Các đại biểu từ 41 Giáo phận đã tham dự một hội nghị chuyên đề quốc gia. “Cuộc khủng hoảng về văn hoá, tư tưởng, xã hội và tinh thần hiện đang ngày càng gia tăng” đã khiến cho các gia đình cảm thấy như “một gánh nặng”. Có một “tỷ lệ ngày càng tăng dần đối với các hành động tàn bạo và bạo lực đối với phụ nữ”, những người cùng với trẻ em, chính là những nạn nhân của nạn buôn người và tình trạng bóc lột. Những cặp vợ chồng trong tình trạng khủng hoảng “đòi hỏi một phản ứng mang tính xây dựng” bởi vì Giáo hội không bao giờ cứ mãi lên án bất kì một người nào.
Các vị đại biểu đến từ 41 Giáo phận tại Ấn Độ đã cùng nhau quy tụ trong một hội nghị chuyên đề quốc gia kéo dài ba ngày về ‘Tìm hiểu Amoris Laetitia trong bối cảnh của Ấn Độ’. Hội nghị này đã được tổ chức tại Đại học St Pius X ở Mumbai từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 vừa qua.
Các tham dự viên đã tập trung vào vai trò quan trọng của gia đình trong công cuộc rao giảng Tin Mừng bởi vì đó là nơi đầu tiên nơi mà đức tin và văn hoá được học hỏi. Vì lý do này, ưu tiên mục vụ cần phải được trao cho việc Phúc Âm hóa hôn nhân và gia đình dựa trên các giáo huấn Công giáo, gần đây nhất được nhấn mạnh trong ‘Amoris Laetitia’, nơi một xã hội như Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với nhiều thách đố mang tính quyết định.
Trong bài phát biểu của mình, ĐHY Oswald Gracias, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CBCI) và đồng thời là người đứng đầu Liên đoàn Giám mục Á Châu, lưu ý rằng nếu như “Mỗi gia đình được xem như một món quà từ Thiên Chúa và đồng thời là một môi trường được ưu tiên nơi mà trẻ em có thể được sinh ra với phẩm giá, và phát triển và lớn lên một cách toàn vẹn”, cũng vậy, gia đình ngày nay hiện đang phải đối mặt với với “cuộc khủng hoảng văn hoá, hệ tư tưởng, xã hội và tinh thần ngày càng gia tăng… do ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện thông tin đại chúng, nền văn hoá của Chủ nghĩa khoái lạc (Hedonism), thuyết tương đối, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa cá nhân, chủ thuyết thế tục, các hệ tư tưởng vô thần và việc tự do hóa quá mức và ích kỷ đối với vấn đề luân lý […] Sự suy giảm mạnh mẽ các giá trị tinh thần và luân lý trong xã hội cùng với sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tục hóa liên tục đe doạ sự tồn tại cũng như sự sống còn của gia đình cũng như đối với nền văn minh nhân loại”.
Mọi người nên làm điều mà họ cần
Thật không may, nhiều gia đình “đang được coi như là một gánh nặng”. Nhiều người trong số họ sống ở các khu vực ngoại vi và ngoại ô và họ phải đấu tranh để tồn tại. Nhiều người trong số họ thuộc về các nhóm dễ bị tổn thương khác nhau. Chẳng hạn như, thật đáng buồn khi thấy rằng tình trạng bóc lột và áp bức đối với những người Dalits hiện vẫn còn tồn tại ở đất nước chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ liên đới để hỗ trợ tất cả những người này để họ có thể tiếp cận ít nhất đối với những điều thiết yếu cơ bản của cuộc sống. “Gia đình cần có một tổ ấm, cần có công ăn việc làm cũng như sự thừa nhận công bằng đối với các hoạt động trong gia đình của các bậc cha mẹ, khả năng được đi học cũng như chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho tất cả mọi người. Khi xã hội và chính sách công không cam kết hỗ trợ các gia đình trong những lĩnh vực này, họ sẽ tự cướp mất đi một nguồn lực thiết yếu trong việc phục vụ hòa bình”. Ấn Độ có một tỉ lệ ngày càng gia tăng đối với các hành động tàn bạo cũng như vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, tập tục ‘hành quyết để bảo vệ danh dự’ (honor killing), những cái chết do hồi môn (dowry death), các vụ tấn công bằng axít, việc sát hại đối với các thai nhi giới tính nữ, phân biệt giới tính, nạn buôn bán và bóc lột đối với phụ nữ và trẻ em. Hơn nữa, trẻ em đường phố ở Ấn Độ không được chăm sóc và hỗ trợ bởi gia đình cũng như những người thân của chúng, chủ yếu là do tình hình kinh tế khó khăn; họ không có đủ thức ăn và nước để tồn tại. Nhiều trẻ em trong số họ bị các bậc cha mẹ ngược đãi về tình dục, về thể chất và tinh thần, và phải sống lang tháng trên các ngả đường phố khiến họ dễ bị lợi dụng để rơi vào tình trạng lao động trẻ em và nạn mại dâm. Theo ‘Amoris Laetitia’, vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em là tất cả những điều hết sức ô nhục khi nó xảy ra ở những nơi có thể được coi là an toàn hơn, đặc biệt là trong các gia đình, các trường học, các cộng đồng và các cơ sở Kitô giáo”.
ĐHY Gracias lưu ý rằng Giáo Hội luôn luôn lên án việc tự ý phá hoại đối với những cuộc sống hiện vẫn còn non nớt, đối với Giáo Hội, nam giới và phụ nữ có phẩm giá bình đẳng với nhau “bởi vì ‘sự thông thái của nữ giới’ (feminine genius) là cần thiết trong tất cả các biểu hiện trong đời sống xã hội, [trong khi sự hiện diện của phụ nữ cũng cần phải được đảm bảo tại nơi làm việc”. Điều này được tìm thấy trong “Hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ được ban hành gần đây đối với vấn đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc”, việc bảo vệ trẻ em và trao quyền cho những người Dalit. “Amoris Laetitia đề nghị thúc đẩy tất cả các quyền của phụ nữ và đồng thời lên tiếng mạnh mẽ chống lại tình trạng ngược đãi xấu xa mà phụ nữ đôi khi phải chịu đựng cũng như các hình thức nô lệ và bạo lực gia đình khác nhau, và bạo lực bằng lời nói, bạo lực thể xác và tình dục mà phụ nữ phải chịu đựng trong hôn nhân”.
Giáo Hội không bao giờ cứ mãi lên án bất kì một người nào
Một thách thức mới đối với các gia đình đó chính là “Các công nghệ Sinh sản Nhân tạo Mới”, vốn dẫn đến “những vấn đề nghiêm trọng về luân lý hiện nay. Nhiều cặp vợ chồng không có con mong muốn có được một đứa con nhờ đến việc thụ tinh trong ống nghiệm vốn thường liên quan đến việc phá hủy một cách có chủ ý đối với phôi thai người. Các phương tiện sinh sản nhân tạo cũng được chọn lựa bởi các cặp vợ chồng đối với việc lựa chọn di truyền”, bao gồm cả việc” phá huỷ phôi thai người, hủy diệt sự sống con người, và do đó điều này là không thể chấp nhận được. ‘Amoris Laetitia’ đã nói rõ rằng cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực sinh sản của con người đã đưa ra khả năng để vận dụng hành động truyền sinh, khiến cho nó trở nên độc lập với hành động quan hệ tính dục giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Bằng cách này, sự sống con người và mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trở thành những thực tại tách biệt, chủ yếu dựa vào mong muốn của các cá nhân hoặc của các cặp vợ chồng”.
Ngoài ra, có nhiều tình huống ngày nay, chẳng hạn như các mối quan hệ pháp lý thông thường, hôn nhân giữa những người ly hôn, và sự đau khổ của những người đã lập gia đình đang phải trải qua những thời kỳ khó khăn. “Amoris Laetitia đã chỉ rõ rằng ‘tất cả những tình huống này đòi hỏi một phản ứng mang tính xây dựng nhằm biến đổi chúng thành những cơ hội vốn có thể dẫn đến những thực tại trọn vẹn của hôn nhân và gia đình phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Những cặp vợ chồng này cần phải được chào đón và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và thận trọng”. Hơn nữa, những nỗ lực mục vụ nhằm củng cố hôn nhân ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Về vấn đề này, chúng ta cần phải quan tâm đến các chương trình làm phong phú đời sống hôn nhân gia đình cũng như các chương trình tiền hôn nhân của chúng ta tại tất cả các Giáo phận và đồng thời xem xét xem chúng có thể được áp dụng như thế nào trong bối cảnh của các tình huống hôn nhân đầy thách thức hiện nay. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh một cách đầy súc tích rằng “đường lối của Giáo Hội không phải là để lên án bất cứ ai, nhưng mãi mãi là để tuôn đổ dầu thơm của Lòng thương xót của Thiên Chúa lên tất cả những ai đang cần đến Lòng thương xót ấy với một tâm hồn ngay thẳng”.
Minh Tuệ chuyển ngữ