Sau cuộc hội kiến ĐTC Phanxicô vào đầu năm nay, và sau khi được phê chuẩn, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican cho biết rằng họ đã thay đổi Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo về án tử hình mà theo đó hình phạt tử hình là không thể chấp nhận được.
ĐTC Phanxicô đã phê chuẩn một sửa đổi mới của đoạn số 2267 trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, theo đó “một sự hiểu biết mới đã nổi lên về tầm quan trọng của các hình phạt hình sự do nhà nước áp đặt”, do đó “án tử hình là không thể chấp nhận”.
Quyết định được công bố bởi Bộ Giáo lý Đức tin trong ‘Thư gửi các Giám mục’ vào ngày 1 tháng 8 và có chữ ký của Tổng Trưởng Thánh Bộ, Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria.
Văn bản mới
Án tử hình
- Việc nhờ đến án tử hình về phía thẩm quyền hợp pháp, sau một phiên tòa công bằng, từ lâu đã được coi như là một phản ứng thích hợp đối với sự nghiêm trọng của một số tội phạm nhất định và đồng thời là một phương sách có thể chấp nhận, mặc dù là cực đoan, trong việc bảo công ích chung.
Ngày nay, tuy nhiên, có một sự nhận thức ngày càng gia tăng rằng phẩm giá của một con người không bị mất đi thậm chí ngay cả sau khi phạm phải những tội ác cực kì nghiêm trọng. Ngoài ra, một sự hiểu biết mới đã nổi lên về tầm quan trọng của các hình phạt hình sự do nhà nước áp đặt. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được triển khai, vốn đảm bảo sự bảo vệ đúng đắn đối với mọi công dân nhưng, đồng thời, không tước đoạt một cách dứt khoát khỏi tay kẻ phạm tội khả năng chuộc lại mọi lỗi lầm.
Do đó, Giáo Hội dạy, dưới ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó chính là một sự tấn công nhằm vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”, [1] và Giáo Hội nỗ lực làm việc với quyết tâm xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới”.
[1] ĐTC Phanxicô, Phát biểu với các tham dự viên tham gia Hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ võ việc Tân Phúc Âm Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2017: L’Osservatore Romano, ngày 13 tháng 10 năm 2017.
Văn bản trước đây
Theo văn bản trước đây của đoạn số 2267, Giáo Hội đã không loại trừ việc nhờ đến án tử hình trong những trường hợp “vô cùng họa hiếm, nếu không muốn nói là trên thực tế không còn tồn tại”:
Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh không loại trừ án tử hình, khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, nếu đây là biện pháp khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm bất chính.
Tuy nhiên, nếu các phương tiện nhân đạo hơn cũng đủ để bảo vệ an ninh con người khỏi bị xâm phạm, nhà cầm quyền phải dùng những phương tiện này, vì đáp ứng hơn với những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá con người. Thực ra, ngày nay, vì Nhà Nước có nhiều cách để chế ngự hữu hiệu tội ác, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, không dứt khoát tước đoạt khả năng hối cải của họ, nên những trường hợp tuyệt đối phải khử trừ phạm nhân “từ nay khá họa hiếm, nếu không muốn nói là thực tế không còn nữa” (Evangelium vitae, 56).
Việc sửa đổi liên tục với Huấn quyền trước đây
Trong Lá thư gửi các Giám mục, ĐHY Ladaria giải thích rằng bản sửa đổi của số 2267 trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo “thể hiện một sự phát triển đích thực của học thuyết vốn không mâu thuẫn với những giáo huấn trước đây của Huấn quyền”, và đồng thời cho biể rằng “những giáo lý này, trên thực tế, có thể được giải thích dưới ánh sáng trách nhiệm chính của cơ quan công quyền để bảo vệ công ích chung trong bối cảnh xã hội, mà trong đó các hình phạt hình sự được hiểu một cách khác nhau, và đã phát triển trong một môi trường mà trong đó mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn để đảm bảo rằng những kẻ tội phạm không thể lặp lại tội ác của mình”.
Lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc bãi bỏ án tử hình
ĐHY Ladaria đã nhắc lại rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu rằng giáo huấn về án tử hình phải được cải cách để phản ánh tốt hơn sự phát triển của giáo lý vốn tập trung vào sự nhận thức rõ ràng hơn của Giáo Hội đối với việc tôn trọng mỗi một sự sống con người khi khẳng định rằng: “Thậm chí ngay cả một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá riêng biệt của mình, và chính Thiên Chúa đã cam kết đảm bảo điều này”. ĐHY Ladaria cho biết rằng trong nhiều dịp khác nhau, Đức Gioan Phaolô II đã can thiệp vào việc loại bỏ án tử hình khi mô tả nó như là một hành động “tàn nhẫn và không cần thiết”.
Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI
Trong bức thư, Đức Hồng y Ladaria cũng hồi tưởng Đức Benedict XVI, người đã kêu gọi “sự chú ý của các nhà lãnh đạo xã hội đối với sự cấp thiết phải nỗ lực hết sức để loại bỏ án tử hình” và đồng thời khuyến khích “các sáng kiến chính trị và luật pháp đang được thúc đẩy ở một số nước trog việc ngày càng gia tăng số lượng các quốc gia loại án tử hình và đồng thời tiếp tục những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc tuân thủ luật hình sự đối với cả nhân phẩm của tù nhân cũng như việc duy trì hiệu quả đối với trật tự công cộng”.
Trách nhiệm của chính quyền để bảo vệ cuộc sống của công dân
Bản sửa đổi mới của số 2267 trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo đã được Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn, ĐHY Ladaria cho biết, tự đặt mình vào sự liên tục với Huấn quyền trước đó trong khi đưa ra một sự triển khai mạch lạc của học thuyết Công giáo”, có tính đến sự hiểu biết mới về các hình phạt hình sự được áp dụng bởi Nhà nước hiện đại” .
Bản sửa đổi mới, ĐHY Ladaria tiếp tục, “mong muốn cung cấp năng lượng cho một xu hướng hướng tới một cam kết mang tính quyết định để ủng hộ một não trạng vốn công nhận phẩm giá của mỗi sự sống con người và đồng thời, qua việc đối thoại đầy tôn trọng với các cơ quan dân sự, khuyến khích việc tạo điều kiện cho phép việc loại bỏ hình phạt tử hình ở những nơi mà nó vẫn còn hiệu lực”.
Minh Tuệ chuyển ngữ