Đom đóm - đốm lửa của những khối tình

Hôm nay là ngày thứ tám anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù để đòi Quyền cho dân Việt, đòi nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật và phải trưng cầu dân ý vì một đất nước độc lập. Hôm nay, bao tù nhân lương tâm khác vẫn kiên trì đấu tranh, bao dân oan mất đất vẫn liên kết đòi công lý, bao người đấu tranh cho dân chủ cho tự do vẫn kiên cường, bao người kiên trì lên tiếng bảo vệ môi trường, vì tương lai của quốc gia, vì sự an toàn của toàn dân tộc… Họ là những “con đom đóm” đem ánh sáng thức tỉnh nhận thức của xã hội… Họ chấp nhận “phải đốt chính mình” để tạo nên những đốm lửa của ý thức…

Những đêm đầu hè, sau cơn mưa đầu mùa, hàng triệu con đon đóm từ trong những ngóc ngách của những bui cây bay ra mang theo những ánh xanh lân tinh lập lòe kỳ ảo, cuốn hút và làm xao xuyến lòng người…

Truyện xưa kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau, nhưng gia cảnh quá nghèo, không có điều kiện tổ chức đám cưới, nên chàng trai ước hẹn với người yêu một thời gian. Chàng lên tầu trẩy phương xa, nàng ở lại quê nhà trông ngóng. Ban ngày nàng ra bờ sông đợi chờ, ban đêm nàng leo lên hòn đá cao, tay cầm đèn bão giơ lên làm tín hiệu, hy vọng ngày nào đó, chàng sẽ về, sẽ thấy, sẽ tìm đến để đôi lứa được trọn vẹn câu thề. Nàng cứ chờ, cứ chờ…

Niềm tin vào tình yêu giúp cho nàng có sức mạnh kiên trì và kiên trung; niềm hy vọng tiếp sức cho nàng sống, dù trong cô đơn ngàn nỗi; và tình yêu nồng nàn không lúc nào vơi trong tim…

Rồi chàng… mãi không về, người con gái ấy, trong một đêm giá… cũng đã ra đi trên phiến đá lạnh, tay vẫn còn cầm đèn báo hiệu…

Nàng chết, hóa thân thành đom đóm, cứ vào mỗi đêm hè, nàng lại bay đi tìm chàng, với thứ ánh sáng xanh kỳ ảo của bài tình ca, đốt cháy từ chính bản thân mình.

Chuyện thời “trẻ trâu”. Những đứa trẻ rất thích đom đóm. Chúng bắt đon đóm cho vào lọ, vào vỏ trứng treo lên làm đèn. Đứa “ác” hơn ngắt đầu, ngắt chân đon đóm, rồi thích thú xem ánh sáng lập lòe phát ra trong bụng con đon đóm…

Ngọn hải đăng trong đêm là đốm lửa nhỏ. Nó là ánh sáng soi đường cho tầu ra khơi, là biểu tượng cho đất liền, cho sự cập bến an toàn của người thuỷ thủ sau bao ngày lênh đênh giữa đại dương.

Hôm nay là ngày thứ tám anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù để đòi Quyền cho dân Việt, đòi nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật và phải trưng cầu dân ý vì một đất nước độc lập. Hôm nay, bao tù nhân lương tâm khác vẫn kiên trì đấu tranh, bao dân oan mất đất vẫn liên kết đòi công lý, bao người đấu tranh cho dân chủ cho tự do vẫn kiên cường, bao người kiên trì lên tiếng bảo vệ môi trường, vì tương lai của quốc gia, vì sự an toàn của toàn dân tộc, đòi minh bạch hóa những vấn đề mà nhà cầm quyền cộng sản cố bưng bít, lảng tránh.

Những người ấy không phải là những tổ chức, những đoàn thể chống đối, phá hoại và bất mãn. Họ là những “con đom đóm” đem ánh sáng thức tỉnh nhận thức của xã hội, lay tỉnh xã hội phải quan tâm tới những vấn đề chính trị đã, đang và sẽ xảy ra cho mình, vì đó chính là vận mệnh của mình, với cái giá không hề rẻ, với sự hy sinh không hề nhỏ. Bằng chính sự sống của bản thân, hạnh phúc và tương lai của gia đình, họ chấp nhận “phải đốt chính mình” để tạo nên những đốm lửa của ý thức, giúp cho cộng đồng có nhận thức, vì hôm nay là vấn đề của họ, nhưng mai ngày sẽ là của chính cộng đồng.

Có nhiều người dường như thất vọng về tính hiệu quả của những cuộc tọa kháng đòi môi trường sạch và minh bạch vụ cá chết; có những người chán nản vì đám đông vô cảm, ù lỳ trong nếp nghĩ an thân cam phận, nhìn những người đấu tranh bị “hốt” từ lần này sang lần khác, đã trở nên nghi hoặc hay giận dữ.

Có nhiều người vì sợ hãi, ích kỷ, sống thu mình trong “vỏ ốc”, thu mắt và “thu óc” mình lại với “cơm, áo, gạo, tiền”, và hài lòng vì đã chu toàn bổn phận với gia đình. Nhưng “Nước mất thì nhà tan”. Họ không biết rằng họ sẽ phải lo cơm, áo, gạo tiền thêm gấp nhiều lần, vì thái độ lảng tránh những vấn đề chính trị, là những vấn đề liên quan trực tiếp đến miếng cơm, manh áo của họ, đến sự an nguy của gia đình họ, con em họ và nhất là sự im lặng của họ là sự “nuôi dưỡng” cái thể chế tham nhũng đang bóc lột, đang tiếp tay với những tập đoàn, những quốc gia bóc lột họ, đầu độc họ, giết chết họ.

Một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nó “báo hiệu” mùa xuân sắp đến. Một đốm lửa nhỏ leo lét không có sức mạnh, nhưng nó là “mồi lửa” để làm bùng lên những đám cháy vũ bão. Nếu chỉ một con đom đóm, nó chỉ là thứ ánh sáng vui mắt, nhưng nếu hàng chục con tập hợp lại, nó có thể soi sáng cho anh chàng học trò nghèo có được ánh sáng tri thức. Nếu hàng triệu triệu con tập hợp lại, nó có thể trở nên ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho những con tàu cập bến bình an.

Việc dân chúng hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn chào đón Tổng thống Obama trong tư cách là người đại điện và bảo vệ thế giới tự do, không phải là sự “lên đồng” tập thể như kiểu “suy tôn thần tượng”, nhưng là tín hiệu cho thấy người dân đã có ý thức. Họ công khai bày tỏ “động cơ” của lòng yêu mến, của sự kỳ vọng vào ai, vào điều gì. Đó là sự “âm ỷ bùng phát”.

Cuộc bầu phiều Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vừa qua cũng vậy, người dân đã ý thức về “Quyền” của mình, ý thức được việc mình phải làm, nên làm và không nên làm. Đó là sự “bùng phát cái đang âm ỷ” trong lòng.

Và còn những sự kiện sẽ đến nữa…

Gieo ý thức, nhận thức lớn lên và đơm bông kết trái là cả một tiến trình lặng lẽ, phải hội đủ các yếu tố cần thiết, phải trải qua những gian nan thử thách như Đức Giêsu đã nói trong dụ ngôn “hạt giống âm thầm mọc và dụ ngôn người gieo giống” (Mc 4,1-20 và 26-29), và dụ ngôn “xây nhà trên đá” (Mt 7, 24-27).

Tổng thống Obama đã gây ý thức ấy, khi nói trong bài phát biểu “vận mệnh Việt Nam nằm trong tay người Việt”, chỉ có người Việt mới cứu được dân tộc Việt Nam, còn Mỹ chỉ góp phần tạo ra không gian và kéo dài thời gian để người Việt có nhiều cơ hội chọn lựa một cơ chế chính trị cho mình. Bằng cách nào, khi nào, vấn đề này cần đến ý thức của người dân, nhưng ông hứa “nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, như một đối tác, và một người bạn”.

Chính sự thay đổi nhận thức xã hội phát sinh những chuyển động xã hội, từ đó có thể tiến tới chỗ thay đổi cơ chế chính trị. Sự thay đổi nhận thức xã hội này nhanh hay chậm tùy theo điều kiện và tình hình cụ thể.

Nhìn vào các phong trào vì môi sinh xã hội, phong trào dân chủ và công bằng, công lý, đã phải vất vả lớn lên, tuy chậm nhưng đó là tín hiệu đáng mừng; nhìn vào những cuộc bách hại các cá nhân và các phong trào đã thay đổi nhận thức chính trị đó, ta thấy nỗi hãi sợ của nhà cầm quyền cộng sản qua việc “quản lý chặt, xử lý nghiêm”, mạnh tay, cứng rắn với các cuộc biểu tình nhân vụ thảm họa mội trường, cá chết hàng loạt, chẳng khác gì lũ trẻ trâu “vặt đầu, bứt chân những con đom đóm”, dù vậy, ánh sáng của những con đom đóm ấy vẫn sáng lập lòe, “đủ” để làm tín hiệu kêu gọi những con đom đóm khác đến…

Nếu, và điều này là không thể cho đến nay, nhà cầm quyền cộng sản nhìn nhận thái độ đối với những vấn đề nóng trong xã hội là phản ánh đúng lòng dân, và nếu, và điều này là không thể cho đến nay, họ biết chính trị cốt để an dân, thì họ phải nhìn vào bản chất của vấn đề: cái gì làm người dân bất an lo lắng, đến nỗi họ vượt qua nỗi sợ và sự an thân để bùng lên tranh đấu cho môi trường, cho vấn đề cá chết, cho những vấn đề đe dọa đến sinh mạng của người dân, đến sự an nguy của dân tộc, và sẵn sàng chịu sự đàn áp?

Biểu tình, phản kháng là một chỉ số đo lường phản ứng của xã hội đối với một vấn đề đang xảy ra; biểu tình chỉ mang tính “đánh động” chứ không dẫn đến bạo loạn hay gọi là lật đổ chế độ. Nếu chính quyền coi biểu tình là âm mưu lật đổ chế độ, thì chính quyền tự thú mình chỉ vì mình, chỉ lo cho mình, cho lợi ích của đảng mình, chứ không phải của dân, vì dân, lo cho dân. Và như thế là họ đang phản bội sứ mạng của chính mình: hiện hữu chỉ vì công thiện công ích.

Không biết Trần Huỳnh Duy Thức rồi sẽ ra sao, và nhà cầm quyền cộng sản có động thái gì, nhưng vẫn có hàng triệu người vẫn quan tâm đến anh, bên cạnh anh, vẫn cầu nguyện ơn Trời cho anh được thêm sức mạnh, được bình an trong tâm hồn. Vì thế anh hãy kiên vững để vượt qua!

Có thể anh sẽ bị bọn “trẻ trâu” vặt đầu, bẻ chân, nhưng cứ thắp sáng mãi “ánh sáng xanh” của niềm tin bằng chính sự hy sinh của mình, tiêu hủy chính thân mình làm “ánh sáng” cho dân Việt đang lầm lũi trong u mê, cam phận.

Sức mạnh của người chiến thắng được bản thân, chiến thắng được những nhu cầu của bản thân, của những tình cảm gia đình, của những bổn phận và trách nhiệm với gia đình, lo cơm ăn, áo mặc cho gia đình, để vươn tới lo cho một “gia đình lớn” là dân tộc, là Quốc gia được sống trong Quyền con người, trong một thể chế biết phục vụ con người, là sức mạnh của “bậc Trượng phu”. Sức mạnh đó bây giờ chỉ như “ngọn nến trong gió”, nhưng anh thấy trước những hy sinh của mình không vô ích. Nó là sức mạnh giúp anh vượt qua nỗi khó khăn hiện tại và phá tan giông bão của dân tộc Việt Nam.

Dù có thể bị bạo quyền “vặt đầu, bẻ chân”, “Anh phải sống” để trở nên “biểu tượng cho sự bất khuất của dân Việt”, cho thái độ “ngạo nghễ ” soi chiếu vào những nỗi đau buồn và tuyệt vọng của những người đang chôn vùi tương lai trong một kiếp sống cam phận.

Anh đã không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng anh được chọn được cách mình sống. Thử thách của lòng can đảm không phải là dám chết, nhưng là dám sống và thực hiện giấc mơ của mình.

Đồng hành và đồng cảm với anh, cùng với anh, chúng ta cùng hát bài ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” Sáng tác: Nguyễn Đức Quang, như những con “đom đóm” trong bài tình ca, mời gọi những con “đom đóm” khác cùng cất cao tiếng hát:

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên”.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết