Khi đến Nga để thực hiện chuyến viếng thăm chính thức diễn ra trong ba ngày của mình, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhấn mạnh rằng Tòa Thánh có một vai trò đặc biệt trên viễn cảnh toàn cầu với sự quan tâm đối với cả hai chủ đề về tâm linh lẫn ngoại giao.
“Tòa Thánh đồng thời thực hiện cả hai vai trò về tâm linh và ngoại giao”, Đức Hồng y Parolin phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 20 tháng 8 với hãng thông tấn Nga TASS. “Đó là lý do tại sao ngoại giao Vatican lại mang một đặc tính chất đặc biệt”.
Cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, đặc biệt được xem như là bằng chứng về sự cởi mở vốn đã được đưa ra như là kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử lịch sử của Ngài với ĐTC Phanxicô tại Havana hồi năm ngoái, ĐHY Parolin cho biết cả Đức Thượng Phụ Kirill và ĐTC Phanxicô đều “nhấn mạnh đến việc nối lại mối quan hệ hữu nghị như một đường lối chung”.
“Khi chúng ta cùng nhau bước theo con đường này và tiến hành việc đối thoại huynh đệ, chúng ta có thể cảm nhận được những khoảnh khắc của tinh thần hiệp nhất. Con đường này đòi hỏi việc tìm kiếm chân lý, cũng như tình yêu, sự kiên nhẫn, sự bền lòng và tinh thần quyết tâm”.
Đức Hồng y Parolin đã phát biểu với TASS một ngày trước chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 21 đến 24 tháng 8 của mình, trong đó ĐHY Parolin sẽ gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng chẳng hạn như Đức Thượng Kirill, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và một số thành viên cao cấp của Giáo hội Chính Thống Nga.
Cuộc phỏng vấn không chỉ đề cập đến nhiệm vụ ngoại giao của Tòa Thánh, mà còn tập trung chủ yếu đến các mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo, cụ thể là về việc bảo vệ các giá trị truyền thống Kitô giáo. ĐHY Parolin cũng đã đề cập đến các chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho đến thời điểm hiện tại trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông trong chức vụ và cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Venezuela.
Cùng tháp tùng với ĐHY Parolin như một phần của phái đoàn chính thức đó là Đức Ông Visvaldas Kulbokas, Tham Tán Sứ thần, thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh.
Hôm 21 tháng 8, ngày đầu tiên trong chuyến thăm này, ĐHY Parolin đã gặp gỡ các vị Hồng y Công giáo và các Giám mục Nga, và vào buổi tối, Ngài cũng đã chủ sự Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Moscow, sau đó là buổi gặp gỡ thân thiện với hàng giáo sĩ và giáo dân.
ĐHY Parolin cũng đã gặp Đức TGM Chính Tòa Hilarion thuộc Địa phận Volokolamsk, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Moscow. Hôm nay, thứ Ba ngày 22 tháng 8, ĐHY Parolin sẽ có phiên làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergey Lavrov, trong khi vào buổi tối, ĐHY Parolin sẽ gặp gỡ Đức Thượng Phụ Kirill và sẽ tổ chức một buổi họp báo ngắn sau đó.
Hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 8, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, Đức Hồng y Parolin sẽ tới Soczi để gặp gỡ chính thức với Tổng thống Putin. Không có cuộc gặp gỡ chính thức nào khác được lên lịch trình trước khi Đức Hồng Y trở lại Rome vào ngày 24 tháng 8.
Trong cuộc phỏng vấn với TASS, Đức Hồng y Parolin cho biết rằng Vatican đã “làm việc dựa trên ý tưởng chuyến viêng thăm Nga trong một thời gian dài” và cuối cùng kết quả có thể là do cuộc gặp gỡ đã diễn ra vào tháng hai năm 2016 giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill.
“Cuộc gặp gỡ đó chính là bước đầu tiên đã được mong đợi từ lâu”, ĐHY Parolin nói. Nó không chỉ tăng cường những kết ước giữa những vị đại diện của Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống Nga, “vốn đã trở nên thường xuyên hơn và chứa đựng những nội dung cụ thể”, nhưng đồng thời nó cũng thúc giục các Giáo hội “phải nhìn vào những khác biệt mà chúng ta đã từng có trong quá khứ và những nguyên nhân của chúng bằng một phương thế mới”.
Mặc dù những căng thẳng vẫn có thể được nhận thấy được do những ý kiến khác nhau về những vấn đề khác nhau, ĐHY Parolin cho biết rằng cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill “đã giúp chúng ta nhận thấy sự hiệp nhất mà chúng tôi đang phấn đấu, sự hiệp nhất vốn được đòi hỏi bởi Tin Mừng mà chúng ta tuyên xưng”.
“Điều rất quan trọng là chúng ta có cái nhìn tích cực về nhau đầy mới mẻ rằng mọi tôi trung của Thiên Chúa, linh mục và người tin Chúa sẽ chia sẻ”, ĐHY Parolin nói, đồng thời hấn mạnh rằng theo quan điểm của Ngài, đây chính là điều kiện “để hoàn thành những bước đi mới và, tôi sẽ nói, những bước chưa từng có trong việc phát triển cuộc đối thoại đại kết và việc lập lại mối quan hệ hữu nghị giữa các Giáo hội của chúng ta”.
Khi được hỏi về việc làm thế nào để các Giáo hội có thể cùng cộng tác với nhau để gìn giữ các giá trị truyền thống và đồng thời không làm cản trở những nỗ lực cho nền dân chủ hiện đại, ĐHY Parolin lưu ý rằng điều đáng tiếc là “không thiếu những thách thức mà thế giới hiện đại đã tạo ra”.
Đó không chỉ là về việc bảo vệ các giá trị mà còn là “khái niệm về nhân cách và phẩm giá con người”, ĐHY Parolin nói, đồng thời Ngài cũng chỉ ra những thách thức cụ thể được trình bày bằng cách biểu lộ sự tôn trọng đối với con người, phấn đấu vì công bằng xã hội, các mối tương quan giữa các cá nhân và quan hệ giữa các quốc gia.
“Đó là tất cả những thách đố của việc cùng chung sống một cách hòa bình”, ĐHY Parolin nói, đồng thời lưu ý rằng khi các Giáo hội nhấn mạnh vào việc bước theo Tin Mừng và duy trì các giá trị có thể thấy trong Kinh Thánh, “họ làm như vậy không nhằm hạ thấp con người thời hiện đại hoặc gây ra những áp lực không cần thiết lên họ, nhưng để cho thấy con đường đưa đến sự cứu rỗi và sự kiện toàn”.
“Khi thực hiện sứ mạng này, vốn không bao giờ kết thúc, việc thiết lập sự hợp tác hiệu quả giữa các tôn giáo khác nhau là vô cùng quan trọng”, ĐHY Parolin nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Giáo hội và việc trao đổi kinh nghiệm “có thể trở thành một đóng góp quan trọng cho việc hiểu được những vấn đề này”.
Nhắc đến quyết định của Giáo hội Công giáo để “cho mượn” Thánh tích của Thánh Nicholas vốn được Giáo Hội Chính Thống vô cùng yêu mến, bao gồm một số mảnh xương hiện đang được lưu giữ ở Bari, tới Nga trong suốt mùa hè, ĐHY Parolin cho biết cử chỉ này đã được xem như “một yếu tố thúc đẩy về mặt tinh thần” đối với Giáo hội Chính Thống Nga.
“Không còn nghi ngờ gì về sự kiện này cũng như những sáng kiến tương tự khác, vốn có thể được gọi là ‘các Thánh thông công’, tạo ra một cơ hội để cảm nhận hoàn toàn điều gì đã liên kết các Kitô hữu”, ĐHY Parolin cho biết.
Thánh tích đã được rước từ Bari đến Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô Cứu Thế tại Moscow từ ngày 22 tháng 5 đến 12 tháng 7, và đã được Tổng thống Putin và hàng ngàn tín hữu Chính Thống tôn kính.
Sự kiện này không chỉ là sự kiện quan trọng đối với đời sống tinh thần của các tín hữu mà nó còn là một ví dụ cho những sáng kiến trong tương lai và đồng thời tạo ra một động lực mới cho cuộc đối thoại về những vấn đề “phức tạp hơn” trong các mối quan hệ của Giáo hội, ĐHY Parolin nói.
Khi nói đến cuộc chiến chống khủng bố, ĐHY Parolin cho biết rằng có hai yếu tố quan trọng cần ghi nhớ, đầu tiên là những quyết định của chính phủ “vốn thường được quyết định bởi các tình huống cụ thể”.
“Khi người ta đối mặt với một tình huống như thế này, người ta phải đưa ra một sự lựa chọn nhất định dựa trên những đánh giá của các chính trị gia”, ĐHY Parolin nói. “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự cần thiết phải giải quyết chủ nghĩa khủng bố đã trở nên rõ ràng đối với Giáo hội, nhưng tất cả các hành động cần phải được cân nhắc để ngăn ngừa tình huống sử dụng vũ lực vốn sẽ kích hoạt bạo lực leo thang hoặc dẫn đến việc vi phạm nhân quyền, bao gồm vấn đề tự do tôn giáo”.
Mặt khác, Giáo Hội luôn được hướng dẫn bởi một “quan điểm lâu dài”, ĐHY Parolin nói, vốn trước tiên liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển cá nhân, đặc biệt trong số các thế hệ trẻ, cũng như “việc đối thoại không ngừng giữa các tôn giáo”.
“Trong những thập kỷ qua, Tòa Thánh đã tạo ra những nỗ lực có thể nhằm thiết lập, củng cố hoặc phục hồi đối thoại dựa trên các cấp độ về văn hoá, tôn giáo và trong lĩnh vực xã hội và nhân đạo”, ĐHY Parolin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Ngài “hoàn toàn xác tín rằng cuộc sống dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng tự nó sẽ tạo ra một sự đóng góp quan trọng trong việc hình thành xã hội và văn hoá”.
Khi được hỏi về một số chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi nhậm chức, kể cả quyết định rút khỏi Hiệp định Paris Climate năm 2016, và điều mà Vatican mong đợi từ Trump, ĐHY Parolin đã bày tỏ hy vọng rằng cả hai quốc gia có thể cùng thăng tiến trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Cuộc gặp gỡ hội tháng Năm giữa ĐTC Phanxicô và Trump “đã được tổ chức trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau và tôi có thể nói, với sự chân thành” mà trong đó cả nhà lãnh đạo đều có thể nói lên những suy nghĩ cũng như những bận tâm của mình.
ĐHY Parolin đã bày tỏ hy vọng rằng bất chấp những quyết tâm của Trump để “hoàn thành các cam kết trong cuộc bầu cử” và bất chấp việc Washington đã rút khỏi hiệp định Paris, “các phương pháp tiếp cận thực tiễn sẽ chiếm ưu thế liên tục với quyết định của chính quyền Hoa Kỳ để giữ cho cuộc thảo luận về thay đổi khí hậu luôn diễn ra”.
“Chúng ta, đến lượt mình, chỉ có thể mong muốn Tổng thống Trump, cũng giống như các thành viên khác của cộng đồng quốc tế, sẽ không bỏ qua nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu và những hậu quả tiêu cực của nó”.
ĐHY Parolin sau đó cũng cho biết rằng theo quan điểm của Ngài, các mối quan hệ quốc tế đang “ngày càng bị chi phối” bởi các chính sách cũng như các chiến lược “dựa trên những cuộc xung đột và những cuộc đối đầu công khai”.
Mô tả hiện tượng này như là “một cuộc đối thoại của những kẻ điếc, hoặc tệ hơn, nó châm ngòi cho những nỗi sợ hãi dựa trên sự hăm dọa bằng các loại vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hóa học”, ĐHY Parolin cho biết, đồng thời tin rằng có một nhận thức chung rằng các phương pháp như vậy “không dẫn đến các giải pháp chính xác và đồng thời không làm giảm những sự căng thẳng giữa các quốc gia”.
ĐHY Parolin cũng chỉ ra thái độ cương quyết của ĐTC Phanxicô rằng “việc xây dựng hoà bình là một con đường”, đồng thời giải thích rằng con đường này “còn nhiều chông gai hơn là cảnh chiến tranh và các cuộc xung đột”.
“Việc xây dựng hòa bình đòi hỏi phải có sự đối thoại kiên nhẫn và màn tính xây dựng với việc tôn trọng lẫn nhau thay vì tập trung mọi sự chú ý vào những lợi ích quốc gia”, ĐHY Parolin nhấn mạnh. “Đây là tất cả những gì được mong đợi từ các nhà lãnh đạo quyền lực trên toàn cầu”.
Minh Tuệ chuyển ngữ