Sau hàng loạt các vụ đánh bom xảy ra tại các nhà thờ ở Indonesia khiến 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện để linh hồn của những người đã thiệt mạng được yên nghỉ và đồng thời nguyện xin Thiên Chúa chấm dứt tình trạng thù hận và bạo lực này.
“Tôi đặc biệt thể hiện sự gần gũi với những người dân thân yêu của Indonesia, cách đặc biệt với cộng đồng Kitô hữu của thành phố Surabaya, những người đã bị tấn công nghiêm trọng bởi những vụ tấn công đẫm máu nhằm vào những nơi thờ phượng”, ĐTC Phanxicô cho biết hôm 13 tháng Năm.
ĐTC Phanxicô đã dành lời cầu nguyện cách đặc biệt cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và đồng thời mời gọi những người hành hương cùng cầu nguyện “để Thiên Chúa của hòa bình ngăn chặn những hành động bạo lực như vậy, và chúng ta có thể tìm thấy nơi tâm hồn của tất cả mọi người không phải là không gian dành cho thù hận hay bạo lực, mà là không gian dành cho sự hòa giải và tình huynh đệ”.
Lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô đươc đưa ra sau 11 người đã bị thiệt mạng và ít nhất 40 người khác bị thương trong ba vụ đánh bom tự sát xảy ra liên tiếp vào ngày hôm qua 13 tháng 5 tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, xảy ra tại các nhà thờ khi các tín hữu cùng nhau quy tụ tham dự Thánh lễ.
Theo BBC News, vụ nổ đầu tiên xảy ra khi Thánh lễ đang diễn ra tại Nhà thờ Công giáo Santa Maria vào khoảng 7:30 sáng theo giờ địa phương và có liên quan đến một chiếc xe máy. Vụ nổ thứ hai diễn ra tại một nhà thờ Ngũ Tuần, và tại địa điểm của vụ nổ thứ ba, các nhân chứng cho biết vụ tấn công được thực hiện bởi một hoặc nhiều phụ nữ sử dụng mạng che kín mặt bước vào nhà thờ cùng với đứa con.
Các vụ tấn công hôm Chúa nhật 13/5 vừa qua là những vụ tấn công nguy hiểm nhất tại quốc gia này kể từ năm 2005, khi các vụ đánh bom tự sát xảy ra tại Bali đã làm thiệt mạng 20 người.
Chưa có tổ chức nào lên tiếng tuyên bố chịu trách nhiệm về các vụ tấn công diễn ra trong vòng vài phút, tuy nhiên, theo tin từ ABC News, cảnh sát đã xác định rằng các vụ tấn công được thực hiện bởi các thành viên của cùng một gia đình đã bị tổ chức ISIS biến thành những kẻ cấp tiến tại Syria trước khi chuyển đến Indonesia.
Hơn 90% người dân Indonesia là người Hồi giáo, tuy nhiên, còn có một số lượng lớn các Kitô hữu, những người theo Hindu và các Phật tử trong nước.
Trong phần chia sẻ về các bài đọc trong ngày, đề cập đến việc Chúa Giêsu được rước lên trời, ĐTC Phanxicô một mặt lưu ý việc trình thuật Tin Mừng hướng các độc giả hướng thượng, trong khi mặt khác nhắc nhở người Công giáo về sứ mạng của Giáo Hội trên trái đất.
Việc Chúa Giêsu thăng thiên, sau đó, được xem như là một lời nhắc nhở để vừa hướng về trời cao, và cũng là để chú ý đến nhiệm vụ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã giao phó cho các môn đệ của mình.
Sứ mạng này, ĐTC Phanxicô nói, là “một sứ mạng không giới hạn – mà theo nghĩa đen, nghĩa là không có giới hạn – vốn vượt qua sức mạnh của con người”.
“Nó thực sự có vẻ hết sức táo bạo khi Chúa Giêsu giao phó sứ mạng này cho một nhóm nhỏ bao gồm những con người đơn sơ chất phác không có những khả năng về trí tuệ xuất chúng!”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời Ngài cũng lưu ý rằng bất chấp thực tế này và bất chấp những thế lực của thế giới, họ đã có thể mang thông điệp của Chúa Giêsu đến “tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới”.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này “chỉ có thể được thực hiện với sức mạnh mà chính Thiên Chúa đã ban cho các tông đồ”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời cho biết thêm rằng ánh sáng đó, Chúa Giêsu trong Tin Mừng đảm bảo với họ rằng sứ mạng của họ sẽ được Chúa Thánh Thần củng cố, đồng thời họ sẽ lãnh nhận “sức mạnh của Chúa Thánh Thần” và sẽ làm chứng cho Ngài trên toàn thế giới.
Sứ mạng này đã được truyền lại và được tiếp tục cho đến ngày nay, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời giải thích rằng mỗi người, nhờ vào hiệu quả Bí tích Rửa Tội của họ, đều có khả năng để loan báo Tin Mừng.
“Việc Chúa Giêsu được rước lên trời, trong khi mở đầu một hình thức mới về sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, mời gọi chúng ta mở mắt và mở rộng tâm hồn để gặp gỡ Ngài, phục vụ Ngài và làm chứng cho người khác”.
Và việc thực hiện điều này đồng nghĩa với việc trở thành những con người biết hướng thượng, những con người biết tìm kiếm Chúa Kitô qua những dấu chỉ của thời hiện đại và những người mang sứ điệp của Tin Mừng cứu rỗi đến cho tất cả mọi người, trên hết là những người nghèo khổ, ĐTC Phanxicô nói.
Cũng giống như Chúa Kitô Phục Sinh đã sai các môn đệ của mình ra đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, “thì ngày hôm nay Ngài cũng sai chúng ta ra đi, cũng với sức mạnh đó, để đưa ra những dấu chỉ cụ thể và hữu hình của niềm hy vọng”, ĐTC Phanxicô nói.
Sau bài chia sẻ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón những người hành hương đến từ các quốc gia và các tổ chức khác nhau. ĐTC Phanxicô cũng lưu ý rằng Chúa nhật 13/5 hôm qua đánh dấu Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, và đồng thời cầu nguyện để các nhà báo và những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông sẽ “tìm kiếm sự thật trong các tin tức, góp phần vào một xã hội hòa bình và công bằng hơn”.
Minh Tuệ chuyển ngữ