Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, theo tường thuật của Reuters, nói rằng việc một vị giám mục bị vạ tuyệt thông tham dự hai lễ tấn phong giám mục tại Trung Quốc là một “cái tát vào mặt” đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong khi Rôma đang tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử với Bắc Kinh.
Giám mục Lei Shiyin, người bị vạ tuyệt thông vào năm 2011 vì đã chấp nhận được phong chức giám mục mà không cần sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, đã tham gia các lễ tấn phong giám mục mới tại Thành Đô và Tây Xương, ở tây nam Trung Quốc, tuần trước.
Theo Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, trong khi hai vị tân giám mục được tấn phong tại Thành Đô và Tây Xương được cả Rôma và Bắc Kinh chấp thuận, sự tham gia tích cực của Lei Shiyin, người đang bị vạ tuyệt thông, phải được hiểu là một hành động thách thức của Bắc Kinh. Vì một giáo sĩ đang bị vạ tuyệt thông, sẽ không thể tham gia tích cực trong hành vi phụng vụ như một lễ tấn phong giám mục, xét về mặt Giáo luật – Đức Hồng y Trần Nhật Quân cho biết.
Đức Hồng y nói: “Đây thực sự là một cái tát vào mặt Đức Thánh Cha. Sau một cuộc đối thoại dài như vậy, họ vẫn cho thấy chẳng có sự tôn trọng nào đối với thẩm quyền của Đức Giáo hoàng”.
Chính phủ Cộng sản Trung Quốc nói rằng các giám mục phải được chỉ định bởi các cộng đồng Công giáo địa phương Trung Quốc và từ chối chấp nhận thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, người mà họ coi là đứng đầu một nhà nước nước ngoài, không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.
Lei là một trong 8 giám mục Trung Quốc được Bắc Kinh bổ nhiệm và bị Rôma coi là bất hợp luật.
Vatican và Trung Quốc đã bất hòa kể từ khi Trung Quốc trục xuất các nhà truyền giáo nước ngoài sau khi Cộng Sản lên nắm quyền vào năm 1949.
Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, Vatican đẩy mạnh việc hàn gắn rạn nứt với Bắc Kinh, nhất là bằng cách tìm kiếm một thỏa thuận về cách chọn các giám mục tại Trung Quốc.
Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân cho rằng Tòa Thánh cần phải lên tiếng khi Giáo Luật Công giáo bị công khai vi phạm như thế. Theo Reuters, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân nói ngài rất ngạc nhiên trước sự im lặng của Vatican trong vụ việc này.
“Sai lầm lớn là để làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh, Vatican không làm nhiều điều họ có nghĩa vụ phải làm” – Reuters tường thuật lời Đức Hồng y. “Khi nhìn thấy một giám mục bị vạ tuyệt thông đến với buổi lễ, bạn phải hét lên. Bạn phải nói với các giám mục tốt lành hãy ngưng lễ tấn phong lại!”
Reuters cũng cho biết: một vị giám chức cao cấp của Vatican, người biết rõ các cuộc đàm phán Vatican – Trung Quốc, nói với Reuters rằng, mặc dù Tòa Thánh đánh giá cao mối quan tâm của Đức Hồng y Trần Nhật Quân về cuộc đối thoại với chính phủ, nhưng tình hình ở Trung Quốc “không phải là đen và trắng”, và rằng “chọn lựa khác (với một thỏa thuận) sẽ là sự chia rẽ sâu sắc trong Giáo Hội” .
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết lập trường của Bắc Kinh về các hoạt động của Giáo hội tại Trung Quốc là nhất quán. “Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế biết rõ điều này”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận những lời chỉ trích bất công.”
Kể từ khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận sứ vụ Phêrô, cuộc đàm phán kín giữa Vatican và các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhận được một lực đẩy mới, và một nhóm làm việc được thành lập đầu năm nay để tìm ra một thỏa thuận về các giám mục, theo Reuters.
Đức Hồng y Trần Nhật Quân, nguyên Tổng Giám mục Hồng Kông, cho biết ngài ủng hộ việc đối thoại giữa hai bên như một cách để giải quyết vấn đề về lâu về dài. Nhưng ngài không tin có thể đạt được một kết thúc tích cực.
Theo Đức Hồng y, Giáo hội có thể chấp nhận một số sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc trong quá trình lựa chọn các giám mục, nhưng có một điều bất khả nhượng: thẩm quyền cao nhất trong việc bổ nhiệm giám mục phải là của Đức Giáo hoàng.
Đức Hồng y cũng được tường thuật đã nói rằng Giáo hội Công giáo gọi là “hầm trú”, vốn quyết chỉ trung thành với Đức Giáo hoàng và đã phải chịu đựng rất nhiều áp lực của nhà nước, không nên bị một thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc ép buộc phải đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Đức Hồng y 84 tuổi nói: “Về phần Vatican, mục tiêu của cuộc đối thoại là phải có một sự tự do tôn giáo thực sự cho Giáo hội của chúng ta ở Trung Quốc. Nhưng mục tiêu của Chính phủ là phải có quyền kiểm soát hoàn toàn Giáo hội. Đây là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau”.
Và ngài thêm: “Tôi không thấy làm thế nào họ có thể đạt được một sự đồng thuận cuối cùng. Một phép lạ luôn luôn có thể xảy ra, nhưng…”
Vũ Minh (theo Reuters)