Để ứng phó với những thách thức do sự biến đổi khí hậu gây ra, điều cấp bách là “xây dựng một chiến lược dài hạn chung và toàn cầu dựa trên những cam kết chính xác, có khả năng xác định và thúc đẩy một mô hình phát triển mới và được xây dựng trên mối liên kết hiệp đồng giữa cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống đói nghèo”. Bởi vì “không gì có thể đạt được bằng cách làm việc một mình. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rất rõ điều đó”.
Đó là nội dung Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin khẳng định trong một thông điệp video – bằng tiếng Anh – được gửi nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với khí hậu năm 2021, diễn ra trực tuyến hôm 25 – 26/01/2021. Đức Hồng y Parolin giải thích rằng thách thức mang tính thời đại vì thiện ích chung do biến đổi khí hậu đặt ra, đòi hỏi hành động nhanh chóng để giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng, kết hợp với sự tăng cường thích ứng và khả năng phục hồi.
Quốc vụ khanh Vatican nói tiếp, rằng đó là mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo, “bởi vì những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng nhất của sự biến đổi khí hậu thường ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất: người nghèo và các thế hệ tương lai”. Những người nghèo, những người “ít chịu trách nhiệm nhất đối với sự nóng lên toàn cầu”, không may lại là những người “có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì họ có ít khả năng thích ứng và thường sống ở những khu vực địa lý đặc biệt có nguy cơ”.
Do đó, cần có những “hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn, cam kết phát triển bền vững các-bon thấp, cũng như đầu tư vào việc tăng cường công nghệ và khả năng phục hồi, và chuyển giao chúng theo điều kiện công bằng, đặc biệt là cho các nước dễ bị tổn thương nhất”. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái, khi ngài kêu gọi “tăng cường chủ nghĩa đa phương, một biểu hiện của sự đồng trách nhiệm mới ở cấp độ toàn cầu” thay vì “ủng hộ thái độ tự túc, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập, loại trừ những người nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất”.
T.H.