Với tầm nhìn của ĐTC Phanxicô, việc đánh giá cao cấu trúc đa diện của một Giáo hội phổ quát không chỉ có nghĩa là bước ra bên ngoài tới “những vùng ngoại vi” với tinh thần Tin Mừng mà còn có ý nghĩa là lắng nghe những câu chuyện về đức tin và làm chứng về kinh nghiệm đó cho các Kitô hữu đang hiện diện ở những nơi thường bị người ta nhầm lẫn coi là trung tâm , nếu không phải nói là trọng tâm của thế giới Kitô hữu.
ĐTC Phanxicô, người đã tự miêu tả mình là người đến từ “tận cùng trái đất”, đã tiếp tục đi đến tận cùng của thế giới để tìm kiếm những người sẽ cố vấn cho Ngài và có thể bầu ra vị Giáo Hoàng kế tiếp.
Về việc công bố bổ sung thêm năm Giám Mục vào Hồng Y Đoàn ngày 21 tháng 5 vừa qua, ĐTC Phanxicô nói rằng sự pha trộn về mặt địa lý của các Tân Hồng Y – hai vị đến từ Châu Âu, một vị đến từ Châu Phi, một vị từ Châu Á và một vị Trung Mỹ – đã phản ánh bản tính Công giáo của Giáo Hội.
Sau Công nghị vào ngày 28 tháng 6 sắp tới, 62 quốc gia [mỗi quốc gia] sẽ có ít nhất một cử tri Hồng Y – [tức là] một Hồng Y dưới 80 tuổi, và do đó, đủ điều kiện tham dự việc bỏ phiếu trong một Cơ mật viện bầu ra một vị Giáo Hoàng mới, cũng có thể trở thành thành viên của các Thánh Bộ và các Ủy ban Giáo Hoàng tại Vatican.
Rõ ràng, ĐTC Phanxicô đang tiếp tục nỗ lực lớn được khởi động dưới thời Đức Phaolô VI nhằm quốc tế hoá Hồng Y Đoàn. Các vị Hồng Y cử tri đã bầu chọn Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1978 đến từ 49 quốc gia. Nhóm Hồng Y đã bầu chọn ra Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2005 đến từ 51 quốc gia (và là 52 quốc gia nếu Anh và Scotland được tính riêng). Và các Hồng Y quy tụ tại Nhà nguyện Sistine để bầu chọn ra Đức Phanxicô đến từ 47 quốc gia.
Nhưng đối với ĐTC Phanxicô, nó không phải chỉ là về con số, và Ngài không tìm kiếm một sự pha trộn mang tính “cân bằng” về mặt địa lý.
Nếu như nói về bản tính Công giáo, như ĐTC Phanxicô đã nói, thì đó là cách mà đức tin được thể hiện, được diễn tả và phát triển trong các nền văn hoá khác nhau và những kinh nghiệm đó trở nên phong phú như thế nào đối với toàn thể Giáo Hội.
Ở đây, sự am hiểu của ĐTC Phanxicô về vấn đề hội nhập văn hóa và hình dạng hình học yêu thích của Ngài – cấu trúc đa diện – đã trở nên có hiệu lực.
Cấu trúc đa diện là một hình dạng không theo quy tắc có nhiều mặt; mỗi mặt đều không có cùng một kích cỡ và chúng có khoảng cách khác nhau tính từ trọng tâm.
Như ĐTC Phanxicô đã viết trong Tông Huấn “Niềm vui Tin Mừng” được công bố vào năm 2013, vốn đã đặt ra tầm nhìn cho Triều đại Giáo Hoàng của mình, trong mỗi một phần đa diện “bảo vệ sự khác biệt của nó” nhưng lại đóng góp vào cái chung.
Đối với người Kitô Hữu, ĐTC Phanxicô nói, việc nhận thấy Giáo Hội toàn cầu như là một khối đa diện “đã gợi lên tính tổng thể hay toàn vẹn của Tin Mừng, mà Giáo Hội đã truyền lại cho chúng ta và sai chúng ra ra đi để loan báo sứ điệp ấy”.
Mọi khía cạnh của một vật thể ba chiều đều tượng trưng cho “thiên tư” của mỗi người [ĐTC tiếp tục diễn tả theo kiểu hình học trên], những người đã lãnh nhận “theo cách riêng của mình toàn bộ Tin Mừng và thể hiện Tin Mừng ấy qua việc diễn tả đời sống cầu nguyện, tình huynh đệ, công lý, đấu tranh và việc cử hành phụng vụ”.
Các tác phẩm về thần học và tâm linh, âm nhạc, nghệ thuật và kiến trúc rõ ràng là những quà tặng mà người Công giáo được mời gọi để cùng chia sẻ với nhau. Nhưng, đối với ĐTC Phanxicô, đó là những kinh nghiệm của việc gìn giữ đức tin trong bối cảnh của cảnh nghèo khổ cùng cực hoặc việc bị bách hại.
Năm vị Giám Mục sẽ được vinh thăng Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 tới đó là: Đức Giám mục Gregorio Rosa Chavez – Phụ tá TGP San Salvador, El Salvador, 74 tuổi; Đức Cha Jean Zerbo – Tổng Giám mục Bamako, Mali, 73 tuổi; Đức Cha Juan Jose Omella – Tổng Giám mục Barcelona, Tây Ban Nha, 71 tuổi; Đức Cha Anders Arborelius – Giám mục Stockholm, 67 tuổi; Và Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun – Đại diện Tông Tòa Pakse, Lào, 73 tuổi.
Những dòng tiểu sử ngắn gọn dưới đây đã được Vatican công bố hôm 21 tháng 5 vừa qua cho thấy khoảnh khắc của những món quà mà ĐTC Phanxicô muốn họ chia sẻ với toàn thể Giáo hội.
– Tân Hồng Y Rosa Chavez, người đã cùng sát cánh với Chân Phước Oscar Romero trước khi Chân Phước bị ám sát vào năm 1980, đồng thời là Chủ tịch tổ chức Caritas El Salvador và cũng là Chủ tịch Caritas Châu Mỹ Latinh và Caribbean.
– Tân Hồng Y Zerbo đã đóng một vai trò tích cực trong tiến trình hoà bình cho quốc gia Mali, nỗ lực nhằm chấm dứt những năm trời ròng rã của cuộc xung đột dân sự bắt đầu vào năm 2012.
– Tân Hồng Y Mangkhanekhoun được biết đến qua việc đào tạo các giáo lý viên và thực hiện các chuyến viếng thăm mục vụ tới các làng quê xa xôi hẻo lánh.
– Tân Hồng Y Arborelius là một tân tòng đã gia nhập Công giáo và là người bản xứ Thụy Điển đầu tiên phục vụ như một Giám mục Công giáo tại Thụy Điển kể từ sau cuộc Cải cách Tin Lành.
– Tân Hồng Y Omella là thành viên lâu năm và đồng thời là người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giám mục Tây Ban Nha về các vấn đề xã hội trong hai nhiệm kỳ.
Với tầm nhìn của ĐTC Phanxicô, việc đánh giá cao cấu trúc đa diện của một Giáo hội phổ quát không chỉ có nghĩa là bước ra bên ngoài tới “những vùng ngoại vi” với tinh thần Tin Mừng mà còn có ý nghĩa là lắng nghe những câu chuyện về đức tin và làm chứng về kinh nghiệm đó cho các Kitô hữu đang hiện diện ở những nơi thường bị người ta nhầm lẫn coi là trung tâm , nếu không phải nói là trọng tâm của thế giới Kitô hữu.
Trong bài giảng thánh lễ Chúa Hiển Linh hôm 6/1, ĐTC Phanxicô ghi nhận rằng ba nhà đạo sĩ trước tiên đã đến tìm cung điện của vua Hêrôđê tại Giêrusalem, nhưng họ phát hiện ra rằng “điều mà họ tìm kiếm không phải nằm trong cung điện, nhưng hiện diện ở một nơi nào đó, cả về mặt hiện sinh lẫn mặt địa lý”.
“Ba nhà Đạo sĩ đã cảm nghiệm một niềm khao khát, họ đã thấm mệt vì chuyến hành trình”, ĐTC Phanxicô nói. Và ở một nơi mà chẳng ai thèm để ý đến, tại Bethlehem, “trước một Hài nhi bé nhỏ, nghèo hèn và dễ bị tổn thương”, ba nhà Đạo sĩ đã “khám phá ra vinh quang của Thiên Chúa”.
Minh Tuệ chuyển ngữ