Đôi nét về Huấn Quyền

Khi nói về quyền giáo huấn của Giáo hội, Công Đồng Vaticanô II quả quyết rằng: “Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu tryền, chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo huấn sống động của Giáo hội và Giáo hội thi hành Quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô.”[1]

Quyền Giáo huấn (giảng dạy) được trao cho những đấng kế vị các thánh Tông đồ. Nói cách khác, hàng Giám mục hiệp nhất với Đức Giáo hoàng hợp thành Huấn quyền của Giáo hội, như một toàn thể. Huấn quyền đạt tới cấp độ cao nhất nơi Đức Giáo hoàng. Ngài được hưởng quyền này như đặc ân cá nhân gắn liền vào chức vụ tối cao của ngài. Hàng Giám mục cũng thực sự nắm quyền giảng dạy đó, nhưng cần hiệp nhất với Đức Giáo hoàng.

Dưới đây, xin được đề cập sơ qua ý niệm Huấn quyền (Magisterium) theo dòng thời gian và các hình thức thực hành Huấn quyền trong Giáo hội hiện nay.

1. Ý niệm và một thoáng nhìn lịch sử[2]

Ý niệm Huấn quyền (Magisterium) xét về nghĩa đen có nghĩa là thẩm quyền thầy dạy. Ngày nay nói đến Magisterium thì ta hiểu rằng đó là quyền giáo huấn, thẩm quyền giảng dạy của những người kế vị các thánh Tông đồ.

Thời Giáo hội sơ khai, ý niệm “huấn quyền” dường như chẳng bao giờ được đề cập. Nhưng nói vậy không có nghĩa là huấn quyền không được thi hành. Trái lại, thẩm quyền ấy được thực thi một cách rất nhuần nhuyễn và tự nhiên. Cụ thể, những người kế vị các Tông đồ luôn là người trụ cột trong cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn trước những thách đố về đức tin và đời sống luân lý.

Ý niệm “quyền giáo huấn” sang đến thời Trung Cổ không chỉ được áp dụng cho những người kế vị các thánh Tông đồ (các giám mục) mà còn được áp dụng cho các thần học gia. Vì vậy, thánh Tôma Aquinô thường nói đến magisterium cathedrae pastoralis để ám chỉ thẩm quyền giáo huấn mục vụ của các giám mục và magisterium cathedrae magistralis để ảm chỉ thẩm quyền giảng dạy của các nhà thần học.

Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay, Magisterium không còn được áp dụng cho các thần học gia nữa mà chỉ áp dụng cho các giám mục. Công Đồng Vaticanô II minh định vai trò Huấn quyền và khai triển các khía cạnh khác nhau của Huấn quyền Giáo hội một cách đích xác hơn. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu những điều liên quan đến Huấn quyền được Công Đồng Vaticanô II khai triển và làm sáng tỏ.

2. Các hình thức thực hành Huấn quyền trong Giáo hội

Giáo hội như một toàn thể, với ơn trợ giúp của Thánh Thần, không bao giờ lầm lạc trong việc tìm kiếm hiểu biết và giải thích các chân lý đức tin và mạc khải. Đặc biệt, Giáo hội được ủy thác gìn giữ và làm sáng tỏ kho tàng Mạc khải cho nhân loại qua mọi thời đại, nên ơn không sai lầm (vô ngộ) được ban cho Giáo hội.

Nhìn chung, có hai hình thức thực hành quyền giáo huấn trong Giáo hội, đó là giáo huấn thông thường, giáo huấn ngoại thường.

a. Giáo huấn thông thường

Giáo huấn thông thường là giáo huấn do Đức Giáo hoàng, các Giám mục trong tư cách cá nhân hay trong tư cách hội đồng thi hành nhiều thể thức khác nhau quyền giáo huấn của mình. Giáo huấn thông thường dưới hình thức này không được coi là vô ngộ.

Quyền giáo huần thường xuyên của một giám mục tại giáo hội địa phương được Công Đồng Vaticanaô II làm sáng tỏ: “Giám mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2 Tm 4,1- 4).[3]

Các hình thức giáo huấn thông thường mà Giám mục giáo phận thi hành đó là huấn thị, thư chung, việc duyệt xét các Sách Giáo lý, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu.

Các Giám mục của các giáo hội địa phương quy tụ với nhau dưới hình thức Thượng hội đồng hay Hội đồng Giám mục cũng có thể thi hành quyền giáo huấn thông thường cho các giáo hội địa phương. Cụ thể, Công Đồng Vaticanô II, qua Hiến chế về Phụng vụ thánh, đã xác định quyền của các Hội đồng Giám mục trong các vấn đề liên quan đến phụng vụ của cả một vùng, một khu vực, hay một đất nước.[4] Với Hiến chế tín lý về Giáo hội, Công Đồng cũng xác định ý nghĩa và vai trò của “các Hội đồng Giám mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn.”[5] Dĩ nhiên, các quyết định được đưa ra bởi một Hội đồng Giám mục thì phải hội đủ sự đồng thuận của 2/3 Giám mục trong hội đồng và phải được Tòa Thánh thông qua.[6]

Với Đức Giáo hoàng, khi ngài không ngồi trên Ngài tòa thánh Phêrô, thì giáo huấn của ngài cũng được gọi là giáo huấn thông thường. Trước kia, quyền giáo huấn thông thường của Đức Giáo hoàng được thực thi khi ngài chính thức trả lời các câu hỏi được đặt ra bởi các nhóm thần học về những vấn đề liên quan đến tín lý. Kể từ thế kỷ XIX hình thức giáo huấn thông thường của Đức Giáo hoàng được thể hiện qua các thông điệp, các tông huấn, các tông thư, tự sắc và các huấn dụ hay các huấn từ.

b. Giáo huấn ngoại thường

Đây là hình thức giáo huấn long trọng (Solemni Judicio) gồm hai trường hợp:

+ Quyết định của công đồng chung: Ngay từ thuở sơ khai, Giáo hội đã nhận ra rằng chính Thánh Thần hoạt động trong lòng Giáo hội và ơn hiểu biết chân lý được ban cho các giám mục để các ngài có khả năng rao giảng cách trung thành đức tin tông truyền. Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, Giáo hội xác tín rằng khi tất cả các giám mục được triệu tập cho một công đồng chung để công bố giáo huấn chính thức của Giáo hội về vấn đề đức tin và luân lý, thì giáo huấn ấy không hề sai lầm và buộc toàn thể Giáo hội phải tuân giữ.

+ Quyết định được công bố Ex Cathedra (từ Ngai Toà “Thánh Phêrô”) do Đức Giáo Hoàng Roma: Ngay từ thế kỷ II, có một lối thực hành quen thuộc trong toàn Giáo hội, đó là Giáo hội Rôma được xem như giáo hội mẹ với vai trò đặc biệt nối kết và hiệp thông các giáo hội khác. Trải qua các thế kỷ, Giám mục Rôma có thẩm quyền đặc biệt trong những phán quyết cho toàn Giáo hội. Chẳng hạn, khi có những tranh luận về ngày lễ Phục Sinh hay vấn đề có cần phải rửa tội lại cho những người đã chối đạo hay không, thì tất cả các giáo hội địa phương đều hướng về giáo hội Rôma và coi tiếng nói của vị Giám mục Rôma như là tiếng nói chung cục và đáng tin cậy nhất với Tin mừng. Đến Công Đồng Vaticanô I, Giáo hội chính thức và long trọng công bố ơn vô ngộ của Đức Giáo hoàng Rôma khi ngài ở trên ngai tòa thánh Phêrô mà phát quyết các vấn đề liên quan đến đức tin và phong hóa. Công Đồng Vaticanô II tái xác định ơn vô ngộ này.

* Lưu ý về đặc ân vô ngộ:

+ Đây là đặc ân không thể sai lầm trong việc giảng dạy những gì thuộc đức tin và luân lý. Đặc ân này gắn liền với Quyền giáo huấn của cả Giáo Hội: toàn thể Giáo Hội chủ huấn được hưởng đặc ân bất khả ngộ này – Hàng Giám mục kết hiệp với Đức Giáo Hoàng Roma.

+ Mỗi Giám mục riêng lẻ không được hưởng đặc ân này. Hàng Giám mục như một toàn thể thì được: các Công Đồng – nhưng phải thông hiệp với vị thủ lãnh tối cao của Giáo Hội là Đức Giáo hoàng.

+ Còn Đức Giáo hoàng (Giám mục Rôma) được hưởng đặc ân này như đặc ân cá nhân, gắn liền với chức vụ tối cao của ngài, khi ngài công bố long trọng và chính thức một quyết định liên quan đến đức tin và luân lý (phong hoá).

+ Tính Bất khả ngộ của huấn quyền nơi Giáo hội được gọi là tính bất khả ngộ chủ động (infallibilitas activa docendi). Ngoài ra còn có tính bất khả ngộ thụ động (infallibilitas passiva– thụ huấn) nơi toàn thể các tín hữu: Giáo hội như một toàn thể, không bao giờ sai lầm. Tính bất khả ngộ thụ động là hiệu qủa của tính bất khả ngộ chủ động.

+ Về chi tiết (các) tín điều bất khả ngộ, ta có thể ghi nhận:

Công ĐồngVaticanô I (1869-1870) đã công bố tín điều này, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo Giáo hội của Đức Giáo hoàng: “Khi dạy từ toà (Ex Cathedra), nghĩa là khi thể hiện với nhiệm vụ Chủ chăn và Thầy dạy (tiến sĩ) của toàn thể Kitô hữu, do quyền Tông đồ tối cao, về giáo lý đức tin hoặc luân lý được ấn định cho toàn thể Giáo hội, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa đã được hứa ban cho Thánh Phêrô, thì không thể sai lầm.”[7]

Công Đồng Vaticanô II cũng nhắc lại tín điều này và còn nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Giám mục đoàn (Hàng Giám mục hiệp thông với Đức Giáo hoàng): “Tuy mỗi Giám mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ. Nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hoá là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô.”[8] Ơn Bất khả ngộ của chính Giáo hội cũng hiện hữu nơi Giám mục đoàn khi các ngài sử dụng quyền giáo huấn tối thượng này cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô.[9]

Kết luận

Một vài dòng tìm hiểu sơ lược về Huấn quyền Giáo hội kể trên như là một sự gợi nhắc đến tầm quan trọng của những giáo huấn do các đấng kế vị các thánh Tông đồ ban bố qua đó cũng gợi nhắc và phân biệt đâu là những giáo huấn của Giáo hội mà các tín hữu bắt buộc tuân thủ triệt để trong đời sống đức tin của mình.

Linh mục Antôn Nguyễn văn Dũng, C.Ss.R.

Chú thích

[1] DV, # 10.

[2] Yves Congar, “A Semantic History of the Term ‘Magistarium’” in Readings in Moral Theology No. 3: The Magisterium and Morality, ed. Charles Curran & Rechard McCormick (New York: Paulist, 1982), 297 – 313.

[3] LG, # 25.

[4] SC, # 22, # 36, & #39.

[5] LG, # 23.

[6] CD, # 38

[7] DS, 1839

[8] LG, # 25.

[9] LG, # 25.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết