Việc hợp pháp hóa các Giám mục Trung Quốc đã được tấn phong mà không có sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng không phải là một hành động quan liêu không giữ vững lập trường, mà đúng hơn là một hành trình nhận thức thực sự và sâu sắc về Giáo hội. Bài viết này liên quan đến vấn đề về tính hợp pháp theo Giáo Luật và sự công nhận dân sự của các Giám mục.
Giáo hội Công giáo không nên được hiểu theo nghĩa về mặt địa lý hay thể chế, nhưng theo ý nghĩa về tính toàn vẹn về Giáo lý và đức tin, với việc trung thành với Truyền thống thông qua sự hiệp thông trọn vẹn. Ý nghĩa sâu sắc về đặc tính Công giáo này đánh động mọi trái tim và tâm hồn: đặc tính Công giáo, trên thực tế, là một hành trình hướng tới một sự hiệp nhất hệ thống có khả năng điều hòa sự đa dạng trong Chúa Kitô. Và do đó Giáo Hội địa phương về mặt nội bộ được cấu trúc hướng tới việc cử hành Thánh Thể bởi toàn thể Dân Thiên Chúa, dưới sự chủ trì của Giám Mục, được bao quanh bởi Linh mục đoàn, và với sự trợ giúp của các Phó tế.
Theo nghĩa này, Giáo hội Công giáo được tìm thấy ở bất cứ nơi nào có một Giáo hội địa phương với một Giám mục hiệp thông với vị Giám mục Roma, người coi sóc tất cả các Giáo hội địa phương lan rộng trên khắp thế giới. Mặt khác, nếu như vị Giám mục địa phương không được “sinh ra” trong sự hiệp thông với vị Giám mục Rôma, và không thể hiện sự hiệp thông đó trong những hành động hàng ngày của mình, sẽ có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh. Do đó, Giáo luật đã thiết lập những quy định trừng phạt nghiêm khắc đối với Giám mục, người thực hiện việc truyền chức giám mục mà không có sự phê chuẩn của Giáo Hoàng, cũng như đối với những người chịu chức. Những cuộc bổ nhiệm giám mục như vậy, trên thực tế, gây ra một vết thương đau đớn cho sự hiệp thông Giáo hội và đồng thời cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng đối với kỷ luật Giáo hội.
Con đường dẫn đến việc hợp pháp hóa đối với các Giám mục Trung Quốc đã được bổ nhiệm mà không có sự ủy thác của Đức Giáo Hoàng không phải là và không thể, sau đó, là một hành động quan liêu không giữ vững lập trường; mà đúng hơn, đó phải là một hành trình nhận thức thực sự và sâu sắc về Giáo hội, theo đó các trường hợp cụ thể được đánh giá để xác định rằng liệu các điều kiện thiết yếu có tồn tại hay không, chẳng hạn như một vị giám mục đã được bổ nhiệm như vậy có thể được tái thừa nhận vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo hay không.
Cuộc hành trình như vậy bắt đầu khi nhóm người có liên quan liên tục đưa ra một yêu cầu rõ ràng và chân thành với Đức Thánh Cha để xin sự tha thứ. Sau yêu cầu ban đầu này, hành trình được tiếp tục với các giai đoạn sau:
* Đức Giáo Hoàng sẽ xem xét yêu cầu trên, và cuối cùng sự tha thứ sẽ được Ngài chấp thuận
* Giảm bớt khung hình phạt của Giáo hội – đặc biệt là vạ tuyệt thông tiền kết – mà vị giám mục đó đã mắc phải và đã được dự liệu bởi Giáo luật để khiến họ ăn năn hối cải
* Giải vạ tuyệt thông
* Tái lập sự hiệp thông trọn vẹn
* Sự chấp thuận một phần đối với chức vụ Giám mục về những thái độ nội tâm và hành vi công khai thể hiện sự hiệp thông đó;
và, hầu như là luôn luôn
* Trao nhiệm vụ mục vụ.
Điều quan trọng là một vị giám mục đã được ân xá và được hợp pháp hóa sẽ được đón nhận bởi cộng đồng mà vị giám mục đó được sai đến với tư cách là một Mục tử. Điều này đòi hỏi, về phía toàn bộ cộng đồng, một sự đóng góp những lời cầu nguyện, tinh thần cảnh giác, sự vâng phục, và sự hợp tác để thúc đẩy tinh thần hiệp thông.
Con đường hòa giải, với các thủ tục đặc biệt đối với các trường hợp của Giám mục bất hợp pháp, nằm trong các quy định thông thường đối với đời sống của Giáo Hội bất cứ khi nào tinh thần hiệp thông trong Giáo hội bị tổn thương. Hơn nữa, đối với trường hợp của Trung Quốc, việc hợp pháp hóa các Giám mục không phải là một sự mới mẻ hiện đại: điều đó đã diễn ra trong những thập kỷ gần đây, mặc dù không được đón nhận và chấp nhận bởi tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong quá trình hợp pháp hóa các Giám mục, rõ ràng, cũng hàm chứa những ý nghĩa dân sự được nhấn mạnh, trong một số trường hợp, đến mức giả định tầm quan trọng chính yếu, khi xem xét các sự kiện.
Một mặt, cách giải thích mang tính chính trị về tính hợp pháp, cũng như, mặt khác, sự hiểu lầm về ý nghĩa chính trị đối với những hình phạt Giáo hội, trong một số trường hợp, đã gây ra sự khó chịu và bối rối nơi một số nhà quan sát, và thậm chí ngay cả trong một số thành viên của Giáo Hội. Việc hợp pháp hóa các Giám mục, mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ mong muốn một cách rõ ràng, đã không được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi một số thành phần thuộc Giáo hội “bí mật”. Họ nhận thấy có nguy cơ việc hợp pháp hóa các Giám mục được hiểu là một sự tán thành đối với “cộng đồng chính thức” và đối với chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói khác trong cộng đồng “bí mật” ủng hộ việc hợp pháp hoá các Giám mục này. Chẳng hạn như, một giám mục “bí mật” thời đó, khi được thông báo về các cuộc đàm phán với các cơ quan chính phủ, đã công khai bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người “đã mở lòng Chúa Kitô và chấp nhận nhiều Giám Mục thuộc cộng đồng chính thức”, và đã nỗ lực làm việc để bảo vệ sự hiệp nhất và tinh thần hiệp thông của Giáo Hội ở Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả hiện nay, mặc dù vấn đề về việc hợp pháp hóa các Giám mục ở Trung Quốc dường như chỉ liên quan đến một vài trường hợp các Giám mục, hiện vẫn còn một làn sóng bất đồng, được thúc đẩy bởi nhiều động cơ khác nhau, cần phải được xem xét. Tuy nhiên, tất cả mọi người nên duy trì một sự xác quyết chắc chắn rằng ở Trung Quốc, cơ cấu Giáo hội của cộng đồng Giáo phận chỉ có thể bắt đầu được tái xây dựng quanh một vị Giám mục hợp pháp và đã được công nhận.
Sergio Centofanti và Bernd Hagenkord, SJ
Minh Tuệ phỏng dịch