ROME – Mặc dù là một trong những quốc gia bị tục hóa nhất trên thế giới, Thụy Điển là một trong số ít quốc gia ở Châu Âu nơi mà Giáo hội Công giáo đang phát triển lớn mạnh, vị Hồng y đầu tiên của nước này cho biết.
Sự hồi sinh này cho thấy rằng “hoàn toàn có thể tồn tại một cách tốt đẹp với tư cách là một Giáo hội thậm chí ngay cả khi chúng ta chỉ là một cộng đồng thiểu số”, Đức Hồng y Anders Arborelius Địa phận Stockholm phát biểu với Catholic News Service hôm 6 tháng Mười Hai.
“Có thể dấu hiệu hy vọng đó là điều chúng ta có thể cung cấp cho những quốc gia đang trải qua một quá trình tục hóa cực kì nghiêm trọng”, ĐHY Arborelius nói.
Được ĐTC Phanxicô tấn phong Hồng y vào hồi tháng 6, Đức Hồng y Anders Arborelius có mặt tại Rôma vào đầu tháng Mười Hai để nhận “nhà thờ Hiệu tòa” của mình – nhà thờ St. Mary of the Angels and Martyrs (Nữ Vương Các Thiên Thần và các Thánh Tử đạo) do danh họa Michelangelo thiết kế.
“Chúng tôi cảm thấy vô cùng choáng ngợp trước ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ này”, ĐHY Arborelius cho biết khi chiêm ngắm những bức tường với mái vòm rộng thoáng và những bức tường cao được trang trí bằng những bức bích họa hết sức tuyệt vời này. Giáo hội Công giáo “không có ngôi thánh đường nào như thế này ở Thụy Điển; chúng tôi chỉ là một cộng đồng rất, rất nhỏ bé”.
Đức Hồng y Arborelius đã gặp gỡ giáo dân nơi đây lần đầu tiên ngày 5 Tháng Mười Hai vừa qua và họ đã giới thiệu với Ngài một số dự án của giáo xứ nhằm phục vụ những người thiệt thòi và những người sống trên các đường phố xung quanh nhà ga trung tâm gần đó của Rome.
Vị Hồng y 68 tuổi chia sẻ rằng Ngài có thể thấy được mối liên hệ giữa giáo xứ đô thị này ở Rome và với nhà thờ chính tòa của Ngài ở Stockholm vì các thành viên của cả hai cộng đồng đã dành nhiều thời gian để làm việc với người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, cũng như với những người nhập cư đến từ các cộng đồng Kitô giáo và Công giáo.
Trong khi Giáo hội Công giáo tại Thụy Điển chỉ là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé trong một đất nước chủ yếu là người Lutheran, tất cả các cộng đồng Kitô hữu nơi đây đều “có tiếng nói chung về vấn đề di dân và người tị nạn”, ĐHY Arborelius nói. “Và hiện nay chúng ta lại trở nên cấp bách hơn đối với chính sách chính thức” bởi vì chính phủ đang làm cho các thành viên trong gia đình gặp khó khăn trong việc đoàn tụ ở Thụy Điển và những người trẻ sẽ bị trục xuất.
Thụy Điển từng có một “chính sách rất cởi mở” về việc tiếp nhận những người tị nạn, vốn giải thích lý do tại sao đất nước này đã chứng kiến sự gia tăng đối với số người theo Kitô giáo và Hồi giáo ở nước này.
“Hiện nay, chính sách đã trở nên khốc liệt hơn, nghiêm ngặt hơn, có rất nhiều người đã bị đưa trở lại Iraq hoặc Afghanistan”. ĐHY Arborelius cho biết, những người có cơ hội xin phép ở lại nước này cao hơn là những người tị nạn đến từ Syria và Eritrea, và những công nhân đến từ Ukraine, vốn đã dẫn tới việc ngày càng có nhiều người Công giáo theo nghi lễ Đông phương ngày càng đông trong nước.
Nhiều người nhập cư và tị nạn được định cư ở nhiều khu vực của Thụy Điển, nơi có sẵn nhà ở, nhưng chỉ có vài hoặc không có các giáo xứ Công giáo. Điều đó có nghĩa là “mối bận tâm chính của chúng ta đó là tìm ra họ và cho họ thấy rằng Giáo hội Công giáo hiện diện ở Thụy Điển”.
Sự phát triển nhanh chóng của Giáo hội Công giáo đã đặt ra vấn đề của việc xây dựng đủ những ngôi thánh đường và các cơ sở giáo xứ, ĐHY Arborelius nói.
Nhưng hiện nay, “chúng ta có thể mua các nhà thờ Tin Lành không còn được sử dụng nữa” vì vấn đề thay đổi nhân khẩu học và thực tế là ít người đang thực hành đức tin của họ, ĐHY Arborelius nói. “Thụy Điển là một nơi đầy tách biệt; nơi mà những người nhập cư sinh sống, còn những người Thụy Điển thì lại di chuyển ra bên ngoài”.
ĐHY Arborelius cho biết những chủ sở hữu đạo Tin Lành đã cung cấp cho Giáo hội Công giáo nhiều tài sản “với giá tốt” khiến cho hành động này trở thành một “chiến lược đại kết đầy tốt đẹp”.
Hơn 60% người Thụy Điển là thành viên đã được rửa tội thuộc Giáo hội Lutheran của Thụy Điển và chỉ hơn 1% là thành viên đã được vào sổ bộ của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, con số tín hữu Công giáo có lẽ gần gấp đôi con số chính thức là 116.000, vị Hồng y cho biết, chủ yếu là do số lượng lớn những người nhập cư và những người tị nạn tại đất nước này cũng như một số lượng đáng kể những người gia nhập Giáo hội Công giáo.
Trong một quốc gia với dân số 9,9 triệu người, có khoảng từ 3.000 đến 4.000 được ghi nhận vào sổ bộ mỗi năm khi đã trở thành thành viên của Giáo hội Công giáo, khiến cho nước này trở thành một trong số ít các quốc gia ở Châu Âu nơi mà Giáo hội Công giáo đang phát triển”, ĐHY Arborelius cho biết. Khoảng 100 tín hữu đã được rửa tội và gia nhập Giáo hội mỗi năm, ĐHY Arborelius nói; họ đến từ nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau, và nhiều người trong số họ là “những người rất có học thức”.
Trước đây, những người theo đuổi ơn gọi ở Thụy Điển là những nam thanh nữ tú đã trở lại đạo Công giáo, chẳng hạn như thanh niên Arborelius, một người đã trở lại đạo từ năm 19 tuổi.
Nhưng bảy chủng sinh của nước này và một số ơn gọi của các Dòng tu khác hiện nay xuất thân từ các gia đình Công giáo di dân sang Thụy Điển. “Đó là một dấu hiệu cho thấy họ đã tìm thấy chỗ đứng của họ ở Thụy Điển và họ cảm thấy như là một phần của Giáo hội”.
Mặc dù việc loan báo Tin Mừng với những nguồn lực hạn chế ở một quốc gia có tính cách thế tục cao, ĐHY Arborelius nói, người dân, đặc biệt là giới trẻ, “vố cùng cởi mở, quan tâm và tò mò” đối với đức tin Công giáo.
“Thụy Điển đã bị tục hóa từ lâu đến mức người dân vô cùng tò mò và gần đây họ chẳng hề biết bất cứ điều gì về Kitô giáo, đặc biệt là các thế hệ trẻ”, ĐHY Arborelius nói.
Người dân Thụy Điển đang bày tỏ một mối bận tâm mới đối với tinh thần Công giáo và Học thuyết xã hội của Giáo hội, ĐHY Arborelius nói, và “thậm chí ở đất nước chúng ta cũng có một sự tôn trọng đối với Đức Thánh Cha cũng như những sứ điệp của Ngài”.
Do kết quả chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô vào năm 2016, “các phương tiện truyền thông đã trở nên quan tâm và mở cửa nhiều hơn đối với Giáo hội của chúng ta so với trước đây”, ĐHY Arborelius nói.
Sau đó ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Giám mục Địa phận Stockholm trở thành vị Hồng y đầu tiên trong lịch sử nước này. “Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy tất cả các phương tiện truyền thông và ngay cả những người bình thường đều nói,’Giờ đây, Thụy Điển có một vị Hồng y’. Một cách nào đó họ đã xem việc này như là một vinh dự cho đất nước chúng tôi”, ĐHY Arborelius nói.
Minh Tuệ chuyển ngữ