Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Hai tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu và các vị Mục tử suy ngẫm về ý nghĩa của việc trở nên những người Kitô hữu đích thực, đồng thời mời gọi họ “cởi mở” với những bất ngờ của Thiên Chúa, đồng thời trở nên gần gũi với những người nghèo khổ.
Lời mời gọi để trở nên “những người Kitô nhiệt thành nhất”, các Kitô hữu, những người “không ngại để cho đôi tay và quần áo của họ bị vấy bẩn, khi họ đến gần”, các Kitô hữu “mở ra với những điều bất ngờ” và những người, giống như Chúa Giêsu, “quan tâm đến những người khác”. Đó chính là những chia sẻ của ĐTC Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ sáng tại nhà nguyện Casa Santa Marta. Lấy cảm hứng từ bài Tin Mừng theo Thánh Luca, ĐTC Phanxicô đã suy gẫm về “sáu nhân vật” trong dụ ngôn được Chúa Giêsu trình bày với Nhà Thông Luật, người đã đặt câu hỏi “để thử Người”: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” . Sau đó, Chúa Giêsu đã liệt kê những tên cướp, người bị đánh trọng thương, thầy tư tế, thầy Lê-vi, một người Samari và chủ quán trọ.
Đừng nhẫn tâm bước qua: Hãy dừng lại, tỏ lòng bác ái, và ra tay giúp đỡ
Những kẻ cướp, những người đã “đánh người đàn ông nhừ tử rồi bỏ đi, để mặc người ấy nữa sống nửa chết “, vị thượng tế, người cũng đã trông thấy người này, rồi cũng “tránh qua bên kia mà đi”, mà không tính đến sứ vụ của mình, chỉ nghĩ đến việc “giờ Lễ” sắp diễn ra. Và rồi một thầy Lê-vi, “một nhà thông Luật” cũng vậy. ĐTC Phanxicô thúc giục mỗi người chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ về hành động “tránh qua bên kia mà đi”, một khái niệm – ĐTC Phanxicô nói – “phải ăn sâu vào tâm trí của chúng ta ngày nay”. Đó chính là hai “quan chức”, những người đã “luôn khăng khăng” về địa vị của mình khi nói rằng: “đó không phải là việc của tôi” để giúp đỡ người đàn ông đã bị đánh trọng thương nằm nửa sống nửa chết ở kia. Ngược lại, những người “không tránh qua một bên mà đi” lại là người Samari, “những người bị coi là những kẻ tội lỗi, bị dân Israel loại trừ”: “những kẻ tội lỗi nhất – ĐTC Phanxicô nhấn mạnh – lại là những người có lòng thương người”. Có lẽ – ĐTC Phanxicô lưu ý – người Samari được nói đến là “một thương nhân đang đi công tác”, cũng vậy.
Người đàn ông Samari không nhìn vào đồng hồ, không nghĩ đến chuyện máu me. “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại”. Ông không ngại để cho đôi tay của mình bị vấy bẩn, cũng chẳng ngại việc quần áo của mình đã bị nhơ nhuốc. “Sau đó, ông đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”, toàn thân bị vấy bẩn … lem luốc máu me … Và người đàn ông Samari cũng đã cùng đi đến đó. “Và ông ta đã chăm sóc cho người đàn ông đã bị trọng thương”. Ông ta không nói: “Nhưng, tôi sẽ để anh ta ở đây, gọi thầy thuốc chăm sóc. Tôi phải đi, tôi đã xong nhiệm vụ của mình”. Không phải vậy. “Ông ấy đã tự tay chăm sóc”, ông nói rằng: “Giờ đây anh nằm trong tay tôi, không phải là một vật sở hữu, nhưng là một người cần được sự chăm sóc của tôi”. Ông ấy không phải là một quan chức, mà là một người có lòng thương người, một người có tấm lòng rộng mở.
Mở rộng lòng mình ra với những bất ngờ của Thiên Chúa
ĐTC Phanxicô sau đó chia sẻ về người chủ quán trọ, người “đã hết sức kinh ngạc” khi thấy một “người dân ngoại”, một người “ngoại giáo – vì vậy chúng ta nói – vì ông ta không phải là một người Israel”, người đã dừng lại để giải cứu người đàn ông, đã trả “hai quan tiền” và hứa sẽ chi trả bất kỳ chi phí phát sinh nào khi quay trở lại. Người chủ quán trọ không chút nghi ngờ khi anh ta đón nhận điều được giao cho là một bổn phận, ĐTC Phanxicô cho biết thêm, đó chính là phản ứng của một người sống đời sống chứng tá, một người luôn rộng mở trước những bất ngờ của Thiên Chúa, giống như người đàn ông Samari.
Cả hai đều không phải là quan chức. “Bạn là một Kitô hữu? Bạn là Kitô hữu?”. “Vâng đúng thế, tôi tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật và tôi cố gắng làm những điều tốt đẹp …”. Bạn có rộng mở tâm hồn mình? Bạn có rộng mở tâm hồn mình ra với những bất ngờ của Thiên Chúa hay bạn là một viên chức Kitô giáo, luôn khép kín tâm hồn mình? “Tôi giữ điều này điều kia, tôi đi đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, Rước Lễ, Xưng tội mỗi năm một lần”. Đây chính là những viên chức Kitô giáo, những người không rộng mở lòng mình ra với những điều bất ngờ của Thiên Chúa, những người hiểu biết rất nhiều về Thiên Chúa nhưng lại không gặp gỡ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu và Giáo hội của Người
Do đó, ĐTC Phanxicô thúc giục tất cả mọi người, “những giáo dân và những vị mục tử”, tự chất vấn bản thân chúng ta rằng liệu chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, có rộng mở lòng mình ra với những điều Thiên Chúa đã ban tặng cho mỗi người chúng ta “mỗi ngày”, “với những điều bất ngờ của Thiên Chúa, giống như người đàn ông Samari này, đôi khi khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn đối với chúng ta”, hoặc liệu chúng ta có phải là một viên Kitô giáo, làm những gì chúng ta phải tuân giữ, cảm thấy rằng chúng ta phải tuân giữ “các luật lệ” và sau đó bị ràng buộc bởi các quy tắc tương tự. Một số nhà thần học cổ đại, ĐTC Phanxicô nhắc lại, cho biết rằng đoạn văn Kinh Thánh này chứa đựng “toàn bộ Tin Mừng”.
Mỗi người trong chúng ta đều là người đàn ông bị đánh nhừ tử bán sống bán chết nằm đó, đầy thương tích, và người Samari nhân hậu chính là Chúa Giêsu. Và Ngài đã chữa lành những vết thương của chúng ta. Ngài cúi xuống gần với chúng ta. Ngài săn sóc chúng ta. Ngài chi trả mọi chi phí tốn kém cho việc săn sóc chúng ta. Và Chúa Giêsu truyền cho Giáo Hội của mình: “Nhưng nếu các con cần thêm, Ta sẽ chi trả tất cả mọi thứ, Ta sẽ trở lại và sẽ chi trả mọi thứ”. Hãy suy nghĩ về điều này: đoạn văn Kinh Thánh này chứa đựng toàn bộ Tin Mừng.
Minh Tuệ chuyển ngữ