Các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo hoàng với các vị nguyên thủ quốc gia được sắp xếp một cách hết sức cẩn thận. Chúng tuân theo một lịch trình như thường lệ và cụ thể, với ít chỗ cho sự sai lệch hoặc những yếu tố bất ngờ không mong muốn.
Trong khi các hoàng gia, tổng thống hoặc thủ tướng thực hiện chuyến viếng thăm đến Vatican có thể cảm thấy bối rối về các chi tiết, họ đã gửi các đội ngũ đến đây hàng tháng trước để lên kế hoạch cho từng thời điểm, những mục tiêu của chính quyền thành phố đã trở nên hết sức rõ ràng: nhằm bảo vệ hình ảnh cũng như tầm ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng, và sau đó lui vào phía sau để cho Đức Thánh Cha điều khiển cuộc gặp gỡ như Ngài muốn.
Theo ông Ken Hackett, đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh gần đây nhất, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Theo quan điểm của Vatican, việc đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia là một điều rất đỗi bình thường. Họ đã làm điều này trong suốt nhiều thế kỉ. Họ biết chính xác họ sẽ làm gì cũng như họ có thể làm gì”.
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến để gặp gỡ ĐTC Phanxicô vào sáng ngày 24 tháng 5, ông ta sẽ được hộ tống qua một loạt phòng trong Điện Tông Tòa nhằm gây ấn tượng với ông ta về quyền lực lịch sử cũng như vẻ uy nghi của Vatican. Trên đường đi, ông ấy sẽ đi ngang qua Đội vệ binh Thụy Sỹ trong trang phục uy nghi, đứng nghiêm trang với một loại vũ khí dài trong tay được biết đến như là những ngọn kích.
Một trong những căn phòng cuối cùng mà tổng thống sẽ bước vào trước khi gặp ĐTC Phanxicô là phòng họp Sala Ambrogio, được đặt theo tên của một vị Thánh Giám mục thế kỷ thứ ba, được đặc trưng bởi một bức họa được vẽ theo phong cách thời kỳ Phục Hưng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu và một tấm thảm lớn được trang trí với huy hiệu thời Giáo Hoàng Lêô XIII.
ĐTC Phanxicô và Tổng thống Trump trước tiên sẽ gặp mặt tại tiền sảnh của thư viện Giáo Hoàng, nơi Đức Giáo Hoàng chủ trì tất cả các cuộc gặp chính thức của Ngài với các vị nguyên thủ quốc gia. Hai nhà lãnh đạo sẽ bắt tay nhau ở đó, chỉ một nhóm bao gồm khoảng năm nhiếp ảnh gia và hai kí giả có thể được phép nghe những lời đầu tiên của hai nhà lãnh đạo với nhau.
ĐTC Phanxicô sau đó sẽ đưa Tổng thống Trump vào trong thư viện, nơi cả hai sẽ ngồi vào một cái bàn bằng gỗ lớn để có thể đối diện với nhau. Các nhà báo được phép tiếp tục có mặt trong phần đầu cuộc gặp gỡ, có thể lưu ý các chi tiết: ĐTC Phanxicô sẽ ngả người về phía trước, tham gia vào cuộc trò chuyện? Ngài có khhoanh tay, hoặc diễn tả bằng điệu bộ? Ngài có mỉm cười không?
Sau khoảng 30 giây, tất cả mọi người, ngoại trừ tổng thống, ĐTC Phanxicô và một dịch giả, sẽ được hộ tống ra khỏi phòng. Không ai khác được phép có mặt để theo dõi cuộc trò chuyện, nghĩa là không ai khác có thể nói điều gì đã xảy ra trong phòng.
Chờ đợi ở một phòng chờ nhỏ khác, các nhà báo sẽ bắt đầu việc ghi chép để có thể ghi lại chính xác thời gian mà hai nhà lãnh đạo dành cho cuộc trò chuyện riêng tư của mình.
Một cuộc gặp gỡ thông thường diễn ra từ 20-30 phút. Tổng thống Barack Obama, được biết là đã có cuộc trò chuyện rất ăn ý với Đức ĐTC Phanxicô, đã trải qua hơn 50 phút với vị Giáo Hoàng trong cuộc gặp gỡ vào tháng 3 năm 2014. Cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper, được biết là đã không thích thú với mối quan hệ như vậy, đã có cuộc gặp gỡ chỉ dưới 10 phút vào tháng 6 năm 2015.
Một khi cuộc gặp gỡ cá nhân kết thúc, các nhà báo sẽ được đưa trở lại thư viện để chứng kiến việc trao đổi chính thức các món quà giữa ĐTC Phanxicô và Tổng thống Trump. Lúc này, đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump – có thể bao gồm đệ nhất phu nhân Melania, con gái Ivanka, và con rể Jared Kushner – cũng sẽ được phép từng người một gặp gỡ ĐTC Phanxicô, mỗi người sẽ có những khoảnh khắc ngắn ngủi với vị ĐTC Phanxicô để bắt tay và được nhận một cỗ tràng hạt Mân Côi đã được Ngài làm phép.
ĐTC Phanxicô và Tổng thống Trump sau đó sẽ cùng nhau tiến tới một cái bàn nhỏ, nơi đặt món quà để trao tặng nhau. Thông thường ĐTC Phanxicô sẽ gửi tặng các vị nguyên thủ quốc gia bản copy ba Tông Huấn chính của mình: Evangelii Gaudium, Laudato Si’, và Amoris Laetitia.
Đức Giáo Hoàng thường gửi tặng các nhà lãnh đạo chính trị một huy chương, vốn thấm đượm một thông điệp cụ thể nào đó. Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng Ba vừa qua với bà Aung San Suu Kyi – Tổng thống Myanmar chẳng hạn, ĐTC Phanxicô đã tặng bà một huy chương bằng đồng cỡ 7,5-inch cho thấy cảnh một sa mạc đã biến thành một nơi trổ sinh nhiều hoa trái trong một miêu tả của tiên tri Isaia thời Cựu Ước: “Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái” (Is 32, 15).
“Từ một nơi khô cằn và gai góc trở nên một nơi sinh sôi nảy nở nhiều hoa trái tượng trưng cho hành trình biến chuyển từ sự ích kỷ sang việc biết sẻ chia, từ chiến tranh đến hoà bình”, Vatican chia sẻ trong một lời giải thích về huy chương này, được hiểu như là một thông điệp của Đức Giáo Hoàng đối với tiến trình cải cách dân chủ của Miến Điện theo sau nửa thế kỷ của chế độ quân sự.
Điều này tùy thuộc vào Tổng thống Trump và chính quyền của ông ta để xác định xem liệu sẽ gửi tặng ĐTC Phanxicô món quà gì. ĐTC Phanxicô dường như thường đánh giá cao những món quà đơn sơ, hay mang tính sáng tạo.
Chẳng hạn như, Tổng thống Obama đã gửi tặng ĐTC Phanxicô những hạt giống từ Khu Vườn Bạch Ốc, sau đó chúng đã được gieo trồng tại khu nghỉ dưỡng dành cho Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo. Tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Samoa Tuilaepa Aiono Sailele Malielegaoi đã khiến ĐTC Phanxicô cười một cách sảng khoái khi ông gửi tặng ĐTC Phanxicô một bộ móc câu cá được người dân của ông sử dụng theo truyền thống.
Sau khi trao đổi quà tặng – sẽ là một cơ hội khác cho các nhà báo chú ý đến cử chỉ của Giáo Hoàng và tổng thống đối với nhau khi họ giải thích ngắn gọn về cuộc trao đổi cá nhân vừa qua – cuộc gặp gỡ kết thúc. ĐTC Phanxicô một lần nữa sẽ chào các thành viên trong đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump khi họ bước ra khỏi thư viện, và chỉ còn lại Tổng thống.
Sau khi Trump tạm biệt ĐTC Phanxicô, ông sẽ được hộ tống một lần nữa qua Điện Tông Tòa vào một phòng riêng biệt để gặp gỡ với ĐHY Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher – Ngoại trưởng Tòa Thánh.
Ông Hackett cho biết rằng đó thường là nơi mà các cuộc gặp gỡ nghiêm túc nhất diễn ra.
“Một sự khác biệt giữa cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô và cuộc gặp gỡ với ĐHY Parolin và TGM Gallagher”, cựu đại sứ cho biết, ông cũng cho biết thêm rằng ông sẽ tư vấn cho Tổng thống Trump: “Về khía cạnh địa chính trị, cần phải dành riêng với ĐHY Parolin và TGM Gallagher”.
Sau khi chứng kiến Tổng thống Trump và ĐHY Parolin chào nhau, các nhà báo sẽ được hộ tống ra khỏi Điện Tông Tòa và sẽ vội vã quay trở lại Quảng trường Thánh Phêrô tới văn phòng báo chí để chia sẻ ngắn gọn với các đồng nghiệp về những gì đã xảy ra, cung cấp bất kỳ chi tiết lý thú nào về những gì mà họ có thể lắng nghe được về cuộc trò chuyện của ĐTC Phanxicô và Tổng thống Trump.
Tất cả sẽ chờ đợi để Vatican đưa ra một tuyên bố chính thức tóm tắt các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Trump, ĐTC Phanxicô, và ĐHY Parolin. Thông thường, các tuyên bố như vậy thường ngắn gọn và nhạt nhẽo; thường thì không nhiều hơn một hoặc hai đoạn ngắn gọn và chẳng có gì cụ thể hơn ngoài việc mô tả “những cuộc trò chuyện thân mật” đề cập đến “những chủ đề khác nhau mà hai bên cùng quan tâm”.
Nhiều người chắc chắn cũng sẽ theo dõi cẩn thận tài khoản Twitter cá nhân của Tổng thống Trump, theo dõi tất cả những phát biểu của ông về sự kiện.
Minh Tuệ (theo NCR)