Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Tổng Giám mục Địa phận Yangon, đã than phiền với Zenit trên chuyến bay của Giáo hoàng đến Nhật Bản và Thái Lan về việc cuộc đàn áp Kitô hữu hiện vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi ở châu Á.
Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám mục Địa phận Yangon, Myanmar, cho biết rằng Chiến tranh thế giới thứ hai là một thảm kịch của con người bất chấp mọi lời giải thích, thế nhưng “đó chính là thảm kịch bom nguyên tử nhắm mục tiêu vào trẻ em và phụ nữ hiện vẫn còn là một trong những vết thương nhức nhối đối với lương tâm con người”.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Zenit, phóng viên cấp cao của Vatican, Deborah Castellano Lubov, hiện đang có mặt trên chuyến bay của Giáo hoàng trong chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô tới Nhật Bản và Thái Lan, từ ngày 19-26 tháng 11, vị Hồng y người Miến Điện thuộc Dòng Salêdiêng đã bày tỏ suy nghĩ này.
Đức Hồng Y Charles Bo là Chủ tịch FABC, Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, hiện đang theo dõi chuyến viếng thăm và hiện diện gần gũi với Đức Thánh Cha Phanxicô trong tất cả các sự kiện lớn trong chuyến Tông du kéo dài 7 ngày tới hai quốc gia châu Á này. Trong cuộc phỏng vấn, Zenit đã có cơ hội trò chuyện với Đức Hồng Y Bo về chuyến viếng thăm này và về điều quan trọng cần tập trung và nhận biết tại hai thực thể châu Á khác nhau này.
“Cuộc đàn áp Kitô giáo”, vị Hồng y lãnh đạo các Giám mục châu Á chỉ trích, “không may vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực tại châu Á”, đồng thời lưu ý rằng cuộc đàn áp Kitô giáo đã không nhận được sự quan tâm đúng mức từ Cộng đồng quốc tế, vốn đã dẫn đến sự đàn áp lan rộng đối với các quyền của Kitô giáo. Bất chấp tất cả những điều này, Đức Hồng Y Bo cũng đã chỉ ra những dấu hiệu hy vọng lớn lao.
Mặt khác, trong khi nói về cuộc chiến tranh hạt nhân, Đức Hồng Y Bo đã than phiền rằng sự kinh hoàng của Hiroshima và Nagasaki đã không ngăn cản các quốc gia châu Á hùng mạnh khác sở hữu ác loại vũ khí hạt nhân. “Những lời nói và hành động của ĐTC Phanxicô trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Ngài, chúng tôi hy vọng, sẽ tiếp tục cuộc đối thoại về các loại vũ khí nguyên tử”, ĐHY Bo nói.
Myanmar đang nổi lên từ nhiều thập kỷ cai trị quân sự sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và đã nắm quyền điều hành.
Cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingyas được Liên Hợp Quốc coi là một trong những nhóm người bị đàn áp nhất. Theo dữ liệu từ Dự án Arakan, một tổ chức nhân đạo bảo vệ quyền của những người Hồi giáo Rohingyas, kể từ năm 2010, khoảng 100.000 thành viên của nhóm thiểu số đã trốn khỏi Miến Điện (Myanmar) bằng đường biển. Bạo lực giữa các tín đồ Phật giáo cực đoan và những người Hồi giáo Rohingyas đã khiến cho, kể từ năm 2012, hơn 200 người chết và 140.000 người bị buộc phải di tản. Ngoài việc thảo luận về chuyến viếng thăm này, Đức Hồng Y Bo cũng phản ánh về di sản mà ĐTC Phanxicô đã để lại cho quốc gia của mình.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
****
ZENIT: ĐTC Phanxicô đang thực hiện chuyến Tông du kéo dài ở Thái Lan và Nhật Bản để gặp gỡ các cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại đây. Theo Đức Cha, tại sao ĐTC Phanxicô quyết định thực hiện chuyến viếng thăm này? Và hơn thế nữa, tại sao Ngài lại quyết định thêm chặng dừng chân ở Thái Lan?
Đức Hồng Y Bo: Chuyến viếng thăm này không có gì là đáng ngạc nhiên. ĐTC Phanxicô là “một vị Giáo Hoàng của những khu vực bên lề”. Trong tất cả những Tông Huấn của mình, ĐTC Phanxicô đã gây ấn tượng về một Giáo hội “có triển vọng về những khu vực bên lề”. ĐTC Phanxicô đã đến thăm Myanmar nơi mà Cộng đồng Công giáo chỉ dưới 700.000 người. Bên cạnh đó, Ngài cũng đã đến thăm những người Hồi giáo tại Bangladesh. Đối với ĐTC Phanxicô, “Giáo hội nơi đây nhỏ bé nhưng tuyệt vời, nó cần sự công nhận đúng đắn”. ĐTC Phanxicô đã tuân theo truyền thống của Thánh Phaolô, người đã rong ruổi khắp nơi để khuyến khích và truyền giáo cho các cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé.
Xin Đức Hồng Y chia sẻ về sự tham gia và sự hiện diện của ngài trong chuyến viếng thăm này!
Với tư cách là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), nhiệm vụ và đặc ân của tôi đó chính là được cùng đồng hành với ĐTC Phanxicô trong chuyến viếng thăm này. Tôi sẽ hiện diện cùng với Đức Thánh Cha trong các sự kiện lớn của Ngài. Tôi đang theo dõi công tác chuẩn bị đang được thực hiện bởi các Hội đồng Giám mục tương ứng của Nhật Bản và Thái Lan.
Ngoài Nhật Bản và Thái Lan, chuyến Tông du này có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của châu Á?
Chuyến Tông du này có ý nghĩa sâu sắc vì hai lý do: Trước hết, các cộng đồng Kitô giáo ở Châu Á có số lượng khiêm tốn ngoại trừ ở Đông Timor và Philippines. Nhưng sự đóng góp của Kitô giáo trong lĩnh vực giáo dục và y tế là rất lớn. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô sẽ làm nổi bật những công việc này. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi Ngài đến thăm châu Á, đã đưa ra một sự tiết lộ chủ động về vai trò của Giáo hội Kitô giáo tại châu Á. Chúng tôi hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô sẽ mang lại tầm nhìn lớn hơn cho sự đóng góp chất lượng của Giáo hội Công giáo thiểu số đối với việc xây dựng quốc gia ở nhiều nước châu Á thông qua lĩnh vực giáo dục và y tế.
Và lý do thứ hai là gì?
Lý do quan trọng thứ hai đó là châu Á chính là cái nôi của các tôn giáo lớn. Các tôn giáo Đông phương hiện đang được chú ý nhiều hơn ở phương Tây. Phật giáo có nhiều người ngưỡng mộ và cải đạo để trở thành tín đồ của tôn giáo này ở phương Tây. Nhật Bản là cái nôi của Phật giáo thiền phái. Thái Lan là trung tâm của Phật giáo Nguyên thủy. Các tôn giáo châu Á có độ bén nhạy cao hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên. Ý niệm tương tức (inter-being) của các tôn giáo châu Á – tin rằng chúng ta được kết nối với nhau và với thiên nhiên – là một ý tưởng mạnh mẽ được đề xuất bởi những người quan tâm đến sự toàn vẹn của thiên nhiên. ĐTC Phanxicô đã và đang làm cho mối tương quan của chúng ta với nhau và Mẹ Trái đất của chúng ta được mọi người đón nhận thông qua Thông điệp Laudato Si. Các sáng kiến của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ thiên nhiên mở ra những cơ hội mới để gắn kết với các tôn giáo châu Á.
Có rất nhiều dự đoán về những điểm dừng chân của ĐTC Phanxicô tại Hiroshima và Nagasaki, những nơi duy nhất mà các loại vũ khí hạt nhân đã được sử dụng. Ở châu Á, có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Những lời nói và cử chỉ của ĐTC Phanxicô sẽ mang lại sự phản ứng thế nào tại các quốc gia đó?
Quan điểm của ĐTC Phanxicô về các loại vũ khí là được nhiều người biết đến. Ngài đã liên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những cường quốc vốn phát triển mạnh trong ngành công nghiệp vũ khí. Phương Tây tự làm giàu bằng việc cung cấp vũ khí cho các nước nghèo hơn như Afghanistan và Yemen. ĐTC Phanxicô đã không tiếc lời trong việc mạnh mẽ lên án những đồng tiền nhuốm máu kiếm được từ các quốc gia giàu có. Chiến tranh thế giới thứ hai chính là một bi kịch của con người bất chấp tất cả mọi lời giải thích. Nhưng thảm kịch bom nguyên tử nhắm vào trẻ em và phụ nữ vẫn là một trong những vết thương nhức nhối đối với lương tâm con người. Sự kinh hoàng của Hiroshima và Nagasaki đã không ngăn cản được các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân. Những lời nói và hành động của ĐTC Phanxicô trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Ngài, chúng ta hy vọng, sẽ tiếp tục cuộc đối thoại về các loại vũ khí nguyên tử.
Thượng Hội đồng về khu vực Amazon vừa mới bế mạc tại Vatican. Đã có rất nhiều cuộc trò chuyện về những vấn đề vốn cũng ảnh hưởng chặt chẽ đến nhiều Giáo hội ở Châu Á, chẳng hạn như sự hội nhập văn hóa. Đức Hồng y có ý tưởng gì về những vấn đề đã được luận tại Thượng Hội đồng Giám mục về sự hội nhập văn hóa?
Châu Á là một trong những quần thể lớn nhất của người dân bản địa. Giống như Amazonia, châu Á, bắt đầu từ bờ biển Nam Trung Quốc đến miền trung Ấn Độ, đã từng có một lục địa liên tục được chiếm giữ bởi người dân bản địa. Khu vực này được các nhà nhân chủng học gọi là ZOMIA. Như ở Amazonia, nền kinh tế thị trường đã hàng hóa hóa những người này và lối sống thiêng liêng của họ liên kết mọi thứ với vấn đề tâm linh. Sự hỗn loạn quá lớn đã gây ra cho họ, khiến họ trở thành nạn nhân của việc di dời, lạm dụng chất gây nghiện và nan buôn người.
Và các Giáo hội ở Châu Á, Đức Hồng y sẽ lưu tâm đến vấn đề ‘bản địa’ về bản chất?
Giáo hội châu Á chủ yếu mang tính bản địa về bản chất. Chẳng hạn, ở Myanmar, đất nước của tôi, Giáo hội chủ yếu bao gồm những người dân bản địa với 14 trong số 16 Giáo phận chỉ bao gồm người dân bản địa. Như ĐTC Phanxicô đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng tất cả những người dân hiện đại cần học hỏi rất nhiều từ người dân bản địa qua việc sống đơn giản và tồn tại một cách hài hòa với thiên nhiên. Cuộc đối thoại cần bắt đầu bằng sự khiêm nhường với sự nhận thức, những sự kiện nguy hiểm chẳng hạn như vấn đề nóng lên toàn cầu, v.v … cần một cuộc sống đơn giản hơn với sự tôn trọng sâu sắc đối với thiên nhiên. Trong đó, người dân bản địa chính là những bậc thầy giỏi nhất.
Vì vậy, sự hội nhập văn hóa thực sự bắt đầu từ đâu?
Hộ nhập văn hóa bắt đầu không chỉ với cuộc đối thoại của người dân. Điều đó là cần thiết – không chỉ đối với xã hội mà còn môi trường sống tự nhiên của người dân. Các tôn giáo Đông phương nhắm mục tiêu vào ‘sự trải nghiệm’ chứ không phải ‘sự giải thích’ về bối cảnh. Giáo hội cần phát triển ý thức sâu sắc về phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là việc tôn trọng thiêng liêng đối với người dân bản địa và cách sống của họ và ý thức sâu sắc về sự sống vốn được duy trì trong thiên nhiên.
Các Giáo hội tại châu Á thì nhỏ bé, nhưng trong nhiều trường hợp, cũng rất sống động và năng động. Ngày nay người ta tin rằng trung tâm trọng lực của Kitô giáo thế giới sẽ sớm chuyển từ Châu Âu và từ Châu Mỹ sang Châu Phi và Châu Á. Thực có phải như vậy không?
Đây không phải là một điều bất ngờ. Chúa Kitô được sinh ra trong bối cảnh châu Á. Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng ở các quốc gia châu Á. Kitô giáo phát triển mạnh ở Đông phương trước khi phương Tây đón nhận Chúa Kitô. Từ đường hướng Hy lạp-La Mã (Greco Roman) sâu sắc hướng tới thời kỳ ‘Franco-German’ và thần học giải phóng Nam Mỹ, Kitô giáo đã khoác lấy nhiều dáng vẻ khác nhau. Đã tới lúc Kitô giáo trở lại châu Á, quê hương của nó. Các Giáo hội châu Á cần được thanh tẩy nơi dòng sông Gio-đan của các nền văn hóa châu Á và được tái sinh như một tác nhân của đời sống tâm linh sôi nổi và đồng thời thay đổi xã hội. Giáo hội châu Phi cần phải đáp ứng theo cách riêng của họ. Giáo hội châu Á sôi động theo nhiều cách thức khác nhau.
Xin Đức Hồng y có thể giải thích?
Philippines ngày nay là quốc gia Công giáo lớn thứ ba trên thế giới. Số lượng Kitô hữu đang ngày càng gia tăng với tốc độ nhanh chóng tại Trung Quốc và trong một thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ có thể tự hào về một trong những quần thể lớn nhất trên thế giới. Châu Phi đã chứng kiến sự tăng trưởng lớn mạnh về măt số lượng và ơn gọi. Số lượng ơn gọi vô cùng dồi dào ở các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này đang gửi các nhà truyền giáo đến các quốc gia truyền thống của ‘Thế giới thứ nhất’. Sự đóng góp của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục và y tế ở châu Á vượt xa con số của nó. Các Tu sĩ, đặc biệt là các Nữ Tu, đã mang Tin Mừng đến cho các cộng đồng không được mọi người biết đến, biến châu Á trở thành một trong những tâm điểm của hàng triệu người, mà Karl Rahner sẽ gọi là “các Kitô hữu Ẩn danh”. Thử thách ngày nay đối với các Giáo hội châu Á đó chính là làm thế nào để giữ lại thông điệp Kitô giáo cốt lõi và đồng thời đặt thông điệp đó vào bối cảnh với kinh nghiệm tâm linh đã được hội nhập văn hóa.
Châu Á cũng chính là lục địa nơi mà Kitô giáo phải đối mặt với những cuộc đàn áp tàn khốc nhất, như nhiều báo cáo quốc tế đã khẳng định. Các tình huống rất khác nhau từ nước này sang nước khác, nhưng theo Đức Hồng y, đâu là yếu tố chung của các cuộc bức hại này?
Việc bắt bớ các Kitô hữu vẫn tồn tại một cách đáng tiếc ở nhiều nơi ở Châu Á. Sự tham gia của phương Tây với cái mà nó gọi là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo” là một sự đáp trả đáng buồn đối với các Kitô hữu vô tội ở một số quốc gia. Kitô giáo được coi như là một công cụ của phương Tây. Ở một số quốc gia, các nhà lãnh đạo quốc quyền chủ nghĩa đã tận dụng thành công các Kitô hữu như là những con dê tế thần cho các chương trình nghị sự chính trị địa phương của họ.
Liệu có thể nói rằng thực tế này được quốc tế công nhận?
Cuộc bức hại đã không nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cơ quan thế giới. Những sự cân nhắc địa chiến lược bao gồm các quyền của Kitô hữu. Bất chấp tất cả những điều này, Kitô giáo không chỉ tồn tại, mà còn phát triển, ở đất nước tôi và các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc.
Trong số các cuộc hành trình được thực hiện bởi ĐTC Phanxicô, cũng có chuyến viếng thăm đến Myanmar vào năm 2017. Kinh nghiệm nào đã để lại cho Giáo hội tại Myanmar?
Đó là một trong những phước lành lớn lao đối với Giáo hội Myanmar. ĐTC Phanxicô đã thực hiện cuộc hành trình vì Hòa bình. ĐTC Phanxicô đã gặp tất cả các bên liên quan, bao gồm cả những người đang trong cuộc tranh luận. Ngài tìm kiếm hòa bình với một sự tin tưởng lớn lao nơi trái tim con người. ĐTC Phanxicô đã để lại một nhiệm vụ đối với Giáo hội: trở thành một trung gian hòa giải trong một đất nước bị xâu xé bởi hàng thập kỷ xung đột.
Và nhiệm vụ này đã được đón nhận như thế nào?
Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ này một cách nghiêm túc và với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi tham gia một cách mạnh mẽ vào các sáng kiến hòa bình thông qua các tổ chức chẳng hạn như “Các Tôn giáo vì Hòa bình”.
Đức Hồng y có muốn chia sẻ thêm điều gì không?
Xin cảm ơn rất nhiều vì sự quan tâm thường xuyên của quý vị đối với Giáo hội tại Châu Á. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn Đức Hồng y vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
Minh Tuệ (theo Zenit)