ĐHY Kasper hy vọng cuộc tranh luận về 'Amoris Laetitia' đã chấm dứt

“Việc công bố lá thư của ĐTC Phanxicô đồng nghĩa với việc hy vọng rằng cuộc tranh luận thảm hại này giờ đây đã chấm dứt”, ĐHY Kasper nói.

FILE CARDINAL KASPERĐức Hồng Y Walter Kasper hy vọng sự chấp thuận đầy thẩm quyền của ĐTC Phanxicô đối với việc giải thích Amoris Laetitia của các Giám mục Argentina và cách giải quyết đối với những người Công giáo đã ly dị và tái hôn sẽ chấm dứt những cuộc tranh cãi xung quanh Tông Huấn về hôn nhân và gia đình của ĐTC Phanxicô.

Vị Hồng y 84 tuổi là một trong những nhà thần học chính được ĐTC Phanxicô đề nghị giúp định hướng các cuộc thảo luận về những vấn đề liên quan đến gia đình trong Thượng Hội Đồng Giám Mục. ĐHY Kasper đã đưa ra tuyên bố trong một phần bình luận với tư cách khách mời xuất hiện hôm Chúa nhật tuần trước trên chương trình bằng tiếng Đức của Vatican Radio.

“Việc công bố bức thư của ĐTC Phanxicô đồng nghĩa với việc hy vọng rằng cuộc tranh luận thảm hại này giờ đây đã chấm dứt”, ĐHY Kasper nói.

Vào tháng 9 năm 2016, ĐTC Phanxicô đã viết thư cho các Giám mục khu vực Buenos Aires và đồng thời chấp thuận những chỉ dẫn của họ về việc thực hiện Tông Huấn Amoris Laetitia, Ngài nói rằng nó “giải thích chính xác ý nghĩa của Chương VIII trong Amoris Laetitia”. ĐTC Phanxicô cho biết thêm: “Không có cách diễn giải nào khác”.

Những chỉ dẫn và bức thư của ĐTC Phanxicô sau đó đã được xuất bản gần đây trên tờ Acta Apostolica Sedis, tờ công báo chính thức về các tài liệu của Vatican và các hoạt động của Giáo Hoàng. Một văn kiện kèm theo cho biết cả hai văn bản đều là một phần của “Huấn Quyền đích thực” của Giáo Hội hoặc Giáo huấn chính thức.

“Amoris Laetitia (AL) đã được đón nhận với một sự vui mừng lớn lao và lòng biết ơn của đa số các tín hữu trong dân của Thiên Chúa, những người mà hiện tại có thể cảm thấy hài lòng”, ĐHY Kasper nói về khẳng định của tờ Acta.

ĐHY Kasper cho biết rằng “sự sai lầm chủ yếu” của “một phần sự chỉ trích dữ dội” đối với Amoris Laetitia là những chỉ trích ấy đã sa lầy trên một chú thích duy nhất “bị tách ra khỏi ngữ cảnh”.

Đức Hồng y Kasper cho biết rằng việc cho phép những người đã ly dị tái hôn lãnh nhận các Bí tích trong các trường hợp cá nhân được dựa trên giáo huấn truyền thống của Giáo hội, đặc biệt là của Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) và Công đồng Trentô (1545-1563). ĐHY Kasper cho biết đây không phải là một sự đổi mới mà là việc nối lại truyền thống lâu đời của Giáo hội, và các học giả tân học (từ cuối những năm 1800 trở đi) đã làm giảm tầm quan trọng của vấn đề này.

ĐHY Kasper cũng chỉ ra rằng các chuyên gia hoan nghênh giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II đã cho thấy rằng giáo huấn của ĐTC Phanxicô trong Amoris Laetitia không mâu thuẫn với giáo huấn của hai vị tiền nhiệm của ngài.

ĐHY Kasper, tác giả của những cuốn sách thần học được sử dụng rộng rãi nhất trong các chủng viện Công giáo và các trường đại học trên toàn thế giới kể từ những năm 1970, cho biết giáo huấn trong Tông Huấn Amoris Laetitia của ĐTC Phanxicô phù hợp với Công đồng Trentô. ĐHY Kasper cho biết rằng Công đồng của thế kỷ 16 đã dạy rõ ràng rằng khi các Kitô hữu biểu lộ sự ăn năn hối lỗi đối với tội lỗi của mình và tham dự Bí tích Thánh Thể, những tội nhẹ sẽ được tha thứ, trong khi đó, đồng thời Bí tích Thánh Thể cũng sẽ bảo vệ họ khỏi những tội trọng.

“Thật khó để thấy rằng chú thích số 351 trong Amoris Laetitia – trong đó nói rằng trong một số trường hợp nhất định, đó là những trường hợp không phạm tội trọng, việc lãnh nhận các Bí tích có thể là một sự trợ giúp cho họ – là trái với giáo huấn của Giáo hội”, ĐHY Kasper chỉ ra.

ĐHY Kasper cho biết rằng các nhà phê bình Amoris Laetitia đã mắc lỗi khi gây ra một sự chống đối mang tính phiến diện, vốn đánh giá thấp tầm quan trọng của lương tâm cá nhân trong một hành động luân lý.

“Mặc dù không thể phủ nhận rằng lương tâm cần phải tôn trọng những giới răn của Thiên Chúa, những giới răn khách quan thường có giá trị – một lần nữa theo Thánh Tôma Aqquinô – không thể được áp dụng một cách máy móc hoặc với logic thuần túy đối với các tình huống cụ thể, thường là những tình huống phức tạp”, ĐHY Kasper nói.

Đúng hơn, ĐHY Kasper nói, cần phải có một sự nhận định sáng suốt.

ĐHY Kasper lưu ý rằng luật thế tục cũng hết sức cẩn thận để phân biệt giữa hành vi giết người và hành động ngộ sát khi xem xét khung hình phạt đối với thủ phạm. ĐHY Kasper cho biết rằng thậm chí điều đó còn quan trọng hơn nữa đối với Giáo Hội để tạo ra những sự khác biệt tương tự và hết sức thận trọng bởi vì Giáo hội cần phải xem xét không chỉ vấn đề pháp lý mà còn là chuẩn mực luân lý đối với tội lỗi chủ quan.

“Giáo hội không chỉ xem xét hành vi bên ngoài mà còn tôn trọng lương tâm của một người”, ĐHY Kasper nói.

ĐHY Kasper cho biết rằng ĐTC Phanxicô đã bám rễ vững chắc vào Giáo huấn của Công Đồng Vatican II (1962-1965) khi ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề lương tâm cá nhân.

“Lương tâm của họ chính là cốt lõi bí mật nhất của con người, và đồng thời cũng chính nơi thánh thiêng của mỗi người. Ở nơi đó, chỉ có con người một mình đối diện với Thiên Chúa, Đấng vang vọng tiếng nói của Người nơi sâu thẳm tâm hồn của con người”, ĐHY Kasper nói, trích dẫn đoạn 16 trong Gaudium et Spes, Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.

Sau đó, ĐHY Kasper đã nhấn mạnh bình luận của mình trên Vatican Radio bằng cách trích dẫn câu 37 trong Tông Huấn Amoris Laetitia: “Chúng ta đã được mời gọi để đào tạo lương tâm chứ không phải để thay thế lương tâm người khác”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết