Một trong những thành viên của C9 cho biết nhóm này đang cân nhắc xem liệu có nên hỏi ý kiến ĐTC Phanxicô để bắt buộc các Sứ thần của Vatican phải thảo luận với giáo dân trước khi đưa ra các đề nghị về các ứng viên Giám mục trong Giáo hội Công giáo hay không.
ĐHY Oswald Gracias của Ấn Độ gợi ý rằng nhóm chín thành viên có thể sẽ đề nghị các Đại sứ phải được chỉ thị để tham khảo ý kiến với các thành viên của Hội đồng mục vụ hoặc tài chánh của Giáo phận trước khi thông qua danh tính của những vị có thể sẽ được cân nhắc đối với tiến chức Giám mục.
“Đây chính là vấn đề trọng yếu của Giáo hội”, ĐHY Gracias phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với NCR hôm 15 tháng 6 vừa qua. “Giám mục là một nhân vật quan trọng và sự lựa chọn một Giám mục tài giỏi là hết sức quan trọng đối với mỗi Giáo hội. Nếu như anh chị em lựa chọn không đúng, mọi thứ có thể sẽ được thiết lập lại theo năm tháng trong đời sống mục vụ của Giáo hội”.
Những khuyến nghị hiện vẫn còn đang trong tiến trình chờ đợi của Hồng Y Đoàn có thể đánh dấu một sự thay đổi đáng kể đối với Giáo hội và đối với vai trò của các Đại sứ của Vatican, được gọi là Sứ Thần Tòa Thánh.
Trong khi các Sứ thần Tòa Thánh hiện đang được phép tham khảo ý kiến giáo dân khi cân nhắc các ứng cử viên Giám mục, họ không buộc phải làm như vậy và thường xuyên phải chú trọng vào những thảo luận của giáo dân đối với các thành viên hàng giáo sĩ hiện tại.
“Chúng ta đã có những vị Sứ thần hết sức tuyệt vời”, ĐHY Gracias nói. “Chúng tôi hài lòng với các vị Đại sứ của Đức Thánh Cha. Nhưng chúng ta đã đặt toàn quyền quyết định đối với các Sứ thần dù Ngài sẽ tham khảo ý kiến A hoặc B, hoặc một tu sĩ hay một giáo dân nào đó. Ai đó có thể quyết định, ‘Vâng, điều đó không quan trọng với tôi'”.
“Chúng ta đang suy nghĩ về việc liệu chúng ta có nên khiến điều này trở nên bắt buộc hay không”, ĐHY Gracias nói.
Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài nửa tiếng tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae của Vatican, ĐHY Gracias cũng chia sẻ về hy vọng của mình rằng Vatican sẽ phân quyền nhiều hơn cho các Giám mục địa phương và cho thấy sự cởi mở của Ngài đối với khả năng sẽ truyền chức Phó tế cho phụ nữ.
Về việc lựa chọn Giám mục, ĐHY Gracias cho biết rằng Hồng Y Đoàn cũng cân nhắc về việc làm thế nào để tránh cho phép bất kỳ sự thiên vị nào len lỏi vào quá trình này.
“Nếu anh chị em hiểu rõ Giáo phận của mình thì anh chị em sẽ biết người này suy nghĩ gì và người kia sẽ suy nghĩ gì”, ĐHY Gracias, người lãnh đạo Tổng Giáo phận Bombay, cho biết. “Anh chị em có thể, nếu không nhận ra nó, chỉ yêu cầu những người nghĩ theo cách cụ thể”.
“Một cách vô thức, sự thiên vị có thể xảy ra nơi những người mà anh chị em tìm đến sự tham khảo”, ĐHY Gracias nói. “Vì vậy, loại bỏ việc tùy ý quyết định theo một mức độ nhất định để khiến nó trở nên khách quan hơn”.
Các Hội đồng Giám mục có thêm nhiều thẩm quyền hơn
ĐHY Gracias cũng cho biết Hồng Y Đoàn đang cân nhắc việc làm thế nào để phân cấp thẩm quyền nhiều hơn từ Vatican cho các Giám mục địa phương. ĐHY Gracias cũng cho biết rằng với sự phát triển của Giáo hội tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới trong những thập niên gần đây, Vatican hiện có thể xem xét việc dựa nhiều hơn vào các Hội đồng các Giám mục Quốc gia.
“Giáo hội thì quá to lớn… chúng ta không thể trung ương tập quyền được”, ĐHY Gracias – người lãnh đạo Hội đồng các Giám mục Công giáo Ấn Độ và Liên đoàn Các Hội đồng Giám mục Châu Á, cho biết. “Một văn phòng ở đây không thể nắm hết tất cả mọi thứ được. Cần phải đưa ra những đường hướng chung”.
“Sau cùng, có những sự chấp thuận mà tôi thiết nghĩ hiện nay không cần thiết nữa”, ĐHY Gracias cho biết. “Đã có một khoảng thời gian khi chúng tôi không có đầy đủ nhân sự đã được huấn luyện trong các Giáo hội địa phương. Nhưng hiện nay thì chúng tôi thực sự đã đầy đủ”.
ĐHY Gracias trích dẫn những số liệu cho thấy rằng hiện có khoảng 5.100 Giám mục Công giáo trên toàn thế giới. Theo Giáo luật hiện hành, ĐHY Gracias nói: “có Đức Thánh Cha và các Giám mục. Không có ai khác ở giữa. Chúng tôi báo cáo trực tiếp với Đức Thánh Cha”.
“Phải có một điều gì đó khác… để giúp Đức Thánh Cha và để trợ giúp các Giám mục”, ĐHY Gracias nói.
“Ngày nay, tôi không thể tưởng tượng nổi khi quay trở lại một hệ thống mà không có các Hội đồng Giám mục”, ĐHY Gracias nói nói. “Nó giúp các Giáo phận rất nhiều trong công việc giảng dạy giáo lý, trong phụng vụ, trong các công tác tông đồ gia đình. Chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và làm phong phú lẫn nhau”.
Một lĩnh vực mà ĐHY Gracias cho biết ngài nghĩ rằng các Hội đồng Giám mục có thể đi đầu trong các bản dịch phụng vụ.
“Người ta thường đề nghị các Giám mục trên khắp thế giới để giúp chúng tôi thực hiện điều này ở cấp địa phương”, ĐHY Gracias cho biết.
“Một lý do là họ có kiến thức về ngôn ngữ”, ĐHY Gracias nói. “Làm sao chúng ta có thể kiểm tra một ngôn ngữ nếu như chúng ta không hiểu biết về nó?”.
“Chúng ta phải phân quyền”, ĐHY Gracias nói. “Giáo hội quá to lớn, và ngày nay, với các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể làm theo những lời khuyên từ đó, và do đó các Hội đồng Giám mục có thể đóng một vai trò rất lớn, một vai trò rất quan trọng trong tất cả những lĩnh vực này”.
Các nữ Phó tế
Một vấn đề mà ĐHY Gracias cho biết Hồng Y Đoàn đã không thảo luận trong thời gian dài đó là làm thế nào để thực hiện ước nguyện đã được đề cập thường xuyên của ĐTC Phanxicô rằng phụ nữ có một sự hiện diện “sâu sắc hơn” trong vai trò lãnh đạo Giáo hội.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đối với việc phụ nữ không chỉ có một sự hiện diện hời hợt mà còn là đóng vai trò quyết định”, ĐHY Gracias nói. “Tôi phải thú nhận rằng chúng ta đã quá bận rộn với các cơ cấu của Giáo triều đến nỗi chúng ta vẫn chưa đề cập gì đến vấn đề này”.
“Đó là một điều gì đó sẽ phải nằm trong chương trình nghị sự”, ĐHY Gracias cho biết.
Khi được hỏi về khả năng sẽ truyền chức Phó tế cho phụ nữ, ĐHY Gracias cho biết ngài đang chờ đợi kết quả từ Ủy ban mà ĐTC Phanxicô đã thành lập để nghiên cứu về vấn đề này.
“Chúng tôi đang chờ đợi kết quả cho vấn đề này”, ĐHY Gracias cho biết. “Chúng ta phải chứng kiến việc đã xảy ra trong Giáo hội thuở sơ khai, cá nhân tôi tuyệt đối sẽ chẳng gặp khó khăn gì với vấn đề đó”.
‘Amoris Laetitia’ và Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề lương tâm
ĐHY Gracias cũng phát biểu về việc Hội đồng giám mục Ấn Độ làm thế nào để thực hiện Tông Huấn của ĐTC Phanxicô vào năm 2016 về đời sống gia đình, Amoris Laetitia (“Niềm vui của tình yêu”).
ĐHY Gracias cho biết rằng, trong khi những bình luận về Tông Huấn này ở thế giới phương Tây tập trung vào việc liệu có sự phát triển về vấn đề ly hôn và tái hôn trong Giáo huấn của Hội thánh, thì các Giám mục Ấn Độ đã tập trung nhiều hơn vào các đoạn văn về việc các linh mục có thể làm thế nào để cùng đồng hành với các cặp vợ chồng trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân và giúp đỡ họ những người đang phải đối diện với những thử thách.
ĐHY Gracias cho biết rằng các Giám mục Ấn Độ tại một cuộc họp gần đây đã quyết định không đưa ra một tuyên bố nào về chương thứ tám của Amoris Laetitia, vốn đòi hỏi “việc nhận thức rõ về mục vụ” đối với những người Công giáo đã bước vào cuộc hôn nhân lần thứ hai mà không tìm đến việc tiêu hôn đối với cuộc hôn nhân đầu tiên của họ.
“Chúng tôi đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chương tám của Tông Huấn”, ĐHY Gracias nói về cuộc họp của các Giám mục Ấn Độ. “Chúng tôi cảm thấy rằng nó đã khôi phục lại vị thế của Giáo hội và vấn đề thần học luân lý, trong khi để tùy vào các cuộc thảo luận mở”.
ĐHY Gracias cho biết, ngài nghĩ rằng Tông Huấn này đã phát triển Giáo huấn của Giáo hội về việc tôn trọng các quyết định mà một cá nhân đưa ra theo lương tâm của mình.
“Tôi nhận thấy đó chính là một sự phát triển, nhưng có nguồn gốc từ Tông Huấn ‘Familiaris Consortio’ và thần học luân lý truyền thống”, ĐHY Gracias cho biết khi đề cập đến Tông Huấn năm 1981 của Đức Gioan Phaolô II về gia đình.
“Tôi thiết nghĩ đó chính là một sự phát triển theo nghĩa rằng hiện nay chúng ta đang chú ý đến Tông Huấn này và áp dụng nó, nhưng đó không phải là một sự thay đổi. “Đó là điều khá rõ ràng đối với tôi”.
ĐHY Gracias, một người có bằng tiến sĩ về luật Giáo luật và đứng đầu Tòa án của Giáo hội Bombay vào những năm 1980 trước khi trở thành Giám mục, cho biết ‘Amoris Laetitia’ đặt trách nhiệm nhiều hơn đối với các cá nhân trong việc xác định điều gì là có thể được trong cuộc sống của họ.
“Tôi biết tường tận có những trường hợp vốn đã thực sự hết sức rõ ràng nhưng lại không thể chứng minh điều đó”, Đức Hồng Y Gracias cho biết khi đề cập đến những người đang tìm kiếm việc được tiêu hôn nhưng không thể chứng minh tính vô hiệu đối với cuộc hôn nhân của họ.
“Quý vị sẽ làm gì?”, ĐHY Gracias chất vấn. “Liệu người đó có bị mắc kẹt suốt đời mà không có Bí tích”.
“Tôi phải nói điều đó là không rõ ràng”, ĐHY Gracias nói. “Chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề này, ngẫm nghĩ về nó, thảo luận về nó và phát triển vấn đề này”.
“Đôi lúc ai đó đã phải đối diện với vấn đề này”, ĐHY Gracias cho biết. “Tôi vui mừng vì ĐTC Phanxicô đã làm cho nhiều người biết đến vấn đề này. Có lẽ nhiều người chưa sẵn sàng để đối diện với điều đó, đây quả là một sự đột khởi, nhưng thực sự là chúng ta phải đối diện với thực tế đó. Chỉ là những con người này không thể bị bỏ lại bên lề đường”.
Minh Tuệ theo NCR