Thông điệp Laudato Sì (Chúc tụng Chúa, 2015) do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành là lời dạy quan trọng của Giáo hội về vấn đề sinh thái. Thông điệp này dựa trên các nghiên cứu khoa học để đưa ra một đánh giá toàn diện về nguy cơ đe dọa sinh thái đồng thời chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng [về sinh thái]. Những nguyên nhân đó không chỉ là những thất bại của cộng đồng chính trị (do sự phụ thuộc của chính trị đối với công nghệ và tài chính) hay sự khai thác thiên nhiên một cách vô độ vì lợi ích kinh tế. Lý do chính đến từ con người, đến từ sự thờ ơ của con người trong mối quan hệ với tạo thành (“… mối quan hệ với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa và với trái đất”). Cần có sự hoán cải để khôi phục lại trong con người sự hiểu biết rằng “mọi thứ đều liên kết với nhau và không thể tách rời việc chăm sóc cho đời sống của mình cũng như mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên ra khỏi những giá trị như tình huynh đệ, sự công bằng và sự trung tín” (Laudato Sì , số 70). Do đó, để có một nền sinh thái thực sự cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái con người, sinh thái xã hội và sinh thái văn hóa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng sự tự do của con người có thể “đặt ranh giới cho kỹ thuật, định hướng nó để phục vụ cho một mô hình phát triển lành mạnh, nhân bản, mang tính xã hội và toàn diện hơn” (Laudato Sì , 112). Cùng với thông điệp Laudato Sì, thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các Dân tộc, 1967) và thông điệp Yêu thương trong Sự thật (Caritas in Veritate, 2009) cũng là những văn bản quan trọng bàn về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và việc bảo tồn sinh thái môi trường.
Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo số 466–471
Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 282, 454
YOUCAT số 436–437″
P.B. chuyển ngữ