông đồ.
“Phúc âm hóa không chỉ là một sự thông truyền giáo lý và luân lý đơn thuần, trước hết nó là một chứng tá”, ĐTC Phanxicô nhắc lại: “Người ta không thể rao giảng Tin Mừng mà không có chứng tá, làm chứng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể mà ơn cứu độ đã được hoàn thành. Một chứng tá không thể thiếu bởi vì, trước hết, thế giới cần các nhà truyền giáo nói với nó về một Thiên Chúa mà họ biết và quen thuộc với họ.
“Đó không phải là truyền đạt một ý thức hệ, một học thuyết về Thiên Chúa, mà là thông truyền Thiên Chúa, Đấng trở thành sự sống trong tôi, đó là chứng tá”, ngài nói thêm: “Bởi vì con người đương đại sẵn sàng lắng nghe các nhân chứng hơn là các thày dạy. Do đó, chứng tá về Chúa Kitô đồng thời là phương tiện đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng và là điều kiện thiết yếu cho hiệu quả của nó, nếu việc loan báo Tin Mừng có kết quả. Để làm nhân chứng”.