VATICAN CITY – Hôm Chúa nhật 28/1 vừa qua, sau khi chủ sự giờ Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của hai vụ tấn công gần đây tại Afghanistan, đồng thời dành những giây phút thinh lặng để cầu nguyện cho hơn 100 nạn nhân đã thiệt mạng, hơn 200 người bị thương cùng với gia đình của họ.
“Hôm 27/1, chúng ta đã nhận được những tin tức đau buồn về vụ thảm sát khủng bố hết sức khủng khiếp được thực hiện tại thủ đô Kabul, Afghanistan, với gần một trăm người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương”, ĐTC Phanxicô cho biết hôm 28 tháng Giêng.
“Một vài ngày trước, một vụ tấn công nghiêm trọng khác, vẫn ở Kabul, đã gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc trong một khách sạn lớn”.
“Người dân Afghanistan sẽ phải chịu đựng tình trạng bạo lực vô nhân này trong bao lâu? Chúng ta hãy cùng nhau thinh lặng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân cùng với gia đình của họ; và chúng ta cũng hãy cùng nhau cầu nguyện cho tất cả mọi người dân ở nước này tiếp tục nỗ lực làm việc để cùng nhau xây dựng hòa bình”.
Hơn 100 người đã thiệt mạng, và hơn 200 người khác bị thương, bởi một vụ nổ vào ngày 27 tháng Giêng vừa qua tại Kabul, thủ đô của Afghanistan. Những kẻ tấn công đã lái một chiếc xe cứu thương chở theo một quả bom vào một con phố đông đúc, trong một khu vực của thành phố có nhiều toà nhà chính phủ và đại sứ quán.
Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất mà đất nước này đã phải trải qua trong những tháng gần đây, và chỉ một tuần sau khi một tay súng tấn công vào một khách sạn, cũng ở Kabul.
Ngày 20 tháng 1, một nhóm tay súng đã xông vào khách sạn Intercontinental ở Kabul, xả súng vào khách và cho phát nổ những trái lựu đạn, theo BBC đưa tin. Trận chiến giữa các tay súng và các lực lượng đặc nhiệm kéo dài trong vòng 12 giờ. Ít nhất 18 người thiệt mạng, trong đó có cả bốn tay súng.
Nhóm Hồi giáo cực đoan được biết đến với tên gọi là Taliban đã tuyên bố trách nhiệm đối với cả hai vụ tấn công trong tuần này.
Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô cho hòa bình tại Afghanistan đã được đưa ra sau khi Ngài chủ sự giờ Kinh Truyền Tin từ cửa sổ nhà nguyện Casa Santa Marta. Trong thông điệp của mình trước khi chủ sự giờ cầu nguyện, ĐTC Phanxicô đã suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng theo Thánh Mác-cô.
Trong trình thuật Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã giảng dạy trong đền thờ, “với những người có thẩm quyền”, và thực hiện việc trừ quỷ, trục xuất thần ô uế khỏi người đàn ông khi quát bảo nó rằng: “Hãy in đi và ra khỏi người này!”.
Ở đây, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã biểu lộ “kế hoạch của Thiên Chúa bằng lời nói và quyền năng của mình”, ĐTC Phanxicô nói.
“Thật vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu, trong sứ mạng trần gian của Người, đã tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa qua việc rao giảng và với vô số những cử chỉ của việc quan tâm và giúp đỡ những người đau yếu bệnh tật, những người nghèo, trẻ em và kể cả những người tội lỗi”.
Từ đó, chúng ta cũng học cách vượt qua những cuộc tranh đấu cũng như những cám dỗ của chính chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa. “Hãy suy ngẫm về ân sủng tuyệt vời ấy để chúng ta nhận biết Thiên Chúa quyền năng và vĩ đại dường nào! Một thầy dạy và là một người bạn đồng hành, một người chỉ cho chúng ta một lối đi và quan tâm đến chúng ta, đặc biệt là mỗi khi chúng ta thiếu thốn”, ĐTC Phanxicô nói.
Vào cuối giờ Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến dịp kỷ niệm Ngày Thế giới cầu nguyện cho các Bệnh nhân phong. “Thật không may, căn bệnh này vẫn ảnh hưởng đến những người thiệt thòi nhất và nghèo nhất. Với những anh chị em này, chúng ta cần phải khuyến khích sự gần gũi và tinh thần liên đới với họ; và đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho những người giúp đỡ họ và nỗ lực làm việc để giúp họ tái hòa nhập vào xã hội”, ĐTC Phanxicô nói.
Đức Hồng y Peter Turkson, người đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện cũng đã công bố một thông điệp nhân sự kiện này. Trong thông điệp của mình, ĐHY Turkson viết rằng quả thực đáng lo ngại rằng mặc dù có những nỗ lực hết sức mạnh mẽ, nhân loại vẫn chưa có khả năng loại trừ dứt khoát căn bệnh phong “đã có từ xưa” này.
Bệnh phong, cũng được gọi là Bệnh Hansen, vẫn tiếp tục là một vấn đề về sức khoẻ đáng kể, ĐHY Turkson nói, chủ yếu ảnh hưởng đến những người dân trong các điều kiện kinh tế xã hội bấp bênh.
Vào năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hiện thấy một sự tập trung đáng chú ý đối với căn bệnh này chỉ ở 14 quốc gia, trong đó chỉ chiếm 95% các ca mới. Ấn Độ, Brazil và Indonesia là những nước có tỷ lệ cao nhất.
Sự kỳ thị xã hội xung quanh căn bệnh này hiện vẫn còn là một trong những khó khăn, ĐHY Turkson viết, đồng thời Ngài cũng trích dẫn những lời của ĐTC Phanxicô trong giờ kinh Truyền Tin vào tháng 1 năm 2017 nhằm “chống lại căn bệnh này, nhưng đồng thời cũng chống lại việc phân biệt đối xử mà nó tạo ra”.
“Tôi cảm ơn tất cả những ai, vì những lý do khác nhau, đã cam kết đối với những người mắc căn bệnh Hansen. Chớ gì anh chị em giúp đỡ và bảo vệ Thiên Chúa Nhân Lành nhờ lời cầu bầu của các Thánh, những người đã biến công việc phục vụ những người đau yếu này trở thành lý do cho cuộc sống của mình”, thông điệp kết luận.
Minh Tuệ chuyển ngữ