ĐTC Phanxicô đã quyết định không gia hạn nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cho Đức Hồng y Gerhard Muller, thay vào đó, ngài đã thay thế vị Hồng y người Đức bằng vị Tổng Thư ký của cũng Thánh Bộ này, một nhà thần học Dòng Tên người Tây Ban Nha.
ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Luis Ladaria, 73 tuổi, làm tân Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin. Cho đến nay, ngài là Tổng Thư ký của Bộ này.
Một tuyên bố của Vatican thông báo việc bổ nhiệm hôm thứ Bảy không đề cập đến việc liệu ĐHY Muller sẽ nhận được một vai trò mới hay không. Ở độ tuổi 69, ĐHY Muller còn lại 6 năm so với độ tuổi nghỉ hưu truyền thống của các Giám mục. Thật là bất thường đối với một Hồng y ở độ tuổi đó mà không có bất kì sự bổ nhiệm chính thức nào.
Tuyên bố của Vatican chỉ đơn giản cho biết ĐTC Phanxicô cảm ơn ĐHY Muller vì sự phục vụ của ngài khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm trong cương vị là Tổng Trưởng của Bộ này, do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào ngày 2 tháng 7 năm 2012.
Tuyên bố hôm thứ Bảy đã được mong đợi rất nhiều trong ngày hôm trước, vì những tin đồn bắt đầu lan truyền rằng ĐHY Muller sẽ rời khỏi vị trí của mình sau cuộc họp giữa ngài với ĐTC Phanxicô hôm thứ Sáu vừa qua.
Việc lựa chọn của ĐTC Phanxicô đối với TGM Ladaria, người đã phục vụ tại Thánh Bộ Giáo lý Đức tin kể từ khi được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào năm 2008, cho thấy rằng có vẻ ĐTC Phanxicô không muốn một cuộc cải tổ toàn diện triệt để tại Thánh Bộ này, mà chỉ đơn giản là một sự thay đổi nhân sự.
Trước khi được bổ nhiệm làm việc tại Vatican, Đức TGM Ladaria giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Gregorian và làm Phó Viện trưởng tại đây. Từ năm 2004-2009, ngài giữ chức vụ Tổng Thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế.
Đức TGM Ladaria cũng là chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng đang nghiên cứu khả năng có các nữ phó tế trong Giáo hội, đã được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng Tám năm ngoái.
Trước khi trở thành người đứng đầu của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, ĐHY Muller đã phục vụ 10 năm với tư cách là Giám mục Giáo phận Regensburg miền Đông Nam nước Đức. Ngài được biết đến là người thân cận với Đức Bênêđíctô, người đã nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Regensburg trước khi trở thành Giám mục.
Nhưng ĐHY Muller và ĐTC Phanxicô dường như chưa bao giờ phát triển một mối quan hệ đặc biệt ấm áp. Gần đây nhất, ĐHY Muller đã trở nên mâu thuẫn về lập trường liên quan đến tông huấn của ĐTC Phanxicô về đời sống gia đình, ‘Amoris Laetitia’ (Niềm vui của tình yêu).
Sau khi bốn vị Hồng y công khai phản đối ĐTC Phanxicô vào tháng 11 năm ngoái đòi ngài trả lời các câu hỏi về những gì họ coi là không thống nhất trong tông huấn này, ĐHY Muller cho biết hồi tháng Giêng rằng tông huấn này đã “quá rõ ràng” và các Hồng y không nên thách thức Giáo hoàng một cách công khai như thế.
Nhưng ĐHY Muller dường như mâu thuẫn với giáo huấn của ĐTC Phanxicô về tông huấn trong một cuộc phỏng vấn vào hồi tháng Năm với EWTN. Khi được hỏi về khả năng Giáo hội cho phép Rước lễ đối với những người tái hôn mà không cần thực hiện việc tiêu hôn đối với cuộc hôn nhân trước đó, ĐHY Muller tuyên bố: “Giáo hội không chấp nhận việc đa thê”.
Trong ‘Amoris Laetitia’, ĐTC Phanxicô đề nghị các mục tử sử dụng việc phân định mục vụ trong những trường hợp như vậy và đồng thời nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp, “có thể bao gồm sự trợ giúp của các Bí tích”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ca ngợi một loạt các hướng dẫn được công bố bởi các Giám mục Argentina rằng các cặp vợ chồng đã ly hôn và tái hôn có thể sẽ được phép Rước Lễ.
ĐHY Muller cũng đã bị chất vấn công khai trong những tháng gần đây về sự sẵn lòng thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban giáo hoàng về tình trạng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, thậm chí ngay cả trong những trường hợp khi ĐTC Phanxicô đã phê chuẩn.
Khi bà Marie Collins, một nạn nhân sống sót do lạm dụng, người Ailen, từ chức khỏi Ủy ban Giáo Hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, bà lưu ý trong một tuyên bố với NCR rằng chỉ thị của ĐTC Phanxicô đối với việc thành lập một tòa án mới của Vatican để xét xử các Giám mục đã xem xét một cách không kĩ lưỡng các trường hợp lạm dụng, khi được đưa đến Bộ Giáo Lý Đức Tin của ĐHY Muller, đã gặp phải những khó khăn về mặt “pháp lý” và đã chưa bao giờ được thành lập.
Bà Collins cũng lưu ý rằng một chỉ thị đã được ĐTC Phanxicô phê chuẩn yêu cầu tất cả các văn phòng Vatican phải trả lời các lá thư của các nạn nhân bị lạm dụng, đã không được thực hiện bởi ít nhất là từ Bộ Giáo lý Đức tin.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 5 tháng 3, ĐHY Muller dường như thừa nhận rằng Bộ Giáo lý Đức tin là một trong số những cơ quan đã bỏ qua chỉ thị của ĐTC Phanxicô, ĐHY Muller cho biết rằng nếu như Vatican phúc đáp các lá thư của nạn nhân thì quả là họ sẽ không tôn trọng vai trò của các Giám mục Giáo phận trong những vấn đề như vậy.
ĐHY Muller cũng dường như không đồng ý với quyết định của ĐTC Phanxicô về việc thành lập Ủy ban nghiên cứu khả năng có các nữ Phó tế. ĐHY Muller chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với EWTN hồi tháng Năm rằng việc truyền chức phó tế cho phụ nữ “là điều không thể xảy ra” và khả thể về các nữ Phó tế “sẽ không thể xảy ra”.
ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Muller trở thành Hồng y vào tháng 2 năm 2014, thuộc nhóm 19 Hồng y đầu tiên được bổ nhiệm bởi vị Tân Giáo hoàng.
Bộ Giáo lý Đức tin có nhiệm vụ thúc đẩy những giải thích chính xác về đạo lý và thần học Công giáo. Thánh Bộ cũng xử lý các cuộc điều tra đối với hàng giáo sĩ bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
Trong vai trò mới của mình, hôm thứ Bảy vừa qua, Đức TGM Ladaria cũng được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng ‘Ecclesia Dei’, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, và Ủy ban Thần học Quốc tế.
Đức TGM Ladaria tốt nghiệp Đại học Madrid với bằng cấp về luật dân sự. Ngài lấy học vị tiến sĩ về thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian với luận án về đề tài “Chúa Thánh Thần theo quan điểm của Thánh Hillario thành Poitiers”.
Đức TGM Ladaria là Tổng Trưởng thứ sáu của Bộ Giáo lý Đức tin kể từ khi kết thúc Công đồng Vatican II năm 1965. Ngoài ĐHY Muller, Đức TGM Ladaria sẽ là người kế nhiệm các Hồng y Afredo Ottaviani, Franjo Seper, Joseph Ratzinger (sau này trở thành Giáo hoàng Benedicto) và William Levada.
ĐHY Muller là người nắm cương vị Tổng Trưởng với nhiệm kì ngắn nhất. Đức Hồng y Levada của Hoa Kỳ là người có nhiệm kì ngắn nhất tiếp theo, với bảy năm phục vụ trong vai trò này. ĐHY Seper người Croatia, với nhiệm kì 13 năm, và Đức Ratzinger, với nhiệm kì gần 24, đã phục vụ trong thời gian dài nhất.
Đức Gioan Phaolô II đã thay thế ĐHY Seper trong cương vị Tổng Trưởng vào năm 1981, ba năm sau khi ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng vào năm 1978. Tuy nhiên, ĐHY Seper đã 75 tuổi vào thời điểm đó và đã qua đời vài tháng sau đó.
Việc bổ nhiệm Đức TGM Ladaria là một trong những việc bổ nhiệm quan trọng nhất của ĐTC Phanxicô, trong số những vị trí cao nhất của Vatican kể từ khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013.
Xét về các văn phòng nổi bật nhất của Vatican, ĐTC Phanxicô đã chỉ bổ nhiệm thêm hai vị lãnh đạo khác là Đức Hồng y Pietro Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa thánh và ĐHY Robert Sarah người Guinea làm Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.
Minh Tuệ (theo NCR)