
Đức Hồng Y Peter Turkson, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, trong đoàn đồng tế sau khi cử hành Thánh lễ đánh dấu Ngày Thế giới Bệnh nhân được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican, ngày 11 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng y Peter Turkson, 73 tuổi, làm tân Chưởng Ấn của cả Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học lẫn Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, Vatican công bố hôm 4 tháng 4.
Đức Hồng y Turkson kế nhiệm vị Giám chức người Argentina, Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, người sẽ bước sang tuổi 80 vào tháng 9 năm sau và là Chưởng Ấn của các Viện Hàn lâm Giáo hoàng kể từ năm 1998.
Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học được thành lập tại Rôma vào năm 1603 với tư cách là học viện khoa học độc quyền đầu tiên trên thế giới. Viện Hàn lâm này đã chỉ định Galileo Galilei làm thành viên vào năm 1610. Viện Hàn lâm này có phạm vi quốc tế, đa chủng tộc về thành phần và không mang tính chất giáo phái trong việc lựa chọn các thành viên. Các hoạt động của Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học bao gồm từ sự quan tâm truyền thống đối với nghiên cứu thuần túy cho đến mối quan tâm đến trách nhiệm về luân lý và môi trường của cộng đồng khoa học.
Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1994. Mục đích của Viện Hàn lâm này đó là “thúc đẩy việc nghiên cứu và tiến bộ của các ngành khoa học xã hội, kinh tế, chính trị và luật học, và do đó cung cấp cho Giáo hội những yếu tố mà Giáo hội có thể sử dụng trong việc nghiên cứu và phát triển Học thuyết xã hội của mình” (“Vitae Mysterium”, số 1).
Cuộc bổ nhiệm hôm 4 tháng 4 không có gì ngạc nhiên. Đã có những lời đồn đoán trong một khoảng thời gian rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bổ nhiệm vị Hồng y người Ghana nổi tiếng quốc tế và được nhiều người yêu mến vào một vị trí cấp cao khác trong Tòa Thánh sau khi ngài hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện. Vào thời điểm đó, Đức Hồng y Turkson là vị Giám chức người châu Phi cấp cao nhất làm việc tại Giáo triều Rôma. Vào tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Đức Hồng y Michael Czerny thuộc Dòng Tên sẽ kế nhiệm Đức Hồng y Turkson với tư cách là người đứng đầu lâm thời của Thánh Bộ này.

Đức Hồng y Michael Czerny người Canada đến dự một mật nghị do Giáo hoàng Phanxicô chủ trì tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 5 tháng 10 năm 2019. (Ảnh: CNS / Paul Haring)
Kể từ năm 2009, Đức Hồng Y Turkson đã đại diện cho Tòa Thánh ở các cấp cao nhất trên trường quốc tế, bao gồm cả tại các hội nghị của Liên Hợp Quốc và tại hội nghị thượng đỉnh Davos ở Thụy Sĩ. Đức Hồng Y Turkson đã tham gia cùng với các bộ trưởng của các chính phủ tại tất cả các lục địa và được các Giáo hội trên toàn cầu biết đến. Ngài cũng đã đề cập đến rất nhiều chủ đề quan trọng trong lĩnh vực công bằng xã hội, nhân quyền, hòa bình, môi trường và gần đây là về đại dịch và việc hướng tới thế giới hậu đại dịch.
Vị trí mới của Đức Hồng Y Turkson cho phép ngài có được sự tự do hơn cũng như cho phép ngài tiếp tục theo cùng một hướng, tập trung vào các vấn đề cụ thể có tầm quan trọng toàn cầu mà không phải chịu gánh nặng về việc phải quản lý một bộ phận phức tạp với khoảng 70 nhân viên, như ngài đã làm trong 5 năm qua trong Thánh Bộ về sự phát triển của con người.
Sinh ra trong một gia đình có 10 người con ở Tây Ghana, Đức Hồng Y Turkson đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa vào năm 2012: “Chú của tôi là một người Hồi giáo. Chúng tôi đã sống cùng với nhau; chúng tôi không có bất kỳ dấu vết nào của sự sợ hãi đối với Hồi giáo trong gia đình tôi. Mẹ tôi là một tín đồ thuộc Giáo hội Giám lý, cha tôi là một người Công giáo. Đây là một gia đình liên tôn và bối cảnh mà trong đó tôi đã lớn lên”. Đức Hồng Y Turkson nói rằng chú của ngài đã chăm sóc ngài khi ngài còn là một cậu bé, và “khi chú tôi ở tuổi xế chiều, tôi đã chăm sóc chú cho đến khi chú qua đời”.
Đức Hồng y Turkson theo học trong các Chủng viện ở Ghana và New York và được thụ phong Linh mục vào năm 1975. Sau khi làm công việc mục vụ trong vài năm, vị Giám mục của Đức Hồng y Turkson đã cử ngài đến Rôma để học Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh, nơi ngài đã đạt được bằng Cử nhân và Tiến sĩ nghiên cứu Kinh Thánh. Đức Hồng y Turkson nói được một số ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Đức.
Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ định Đức Hồng y Turkson làm Tổng Giám mục Địa phận Cape Coast, Ghana vào năm 1992, và bổ nhiệm ngài làm Hồng y trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình vào năm 2003. Vào năm 2009, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã triệu tập Đức Hồng y Turkson đến Rôma để giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bổ nhiệm Đức Hồng y Turkson trong chức vụ sau này và sau đó, như một phần của cuộc cải tổ Giáo triều Rôma, đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Trưởng tiên khởi của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện mới. Thánh Bộ này ra đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2017, sau khi sáp nhập một số Hội đồng Giáo hoàng vào đó, bao gồm cả Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình mà Đức Hồng y Turkson đã lãnh đạo.
Đức Hồng y Turkson đã tham dự hai Mật nghị bầu chọn Giáo hoàng gần đây nhất — vào năm 2005 và năm 2013 — và được truyền thông quốc tế liệt kê trong danh sách “papabile”, hoặc ứng cử viên sáng giá có khả năng được bầu làm Giáo hoàng, tại mật nghị cuối cùng. Đức Hồng y Turkson hết sức thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô và cuộc bổ nhiệm hôm 4 tháng 4 là một lời khẳng định cho mối tương quan đó.
Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học có 80 Viện sĩ Hàn lâm Giáo hoàng — các nhà khoa học và học giả đến từ khắp nơi trên thế giới, những người đã có những đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực nỗ lực khoa học của họ. Họ được Đức Giáo hoàng đề cử trọn đời sau khi được bầu chọn bởi cơ quan của các viện sĩ. Hàn Lâm viện Giáo hoàng là một thực thể độc lập trong Tòa thánh và được điều hành bởi một vị Chủ tịch, người được Đức Giáo hoàng đề cử trong số các viện sĩ. Chủ tịch Hàn Lâm viện được hỗ trợ bởi Chưởng Ấn, người cũng được đề cử bởi Đức Giáo hoàng.
Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội có “không dưới 20 và không quá 40 nam và nữ” Viện sĩ Hàn lâm Giáo hoàng “đại diện một cách thích hợp cho các lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội và các khu vực địa lý”. Họ được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm “sau khi được đề cử bởi cơ quan Hàn lâm viện trên cơ sở năng lực và những đóng góp xuất sắc của họ trong lĩnh vực khoa học xã hội, cũng như tính toàn vẹn đạo đức của họ”. Hàn Lâm viện này được lãnh đạo bởi một Chủ tịch và được hỗ trợ bởi một Chưởng Ấn, cả hai đều được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm. Chưởng Ấn điều hành Hàn Lâm viện một cách hiệu quả.
Cả hai Hàn Lâm viện Giáo hoàng đều có trụ sở chính tại Casina Pio IV ở Thành phố Vatican. Được hoàn thành vào năm 1561 với tư cách là nơi ở vào mùa hè dành cho Đức Giáo hoàng Piô IV và được bao quanh bởi những tán cây và bãi cỏ của khu vườn Vatican, Casina là một kho báu được bảo tồn rất tốt với các bức bích họa có niên đại từ thế kỷ 16, những bức phù điêu bằng vữa, các bức tranh khảm và các đài phun nước. Chưởng Ấn có thể chọn cư trú ở đó.
Đính chính: Phiên bản trước đó của bài báo này không đề cập đến việc Đức Hồng y Turkson được bổ nhiệm làm Chưởng Ấn của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học ngoài Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Hiện bài báo đã được cập nhật thông tin đầy đủ.
Gerard O’Connell
** Gerard O’Connell là thông tín viên tại Vatican của tờ America và là tác giả của cuốn “Cuộc bầu cử của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Câu chuyện bên trong Mật nghị vốn đã thay đổi lịch sử”. Ông đã làm việc cho Vatican từ năm 1985.
Minh Tuệ (theo America)