ĐHY D'Rozario: ‘Giáo hội tại Bangladesh, một đàn chiên nhỏ bé nhưng có vai trò quan trọng’

Đức Tổng giám mục Dhaka hiện đang có mặt tại Rome nhân “chuyến viếng thăm Ad limina”. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Bangladesh là “một cơ hội để khẳng định văn hóa” về sự tôn trọng và hài hòa giữa các tôn giáo. Các Kitô hữu, những người Hồi giáo và những người Hindu đã tổ chức các cuộc hội họp hàng tháng để “cùng nhau cầu nguyện”. Caritas đang giúp đỡ những người Rohingya. Một nền thần học tâm linh mới là hết sức cần thiết cho “đàn chiên nhỏ bé”, vốn là một nhóm thiểu số góp phần vào sự phát triển của xã hội và sự đổi mới của Giáo Hội.

BANGLADESH_-_VATICANO_-_0528_-_Card._D_Rozario_1

Vatican (AsiaNews) – “Giáo hội tại Bangladesh giống như một đàn chiên nhỏ bé. Chúng tôi có số lượng khiêm tốn, nhưng chúng tôi đóng một vai trò quan trọng”, Đức Cha Patrick D’Rozario, Tổng giám mục Dhaka và là vị Hồng y đầu tiên của Bangladesh, cho biết.

Phát biểu với AsiaNews, vị giám chức đề cập đến chuyến viếng thăm lịch sử của ĐTC Phanxicô đến Dhaka (từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 năm 2017), vốn là “một cơ hội để khẳng định văn hóa của Bangladesh”, và những thay đổi mà chuyến viếng thăm này mang lại. “Nền văn hóa này đã được thấm nhuần bởi sự hài hòa giữa tất cả mọi người dân và những người có đức tin”.

Đồng thời, sự hiện diện của ĐTC Phanxicô “đã làm sáng tỏ giá trị của các Kitô hữu trong xã hội và đồng thời tạo ra động lực mới cho tất cả mọi công việc của chúng ta”, Đức Hồng y D’Rozario nói.

Mặc dù số lượng các Kitô hữu vẫn còn hết sức khiêm tốn, “sự đóng góp của Giáo hội Công giáo được cảm nhận trong xã hội thông qua lĩnh vực giáo dục trong các trường học, các dịch vụ được cung cấp tại các cơ sở y tế, cũng như trong các tổ chức tín dụng”.

Các chức tín dụng “không chỉ đại diện cho hình thức quan trọng nhất của các khoản vay lãi suất thấp tại nhiều cộng đồng, mà còn là một cách thức để tạo ra sự hợp tác và liên đới giữa tất cả mọi người. Đây chính là giá trị của đàn chiên nhỏ bé vốn có một sự đóng góp to lớn cho mọi người”.

Bangladesh là một quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo. Hơn 90% dân là người Hồi giáo. Các Kitô hữu đại diện cho một cộng đồng thiểu số nhỏ bé, khoảng 600.000 người, bao gồm 380.000 tín hữu Công giáo (khoảng 0,2% dân số).

Kể từ chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC Phanxicô, công việc của người Công giáo đã dẫn đến một sự thúc đẩy mới trong một số lĩnh vực, trong khi ở những lĩnh vực khác nó đã được tiếp tục với những đường hướng đã được đưa ra. Một trong số đó là “công việc của tổ chức Caritas trong việc hỗ trợ những người Hồi giáo Rohingya ở quận Bazar của Cox.

“Tổ chức từ thiện Công giáo này là hiệp hội thứ tư thế giới chăm sóc cho các nhu cầu của họ và đồng thời giúp đỡ họ xử lý những khó khăn. Đây chính là một cam kết rất lớn. Không chỉ vậy, tại mỗi văn phòng Caritas địa phương có từ 50 đến 250 tình nguyện viên làm việc trong các lĩnh vực xã hội khác nhau”.

Trong số các khía cạnh đặc trưng của văn hóa Bengali có thể được nhận thấy trong chuyến viếng thăm này đó chính là sự hòa hợp giữa các tôn giáo. “Cứ mỗi tháng một lần, một hội nghị liên tôn giáo đã được tổ chức ở cấp địa phương trên toàn khu vực, bất cứ nơi nào có một giáo xứ hoặc một cộng đồng Kitô hữu, một trường học hay một học viện Công giáo. Mọi người gặp gỡ nhau để cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau đọc những cuốn sách thiêng liêng của mọi tôn giáo”.

Đối với các sự kiện sắp tới, “vào tháng Sáu, chúng tôi sẽ có một hội nghị liên tôn về chủ đề ‘Hãy rộng mở những cánh cửa’, tức là, mở ra những cánh cửa của việc tôn trọng đối với tất cả mọi người, như ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm.

“Trước đây, trong Mùa Chay, chúng tôi đã tổ chức một ngày chia sẻ và cầu nguyện – mà chúng ta không thể gọi là ‘Chiến dịch Mùa Chay’ – trong đó tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đều cùng nhau chia sẻ theo các nhóm về sứ điệp Mùa Chay năm nay của ĐTC Phanxicô”.

Chuyến viếng thăm mục vụ cũng dẫn đến những suy tư về thần học và tâm linh, đặc biệt là về ‘Thần học của những người nhỏ bé’ (Theology of the little ones) hoặc ‘Đàn chiên nhỏ bé’ (Little flock’).

“Về vấn đề này, Ủy ban điều hành của Liên Hội đồng các Giám mục Á châu (FABC) đã gặp gỡ nhau vào hồi tháng 2 năm ngoái để bắt đầu các công việc chuẩn bị cho dịp kỷ niệm lần thứ 50 của hiệp hội vào năm 2020. Nhân dịp này, tôi đề nghị chủ đề sẽ là ‘Đàn chiên nhỏ bé tại châu Á’ “.

“Các Kitô hữu là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé”, ĐHY D’Rozairo giải thích, “nhưng không đúng theo nghĩa của từ này. Chẳng hạn như, tại Bangladesh chúng tôi chỉ chiếm con số cực kì khiêm tốn, nhưng 95% các tín hữu nhất quán thực hành những giáo huấn của Tin Mừng, không giống như các nước phương Tây, nơi mà các Kitô hữu đại diện cho phần lớn dân số, nhưng lại có rất ít người giữ đạo”.

Vì lý do này, theo gương của các Giáo hội Châu Á, “Giáo hội tại Bangladesh cũng phải luôn luôn nhỏ bé như vậy, nhưng lại hết sức sống động và nhiệt thành trong đời sống đức tin”, ĐHY D’Rozairo cho biết thêm.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết