DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI ĐẾN CÁC THAM DỰ VIÊN CỦA HỘI THẢO
ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI VIỆN THẦN HỌC LUÂN LÝ ALFONSIANA
Tiếp kiến tại hội trường Clementina
Thứ năm 23/03/2023
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng chào đón anh chị em vào thời điểm kết thúc Hội thảo của Viện Thần học Luân lý Alfonsiana về tính thời sự của đề xuất luân lý theo Thánh Anphongsô và vào thời gian chuẩn bị mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện Giáo hoàng Alfonsiana mà anh chị em sẽ cử hành vào ngày 09 tháng 02 năm 2024. Tôi xin cám ơn cha Hiệu trưởng Viện Thần học Luân lý Alfonsiana về những điều ngài vừa chia sẻ. Tôi xin chào cha Tổng quyền DCCT (Tổng Điều hành của Alfonsiana), gửi lời chào đến Hiệu Trưởng Đại Học Lateranô, các giáo sư, viên chức và sinh viên, trong niềm tri ân về sự phục vụ trong việc đào tạo mà anh chị em đã cống hiến cho Giáo hội trong lãnh vực thần học luân lý. Tôi cũng xin gửi lời chào đến đông đảo các Giáo sư danh dự, những người mà công việc của họ đã để lại dấu ấn khó phai trong Học viện Giáo hoàng Alfonsiana và trong Giáo hội, cùng nhiều cựu sinh viên đã được đào tạo với anh chị em và tiếp tục đóng góp sức mình cho Dân Chúa. Xin cảm ơn vì sự phục vụ trong công cuộc đào tạo quý giá này!
Công đồng Vaticanô II khẳng định rằng nền thần học luân lý, được nuôi dưỡng bởi Kinh Thánh, phải giúp các tín hữu hiểu được sự cao cả của ơn gọi đem tình thương của Chúa Kitô vào thế giới (x. Sắc lệnh Optatam totius, 16). Mọi đề xuất thần học luân lý, xét cho đến cùng, đều dựa trên nền tảng này: tình yêu của Thiên Chúa chính là sự hướng dẫn của chúng ta, là sự hướng dẫn cho các lựa chọn cá nhân và cho hành trình hiện sinh của chúng ta. Do đó, các nhà thần học luân lý, các nhà truyền giáo và các cha giải tội, được mời gọi đi vào mối tương quan sống động với Dân Chúa, cách đặc biệt là lắng nghe tiếng rên xiết của những người bé nhỏ nhất, để hiểu những khó khăn thực sự của họ, nhìn cuộc sống từ góc độ của họ và đưa đến cho họ những giải đáp phát khởi từ những suy tư dưới ánh sáng tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha (x. Sứ điệp kỷ niệm 150 năm tuyên phong Thánh Anphongsô là Tiến sĩ Hội thánh, ngày 23/03/2021). Trung thành với truyền thống Anphongsô, anh chị em cố gắng đưa ra một đề xuất về đời sống Kitô hữu, vừa tôn trọng những đòi hỏi của suy tư thần học, vừa không phải là một nền luân lý lạnh lùng, một nền luân lý bàn giấy, hay có thể nói, một nền luân lý “casistica” (quy mẫu: xác định các trường hợp điển hình của tình trạng khó xử về đạo đức, phân tích chúng dưới ánh sáng của các mệnh lệnh mặc khải và đưa ra các chỉ dẫn về bản chất chung có thể áp dụng cho toàn bộ các trường hợp tương tự – chú thích của người dịch). Tôi nói điều này từ kinh nghiệm bản thân, bởi vì tiếc là chính tôi đã học môn đạo đức luân lý “quy mẫu” vào thời điểm đó. Anh chị em cứ nghĩ mà xem: vào thời điểm đó, chúng tôi bị cấm đọc cuốn sách đầu tiên của Häring, Luật của Chúa Kitô, vì “Nó là dị giáo, không được đọc nó!”. Và tôi học một nền đạo đức kiểu như: “Bàn thờ thiếu hai cây nến là tội trọng, thiếu một cây là tội nhẹ”. Một cách khiêm tôn, tôi có thể nói: tất cả các phán quyết luân lý thời bấy giờ là theo kiểu này. Cảm ơn Chúa, kiểu đạo đức luân lý bàn giấy lạnh lùng này đã qua. Anh chị em được mời gọi đưa ra một đề xuất đáp ứng sự phân định mục vụ đầy tình yêu thương xót, nhắm đến sự hiểu biết, tha thứ, đồng hành và trên hết là hội nhập (x. Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris laetitia, 312). Bản chất Giáo hội giả định điều này: hội nhập.
Tiếp nối công trình của Thánh Anphongsô (x. Alfonso Maria de Liguori, Trattato sulla coscienza), anh chị em đã bắt đầu Hội thảo của mình bằng việc suy tư về lương tâm và tính năng động của việc đào tạo lương tâm. Đây là một chủ đề quan trọng. Thật vậy, trong thời đại thay đổi phức tạp và nhanh chóng mà chúng ta đang trải qua, chỉ những người đạt tới một lương tâm trưởng thành mới có thể thực hiện được trong xã hội này một sự phục vụ tha nhân với đường hướng lành mạnh và đậm chất Tin Mừng.
Xét cho cùng, lương tâm trước hết là nơi mà mỗi người “ở một mình với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người” (Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, 16). Tiếng lương tâm không phải là lời của chính nó mà là lời phát xuất từ chính Ngôi Lời của Đấng Tạo Hóa, từ chính Đấng đã nhập thể làm người để ở với loài người (x. B. Häring, Liberi e fedeli in Cristo, I, 1994, 268). Và chính tại trường học của Ngôi Lời Nhập Thể, mỗi người học cách đối thoại với người khác, nuôi dưỡng khát vọng hướng tới tình huynh đệ phổ quát, được bắt rễ từ việc nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi nhân vị (x. Thông điệp Fratelli tutti, 8; Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16).
Anh chị em cũng tập trung vào một số vấn đề đạo đức sinh học. Trong lĩnh vực phức tạp này, tôi mời anh chị em trau dồi sự kiên nhẫn lắng nghe và đối chiếu, như Thánh Anphongsô đã khuyến nghị cho các tình huống xung đột. Đừng ngại lắng nghe. Nó sẽ là nền tảng cho việc tìm kiếm các giải pháp chung, những giải pháp thừa nhận và đảm bảo sự tôn trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống trong mọi hoàn cảnh. Thêm nữa, cùng với việc lắng nghe này, chúng ta sẽ đạt tới một sự phong phú mang tính quyết định qua việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu xuyên ngành (x. Tông hiến Veritatis gaudium, 4c), mà theo đó, chúng ta có thể tiếp cận những thách đố mới với năng lực và khả năng phê bình cao hơn, dưới ánh sáng của Tin Mừng và của kinh nghiệm con người (x. Gaudium et spes, 46). Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng, trong lĩnh vực đạo đức sinh học, những chuyên đề hợp lý và vững chắc, bắt nguồn từ đức tin, phù hợp với lương tâm trưởng thành và có trách nhiệm, và có khả năng truyền cảm hứng cho cuộc tranh luận chính trị xã hội. Cần phải tránh những động thái cực đoan của sự phân cực, những kiểu tranh luận trên các phương tiện truyền thông trong khi đáng ra phải là nghiên cứu khoa học và thần học lành mạnh và phong phú. Có lẽ phù hợp hơn, theo chỉ dẫn của Thánh Anphongsô, hãy áp dụng nguyên tắc về “con đường trung dung”, vốn không phải là một sự quân bình ngoại giao, không phải thế; con đường trung dung là sáng tạo, nó nảy sinh từ sự sáng tạo và nó tạo lập. Chỉ những ai đã học và thực hành trong lãnh vực này mới hiểu được điều này. Có phải chúng ta đang bàn về một sự cân bằng? Không, sự cân bằng không phải là con đường trung dung.
Đề xuất về đạo đức sinh học phải chú ý đến những bi kịch thực sự của con người, những người thường thấy mình bối rối trước những tình huống khó xử về đạo đức trong cuộc sống (x. Diễn từ với các giáo sư và sinh viên của Alfonsiana, ngày 09/02/2019). Bởi điều này, tôi khuyên anh chị em nên làm cho thành quả lao động của mình có thể tiếp cận được bằng cách sử dụng “ngôn ngữ của dân” và bằng cách xây dựng các đề xuất khả thi và nhân văn cho một cuộc sống đạo đức. “Ngôn ngữ của dân”, tôi xin lưu ý. Xin đừng quên dân thánh trung tín của Chúa! Nhưng không phải ở cấp độ tư tưởng, mà khởi từ gốc rễ của bạn là dân thánh của Chúa; đừng quên rằng bạn cũng thuộc về và bước ra từ đoàn dân; đừng quên dáng vẻ của mọi người, suy nghĩ của mọi người, tình cảm của mọi người. Và đây không phải là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, không! Đây là dân thánh trung tín của Thiên Chúa, những người không thể sai lầm “in credendo” (trong tuyên xưng đức tin): đừng quên điều này, Vaticanô I và sau đó là Vaticanô II đã nói như vậy. Để luôn đứng về phía những con người cụ thể, hãy sử dụng các khả năng suy tư về đạo đức để xây dựng những hàng rào vững chắc có thể bảo vệ họ khỏi não trạng của chủ trương duy hiệu quả và khỏi sự lãng phí (x. Thông điệp Laudato si’, 130-136).
Về lĩnh vực thứ ba của Hội thảo, anh chị em bàn luận những vấn đề luân lý xã hội. Trong lĩnh vực này cũng vậy, ngày nay cần có những suy tư vững chắc. Khủng hoảng môi trường, chuyển đổi sinh thái, chiến tranh, một hệ thống tài chính có khả năng điều kiện hóa đời sống con người đến mức tạo ra những nô lệ mới, những thách đố của việc xây dựng tình huynh đệ giữa những con người và giữa các dân tộc: những chủ đề này phải kích thích chúng ta nghiên cứu và đối thoại.
“Thiên Chúa là cùng đích của lịch sử” (Gaudium et spes, 45) và nhân loại, được đổi mới trong Chúa Kitô, hướng đến trở thành gia đình của Thiên Chúa (x. ibid., 40). Đây là mục tiêu công việc của chúng ta! Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng, cách khiêm tốn và khôn ngoan, bước vào cơ cấu phức tạp của xã hội mà chúng ta đang sống, để hiểu rõ các động lực của nó và đề xuất cho những người nam nữ của thời đại chúng ta những con đường trưởng thành phù hợp theo hướng này (x. Gaudium et spes, 26). Và tôi đang nói về con đường, những bước đi phù hợp chứ không phải những giải pháp toán học. Các vấn đề được giải quyết bằng cách bước đi trong Giáo hội với tư cách là Dân Chúa, và bước đi với mọi người trong tình trạng đạo đức mà họ đang sống. Đi cùng họ và tìm cách giải quyết những vấn đề của họ; đi chứ không phải ngồi như các chuyên viên giơ ngón tay lên án mà không hề bận tâm. Trong những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề đạo đức nghiêm trọng như di cư và ấu dâm; ngày nay chúng ta thấy sự cấp bách của việc bổ sung thêm những thứ khác, chẳng hạn như lợi nhuận tập trung vào tay một số ít người và sự phân chia quyền lực toàn cầu. Chúng ta cũng đón nhận những thách thức này với sự tin tưởng, sẵn sàng “trả lời cho niềm hy vọng trong lòng anh em” (x. 1Pr 3,14).
Nói cách vắn gọn, Giáo hội mong muốn Học viện Giáo hoàng Alfonsiana biết dung hòa tính chặt chẽ của khoa học và sự gần gũi với Dân thánh trung tín của Thiên Chúa, đưa ra những câu trả lời cụ thể cho những vấn đề thực tế, đồng hành và xây dựng những đề xuất luân lý nhân văn, chú ý đến Chân lý cứu độ và điều tốt đẹp của con người. Thánh Anphongsô là một người “kiến tạo” đời sống luân lý và đã đưa ra những đề xuất… “Ngài là một thần học gia vĩ đại”. Đúng, nhưng ngài cũng có khả năng – mấy ngày nay tôi đã nghe những bài hát mà anh chị em đã tặng tôi vào dịp Giáng sinh – viết những tuyệt phẩm âm nhạc! Làm thế nào giải thích được điều này? Con đường khả dĩ chính là vẻ đẹp của tâm hồn, là sự tế nhị, là sự thuộc về dân của Chúa cách không do dự. Xin Chúa Thánh Thần giúp anh chị em trở thành những nhà giáo dục lương tâm, những thầy dạy của niềm hy vọng, luôn mở rộng trái tim và quy hướng về Thiên Chúa.
Tôi chúc lành cho anh chị em từ tận đáy lòng, cám ơn anh chị em vì những công hiến của anh chị em; xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Cám ơn.
Nguyễn Ngọc Hải, CSsR., chuyển ngữ từ bản tiếng Ý
Nguồn: La Santa Sede