ĐHY Charles Maung Bo: ‘ĐTC Phanxicô đang cân nhắc về việc tổ chức hội nghị về cuộc khủng hoảng Rohingya’

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 24-05-2018 | 14:13:02

MUMBAI, Ấn Độ – ĐTC Phanxicô đang cân nhắc việc giúp tổ chức một hội nghị về cuộc khủng hoảng Rohingya, theo vị Hồng y đầu tiên của Myanmar.

Đức Hồng y Charles Maung Bo, cùng với các giám mục còn lại của Myanmar, đã gặp gỡ ĐTC Phanxicô trong chuyến thăm Ad limina của mình tới Rome vào ngày 8 tháng Năm vừa qua.

800-1-3-690x450

Đức Hồng y Charles Maung Bo

Chuyến viếng thăm Ad limina là một cuộc hành hương mà mỗi giám mục trên thế giới đều phải thực hiện – thường là 5 năm một lần – đến ngôi mộ của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phao-lô, khi họ gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và các quan chức Vatican.

ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Bo, Tổng giám mục Yangon từ năm 2003, trở thành Hồng y vào năm 2015, Hồng y đầu tiên đến từ quốc gia 50 triệu người.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn kể từ khi tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vào năm 2015, khi mà bà Aung San Suu Kyi, người giành giải Nobel thuộc Đảng Quốc gia vì Dân chủ, đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử.

Một chiến dịch của chính phủ chống lại nhóm sắc tộc thiểu số Rohingya đã khiến cho hơn 700.000 người tỵ nạn phải chạy trốn từ bang Rakhine của Myanmar sang quốc gia láng giềng Bangladesh.

Phát biểu với Crux về chuyến viếng thăm Ad limina của các giám mục Myanmar, ĐHY Bo cho biết rằng ngài đã đề nghị ĐTC Phanxicô giúp tạo điều kiện cho một hội nghị nhằm giúp đỡ những người Rohingya.

“Về tình hình ở bang Rakhine, Đức Thánh Cha hết sứ quan ngại bởi vì họ là những người không quốc tịch, hiện đang trôi dạt giữa Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Hiện có khoảng 2 triệu người như vậy”, ĐHY Bo giải thích.

“Không một quốc gia nào muốn tiếp nhận họ. Phương tiện truyền thông Hồi giáo thì lại hết sức mạnh mẽ. Nhưng khi vấn đề nảy sinh liên quan đến việc tiếp nhận những người này: Họ tiếp tục im hơi lặng tiếng”, ĐHY Bo tiếp tục.

Sau đó, ĐHY Bo cho biết ngài đã đưa ra đề xuất với ĐTC Phanxicô.

“Liệu rằng Tòa Thánh có thể thông qua Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để triệu tập một hội nghị quốc tế bao gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu âu và đồng thời xem xét cách thức hỗ trợ những người nghèo này”, ĐHY Bo cho biết khi đưa ra đề xuất với ĐTC Phanxicô.

“Hiện tại, tất cả mọi người dường như lên án chính phủ Myanmar, quân đội và các Phật tử; và dường như không ai có thể đưa ra sự trợ giúp cũng như những gợi ý”, ĐHY Bo nói với ĐTC Phanxicô.

ĐHY Bo phát biểu với Crux rằng ĐTC Phanxicô nói rằng Ngài sẽ yêu cầu Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nếu có thể sẽ tiến hành một hội nghị như vậy.

ĐTC Phanxicô từ lâu đã hết sức bận tâm đến hoàn cảnh của những người Rohingya, và đã nhiều lần lên tiếng thay mặt họ.

Năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã đến thăm Myanmar và Bangladesh, và khi có mặt tại Bangladesh, Ngài đã gặp gỡ với đại diện của cộng đồng Rohingya, những người đã trở thành những người tị nạn.

Trong suốt thời gian của cuộc trao đổi ngắn với cộng đồng này, ĐTC Phanxicô đã vỗ về họ, nắm lấy đôi bàn tay họ và đã hết sức xúc động trước những điều mà Ngài đã lắng nghe từ họ.

“Đại diện cho tất cả mọi người, cho những người đã bức hại anh chị em, những người đã làm những điều sai trái với anh chị em, và trên hết đó chính là, sự thờ ơ của cả thế giới, tôi kêu gọi sự tha thứ của tất cả anh chị em”.

ĐHY Bo cho biết, trong cuộc gặp gỡ nhân chuyến viếng thăm Ad limina với các giám mục Myanmar, ĐTC Phanxicô đã cảm ơn họ vì tinh thần hiếu khách nồng hậu cũng như sự chú ý được dành cho Ngài trong chuyến viếng thăm đất nước này.

ĐHY Bo cho biết chuyến thăm Myanmar chính là công việc của Chúa Thánh Thần.

“Ban đầu, Ấn Độ nằm trong danh sách. Kể từ sau phản ứng của chính phủ Ấn Độ, ĐTC Phanxicô đã nảy sinh ý tưởng viếng thăm Myanmar. Đức Thánh Cha lấy làm vui mừng vì quyết định này”, ĐHY Bo nói.

ĐHY Bo lưu ý rằng ĐTC Phanxicô đã không từ chối gặp gỡ bất kỳ ai tại nước này, kể cả lãnh đạo quân sự cấp cao của quốc gia và một nhà sư Phật giáo cứng rắn.

“Về tình hình chính trị ở Myanmar, một giám mục đã đề nghị Đức Thánh Cha đề cập công khai [để mọi người] cầu nguyện cho Myanmar, đặc biệt là về các cuộc xung đột dân sự ở bang Kachin”, ĐHY Bo cho biết.

Kachin, chủ yếu nằm ở miền bắc Myanmar, dân số đa số là Kitô hữu. Các lực lượng dân quân Kachin đã chiến đấu để giành được quyền tự chủ hơn trong khu vực trong nhiều thập kỷ.

Cuộc chiến đã bùng nổ trở lại vào tháng Tư, khiến cho ít nhất 7.400 người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Vào ngày 15 tháng 5, Liên Hợp Quốc bày tỏ sự báo động về các báo cáo cho biết việc những người biểu tình ôn hòa kêu gọi việc chấm dứt sự thù địch đã bị bắt giữ tại Kachin.

“Đức Thánh Cha đã trả lời rằng Ngài cũng sẽ làm như vậy và đồng thời yêu cầu các giám mục gừi yêu cầu trên bằng văn bản”, ĐHY Bo nói.

ĐHY Bo cho biết ngài đã nói với ĐTC Phanxicô rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã truyền cảm hứng cho cả quốc gia, nhưng tình hình trong nước hiện vẫn rất cần sự hỗ trợ và hướng dẫn của ĐTC Phanxicô.

ĐHY Bo cho biết ngài đã đề nghị ĐTC Phanxicô gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo Myanmar: “Quý vị phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề hòa bình trong nước”.

ĐHY Bo cho biết ĐTC Phanxicô cũng đã chia sẻ với các giám mục Myanmar về tình hình với Giáo hội ở Trung Quốc, vốn giáp biên giới Myanmar và đã áp dụng sức ảnh hưởng của mình đối với nước này.

“ĐTC Phanxicô chia sẻ rằng Ngài vẫn luôn cầu nguyện để một ngày nào đó Ngài có thể gặp gỡ các anh chị em của chúng ta đang phải chịu đau khổ ở Trung Quốc”, ĐHY Bo nói.

ĐHY Bo cho biết Giáo hội có sự liên hệ với Trung Quốc theo ba cách thức: Về ngoại giao, thông qua công việc hiện đang được tiến hành bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; bởi những mối liên hệ thân thiện giữa những người kết nối với Trung Quốc và Vatican; và bởi sự trao đổi lẫn nhau về văn hóa.

ĐHY Bo cũng chia sẻ với Crux một cuộc trao đổi về cuộc sống hàng ngày của ĐTC Phanxicô.

Một trong các giám mục Myanmar đã hỏi ĐTC Phanxicô về lịch trình hàng ngày của Ngài.

ĐTC Phanxicô trả lời: “Ồ, liệu tôi có nên tiết lộ hoạt động hàng ngày của mình không? Vâng, tôi có sức khỏe tốt. Tôi tắt đèn lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 4 giờ sáng. Vâng, như vậy là đủ tốt đối với tôi ở tuổi này và tôi tận hưởng giấc ngủ ngon và yêu thích các công việc trong ngày. Đôi khi tôi không thể có được giấc ngủ ngon, những ngày đó tôi cảm thấy hơi mệt”.

Một giám mục khác đã khen ngợi ĐTC Phanxicô vì những bài giảng hàng ngày của Ngài từ nhà nguyện Sanctae Marthae, nhà khách Vatican, nơi cư trú của Giáo Hoàng, và đồng thời cho biết thêm rằng ông “thường ăn cắp những bài giảng ấy”.

ĐHY Bo cho biết ĐTC Phanxicô chia sẻ rằng ngài giảng khi cảm thấy có cảm hứng, “Nhưng khi Chúa Thánh Thần không truyền cảm hứng cho tôi, tôi thường thinh lặng”.

Nhưng với vị giám trợ thừa nhận đã ‘ăn cắp’ các bài giảng của mình, ĐHY Bo cho biết rằng ĐTC Phanxicô đã hóm hỉnh đáp lại: “Tôi cần phải đánh thuế ngài!”.

 Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết