ĐHY Giuse Trần Nhật Quân: 'ĐTC Phanxicô nên ngừng đàm phán với Bắc Kinh'

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 25-11-2018 | 06:24:33

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun) chia sẻ về thỏa thuận gần đây của Vatican với Bắc Kinh liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc

1542883455

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun)

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Dorian Malovic của tờ La Croix, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, Đức Hồng y Joseph Zen 86 tuổi, đã đưa ra những quan điểm thẳng thắn về thỏa thuận gần đây của Vatican với Bắc Kinh liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc.

Dorian Malovic: Cách đây một vài ngày, Ngài đã có mặt tại Rome. Mục đích của chuyến đi này là gì?

Đức Hồng Y Joseph Zen: Tôi chỉ có một mục đích. Tôi muốn đích thân gửi một lá thư cá nhân cho ĐTC Phanxicô để chia sẻ với Ngài về cảm giác của tôi đối với thỏa thuận được ký vào ngày 22 tháng 9 liên quan đến việc đề cử các giám mục Trung Quốc. Tôi muốn chắc chắn Đức Thánh Cha nhận được lá thư bảy trang của tôi vì tôi không tin tưởng những người xung quanh Ngài.

Nội dung của lá thư dài này là gì?

Theo tôi, ĐTC Phanxicô không biết tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc và bản chất của chế độ. Tôi đề nghị Ngài ngừng đàm phán với Bắc Kinh.

ĐTC Phanxicô đã không nhận được bất cứ điều gì từ thỏa thuận này, đó chính là một thỏa thuận “giả tạo”, một sự ảo tưởng, và Bắc Kinh đã khiến Ngài đánh mất thẩm quyền của mình. Chính quyền Trung Quốc vẫn coi họ có trách nhiệm đối với Giáo hội Trung Quốc và họ vẫn sẽ bầu chọn các giám mục. Đức Giáo Hoàng sẽ chỉ là người đưa ra phán quyết sau cùng.

Vì vậy, ngài không tin tưởng vào những lời lẽ của Bắc Kinh?

Bởi vì thỏa thuận này là bí mật, người Trung Quốc nghĩ rằng tất cả mọi tiến trình hiện nay là hợp pháp hóa và họ có thể lựa chọn các giám mục. Họ nghĩ rằng Tòa Thánh đã ký một tờ séc khống chỉ và họ có thể làm những gì họ muốn.

Họ sẽ nói với Giáo Hội hầm trú để bước ra khỏi hoạt động bí mật của mình để gia nhập Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước thuộc Giáo Hội chính thức. “Nhanh nhanh, bước ra mau, Đức Giáo Hoàng bằng lòng rồi”, họ sẽ nói như thế.

Liên quan đến các giám mục, chính quyền Trung Quốc sẽ bầu chọn họ và Đức Giáo Hoàng sẽ chỉ là người đưa ra phán quyết sau cùng.

Nhưng liệu Đức Giáo Hoàng có thể từ chối và nói ‘Không’?

Vâng, nhưng có bao nhiêu lần Ngài có thể nói không? Mỗi lần chính phủ sẽ chỉ định khác.

Vatican cho biết đó là một thỏa thuận “tạm thời” …

Chắc chắn, đó chỉ là khởi đầu nhưng chúng ta có thể thấy rõ việc nó đang đi đến đâu. ĐTC Phanxicô đã giải vạ tuyệt thông đối với bảy giám mục và trao thẩm quyền của một Giáo phận cho Đức Giám mục Guo ở Thừa Đức.

ĐTC Phanxicô sẽ chờ đợi trước khi hợp pháp hóa sáu vị Giám chức còn lại. Nó chỉ là vấn đề thời gian. Một cách gián tiếp, Vatican đang giúp chính phủ tiêu diệt Giáo hội hầm trú mà Bắc Kinh không thể nghiền nát được.

Liệu chúng ta có thể nói về sự hiệp nhất khi mà, dưới sự ép buộc, họ cưỡng bức Giáo hội hầm trú vào một cái lồng chim? Điều đó giống như việc yêu cầu Giáo hội hầm trú phản bội lòng trung thành của họ đối với Đức Giáo Hoàng và Giáo hội hoàn vũ để gia nhập Giáo hội chính thức và yêu nước.

Trong 70 năm, nhiều người trong số họ đã chết và những người khác hiện đang sống trong sự sợ hãi bị đàn áp. Và trong nhiều năm trong Giáo Hội chính thức, một số giám mục không xứng đáng với tư cách là giám mục, không xứng đáng với sứ vụ của họ. Một số giám mục chính thức thậm chí còn tồi tệ hơn các giám mục bị vạ tuyệt thông.

Ngài có nghĩ rằng một chuyến Tông du có thể có đến Trung Quốc của ĐTC Phanxicô sẽ là một điều hay chăng?

Tôi không nghĩ vậy.

ĐTC Phanxicô sẽ không thể gặp gỡ các giám mục hầm trú.

Tất cả mọi thứ sẽ được sắp xếp bởi chế độ. ĐTC Phanxicô sẽ bị chế độ thao túng, trong khi điều này lại có lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình vì sự sự tín nhiệm quốc tế của Đức Thánh Cha.

Đối với Ngài, giải pháp tốt nhất hiện nay là gì?

Không làm gì cả. Tốt hơn hết đó chính là củng cố Giáo hội hầm trú, vốn hiện nay vẫn có sức sống mãnh liệt. Hiện tại, chế độ đang phá hủy Giáo Hội hầm trú và làm thất vọng một vài vị giám mục thánh thiện trong Giáo Hội chính thức. Họ đã phản kháng. Họ làm những gì họ có thể, nhưng họ bị gạt ra bên ngoài lề xã hội.

Khi một phái đoàn của Rome đến Bắc Kinh, họ nên yêu cầu được gặp các giám mục bị quản thúc tại gia, nhưng điều đó hiện nay là không thể được nữa. Chúng tôi quỳ xuống trước khi bắt đầu thương lượng.

Tôi không thể chiến đấu chống lại Đức Giáo Hoàng. Nhưng khi Ngài hợp pháp hoá sáu vị giám mục còn lại, tôi sẽ lui về ẩn dật tại một tu viện để cầu nguyện. Và tôi sẽ không nói chuyện với các nhà báo nữa. Tôi sẽ giữ im lặng.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết