ĐHY Turkson: Hãy kiến tạo "một sự kết nối nhân loại"

Sứ điệp của Tòa Thánh nhân “Ngày Chúa nhật Biển”, ngày 9 tháng 7 năm 2017

Dưới đây là nội dung Sứ điệp được công bố hôm Chúa nhật, ngày 9 tháng 7 năm 2017, bởi Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, nhân “Ngày Chúa nhật Biển”, được tổ chức hàng năm vào Chúa nhật thứ hai của tháng Bảy.

***

Thưa các Linh mục tuyên úy, các tình nguyện viên, tất cả mọi thân hữu cũng như những người ủng hộ Phong trào Tông đồ Hàng hải thân mến!

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta được bao quanh và được sử dụng nhiều vật dụng cũng như các sản phẩm mà ở một số giai đoạn trong hành trình đến với chúng ta, những sản phẩm đó được vận chuyển trên các con tàu. Thật khó để chúng ta có thể hình dung rằng phía sau những vật dụng này chính là những khuôn mặt của nhiều thuyền viên, những người đã bảo đảm một chuyến đi êm xuôi cho các con tàu vận chuyển hàng hoá được cập cảng một cách an toàn.

fisherman-1883514_1280-djedj-740x493Nhân Ngày Chúa nhật Biển, chúng ta được mời gọi nhận ra và bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với một lực lượng hơn 1,5 triệu thủy thủ (phần lớn đến từ các nước đang phát triển), những người đã phải làm việc chăm chỉ và đầy hy sinh để làm cho cuộc sống của chúng ta được trở nên thoải mái hơn, bằng công việc vận chuyển, giữa các quốc gia và xuyên suốt bảy vùng đại dương, gần 90% các loại hàng hoá.

Mặc dù sự đóng góp của họ là hết sức cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, nhiều người trong số họ vẫn đang phải đối diện với những thách đố và nhiều người cũng đang bị những khó khăn làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như nhân phẩm của họ. Ở đây, tôi muốn nhắc lại một số điểm:

Mặc dù đã có những sự tiến bộ to lớn trong công nghệ, giúp cải thiện việc giao tiếp giữa các thuyền viên và người thân của họ, nhưng những tháng dài đằng đẵng phải sống xa gia đình vẫn còn là một sự hy sinh to lớn, thường dễ dàng gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống gia đình. Các bà mẹ bị bỏ lại một mình, buộc phải đóng nhiều vai trò với những đứa con đang trưởng thành mỗi ngày cùng với việc vắng bóng của người cha. Quả thực có một điều hết sức quan trọng trong mục vụ: chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến các gia đình của các thuyền viên, bằng cách đề khởi và hỗ trợ việc thành lập các nhóm bao gồm những bà vợ của những người đi biển, nhằm cung cấp việc chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau.

Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho phép thủy thủ đoàn được kết nối với nhiều người trên thế giới, nhưng lại trở nên tách rời và cô lập với các thủy thủ khác bởi vì mỗi người đều bị cô lập trong thế giới ảo vốn đang tìm kiếm sự tị nạn qua những khoảnh khắc nhàn rỗi. Chức năng của chúng ta, đặc biệt trong các chuyến viếng thăm trên các con tàu, là phải cố gắng tạo ra một “mối liên hệ giữa những con người” và tăng cường “thông tin liên lạc của con người” giữa các thủy thủ đoàn nhằm ngăn chặn sự cô đơn, cô lập và chán nản vốn có thể dẫn đến hành vi tự sát, theo một nghiên cứu của ‘P & I Club’ của Anh quốc gần đây, chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết của các thủy thủ.

Do sự gia tăng của mối đe dọa khủng bố, các biện pháp an ninh mới đang hạn chế hơn nữa các thủy thủ khỏi việc được phép vào bờ tại một số cảng, và đôi khi thậm chí cả việc tiếp cận tàu ở những khu vực dành riêng cho du khách. Mặc dù chúng ta hiểu rõ nhu cầu của việc làm cho các khu vực bến cảng trở thành “nơi an toàn” đối với cả con người lẫn hàng hoá, nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo rằng không ai sẽ bị phân biệt đối xử và bị ngăn cản để được vào bờ do quốc tịch, chủng tộc hoặc tôn giáo, và đồng thời ủng hộ các quyền cơ bản của các thuyền viên “tiếp cận các cơ sở và dịch vụ được đặt trên bờ để bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc của họ” (Công ước Lao động Hàng hải 2006, Chương 4, Quy chế 4,4).

Mặc dù Công ước Lao động Hàng hải 2006 đã được thông qua và có hiệu lực vào tháng 8 năm 2013, trong đó quy định các yêu cầu quốc tế tối thiểu về quyền con người và quyền lao động của các thuyền viên, nhưng hiện nay vẫn còn quá nhiều thuyền viên bị gian lận lương, bị bóc lột và lạm dụng trong công việc của họ, thậm chí bị kết án bất công vì tai nạn hàng hải và bị bỏ rơi tại các bến cảng nước ngoài. Mặc dù nhiệm vụ của chúng ta là cung cấp tất cả những sự hỗ trợ cần thiết cho các thuyền viên đang gặp khó khăn, chúng tôi muốn kêu gọi tất cả các cơ quan hàng hải phải cảnh giác và thận trọng hơn trong việc can thiệp nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng cũng như khắc phục bất kỳ sự sai trái nào xảy ra.

Mặc dù mối đe dọa của nạn cướp biển xung quanh các tuyến đường hàng hải đã giảm so với vài năm trước đây, nhưng nguy cơ về các vụ tấn công vũ trang và cướp bóc vẫn còn rất cao ở một số khu vực. Chúng tôi muốn mời gọi cộng đồng hàng hải không bỏ rơi các nhân viên bảo vệ và đồng thời thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn và bảo vệ, không chỉ đối với hàng hoá, mà trên hết, là đối với các thủy thủ đoàn.

Cuối cùng, tôi muốn tập trung mối bận tâm của chúng tôi vào các ngư dân và ngành đánh bắt cá, vốn sẽ là trọng tâm của Hội nghị toàn cầu XXIV sẽ được tổ chức tại Kaohsiung – Đài Loan vào tháng 10 tới đây.

Tương tự như các thuyền viên, các ngư dân phải dành nhiều thời gian trên biển, họ phải thường xuyên đi trên các con thuyền đánh cá không có khả năng chống chọi trước những cơn sóng dữ trên biển, và nghề của họ được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, nhưng họ lại chỉ được hưởng mức lương cũng như những lợi ích thấp hơn nhiều so với các thủy thủ. Ngành đánh bắt đang phải đối diện với các trường hợp buôn người và lao động cưỡng bức, việc đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU).

Trong suốt hội nghị này, với sự hỗ trợ của các diễn giả có trình độ, chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức và sự chú ý đối với các vấn đề cụ thể này; chúng tôi sẽ củng cố mạng lưới của chúng tôi với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa Phong trào tông đồ hàng hải của các quốc gia khác nhau; chúng tôi sẽ chia sẻ các nguồn lực cũng như các phương pháp hữu hiệu nhất nhằm phát triển các kỹ năng cụ thể, đặc biệt là trong ngành đánh bắt cá.

Tôi xin nhắc lại rằng hội nghị này không chỉ có sự tham dự của các chuyên gia mà còn có sự tham gia với số lượng lớn các linh mục tuyên úy và các tình nguyện viên, bởi vì ngành đánh bắt cá và các ngư dân chính là mối bận tâm của Phong trào tông đồ hàng hải và không chỉ đối với những cá nhân có liên quan.

Sau cùng, chúng ta hãy cùng nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi sao biển, duy trì tinh thần phục vụ và cống hiến của chúng ta đối với các thuyền viên, các ngư dân cũng như các gia đình của họ, và đồng thời chở che hộ phù tất cả những ai phải lênh đênh trên biển cho đến khi họ “cập bến quê trời”.

Hồng Y Peter K.A. Turkson

Tổng trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện

Minh Tuệ (theo Zenit)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết