ĐHY Turkson trả lời phỏng vấn: Hãy để cho trẻ em di cư được lên tiếng

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 15-01-2017 | 20:29:30

Đối mặt với “tình hình bi đát của những trẻ em vị thành niên không có người lớn đi cùng trong các trung tâm tị nạn và trong các trại giam giữ, nơi các em bị tách riêng ra, không có điều kiện đi học bình thường, và có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cho bọn tội phạm có tổ chức tuyển mộ, chúng ta cần tìm giải pháp tôn trọng tầm quan trọng của gia đình”.

Đó là lời kêu gọi đưa ra bởi Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, vào đêm trước của ngày Thế giới Di dân và tị nạn, năm nay dành riêng cho “người di cư vị thành niên, dễ bị tổn thương và không có tiếng nói”. Đức Hồng y đã trả lời phỏng vấn của tờ báo của Tòa Thánh L’Osservatore Romano:

Chủ Nhật 15/1 là Ngày Thế giới Di dân và tị nạn có nguy cơ chỉ chú ý đến cái chết của những người tị nạn trên biển?

Chắc chắn là ngày này, trong số các mục tiêu của nó, có mục tiêu nhắc nhớ và nói đến các sự kiện xảy ra trong năm vừa qua. Chúng ta,  trên thực tế, không thể quên được tất cả những người vì muốn thoát khỏi cái chết chắc chắn sẽ xảy ra, hoặc để tìm kiếm một tương lai tốt hơn, đã thiệt mạng hoặc phải chịu khó khăn gian khổ không kể xiết.

Chỉ nhìn vào bối cảnh Địa Trung Hải, các thống kê nói cho chúng ta rằng có đến hơn năm ngàn người di cư đã chết trên biển trong cuộc hành trình đến châu Âu vào năm 2016. Chúng ta đang phải đối mặt với con số tồi tệ nhất về những người thiệt mạng hàng năm từng được ghi nhận. Và tiếc là trong số đó có rất nhiều trẻ em; chúng ta nhớ đến trường hợp của bé Aylan vào tháng năm 2015. Kể từ đó, hơn 400 trẻ em đã chết trên biển.

Tuy nhiên, chúng ta còn phải mở rộng cái nhìn và thừa nhận thực tế đang gây đau khổ các lục địa khác nữa. Ví dụ, ở Châu Mỹ có rất nhiều trẻ em bị buộc phải di chuyển từ nước này sang nước khác.

Theo Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR), hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới dưới 18 tuổi, và các con số thống kê cũng cho thấy rằng, trong năm 2015, số trẻ em phải tìm cách lánh nạn không có người lớn đi cùng đã lên đến gần 100.000 em.

Như vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề thực tế và cấp bách, có liên hệ đến toàn bộ hành tinh và đòi hỏi chúng ta phải lưu tâm và nỗ lực hành động. Vì thế, chúng tôi kêu mời tất cả các Kitô hữu ý thức về những thách thức xã hội và mục vụ mà tình hình trẻ vị thành niên di cư và tị nạn nêu lên cho chúng ta.

Ngày Thế giới Di dân và tị nạn này, tuy nhiên, cũng là một cơ hội để làm nổi bật nhiều yếu tố tích cực. Các phong trào di cư tự nó là một sự giàu có: ở cấp độ nguồn nhân lực; vì lợi ích kinh tế mà nó mang lại; và ở khía cạnh văn hóa của nó. Và đó chỉ là một số khía cạnh trong những khía cạnh tích cực mà hiện tượng di cư mang lại.

Về phía những người đón nhận, chúng ta không thể quên tất cả những câu trả lời hào phóng và sáng tạo đã được cả xã hội dân sự lẫn Giáo Hội thực hiện.

Những người di cư và người tị nạn vị thành niên và các thế hệ thứ hai là một phần quan trọng trong sự phát triển của xã hội chúng ta. Đâu là những điều chúng ta phải làm để hòa nhập họ?

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành hai sứ điệp nói về những người di cư trẻ tuổi, vào năm 2008 và năm 2010. Ngài suy tư về các thách thức mà người trẻ phải đối mặt trong những nơi họ đến, và đặc biệt chú ý đến sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường.

Đức Thánh Cha Phanxicô đào sâu suy tư đó và nhấn mạnh mối quan tâm của Giáo hội đối với “các trẻ em ba lần không có khả năng tự vệ: bởi vì chúng chỉ là các trẻ vị thành niên, bởi vì chúng là người nước ngoài và bởi vì chúng là những người không có gì cả, khi mà, vì những lý do khác nhau, chúng bị buộc phải sống xa quê hương và tách khỏi tình cảm gia đình”.

Việc bảo vệ các quyền của các em theo luật pháp quốc tế là vấn đề cấp bách. Nguyên tắc dành những lợi ích tốt nhất cho trẻ em được ghi nhận tại Điều 3 của Công ước về Quyền năm 1989. Do đó, các nhà chức trách ở nước sở tại có nghĩa vụ bảo đảm cho các em.

Theo số liệu thống kê, số trẻ vị thành niên nước ngoài không có người lớn đi cùng gần như đã tăng gấp đôi trong vòng một năm. Gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng về thảm cảnh của trẻ em, bao gồm cả những trẻ em di cư, phải một mình đối mặt với những lạm dụng và bạo lực chống lại các em. Có thể làm gì để hạn chế hiện tượng này?

Đó là sự thật. Số liệu thống kê nêu bật sự gia tăng đáng buồn này. Ví dụ, khi nói về tình hình ở Ý, chúng ta lưu ý rằng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm đổ bộ vào nước này thậm chí còn tăng gấp đôi, từ 12.360 em trong năm 2015 lên 25.772 em vào năm 2016. Và sự kiện chỉ có một mình làm cho các em không tránh khỏi bị tổn thương nhiều hơn, và làm cho các em rơi vào thảm cảnh trở thành nạn nhân của nạn buôn người với các mục đích xấu xa.

Đối mặt với điều này, Đức Giáo hoàng liên tục lên tiếng tố cáo tình trạng bi đát đó, ví dụ, trong Thư gửi các Giám mục gần đây, trong ngày lễ Các Thánh Anh Hài, và trong bài phát biểu của ngài với ngoại giao đoàn ngày 09/01 vừa qua.

Trong sứ điệp năm 2017, Đức Giáo hoàng khuyến khích việc bảo vệ các trẻ em di cư, bắt đầu từ việc nhận thức về những yếu tố góp phần gây ra một tình trạng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như sự thiếu các phương tiện sinh tồn, mức độ biết chữ thấp, và sự thiếu hiểu biết về pháp luật, văn hóa và ngôn ngữ. Thường thì chúng ta muốn đưa ra những chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và tăng cường việc chống lại các tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, cần phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này.

Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh rằng sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa những người nhập cư và cộng đồng tiếp nhận họ sẽ giúp giải quyết vấn đề. Và nhiều người, chúng ta phải luôn nhớ điều này, đã hằng ngày nỗ lực không mệt mỏi dấn thân phục vụ các em.

Sự gia tăng theo cấp số nhân con số trẻ vị thành niên nước ngoài không có người lớn đi cùng có tìm thấy được sự ứng đáp cần thiết?

Trong sứ điệp của mình, một trong bốn hướng được Đức Giáo hoàng đưa ra như là câu trả lời cho hiện tượng trẻ vị thành niên di cư, là sự cần thiết phải giúp các em hội nhập. Đối với nhiều em, đây là một thời kỳ bất ổn, trong đó các em phải thực hiện một quá trình chuyển đổi từ nền văn hóa và xã hội từ đó các em đã được sinh ra và lớn lên, sang một cuộc sống mới tại quốc gia các em vừa đặt chân đến. Nhiều em phải trải nghiệm cái gọi là “khó khăn của sự thuộc về kép”. Vì lý do này, Đức Thánh Cha đề cập đến sự cần thiết của ”việc áp dụng các chính sách thích hợp trong việc tiếp nhận, hỗ trợ và hòa nhập”, và của “việc hội nhập trẻ em di cư vào xã hội, hoặc các chương trình hồi hương an toàn và có hỗ trợ”.

Canada, vào năm 1996, đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia đưa ra những hướng dẫn đặc biệt về việc đối xử với những người tị nạn vị thành niên, nhưng nhiều chính phủ khác phải đối mặt với những khó khăn về vấn đề này và hành động của họ là đong đưa giữa việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát với việc thực hiện các nỗ lực theo Điều 22 của Công ước về các quyền, trong đó yêu cầu các nước tham gia ký kết cung cấp sự bảo vệ đầy đủ và sự hỗ trợ thích hợp cho trẻ em.

Trong bối cảnh này, Đức Giáo hoàng muốn đặc biệt chú ý đến tình hình của những người di cư vị thành niên trong các trung tâm tị nạn và các trại cư trú bắt buộc thường xuyên, nơi đó các em bị quên lãng, không có cơ may được đi học bình thường, và có nguy cơ bị bọn tội phạm có tổ chức tuyển dụng. Phải khẩn cấp tìm ra giải pháp thay thế có khả năng tôn trọng tầm quan trọng của gia đình.

Ngoài ra, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, cần thiết phải đưa ra các sáng kiến hợp tác nhằm giảm thiểu các nguyên nhân di cư.

Như đã nói, và trong quan điểm về sự hội nhập của người di cư và trẻ vị thành niên tị nạn, thật hợp lý sự cần thiết phải có một bộ luật riêng biệt đáp ứng các vấn đề cụ thể của họ. Thúc đẩy sự đoàn tụ gia đình, hoặc, nếu không thể làm như thế, thúc đẩy sự đón nhận của gia đình, như vậy tránh được càng nhiều càng tốt các trại và các trung tâm khác nhau; đó sẽ là một khởi đầu tốt.

Điểm quan trọng khác là sự hội nhập vào hệ thống giáo dục quốc gia, cung cấp hành trình đào tạo hội nhập đặc biệt, phù hợp với nhu cầu của họ, để đảm bảo cho họ được chuẩn bị và cung cấp cho họ các nền tảng cần thiết để hội nhập đúng đắn vào xã hội, văn hóa và nghề nghiệp mới mẻ. Và chúng ta không thể quên được sự cần thiết của việc di chuyển an toàn từ các nước khởi hành tới các nước đón nhận họ, ví dụ, thông qua các hành lang nhân đạo.

Đây là Ngày Thế giới đầu tiên được Bộ Thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện tổ chức, một Bộ vừa bắt đầu nhiệm vụ của mình vào ngày 1 tháng Giêng. Các ưu tiên hoạt động của các ngài trong những tuần đầu tiên là gì, thưa Đức Hồng y Bộ trưởng?

Bộ đang được tạo hình, từng bước hợp nhất các cơ quan trước đây, với sự cần thiết phải thống nhất các chức năng của bốn hội đồng Giáo Hoàng khác nhau: Công lý và Hòa bình, Chăm sóc mục vụ cho người di cư và dân lưu động, Cor Unum và Chăm sóc sức khỏe người lao động. Với tự sắc Humanam progressionem (ngày 17 tháng 8 năm 2016) có hiệu lực đối với Bộ mới (01 tháng 01 năm 2017), chúng tôi có một thời hạn ngắn để tổ chức lại. Về việc tái tổ chức này, chúng tôi đã xin Đức Giáo hoàng và ngài đã đồng ý gia hạn đến lễ Phục Sinh.

Trong Bộ mới có một văn phòng nghiên cứu; một văn phòng xử lý việc thực hiện trong thực tế các dự án; một văn phòng xử lý một cách có hệ thống các thông tin liên lạc, các mối quan hệ với thế giới, để đối thoại không chỉ với các đối tác thông thường của chúng tôi, nhưng còn để đi ra gặp gỡ tất cả mọi người và thực hiện những thách thức của việc thúc đẩy thiện ích xã hội.

Các vấn đề di cư, ngày nay, đưa ra một gánh nặng ngày càng lớn. Việc tạo ra một Bộ phận lo cho người di cư và người tị nạn cho thấy sự quan tâm của Đức Giáo hoàng đến vấn đề di cư nhạy cảm. Bộ phận này sẽ nhận được sự cộng tác của các chuyên gia trong lĩnh vực di cư và sẽ duy trì liên lạc với các cơ quan quốc tế đặc biệt về di cư. Giáo hội, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng, ngày càng được kêu gọi thực hiện những hành động cụ thể của sự gần gũi và của tình nhân loại, những yếu tố quan trọng của sự phát triển mà hàng triệu trẻ em đã và đang được  thụ hưởng.

 Nicola Gori

L’Osservatore Romano, 14-15 tháng 1 năm 2017

Vũ Hùng chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết