Đức Hồng y Tagle, Tổng Giám mục Địa phận Manila, khẳng định thái độ “hợp tác quan trọng” giữa Giáo hội Philippines và chính quyền của ông Rodrigo Duterte: kim chỉ nam của Ngài đó chính là Tin Mừng.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng chiến đấu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang diễn ra ở miền Nam Philippines hoàn toàn trái ngược với cuộc xung đột tôn giáo hoặc cuộc chiến giữa các Kitô hữu và những người Hồi giáo. Đây chính là xác tín mạnh mẽ của Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Địa phận Manila, người đã phát biểu về đất nước của Ngài và cuộc khủng hoảng nổ ra tại Marawi – thị trấn bị chiếm đóng bởi lực lượng thánh chiến – trong một cuộc phỏng vấn được tiến hành với Vatican Insider, nhân diệp ĐHGT Á Châu, vừa bế mạc ngày hôm qua 8/8 tại Yogyacarta, Indonesia.
Quốc gia Philippine dưới sự cai trị trong hơn một năm qua bởi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một nhà lãnh đạo đã bị bàn luận rất nhiều trên thế giới bởi các phương pháp thiếu tôn trọng của ông đối với các nhân quyền cơ bản nhất, đồng thời là người có những mối quan hệ gây tranh cãi với Giáo hội Công giáo hơn một năm nay. “Với ông ấy”, ĐHY Tagle nói, “chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hợp tác quan trọng”. Trong phiên họp toàn thể gần đây, các Giám mục Philippines đã chọn Đức TGM Fernando Capalla làm Chủ tịch cộng đồng của thành phố Davao, một thành phố nơi mà Tổng thống Duterte đã làm thị trưởng trong khoảng 20 năm. Sự lựa chọn đã được coi là một cách có thể để tiếp tục một số cuộc đàm phán giữa Giáo hội và chính phủ.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn được Đức Hồng Y Tagle gửi cho Vatican Insider:
Kể từ hơn hai tháng ở Marawi, đã xảy ra cảnh chiến tranh và chết chóc: Ngài có nhận định thế nào về tình trạng bạo lực đang diễn ra?
“Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng bạo lực và cảnh chiến tranh đang diễn ra nơi đây. Chúng ta phải nói rằng Marawi là một thành phố chủ yếu là người Hồi giáo. Và những kẻ khủng bố tự nhận mình là những người theo Hồi giáo đã sát hại hầu hết là các công dân Hồi giáo. Việc ra tay sát hại mạng sống con người luôn luôn là một sự kiện hết sức buồn thảm. Thậm chí hơn thế nữa, khi các vụ giết hại và bạo lực được thực hiện bởi những người là anh chị em chia sẻ cùng một niềm tin với mình. Một vài nhà quan sát cố gắng miêu tả cuộc chiến đang diễn ra như là một cuộc chiến chống lại Hồi giáo của các Kitô hữu: Tôi thiết nghĩ đây chính là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, được đưa vào xem xét một thực tế rằng tại Marawi, các Kitô hữu chỉ chiếm thiểu số trong khi đa số là người Hồi giáo. Bên cạnh đó, các Kitô hữu và người Hồi giáo luôn luôn bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau. Ân sủng của Thiên Chúa cũng hoạt động trong những tình huống bạo lực: Những người mộ đạo Hồi giáo đã cứu các Kitô hữu và hiện tại tất cả các tổ chức Kitô hữu đều cho thấy tinh thần liên đới tuyệt vời với các gia đình Hồi giáo đang cố gắng thoát khỏi Marawi. Chúng ta hãy hy vọng rằng bạo lực sẽ sớm chấm dứt, và những hạt giống của tinh thần thiện chí và bác ái được vun trồng ngày hôm nay, sẽ có thể trổ sinh nhiều hoa trái thậm chí ngay cả sau khi chấm dứt cuộc xung đột”.
Đức Cha có tin rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến tiến trình hoà bình ở miền Nam Philippines?
“Tôi tin rằng tiến trình hòa bình hiện nay phải đối mặt với nhiều cấp độ khác nhau: cấp độ chính thức của các cuộc đàm phán, cấp độ quân sự, và cấp độ “thấp hơn”, bằng cách tăng tính nhạy cảm của lương tâm. Hiện nay, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, cũng nhờ những sự đóng góp từ nước ngoài, để hàn gắn và chữa lành các vết thương. Thực tế này đem lại cho chúng ta niềm hy vọng”.
Tại Philippines, một quốc gia có đa số người Công giáo, việc đối thoại liên tôn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, bao gồm cả Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, một quốc gia với đa số là người Hồi giáo. Chúng ta có thể học được gì từ đất nước này?
“Lịch sử Indonesia là một lịch sử rất có ý nghĩa đối với toàn Châu Á, bởi vì người sáng lập ra đất nước Indonesia muốn xây dựng một quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi mà mọi người đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm. Cho đến hiện tại, ý tưởng này vẫn còn hết sức hiệu quả, nhờ ơn Chúa và nhờ vào tinh thần cùng nhau chung sống khiến cho đất nước ngày càng trở nên sinh động. Ngày nay, Indonesia là một mô hình của việc đối thoại và cùng nhau chung sống. Và hiện nay tại hòn đảo Mindanao của chúng ta, tại miền nam Philippines, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng Marawi, cũng có những nhà lãnh đạo và các tín hữu có thành tâm thiện chí, đến từ Indonesia đã góp phần vào việc xây dựng một cuộc sống hòa bình với nhau”.
Một chủ đề hết sức tế nhị mang tính thời sự hiện nay đó chính là mối quan hệ giữa Giáo hội Philippines và Tổng thống Duterte: chúng ta đang đứng ở đâu?
“Giáo hội Philippines, bất kể Tổng thống nào đang cầm quyền, luôn luôn theo sát và vẫn tiếp tục tuân theo quy luật “hợp tác quan trọng” với chính phủ. Chúng tôi không phải là những kẻ thù của nhau, nhưng chúng tôi cùng nhau làm việc phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia. Kim chỉ nam quan trọng nhất của chúng ta đó chính là Tin Mừng: chúng tôi không chống lại bất kì chính quyền nào, nhưng chúng tôi nhìn vào thực tế và chúng tôi đánh giá chúng. Tổng thống Duterte biết rằng Giáo hội tuân theo các quy tắc và các giá trị phổ quát, và thừa nhận tính hiệu lực của chúng, nhưng sau đó ông ấy lại khẳng định rằng theo lĩnh vực chính trị, ông cần phải sử dụng những quy tắc và những giá trị khác. Về phần tôi, tôi đã gắng tạo ra mối quan hệ cá nhân với ông ấy: Tôi đã đi gặp gỡ ông ấy sau cuộc bầu cử và sau đó tôi đã trực tiếp gửi cho ông ấy một số thông điệp và những lời nhận định. Tôi tin rằng tôi phải làm như vậy. Không thể nói chuyện với nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nếu không các cuộc đàm phán sẽ chấm dứt. Và trong trường hợp xung đột, việc phục vụ của chúng tôi đối với quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, tôi nhận thấy rằng những lời chỉ trích tiêu cực đang có chiều hướng suy giảm: Tôi tin rằng việc cùng công tác với nhau là có thể và hết sức cần thiết”.
Tổng thống Duterte đã bị chỉ trích một cách hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là đối với chiến dịch giết người ngoại tụng của ông: Đức Cha nghĩ gì về vấn đề này?
“Vấn đề về các vụ giết người ngoại tụng đối với những người nghiện ma tuý cũng như những kẻ buôn bán ma túy là hết sức nghiêm trọng. Không có nghi ngờ gì về thực tế là nhiều vụ giết người này được thực hiện bởi những người không thuộc các lực lượng quân đội và cố gắng tận dụng tình huống như vậy để có thể trả thù thanh toán lẫn nhau. Giáo Hội luôn luôn nhắc nhở về giá trị tối thượng của sự sống con người và mỗi một sinh linh, thậm chí ngay cả của một tội nhân hay một kẻ tội phạm, luôn luôn là hết sức thiêng liêng. Hiện nay, mặc dù vậy, chỉ có lời nói thôi thì chưa đủ: vấn nạn ma túy lan tràn trên khắp cả nước là một thực tế và yêu cầu chúng tôi phải can thiệp. Chẳng hạn như tại Manila, chúng tôi vừa mới bắt đầu một chương trình phục hồi chức năng, như một cộng đồng Công giáo, nhằm cứu sống mạng sống của con người, đặc biệt là của các trẻ em”.
Minh Tuệ chuyển ngữ