Đông yên: ngày đầu tiên đi học

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 08-07-2016 | 13:58:30

Sáng nay (8/7/2016), các học sinh Đông Yên bắt đầu những ngày học bổ túc hè sau hai năm bị “buộc phải nghỉ học”.

Nhiều báo đài từ trung ương đến địa phương, như truyền hình Quốc hội, An ninh Quốc phòng, Truyền hình thị xã Kỳ Anh, Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh… đã cử phóng viên tới tham dự, phỏng vấn giáo dân, các quan chức về sự kiện hy hữu này.

Đông yên

Đông yên 1

Ảnh: Lê Quốc Châu

Thầy Lê Quốc Châu – một trong số những giáo viên đã rất tích cực trong việc tìm cách đưa các em học sinh Đông Yên trở lại trường thời gian qua, cho biết: “Các phóng viên về phỏng vấn theo hướng quy toàn bộ trách nhiệm của vụ việc này cho cha mẹ học sinh.”

Đây không phải là lần đầu chính quyền Hà Tĩnh cố tình quy kết trách nhiệm cho người dân Đông Yên là nguyên nhân gây nên tình trạng khiến 155 em học sinh phải nghỉ học.

đi học

Hình ảnh một số lớp học sáng nay. Ảnh: Lê Quốc Châu

Ông Danh, giáo dân Đông Yên, sau khi đưa con em trong làng xuống trường trở về, cho biết: rất nhiều phóng viên báo đài từ trung ương tới tỉnh có phỏng vấn các giáo dân về lý do các em học sinh phải nghỉ học, đồng thời, họ cũng muốn biết người dân ở đây đã bao giờ gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan ban ngành hay chưa về tình trạng thất học của con em mình?

“Chúng tôi đã đi khắp nơi, từ thị xã đến tỉnh. Chúng tôi đã đến Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em của Quốc hội, nhưng tất cả đều đùn đẩy trách nhiệm, không ai giải quyết” – ông thuật lại.

Trong buổi học sáng nay, chỉ có 119 trên tổng số 155 em đến trường. Theo ông Danh, các em này phần lớn đã theo cha mẹ đi làm ăn xa nên vắng nhà. Một số khác, sau khi thảm họa môi trường biển xảy ra, bố mẹ buộc phải gửi các em lên khu tái định cư để cha mẹ “bôn ba tha hương cầu thực”.

đi học 5

Các học sinh Đông Yên biểu tình đòi quyền được đi học sáng ngày 4/7/2016, tại cổng trường Trung học Cơ sở Kỳ Lợi. Ảnh: Internet.

Nên biết, Điều 10 của Luật Giáo dục về quyền và nghĩa vụ công dân qui định rõ:

“Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.”

Điều 4 Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em năm 2015 cũng quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, mà một trong các quyền đó là “quyền được giáo dục” được qui định tại điều 16 cũng tại bộ luật này.

Vì thế, việc chính quyền Hà Tĩnh lấy lý do vì cha mẹ các em không chấp nhận đi tái định cư nên tước quyền được đi học của 155 học sinh Đông Yên suốt hơn hai năm qua, là một việc làm trái với qui định của pháp luật, có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo một nguồn tin khả tín, sở dĩ chính quyền Hà Tĩnh nhanh chóng đưa các em trở lại trường, không phải vì quyền lợi của các em, cũng chẳng phải lương tâm ray rứt, nhưng vì họ lo sợ các em tiếp tục những cuộc biểu tình như đã làm vào ngày 4/7 vừa qua.

8/7/2016

Hà Thạch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết