Sau giờ Kinh Truyền Tin hôm qua, Chúa nhật 1/7 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã đưa ra hàng loạt những lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới. ĐTC Phanxicô cũng cho biết Ngài cũng hiệp ý cầu nguyện cho một nhóm các học sinh đã bị mắc kẹt trong một hang động ở Thái Lan trong hơn một tuần qua và đồng thời suy nghĩ về tương lai đối với chuyến viếng thăm sắp tới của Ngài tới Bari.
Hôm Chúa nhật 1/7, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho “những người dân Nicaragua thân yêu”, và đồng thời cũng cho biết rằng Ngài mong muốn “tham gia vào những nỗ lực của các giám mục Nicaragua cũng như của nhiều người có thành tâm thiện chí đóng vai trò trung gian và nhân chứng trong quá trình đối thoại quốc gia đang diễn ra trên hành trình hướng đến dân chủ”.
ĐTC Phanxicô đã phát biểu với những người hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự giờ Kinh Truyền Tin.
Nicaragua
Vào tuần này, Phó Tổng thống Nicaragua đã nhắc lại cam kết của chính phủ đối với việc đối thoại và hòa bình, và đồng thời yêu cầu các tổ chức quốc tế lên án bạo lực gây ra bởi các nhóm đối lập vốn đã gần như ngừng hoạt động trong những tháng gần đây vàđã dẫn đến các cuộc đụng độ đẫm máu giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát.
Hội đồng Giám mục của quốc gia này cũng đã đưa ra một lập trường mạnh mẽ thúc giục các bên cố thủ trở lại bàn đàm phán hòa bình.
Syria
ĐTC Phanxicô sau đó đã lên án tình hình nghiêm trọng đang xảy ra tại Syria, đặc biệt là các vụ tấn công gần đây ở tỉnh Daraa, “nơi mà hoạt động quân sự trong những ngày qua thậm chí đã tấn công vào các trường học và bệnh viện”, buộc hàng ngàn người tị nạn mới phải chạy trốn khỏi nhà cửa của họ.
“Cùng với những lời cầu nguyện của tôi, ĐTC Phanxicô nói, tôi muốn lặp lại những lời kêu gọi của mình để dân chúng, vốn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm, không còn phải chịu đựng đau khổ thêm nữa”.
Các cuộc hòa đàm giữa Ethiopia và Eritrea
“Giữa bối cảnh của vô số các cuộc xung đột, ĐTC Phanxicô nói, tôi muốn nhấn mạnh một sáng kiến có thể được mô tả như là mang tính lịch sử và tin tức tốt lành: trong những ngày này, sau 20 năm, các chính phủ Ethiopia và Eritrea đang tiến hành đàm phán hòa bình” .
Hai quốc gia, vốn chia sẻ chung một nền văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử, đã trở thành kẻ thù của nhau kể từ năm 1998 khi họ tiến hành chiến tranh về một thị trấn biên giới. Một thỏa thuận hòa bình đã được hai bên ký kết sau hai năm, nhưng không bên nào tuân thủ thỏa thuận này trong vòng 16 năm sau đó. Tuy nhiên, trong một bước đột phá quan trọng, tân thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, trong tuần này đã hứa hẹn sẽ tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận mở đường cho việc chấm dứt sự thù địch giữa hai nước, và đồng thời mở đường cho hòa bình.
ĐTC Phanxicô đã bày tỏ hy vọng rằng sáng kiến này sẽ trở nên “ánh sáng hy vọng cho hai quốc gia thuộc khu vực Sừng Châu Phi này cũng như cho toàn bộ lục địa châu Phi”.
Cầu nguyện cho nhóm học sinh người Thái bị mắc kẹt.
ĐTC Phanxicô cũng hướng những suy nghĩ của mình tới một nhóm các học sinh đã bị mắc kẹt trong một hang động dưới lòng đất ở Thái Lan trong hơn một tuần và đồng thời cho biết rằng Ngài cũng đang hiệp ý cầu nguyện cho họ.
Đội tìm kiếm cứu nạn đang cố gắng tiếp cận với 12 học sinh này, độ tuổi từ 12 đến 16 tuổi, cùng với huấn luyện viên bóng đá của các em trong một khu phức hợp hang động bị ngập được sử dụng máy bơm khổng lồ để giảm mực nước, cho phép thợ lặn đặt dây dẫn và bình oxy dọc theo tuyến đường đi.
Nỗ lực hôm Chúa nhật vựa qua đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên trong vài ngày trong một nỗ lực lớn nhằm tiếp cận với nhóm học sinh đã bị mất tích trong khu phức hợp hang động ở miền bắc Thái Lan trong vòng tám ngày qua.
Chuyến Tông du đến Bari
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô cũng hướng về chuyến Tông du của mình vào thứ bảy tuần sau, ngày 8 tháng 7, khi cho biết rằng Ngài sẽ viếng thăm thị trấn Bari thuộc miền nam nước Ý cùng với các nhà lãnh đạo Giáo hội và các cộng đồng dựa trên đức tin của Trung Đông.
“Chúng tôi sẽ cùng nhau tham gia ngày cầu nguyện và suy tư về tình hình hiện đang hết sức kịch tính của khu vực đó, nơi mà rất nhiều anh chị em của chúng ta trong đức tin tiếp tục phải chịu đựng đau khổ”.
“Với cùng chung một tiếng nói, ĐTC Phanxicô nói, chúng tôi sẽ cầu xin ‘Hòa bình đến với tất cả anh chị em’ “.
Và ĐTC Phanxicô cũng đã kêu gọi tất cả mọi người cùng hiệp ý trong lời cầu nguyện cho cuộc hành trính hướng tới hòa bình và tinh thần hiệp nhất này.
Minh Tuệ chuyển ngữ