ĐHY Parolin: "Phải đặt con người làm trọng tâm của ngành nông nghiệp"

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 30-03-2017 | 10:04:14

Đức Hồng Y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – đã gửi một lá thư nhân danh ĐTC Phanxicô tới Diễn đàn về Tương lai của Ngành nông nghiệp lần thứ 10 đang diễn ra tại Brussels.

Trong bức thư gửi cho ông Janez Potočnik – Chủ tịch Diễn đàn – Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi những các tham dự viên hãy đặt con người làm trọng tâm của ngành nông nghiệp “dù đó là nông dân, một tác nhân kinh tế hay một người tiêu dùng”.

“Cách tiếp cận như vậy” – ĐHY Parolin cho biết – “nếu được xem như một mục tiêu chung chứ không đơn thuần chỉ là một vấn đề về kỹ thuật, sẽ cho phép việc xem xét sâu hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp, việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo, sự tăng trưởng kinh tế, các mức độ phát triển, cũng như nhu cầu hiện tại và tương lai của dân số thế giới”.

ĐHY Parolin đã kêu gọi việc cần phải “cam kết nhiều hơn nhằm hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp” thông qua các hệ thống sản xuất và thương mại tốt hơn, cũng như bằng cách “nhấn mạnh quyền của mỗi con người đối với sức khoẻ và việc được nuôi dưỡng đầy đủ”. 

REUTERS2055694_ArticoloĐHY Parolin cho biết việc thiếu hụt các hoạt động nông nghiệp ở một số nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân: “Người dân không chỉ bị loại trừ khỏi quá trình sản xuất, mà còn thường bị buộc phải rời khỏi đất đai của họ để tìm kiếm nơi ẩn náu hầu tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

ĐHY Parolin đã kêu gọi mọi nỗ lực nhằm giúp cho các quốc gia gia tăng các nguồn tài nguyên của mình để có thể đạt được “việc tự cung tự cấp về ăn uống”.

ĐHY Parolin cho biết điều này có nghĩa là “xem xét các mô hình phát triển và tiêu dùng mới, tạo điều kiện cho các hình thức cơ cấu cộng đồng vốn coi trọng các nhà sản xuất nhỏ đồng thời bảo vệ các hệ sinh thái địa phương và tính đa dạng sinh học”.

Tóm lại, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết: “Khoảng cách giữa tầm cỡ của các vấn đề và những kết quả tích cực đạt được cho đến nay không bao giờ là lý do gây ra sự chán nản hoặc thiếu tin tưởng, mà là động cơ thúc đẩy trách nhiệm lớn hơn”.

Dưới đây là toàn bộ nội dung của bức thư:

Kính gửi ông Janez Potočnik – Chủ tịch Diễn đàn về Tương lai của Ngành nông nghiệp,

Công việc của Diễn đàn về Tương lai của Ngành nông nghiệp lần thứ 10 đã tạo cho ĐTC Phanxicô có cơ hội để bày tỏ sự khích lệ của Ngài đối với tất cả những ai, với tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ khác nhau của mình, được mời gọi để đưa ra các giải pháp đối với những nhu cầu của ngành nông nghiệp trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Một cái nhìn lướt qua tình hình thế giới đã đủ để chứng tỏ sự cần thiết phải cam kết hơn nữa nhằm hỗ trợ hoạt động nông nghiệp. Điều này không chỉ dừng lại ở việc cải thiện hệ thống sản xuất và thương mại, mà còn chủ yếu trong việc nhấn mạnh quyền của mỗi con người đối với việc được tiếp cận dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh, phù hợp với các nhu cầu cá nhân cũng như vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các quyết định và chiến lược. Rõ ràng rõ ràng rằng trọng tâm của tất cả các hoạt động đó phải là con người, dù rằng đó chính là các nông dân, các tác nhân kinh tế hay người tiêu dùng. Cách tiếp cận như vậy, nếu được xem như một mục tiêu chung chứ không đơn thuần chỉ là một vấn đề về kỹ thuật, sẽ cho phép việc xem xét sâu hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp, việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo, sự tăng trưởng kinh tế, các mức độ phát triển, cũng như nhu cầu hiện tại và tương lai của dân số thế giới.

Những mong đợi liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững được đặt ra cho toàn bộ cộng đồng quốc tế đòi hỏi phải đối diện với tình hình của một số quốc gia và khu vực nơi mà hoạt động nông nghiệp còn thiếu, do không đủ đa dạng và do đó không có khả năng đáp ứng với môi trường địa phương và việc biến đổi khí hậu. Hiện tại chúng ta đang chứng kiến mức độ việc làm thấp và do đó thu nhập tổng thể, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng, ở các gia đoạn mãn tính, đã ảnh hưởng đến hàng triệu người. Đây là một cơ chế phức tạp, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Người dân không chỉ bị loại trừ khỏi quá trình sản xuất mà còn thường bị buộc phải rời khỏi đất đai của họ và tìm kiếm nơi ẩn náu nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Điều này không có nghĩa là tương lai của ngành nông nghiệp được đặt trong việc áp dụng một mô hình sản xuất mang lại lợi ích lớn cho các nhóm giới hạn và một phần nhỏ dân số thế giới. Nó cũng không có nghĩa là xem công việc nông nghiệp trên cơ sở của các phát hiện trong phòng thí nghiệm. Những cách tiếp cận này có thể mang lại lợi ích tức thời cho một số người, tuy nhiên liệu chúng ta đã xem xét đầy đủ những thiệt hại mà chúng có thể gây ra đối với những người khác? Mọi nỗ lực cần được hướng chủ yếu tới việc giúp mỗi quốc gia tăng các nguồn lực của chính mình để đạt tới việc tự cung về dinh dưỡng. Điều này bao gồm việc xem xét các mô hình phát triển và tiêu dùng mới, tạo điều kiện cho các hình thức cơ cấu cộng đồng vốn coi trọng các nhà sản xuất nhỏ đồng thời bảo vệ các hệ sinh thái địa phương và đa dạng sinh học (xem Laudato Si, số 129 và 180). Nó cũng có nghĩa là thông qua các chính sách hợp tác mà không làm trầm trọng thêm tình hình của các dân tộc kém phát triển cũng như sự lệ thuộc của họ vào người khác.

Khoảng cách giữa tầm cỡ của các vấn đề và những kết quả tích cực đạt được cho đến nay không bao giờ là lý do gây ra sự chán nản hoặc thiếu tin tưởng, mà là động cơ thúc đẩy trách nhiệm lớn hơn. Thông qua các cuộc đối thoại được thúc đẩy bởi Diễn đàn mà ngài chủ trì, ước chi các tham dự viên có thể có được nguồn cảm hứng để có thể tăng cường công việc đã bắt đầu và khiến cho nó trở nên sáng tạo hơn và được tổ chức tốt hơn. “Qủa thực, còn nhiều điều cần phải được thực hiện” (Laudato Si, số 180). 

Đại diện cho ĐTC Phanxicô, tôi bày tỏ hy vọng rằng Diễn đàn này sẽ gặt hái được nhiều kết quả nhất. Tôi muốn gửi đến ông chủ tịch cùng với tất cả tham dự viên những lời chúc tốt đẹp nhất.

Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết