“Xã hội, thông qua những tổ chức phi chính phủ và các nhóm trung gian, phải gây áp lực lên các chính quyền để phát triển những quy định, thủ tục và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Nếu các công dân không kiểm soát quyền lực chính trị – cấp quốc gia, khu vực và thành thị – thì sẽ không thể kiểm soát được sự nguy hại đến môi trường” (Laudato Si, 179)
Minh chứng rõ rệt cho việc người dân không có quyền kiểm soát quyền lực chính trị ở cấp quốc gia và cả ở khu vực là “ 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra” trong thảm hoạ biển miền Trung vừa qua. [Đây mới chỉ là cách tính của các cơ quan chính phủ, chắc chắn còn khác biệt rất xa với thực tế]
Nhưng đã gây ra thiệt hại thì những người bị thiệt hại cần phải được đền bù. Do đó, ngày 19/9/2016 những nạn nhân ngụ tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã nhờ Linh mục Trần Đình Lai, quản xứ Giáo xứ Đông Yên, làm người đại diện và Luật sư Trần Vũ Hải làm luật sư , gởi đơn yêu cầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại lên Quốc hội và Chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Toàn văn lá đơn như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________________
ĐƠN YÊU CẦU CHI TRẢ TIỀN BỒI THƯỜNG
Kính gửi: QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Kính thưa Quốc hội và Chính phủ,
Chúng tôi, cùng ký tên dưới đây, là những nạn nhân cư trú tại Xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh, bằng đơn này đề đạt nguyện vọng sau đây của chúng tôi với hy vọng được Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết nhanh chóng.
I. SỰ VIỆC CÔNG TY FORMOSA GÂY NÊN THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG
Vào tháng 04/2016, báo chí và dư luận phát hiện Công Ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (sau đây gọi là “Công ty Formosa”) đã xả nước thải chứa độc tố phenol và xyanua ra biển, làm cá chết hàng loạt, bắt đầu từ Khu Kinh Tế Vũng Áng, Thị Xã Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng và gây thiệt hại lớn về môi trường, đời sống nhân dân, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và an ninh trật tự tại bốn tỉnh miền Trung, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Vào ngày 18/06/2016, người đại diện theo pháp luật của Công ty Formosa là ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Nguyên Thành đã công bố Văn bản số 1606101/CV-FHS về “sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung Việt Nam”, trong đó thừa nhận và xác nhận cụ thể như sau (trích đoạn):
“Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng đã có nhiều chuyên gia và nhà khoa học quốc tế cùng nghiên cứu và đánh giá sự việc và có kết luận cụ thể như sau:
1) Sự việc này là một sự cố ngoài ý muốn, nguyên nhân chính của sự cố trong hệ thống xử lý môi trường của chúng tôi là do có một số ngày bị mất điện trong thời gian đầu tháng 4 năm 2016, trong thời gian đó hệ thống quản lý của chúng tôi không kiểm soát được chất lượng nước thải, điều này đã làm ảnh hưởng tới môi trường nước biển miền Trung và là nguyên nhân sinh ra cá chết.
2) […]
3) Formosa sẽ giải quyết đền bù các thiệt hại đã xảy ra đối với người dân đã bị ảnh hưởng bởi sự cố nêu trên và sẽ giúp người dân nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm phù hợp.”
Sự việc này đã được đại diện Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông báo và xác nhận trong buổi họp báo công khai và chính thức với báo giới vào chiều ngày 30/06/2016. Cũng tại buổi họp báo đó, cơ quan chức năng đã phát băng ghi hình lãnh đạo của Công ty Formosa công khai và chính thức nhận trách nhiệm đối với sự cố hủy hoại môi trường nêu trên. (Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160630/hop-bao-cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-o-mien-trung/1127815.html)
II. HẬU QUẢ DO CÔNG TY FORMOSA GÂY RA
Dưới đây là tổng kết sơ bộ của Chính phủ về hậu quả từ hành động xả nước thải chứa độc tố ra biển của Công ty Formosa, trong báo cáo tình hình gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 7/2016 vừa qua:
1) Trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn;
2) 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra; sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng;
3) Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ;
4) Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết;
5) Tại bốn tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% só với cùng kỳ năm 2015; đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%;
6) Về môi trường, sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40% đến 60% rạn san hô bị phá huỷ;
7) Về xã hội, lòng tin của các tầng lớp nhân dân giảm; người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường;
8) Nhiều người dân không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo, v.v…; và
9) Sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản.
(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160728/chinh-phu-cong-bo-chi-tiet-thiet-hai-do-formosa-gay-ra/1145284.html; và http://www.vtc.vn/thang-8-2016-tien-boi-thuong-thiet-hai-do-formosa-gay-ra-se-den-voi-nguoi-dan-d268584.html)
III. CAM KẾT CỦA CÔNG TY FORMOSA
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 30/06/2016, ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng cho biết Công ty Formosa đã cam kết năm (5) điểm sau đây:
1) Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
2) Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu Đô La Mỹ;
3) Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua;
4) Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân VN và bạn bè quốc tế; và
5) Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN.
(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160630/hop-bao-cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-o-mien-trung/1127815.html)
Là những người trực tiếp gánh chịu thiệt hại tại địa phương, chúng tôi rất quan tâm đến hành động bồi thường thiệt hại của Công ty Formosa với tổng số tiền là 500 triệu Đô La Mỹ, tương đương 11.500 tỉ đồng.
IV. CAM ĐOAN VÀ CAM KẾT CỦA CHÍNH PHỦ
Trong tuyên bố của Chính phủ được ghi nhận tại cuộc họp báo vào chiều ngày 30/06/2016, Thủ tướng cam đoan rằng với nhận thức sâu sắc sự cố môi trường ảnh hưởng sâu sắc tới người dân, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan thực hiện ngay bồi thường, hỗ trợ chuyển nghề cho dân theo đúng quy định, tinh thần là bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có giám sát của dân, mặt trận tổ quốc và cơ quan báo chí.
Tại phiên họp của Quốc hội vào chiều ngày 29/07/2016, ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội và cam kết trước Quốc hội, nguyên văn như sau (trích đoạn):
“Liên quan đến Formosa, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu được kết quả bước đầu. Cảm ơn các Đại biểu Quốc hội và nhân dân trong cả nước đã dành ý kiến ủng hộ cho việc tìm nguyên nhân sự cố của Formosa. Sự chia sẻ này giúp chúng tôi làm tốt những công việc ban đầu.
Đến ngày 28-7 thì phía Formosa đã chuyển cho chúng ta số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Đến nay, các công việc liên quan đến vấn đề bồi thường hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo trước Quốc hội.”
(Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/bo-truong-tran-hong-ha-formosa-da-chuyen-250-trieu-usd-643718.html)
Cuối tháng 8/2016, ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tuyên bố rằng đến ngày 30/8/2016 Công ty Formosa đã chuyển đủ cho Chính phủ Việt Nam số tiền bồi thường 500 triệu Đô La Mỹ (nguồn: http://vtv.vn/trong-nuoc/formosa-da-chuyen-du-500-trieu-usd-boi-thuong-2016083100102232.html). Đây là toàn bộ số tiền cam kết bồi thường của Công ty Formosa cho những nạn nhân chịu thiệt hại từ thảm họa môi trường do doanh nghiệp này gây ra.
Nhận thức sâu sắc rằng sự cố môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, Thủ tướng cam đoan đã yêu cầu các cơ quan hữu quan thực hiện ngay việc bồi thường cho dân và cam kết rằng việc bồi thường sẽ theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có giám sát của dân, mặt trận tổ quốc và cơ quan báo chí.
Gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và bốn tỉnh miền Trung về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê hướng dẫn Cục Thống kê phối hợp với các đơn vị chức năng của các tỉnh xây dựng định mức thiệt hại, thống kê, cung cấp các số liệu liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính được Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng hợp, thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong tuần cuối tháng 9/2016.
V. THIỆT HẠI CỦA CHÚNG TÔI
Là những người dân sinh sống và mưu sinh tại vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố hủy hoại môi trường nêu trên, từ nhiều tháng nay tất cả chúng tôi đã trực tiếp chịu nhiều thiệt hại về phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Dưới đây là cách tính thiệt hại và giá trị thiệt hại của từng hộ gia đình nạn nhân từ hành động xả nước thải chứa độc tố ra biển của Công ty Formosa:
A. Cách tính thiệt hại
Thiệt hại của từng hộ gia đình nạn nhân bao gồm các khoản thiệt hại sau đây mà pháp luật hiện hành cho phép xác định để làm cơ sở yêu cầu thủ phạm gây nên thiệt hại phải bồi thường đầy đủ:
(i) Thiệt hại vì mất thu nhập trung bình trên thực tế trong 6 tháng qua (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9 năm 2016);
(ii) Thiệt hại kinh tế khác;
(iii) Thiệt hại tương lai; và
(iv) Thiệt hại tinh thần.
1) Thiệt hại vì mất thu nhập trung bình trên thực tế trong 6 tháng qua (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9 năm 2016)
Để tính mức thiệt hại vì mất thu nhập trung bình, chúng tôi ước tính mức thu nhập trung bình hàng tháng trước khi xảy ra sự cố môi trường (trước đầu tháng 4/2016) trừ đi mức thu nhập trung bình hàng tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường, sau đó nhân với 6 tháng vừa qua, cụ thể như sau:
Thiệt hại = (Mức thu nhập hàng tháng trước khi xảy ra sự cố môi trường – Mức thu nhập hàng tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường) x 6 tháng (a)
2) Thiệt hại kinh tế khác
Thiệt hại kinh tế khác là tổng chi phí vốn đầu tư và mua sắm các phương tiện sản xuất, kinh doanh mà từng hộ gia đình nạn nhân đã bỏ ra để mưu sinh, nhưng hiện nay và trong tương lai không thể sử dụng được do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường.
Thiệt hại kinh tế khác cũng là các chi phí điều trị bệnh, bao gồm khám chữa bệnh và mua thuốc điều trị, do bị nhiễm độc gây ra bởi độc tố thải ra trên biển từ sự cố môi trường.
Thiệt hại = Chi phí đầu tư/mua sắm + Chi phí điều trị bệnh (b)
3) Thiệt hại tương lai
Sự cố môi trường này theo đánh giá của các nhà khoa học sẽ mất 50 năm mới có thể khắc phục toàn bộ hậu quả. Xét trên khía cạnh kinh tế, chắc chắn trong vòng 5 năm (60 tháng) tới chúng tôi không thể trở về ngư trường của mình để tiếp tục công việc mưu sinh và tìm kiếm thu nhập tốt như trong quá khứ. Đây là thiệt hại tương lai to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình cũng như sự phát triển bình thường của con cái chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Công ty Formosa phải bồi thường thiệt hại trong thời gian 5 năm (60 tháng) sắp tới như sau:
Thiệt hại = Thiệt hại vì mất thu nhập hàng tháng nêu tại Mục 1 x 60 tháng (c)
4) Thiệt hại tinh thần
Không chỉ có các thiệt hại vật chất trong thực tế và trong tương lai, chúng tôi còn chịu thiệt hại nghiêm trọng về tinh thần, vì phải sống trong tình trạng bất an, lo âu và buồn bã suốt nhiều tháng qua bởi hậu quả do Công ty Formosa gây ra, mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Trong khi đó, tương lai của gia đình và con cái chúng tôi thì hoàn toàn mờ mịt. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Công ty Formosa phải bồi thường thiệt hại tinh thần như sau:
Khoản 2, Điều 609 của Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Tháng lương tối thiểu hay còn gọi là mức lương cơ sở được quy định theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định 47/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 là 1.210.000 đồng/tháng.
Như vậy, thiệt hại về tinh thần tính theo mức tối đa mà luật pháp quy định sẽ là: 36.300.000 đồng (d)
5) Tổng thiệt hại yêu cầu bồi thường
Tổng thiệt hại mà từng hộ gia đình chúng tôi gánh chịu bao gồm giá trị thiệt hại thu nhập trung bình trên thực tế, thiệt hại kinh tế khác, thiệt hại tương lai và thiệt hại tinh thần, mà chúng tôi yêu cầu Công ty Formosa phải bồi thường như sau:
Tổng thiệt hại = (a) + (b) + (c) + (d)
B. Giá trị thiệt hại cụ thể
Giá trị thiệt hại cụ thể của từng hộ gia đình nạn nhân và của toàn xã được liệt kê trong danh sách được đính kèm theo Đơn yêu cầu chi trả tiền bồi thường này tại Phụ lục 1.
VI. YÊU CẦU CỦA CHÚNG TÔI
Bằng Đơn này, chúng tôi – những người dân cùng ký tên dưới đây – kính đề nghị Quốc hội và Chính phủ trích từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà Công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ, để bồi thường cho tất cả những hộ gia đình được liệt kê trong danh sách tại Phụ lục 1 đính kèm theo đây, với mức thiệt hại cụ thể của mỗi hộ được ghi tương ứng bên cạnh, trong vòng mười lăm (15) ngày kể từ ngày Đơn này được lập và ký tên như nêu dưới đây.
Mọi vấn đề liên quan đến yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo Đơn này, xin vui lòng liên lạc với những người nêu tên dưới đây:
1) Người đại diện của chúng tôi
Tên: Trần Đình Lai
Linh mục Quản xứ Giáo xứ Đông Yên
CMND: số 183701917 , cấp vào ngày : 5/4/2016 , nơi cấp: CA Hà Tĩnh
Địa chỉ liên lạc: Giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, Tĩnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 0967477432
2) Luật sư của chúng tôi
Tên: Trần Vũ Hải
Thẻ căn cước: số 001062005342 cấp vào ngày 01/10/2015
Thẻ luật sư: số 1639 cấp vào ngày 01/08/2010
Địa chỉ liên lạc: 28 phố Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Điện thoại: 0903412526
Sau thời hạn mười lăm (15) ngày nêu trên mà không nhận được tiền bồi thường, chúng tôi sẽ bảo lưu và dành quyền khởi kiện theo luật định, đồng thời chuẩn bị ngay thủ tục khởi kiện trước tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Công ty Formosa bồi thường đầy đủ.
Rất mong Quốc hội và Chính phủ đáp ứng nguyện vọng chính đáng này của các nạn nhân chúng tôi và quyết định lựa chọn đứng bên cạnh toàn thể nhân dân Việt Nam. Chân thành cám ơn sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ.
Trân trọng kính chào.
ĐƠN YÊU CẦU CHI TRẢ TIỀN BỒI THƯỜNG NÀY được lập vào ngày 19 tháng 9 năm 2016 và được người đại diện các hộ gia đình nạn nhân cùng ký tên tham gia.
Thuận Kiệt