Với sự căng thẳng hiện đang ngày càng gia tăng tại Hồng Kông bất chấp việc rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (John Tong Hon) mời gọi gọi tất cả mọi công dân nước này hy vọng, tránh sự tức giận và đồng thời nỗ lực làm việc hướng tới sự hòa hợp. ĐHY Tong cũng yêu cầu chính quyền địa phương lắng nghe tiếng nói của những người trẻ hiện đang trong tâm trạng vỡ mộng.

Người biểu tình tập trung trên đường phố Hồng Kông (ANSA)
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài phát thanh Vatican, Giám Quản Tông Tòa Địa phận Hồng Kông, Đức Hồng y John Tong, đã bày tỏ hy vọng của mình với người dân thành phố.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Đức Hồng Y Tong: Trong một chương trình phát thanh gần đây ở Hồng Kông, tôi đã chia sẻ những suy nghĩ và lời cầu nguyện của mình với người dân ở Hồng Kông. Thậm chí ngay hôm nay, tôi đã vô cùng đau buồn vì tình trạng bất ổn tại Hồng Kông, nơi có ít dấu hiệu của sự dịu bớt căng thẳng; thế nhưng, tình trạng căng thẳng hiện vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tôi muốn trình bày ba vấn đề:
Đầu tiên, Hy vọng sẽ chiến thắng sự tuyệt vọng: bản thân tôi không phải là một chính trị gia. Tôi không thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng. Những sự việc đang diễn ra lúc này dường như không thể giải thích với sự hữu lý thông thường. Nhưng tôi tin Thiên Chúa sẽ đồng hành cùng với chúng ta qua những thời khắc khó khăn này.
Trong những tháng qua, nhiều tín hữu Công giáo đã hỏi tôi, “Bên cạnh việc cầu nguyện, chúng ta có thể làm gì khác?”. Cầu nguyện không có nghĩa là thay đổi người khác, nhưng đúng hơn, như tôi xác tín, có thể biến đổi quả tim của chính chúng ta, cho phép bản thân chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng và tìm thấy hy vọng.
Chúng ta có thể hít một hơi thật sâu, nhớ lại một số khoảnh khắc chán nản và suy ngẫm về cách thức chúng ta vượt qua chúng và đồng thời khôi phục niềm hy vọng. Hoặc, chúng ta có thể trò chuyện với một số người bạn đáng tin cậy. Đây có thể là một cách thức để tìm kiếm sự an ủi vốn có thể hướng chúng ta luôn luôn tiến về phía trước.
Khi nhu cầu chính đáng của chúng ta không được đáp ứng, chúng ta có thể cảm thấy thất vọng. Nhưng đừng tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng khiến một người không nhìn về tương lai, và nó làm cạn kiệt cuộc sống của chúng ta.
Thứ hai, Sự tức giận dẫn đến sự thù hận. Sự tức giận dễ dàng tạo ra sự thù hận. Với lòng thù hận, khả năng nhận thức đúng sai của con người sẽ bị đánh mất, và lòng tốt của một người sẽ bị giảm xuống. Từ đó, bạo lực sẽ được khơi dậy.
Tôi tin chắc rằng bạo lực chắc chắn sẽ làm nảy sinh thêm bạo lực. Sự tàn bạo chắc chắn không thể giải quyết các vấn đề hiện tại, nhưng sẽ chỉ gây ra thêm nhiều rủi ro và nhiều nguy cơ gây hại hơn, và đồng thời khiến cho vết thương trở nên sâu hơn. Hai nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi và Nelson Mandela nổi tiếng của Ấn Độ đã tuân thủ việc sử dụng các biện pháp hòa bình để đấu tranh chống lại sự chuyên chế, và họ đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt khen ngợi trên toàn thế giới.
Thứ ba, Hòa hợp trong sự khác biệt. Chúng ta có một ngạn ngữ của Trung Quốc rằng “Tứ hải giai huynh đệ”. Điều này đồng quy với các giá trị của đức tin Kitô giáo. Vì tất cả các dân tộc đều xuất phát từ cùng một nguồn cội, tất cả chúng ta đều là con người và có những đặc điểm tương đồng. Chúng ta nên hành động theo lương tâm của mình và tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của Hồng Kông trong những năm qua.
Để khôi phục sự hài hòa, một phản ứng chân thực và chân thành với dư luận là một chính sách hữu hiệu. Nhiệm vụ chính của ngày hôm nay đó chính là xây dựng lại sự tin tưởng giữa chính phủ và người dân, ngõ hầu sự hòa hợp được ấp ủ trong xã hội có thể một lần nữa được thể hiện.
Ngài muốn đề xuất điều gì với người dân Hồng Kông đang tham gia cuộc biểu tình?
Đức Hồng Y Tong: Đây là những lời tôi muốn nhắn nhủ với người dân địa phương: trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta. Nhiều bạn trẻ tỏ ra sợ hãi và lo lắng vì tình hình xã hội hiện tại. Tôi thực sự hiểu được sự lo lắng của họ. Các vấn đề xã hội đã khiến họ bối rối và vỡ mộng. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ thoát khỏi trạng thái vỡ mộng của họ?
Tất cả các thành phần trong xã hội, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, có trách nhiệm giúp đỡ họ. Tôi muốn kêu gọi chính quyền địa phương phải thực sự lắng nghe tiếng nói của người dân Hồng Kông.
Những người thực thi pháp luật phải tuân thủ luật pháp, và đồng thời phải thực thi luật pháp với lương tâm của họ. Bằng cách này, sự tin tưởng và sự tôn trọng giữa chính quyền và người dân địa phương sau đó mới có thể được xây dựng lại.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta!
Minh Tuệ (theo Vatican News)