ĐTC Phanxicô cầu xin Đức Maria 'Mẹ của Niềm Hy vọng' cầu bầu cho các Kitô hữu bị bách hại ở Nigeria

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước Đức Mẹ Fatima ngày 13 tháng 5 năm 2015 (Ảnh: Daniel Ibanez / CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Fatima ngày 13 tháng 5 năm 2015 (Ảnh: Daniel Ibanez / CNA)

Hôm thứ Bảy 15/8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, “Mẹ của Niềm Hy vọng”, cầu bầu cho các Kitô hữu bị bách hại ở Nigeria và cho hòa bình trong các cuộc xung đột ở Châu Phi.

“Hôm nay, tôi muốn cầu nguyện đặc biệt cho người dân ở khu vực phía bắc Nigeria, những nạn nhân của bạo lực và các vụ tấn công khủng bố”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài chia sẻ trong giờ kinh Truyền Tin hôm 15/8.

 “Đức Trinh Nữ Maria mà hôm nay chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng trong vinh quang Thiên Quốc là ‘Mẹ của Niềm Hy vọng’”, ĐTC Phanxicô nói. “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho tất cả những hoàn cảnh trên thế giới hiện đang cần hy vọng nhất: hy vọng về hòa bình, công lý, hy vọng về một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá”.

Cho đến nay, hơn 600 Kitô hữu tại Nigeria đã bị giết hại vào năm 2020, theo một báo cáo vào ngày 15/5 của tổ chức nhân quyền Nigeria, Hiệp hội quốc tế về Tự do Dân sự và Luật pháp (Intersociety). Báo cáo tương tự cho thấy có tới 12.000 Kitô hữu đã bị giết hại tại Nigeria kể từ tháng 6 năm 2015.

Các Kitô hữu tại Nigeria đã bị chặt đầu và bị thiêu chết, các trang trại bị phóng hỏa, các Linh mục và Chủng sinh bị nhắm mục tiêu bắt cóc và đòi tiền chuộc.

Vào tháng 7, các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Tây Phi (ISWAP) đã đăng một đoạn video về vụ hành quyết 5 nhân viên cứu trợ Kitô giáo bị bắt cóc. ISWAP là một phe ly khai của Boko Haram, một nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác ở Nigeria.

Đức Giám mục Matthew Hassan Kukah Địa phận Sokoto, Nigeria đã phát biểu với tổ chức từ thiện Công giáo mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) rằng bạo lực có hệ thống có thể cấu thành tội ác diệt chủng, đồng thời cũng cho biết thêm rằng nhiều người Hồi giáo cũng là nạn nhân của các vụ bạo lực.

“Sự kém hiệu quả của quân đội đã khiến những kẻ khủng bố trở nên táo bạo hơn và cũng có những vấn đề về sự đồng lõa của các cấp khác nhau trong quân đội”, Đức Cha Kukah cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 6 tháng 8.

“Chúng tôi đã nghe những lời hứa hẹn từ Hoa Kỳ và Châu Âu và tất cả họ đều chẳng đưa ra bất kỳ động thái nào”, vị Giám chức Nigeria cho biết thêm.

Trong lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của bạo lực ở Nigeria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu mà gần đây đã được thêm vào Kinh Cầu Đức Bà: “Mẹ của Niềm Hy vọng”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận việc thêm ba lời khẩn cầu Đức Mẹ vào Kinh Cầu Đức Bà vào ngày 20 tháng Sáu.

“Ngay cả trong thời điểm hiện tại được đánh dấu bởi cảm giác của sự không chắc chắn và run sợ, Dân Chúa đã cảm nhận một cách sâu sắc lòng trông cậy tín thác và thành kính đối với Đức Mẹ”, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, viết trong một lá thư công bố các tước hiệu mới của Đức Mẹ.

Nhân Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết ngài đặc biệt chú ý đến các cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan liên quan đến sông Nile.

Việc xây dựng một con đập trên sông Nile là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các quốc gia kể từ khi Ethiopia bắt đầu dự án vào năm 2011 với việc Ai Cập và Sudan bày tỏ lo ngại rằng con đập ở thượng nguồn sẽ làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn nước. Ba quốc gia châu Phi đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán về con đập – dự kiến sẽ là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi – vào cuối tháng Bảy.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi ba quốc gia châu Phi tiếp tục “con đường đối thoại” để sông Nile “có thể tiếp tục là nguồn mạch của sự sống vốn gắn kết, chứ không chia rẽ, luôn nuôi dưỡng tình bằng hữu, sự thịnh vượng, tinh thần huynh đệ, và không bao giờ gây ra sự thù hằn, hiểu lầm hay các cuộc xung đột”.

“Hãy cùng nhau đối thoại, anh chị em Ai Cập, Ethiopia và Sudan thân mến, hãy để cho đối thoại luôn luôn là sự lựa chọn duy nhất của anh chị em, vì lợi ích của cộng đồng thân yêu của anh chị em và của toàn thế giới,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết