NEW YORK – Cuộc bách hại đối với các Kitô hữu trên toàn thế giới đã trở thành “chủ đề trên bàn ăn” đối với người Công giáo, theo Đức Hồng Y Timothy Dolan Địa phận New York. Trong khi ĐHY Dolan thừa nhận rằng các Kitô hữu đã chậm trễ “trong việc đáp lại tiếng chuông đồng hồ báo thức”, Ngài đã khen ngợi mức độ tham gia hiện nay của các Kitô hữu Hoa Kỳ trong việc đáp lại trước những nhu cầu của Kitô hữu hải ngoại, đặc biệt là tại Trung Đông.
“Chúng tôi đã tăng cường cuộc trò chuyện. Mọi người đều nhận thức được điều gì đang xảy ra. Về vấn đề nâng cao nhận thức, theo nhu điều chúng ta đang đề cập đến, nó đang diễn ra vào một thời điểm quan trọng”, ĐHY Dolan nói.
Lời phát biểu của ĐHY Dolan đã được đưa ra nhân dịp bế mạc một hội nghị thượng đỉnh về “Cuộc khủng hoảng của các Kitô hữu tại Trung Đông” được tổ chức bởi Hiệp hội Anglosphere tại New York hôm thứ Ba vừa qua.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các Kitô hữu ở hơn 60 quốc gia hiện phải đối mặt với cuộc bách hại từ chính phủ hoặc các nhóm vây quanh. Ở Iraq, hơn một triệu Kitô hữu đã bị giết hại vì đức tin của họ trong thập kỷ qua, và theo một số ước tính – nếu những xu hướng hiện tại không bị đảo ngược – sẽ không còn một Kitô hữu nào có thể tồn tại trong nước trong vòng năm năm.
“Tôi không chắc việc có hay không một giáo xứ Công giáo ở Hoa Kỳ nơi mà những lời cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới sẽ không phải là một yếu tố chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Điều đó đã trở thành một sự liên lỉ trong kinh nguyện của chúng ta. Và không có gì có thể bác bỏ”, ĐHY Dolan cho biết thêm.
Trong cuộc trò chuyện với Đại sứ Ronald Lauder, Chủ tịch của Hội đồng Do thái Thế giới (WJC), ĐHY Dolan cũng cho biết rằng các Kitô hữu cần phải học hỏi nhiều điều từ người Do Thái khi nói đến vấn đề bách hại.
Ông Lauder cho biết rằng cách đây vài năm, ông đã tiếp xúc với ĐHY Dolan với ý tưởng tạo ra một tổ chức tương đương với WJC cho các Kitô hữu trên toàn thế giới. WJC là một nhóm vận động không theo đảng phái dành cho những người Do Thái hiện diện tại hơn 100 quốc gia.
“Ông ấy đã không đến để nói chuyện với tôi về việc này”, ĐHY Dolan làm rõ. “Ông ấy đã thưa chuyện với tôi – theo một cách thức hết sức tôn kính – và đồng thời cho biết ‘các anh chị em Kitô hữu phải cùng nhau hành động. Hãy lấy cảm hứng từ chúng tôi'”.
ĐHY Dolan cho biết rằng các Kitô hữu có thể học được các chiến thuật vận động tốt hơn từ người Do Thái. “Họ có nhiều điều dám làm hơn chúng ta”.
Cả ĐHY Dolan và Đại sứ Lauder đều ca ngợi lòng trung thành của các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông, đồng thời cho biết rằng trong nhiều khía cạnh, họ đặt một giá trị cao hơn đối với vai trò của tôn giáo trong xã hội của họ.
ĐHY Dolan đã đề nghị kêu gọi hành động đối với các Kitô hữu Tây phương để chú ý hơn về những dấu hiệu và biểu tượng đức tin một cách nghiêm túc hơn.
“Nếu anh chị em không đặt tượng Đức Mẹ hay một cây Thánh giá trên tháp nhà thờ một cách nghiêm túc, anh chị em sẽ không thể đứng lên chống lại khi người Trung Quốc đến và buộc các Kitô hữu phải dỡ bỏ tất cả những cây Thánh giá hoặc khi ISIS tràn vào các ngôi làng và chặt đầu không chỉ người dân mà còn cả đối với các bức tượng và bình địa các ngôi thánh đường, bởi vì anh chị em nghĩ, những điều đó là hết sức tốt đẹp”, ĐHY Dolan nói. “Nhưng điều đó có thực sự xứng đáng để anh chị em thí mạng sống không? Vâng, đúng vậy. ISIS tin tưởng điều đó và do đó chúng ta cần phải tin tưởng như vậy”.
ĐHY Dolan cho biết rằng không giống như các Kitô hữu phương Tây, các tín hữu đã bị bách hại nhận thức được giá trị của những biểu tượng này.
“Họ sẽ liều chết vì những biểu tượng ấy”, ĐHY Dolan nói. “Họ sẽ tiếp tục tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, mặc dù họ biết rằng sẽ chẳng có cơ hội quay trở lại bởi vì hoặc là họ sẽ bị thiêu sống trong ngôi nhà thờ đó hoặc họ sẽ bị bắn chết hoặc vợ của họ sẽ bị hãm hiếp. Họ sẽ vẫn tiếp tục”.
Trước đó, cựu thượng nghị sĩ Frank Wolf, một người từng là một nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận tình hình của các Kitô hữu tại Iraq như là một cuộc diệt chủng, đồng thời cũng kêu gọi khán giả kêu gọi việc liên đới hơn với các Kitô hữu Trung Đông.
“Các Giáo hội bị bách hại có thể dường như xa cách những băng ghế nhà thờ hay những nơi tôn nghiêm ở phương Tây, nhưng những anh chị em này trong đức tin luôn luôn khao khát những lời cầu nguyện của chúng ta. Họ kêu gọi sự chú ý của chúng ta”, cựu nghị sĩ Wolf nói. “Giáo hội ở phương Tây phải luôn luôn lên tiếng chống lại sự đàn áp đối với các tín hữu thuộc mọi tôn giáo, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào hành động này xảy ra”.
Andrew Walther, phó chủ tịch phụ trách truyền thông và kế hoạch chiến lược tại Knights of Columbus, cho biết rằng các Kitô hữu Hoa Kỳ sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình để công nhận đức tin của các Kitô Trung Đông vốn “không phải là chi nhánh của Kitô giáo, mà là cội rễ của Kitô giáo”.
Theo ông Walther, tình hình của các Kitô hữu tại Iraq đang nằm ở giữa ngã tư đường, vốn có thể dẫn đến sự ổn định hoặc là sự chấm dứt của Kitô giáo trong khu vực. Trong khi các Kitô hữu đã từng chiếm con số khoảng 1,5 triệu người ở Iraq, hiện tại ước tính chỉ có khoảng 250.000 đến 300.000 tín hữu.
Carl Anderson, Hiệp sĩ tối cao của Tổ chức Hiệp sĩ Columbus cũng kêu gọi “tinh thần đại kết giữa các tôn giáo”, và đồng thời cũng cho biết rằng đó chính là bổn phận của các tín hữu Kitô giáo, Do thái, và tất cả những người thành tâm thiện chí để cùng chung vai sát cánh với nhau và loại bỏ bạo lực chống lại Kitô hữu tại Trung Đông.
“Hãy trao cho những người này một tiếng nói”, ông Anderson thúc giục. “Hãy để mọi công dân Hoa Kỳ có cơ hội nhìn thấy diện mạo của các Kitô hữu Trung Đông”.
Minh Tuệ chuyển ngữ