Về ông Donald Trump, Đức Thánh Cha nói : “Chúng ta hãy chờ xem ông ấy làm gì, chúng ta đừng trở thành những nhà tiên tri về ngày tận thế”
Ngày 20/01/2017, trong khi ông Donald Trump đang tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ tại Washington DC, ĐGH Phanxicô đã trả lời một cuộc phỏng vấn dài với El País tại Vatican. Trong thời điểm này, ngài kêu gọi mọi người có sự nhận định khôn ngoan trong bối cảnh nhiều người lo ngại về vị tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong thời gian một tiếng mười lăm phút, trong một căn phòng nhỏ tại Casa de Santa Marta, nơi ngài đang sống, Đức Jorge Mario Bergoglio, ra đời tại Buenos Aires 80 năm về trước và đã ở trên cương vị Giáo hoàng gần bốn năm, giải thích rằng “Giáo hội có những vị thánh và những tội nhân, những con người đứng đắn và những con người lầm lỗi”, nhưng điều mà ngài lo lắng nhất là “một Giáo hội đang bị thế tục làm cho vô cảm” và vấn đề này lại bị mọi người lãng quên từ lâu.
Người ta thấy Đức Phanxicô là một người phản ứng nhanh chóng không chỉ với những điều xảy ra tại Vatican mà còn ở biên giới phía nam Tây Ban Nha hay là trong những khu dân cư “nóng bỏng” tại Rôma. Ngài cho biết mong muốn đi đến Trung Quốc – “ngay khi họ gửi lời mời” và nói rằng dù đôi khi ngài vô tình có những sai sót nhưng Tin Mừng là con đường duy nhất của ngài.
Vấn đề khủng hoảng tị nạn đã tác động mạnh đến ngài – “người đàn ông đó khóc không ngừng trên vai tôi, với một tấm áo phao trên tay, bởi vì ông đã không thể cứu đứa con gái bốn tuổi của mình” – cũng như những lần ngài đến thăm những phụ nữ bị các băng đảng tội phạm mại dâm bán làm nô lệ. Ngài vẫn không biết liệu mình sẽ qua đời khi vẫn đang làm giáo hoàng hay sẽ lựa chọn một con đường như Đức Bênêđictô XVI. Ngài thừa nhận rằng đôi khi ngài cảm thấy mình bị những người đồng hương Argentina lợi dụng và ngài kêu gọi những người gốc Tây Ban Nga làm một việc trông thì có vẻ dễ nhưng không dễ thực hiện, đó là “nói chuyện với người khác”.
Thưa ĐTC, sau gần bốn năm tại Vatican, người mục tử đường phố ngày nào đi từ Buenos Aires đến Rôma với cặp vé khứ hồi có còn là một mục tử đường phố nữa không?
Vẫn là một vị linh mục đường phố. Bởi vì cho đến khi nào tôi còn có thể, tôi vẫn sẽ đi ra ngoài đường để chào hỏi mọi người tại các cuộc tiếp kiến chung, hoặc khi tôi đang đi đâu đó… tính cách tôi không thay đổi. Tự nhiên như vậy thôi, không phải là một chiến lược gì cả. Thật không đúng khi bạn phải thay đổi khi đặt chân đến nơi này. Thay đổi là phản tự nhiên. Để thay đổi ở độ tuổi 76 này cũng giống như đeo lên một lớp trang điểm. Có lẽ tôi không thể làm mọi điều tôi muốn nhưng tâm hồn đường phố của tôi vẫn sống động như bạn có thể thấy.
Trong những ngày cuối còn ở cương vị giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã nói về những năm cuối cùng lèo lái con thuyền Giáo hội Công giáo rằng: “Nhiều thứ có vấn đề và dường như Thiên Chúa đang ngủ quên”. Ngài có cảm nhận sự cô đơn như thế không? Có phải phẩm trật Giáo hội đang ngủ quên trước những vấn đề mới cũng như cũ của nhân loại hay không?
Trong hệ thống phẩm trật Giáo hội, hay trong các thành phần của Giáo hội Công Giáo (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân), tôi lo lắng về những người đã bị vô cảm hơn là những người ngủ quên. Họ bỏ mình trước sự thế tục. Đó là điều làm tôi lo lắng. Mọi thứ có vẻ bình yên, tĩnh lặng, đi đúng hướng. Quá trật tự. Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, các thư của thánh Phaolô, mọi thứ lộn xộn, đầy vấn đề nhưng mọi người tiến bước. Đó là một sự chuyển động và có sự liên hệ với mọi người. Một người bị vô cảm thì không liên hệ với ai cả. Anh ta bảo vệ mình trước thực tại. Anh ta bị vô cảm. Ngày nay, có nhiều cách khiến người ta trở nên vô cảm trước cuộc sống hàng này, đúng không? Có lẽ căn bệnh nguy hiểm nhất đối với một người mục tử là căn bệnh bắt nguồn từ sự vô cảm – căn bệnh giáo sĩ trị. Tôi ở đây và mọi người ở kia. Nhưng bạn là mục tử của những người đó! Nếu bạn không chăm sóc họ, từ bỏ việc chăm sóc họ, bạn nên cuốn gói và nghỉ việc.
Có phải một bộ phận Giáo hội Công giáo đã trở nên vô cảm?
Đó là mối nguy mà tất cả chúng ta phải đối diện. Nó là một sự nguy hiểm, nó thực sự là cơn cám dỗ. Rất dễ trở nên vô cảm.
Sống như vậy tốt hơn và thoải mái hơn…
Đó là lí do mà tôi lo lắng về những người vô cảm vì tinh thần thế tục hơn là lo vì những người ngủ quên. Một sự thế tục về tâm linh. Tôi luôn luôn trăn trở với thực tế rằng Đức Giêsu Kitô, trong bữa ăn cuối cùng, khi cầu nguyện với Cha thay cho các môn đệ của mình, ngài không xin cho họ “khỏi vi phạm điều răn thứ năm, không giết người, không vi phạm điều răn thứ bảy, không trộm cắp”. Trái lại, ngài nói rằng: “Xin gìn giữ họ khỏi tội lỗi của thế gian, tránh xa khỏi thế gian”. Tinh thần thế tục có hậu quả làm cho mọi thứ trở nên tê liệt. Khi nó xảy đến với một vị mục tử, ngài trở thành một viên chức dân sự. Đó là tinh thần giáo sĩ trị, một tội ác tồi tệ nhất đang tấn công Giáo hội thời nay.
Những vấn đề mà Đức Bênêđictô XVI phải đối diện trước khi kết thúc nhiệm vụ giáo hoàng, được lưu lại trong chiếc hộp trắng và được trao lại cho ngài tại Castel Gandolfo, ngài có thể cho biết đó là những vấn đề gì?
Một ví dụ rất thường thấy từ cuộc sống hàng ngày trong Giáo hội: thánh nhân và tội nhân, những người trung thực và những người lừa dối. Tất cả đều ở đó! Có những người đã bị điều tra và được chứng minh là trong sạch, có những người làm các công việc khác nhau,… Bởi vì ở đây, trong Giáo triều, có những vị thánh thực sự. Tôi rất thích nói điều này. Chúng tôi dễ dàng trao đổi với nhau về mức độ tham nhũng tại Giáo triều. Và có những người tham những. Nhưng cũng có những vị thánh. Nhiều người đã dành cuộc đời mình để phục vụ mọi người một cách thầm lặng, sau những cánh cửa, trong những cuộc đối thoại, hay trong nghiên cứu,… Đây đó có những vị thánh và những tội nhân. Ngày hôm đó, điều làm tôi suy nghĩ nhất là trí nhớ của Đức Bênêđictô. Ngài nói: “Xem kìa, đây là bản lưu của các tiến trình [đang thực hiện], trong chiếc hộp”. “Và đây là thông tin về tất cả mọi người. Thế này thế kia, người này người kia, anh ta đã làm những điều như thế”. Ngài nhớ mọi thứ! Thật là một trí nhớ lạ thường. Và ngài vẫn lưu giữ nó.
Đức Bênêđictô vẫn ổn và minh mẫn chứ?
Đầu óc của ngài vẫn ổn. Vấn đề chỉ là đôi chân ngài. Ngài cần trợ giúp để đi lại. Ngài có một trí nhớ siêu phàm, ngay cả trong những tiểu tiết. Có khi tôi nói ra điều gì đó và ngài sửa lại: “Không, không phải năm đó, đó là năm khác”.
Đâu là những quan tâm chính của ngài về Giáo hội và thế giới nói chung?
Về Giáo hội, có thể nói rằng tôi hi vọng Giáo hội không ngừng ở gần bên mọi người. Một Giáo hội không ở gần mọi người không phải là một Giáo hội. Đó là một tổ chức phi chính phủ. Hoặc là một tổ chức đạo đức gồm những người tốt lành gặp nhau uống trà và làm từ thiện. Điểm đặc trưng của Giáo hội là sự gần gũi mọi người. Tất cả chúng ta là Giáo hội. Do đó, chúng ta cần tránh phá vỡ sự gần gũi đó. Gần gũi là động chạm, động chạm Đức Kitô trong thân thể và máu huyết qua những người lân cận. Khi Đức Giêsu nói cho chúng ta về sự phán xét, trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, ngài luôn luôn nói về việc đến với những người xung quanh. Đó không chỉ là bác ái từ thiện. Còn hơn thế nhiều.
Điều làm tôi lo lắng về thế giới là chiến tranh. Chúng ta đã đang ở trong môt cuộc Thế chiến đệ tam mảnh phần. Gần đây có những bàn tán về khả năng của một cuộc chiến tranh hạt nhân, như thể đó là một cuộc đánh bài. Đó là mối lo lắng nhất của tôi. Tôi cũng lo lắng về sự bất bình đẳng kinh tế trên thế giới: một nhóm nhỏ chiếm hơn 80% của cải thế giới, với những tác động đến nền kinh tế nói chung, một nền kinh tế đặt trọng tâm vào tiền bạc, coi nó như một vị thần, thay vì tôn trọng những người nam và người nữ. Đó là một nền văn hóa vứt bỏ.
Thưa ĐTC, quay trở lại những vấn đề toàn cầu mà ngài vừa nói đến, ông Donald Trump đang tuyên thệ nhận chức Tổng thống Hoa Kỳ, và cả thế giới căng thẳng theo dõi sự kiện này. Ngài nghĩ gì về điều đó?
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chờ xem. Tôi không thích hấp tấp hay đánh giá vội vàng về ai đó. Chúng ta sẽ xem ông ấy hành động thế nào, ông ấy làm gì và sẽ có ý kiến của mình. Nhưng lo lắng hay vui mừng trước về điều gì có thể xảy ra, theo tôi, là không khôn ngoan. Nó giống như những người tiên tri về những tai ương hay vận may chẳng xảy ra. Chúng ta sẽ xem ông ấy làm gì và dựa vào đó để đánh giá. Luôn luôn làm việc một cách cụ thể. Kitô hữu phải cụ thể hoặc không phải là Kitô hữu.
Cuộc dị giáo đầu tiên trong Giáo hội sau cái chết của Đức Giêsu Kitô là cuộc dị giáo ngộ đạo, bị Tông đồ Gioan kết án. Tôi gọi đó là thứ tôn giáo sơn phun, một thứ tôn giáo mơ hồ, không có gì cụ thể. Không, không thể như thế. Chúng ta cần những điều cụ thể. Từ điều cụ thể chúng ta mới có thể rút ra những kết luận. Chúng ta đang mất đi nhận thức của mình về sự cụ thể. Một ngày nọ, một nhà tư tưởng nói với tôi rằng rằng thế giới đang đảo lộn và cần một điểm tựa. Điểm tựa đó xuất phát từ những hành động cụ thể. Bạn đã làm gì, bạn đã quyết định gì và bạn đã tiến hành đến đâu? Đó là lý do tôi lựa chọn cách chờ đợi và xem xét.
Ngài không lo lắng về những điều chúng ta đã được nghe từ trước đến giờ?
Tôi đang chờ đợi. Thiên Chúa chờ đợi tôi rất lâu, khi tôi còn đang tội lỗi.
Đối với hầu hết các lãnh vực mang tính truyền thống, bất kì thay đổi nào, dù chỉ là một thay đổi về ngôn ngữ, cũng bị coi là sự phản bội. Ngược lại, đối với cả những người không có đức tin Công Giáo, không có thay đổi nào là đủ đối với họ. Chính ngài cũng đã nói rằng có thể tìm thấy mọi điều trong giáo lý trọng yếu của Kitô giáo. Có phải chúng ta đang nói về một cuộc cách mạng những điều thông thường?
Tôi luôn cố gắng thực hành Tin Mừng nhưng tôi không biết liệu tôi có luôn thành công hay không. Đó là điều tôi cố làm. Tôi là một người có tội và không phải lúc nào cũng thành công, nhưng đó là điều tôi cố làm. Lịch sử Giáo hội không bị điều khiển bởi các nhà thần học, linh mục, tu sĩ hay các giám mục. Có lẽ có phần nào đó, nhưng các anh hùng thực sự của Giáo hội là các thánh. Đó là những người nam và người nữ dâng hiến đời mình để biến Tin Mừng thành hiện thực. Đó là những người đã cứu chúng ta: các thánh. Chúng ta thường nghĩ rằng một vị thánh là một tu sĩ đầu ngẩng lên trời và nhắm chặt mắt lại. Các thánh là những ví dụ cụ thể của Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Chắc chắn các nhà thần học và các vị mục tử là những người quan trọng. Họ là thành phần của Hội Thánh. Nhưng chúng ta phải quay trở về với Tin Mừng. Ai là những người loan báo Tin Mừng tốt nhất? Các thánh. Bạn dùng chữ “cách mạng”. Đó là một cuộc cách mạng! Tôi không phải là một vị thánh. Tôi không làm cách mạng gì cả. Tôi chỉ cố gắng đưa Tin Mừng lên trước trong một cách thức không hoàn hảo bởi vì tôi mắc sai lầm hết lần này đến lần khác.
Ngài có nghĩ rằng nhiều người Công giáo cảm thấy mình giống như người anh trai của đứa con hoang đàng và ngài đang tập trung vào những người bị bỏ rơi hơn là những người vẫn gìn giữ và thực hiện các điều răn của Giáo hội? Tôi nhớ rằng trong một chuyến đi, một nhà báo người Đức hỏi ngài rằng tại sao ngài không bao giờ nói về tầng lớp trung lưu, về những người phải đóng thuế,..
Ở đây có hai câu hỏi. Tâm trạng của người anh cả: Tôi biết rằng có những người cảm thấy thoải mái trong một cấu trúc Giáo hội mà không bao giờ đặt vấn đề gì, hoặc những người có thái độ bảo vệ Giáo hội khỏi quá nhiều mối liên hệ với bên ngoài, họ cảm thấy khó chịu với bất kì sự thay đổi nào, với bất kì đề nghị nào của Tin Mừng. Tôi hay nghĩ về người chủ quán trọ mà người Samari đã đem người đàn ông bị cướp và đánh đập trên đường đi. Người chủ quán biết được câu chuyện, người Samari kể lại nó: một vị tư tế đi qua, nhìn thấy và vì đang vội lên đền thờ nên bỏ người đàn ông lại, vị tư tế đó không muốn dính máu bởi vì điều đó sẽ ngăn cản ông dâng lễ theo luật. Một luật sĩ đi qua, nhìn thấy và nói: “Tốt hơn mình không nên dính vào, mình sẽ bị muộn và ngày mai mình sẽ phải ra làm chứng trước tòa và… thôi, tốt hơn là không dính vào”. Nếu ông ấy sinh ra tại Buenos Aires, ông sẽ quay lưng lại với khẩu hiệu thịnh hành của thành phố đó: “Tốt hơn không nên dính vào”. Và rồi một người dân ngoại, một người tội lỗi, bị cho là thuộc hàng cặn bã xã hội, anh ta bị lay động bởi sự đau khổ của người đàn ông bị thương và đã giúp người đó đứng lên. Người chủ quán rất bất ngờ, bởi vì điều đó không bình thường.
Câu chuyện Tin Mừng gây bất ngờ bởi vì nó thực sự có tính phỉ báng. Thánh Phaolô nói với chúng ta về sự phỉ báng của thập giá, của việc Con Thiên Chúa làm người. Đó là một sự phỉ báng tốt lành, bởi vì Đức Giêsu cũng kết án sự xâm phạm đến con trẻ. Nhưng điều chính yếu của Tin Mừng mang tính phỉ báng bởi vì những định kiến của thời đó coi Tin Mừng là một sự phỉ báng. Đới với bất kì tư tưởng thế tục nào, Tin Mừng cũng là một điều phỉ báng. Cho nên tâm trạng của người con cả cũng là tâm trạng của bất kì ai đã yên ổn trong Giáo hội, những người có những ý tưởng rõ ràng về mọi thứ, họ biết phải làm gì và không muốn nghe những bài giảng lạ lẫm. Đó là sự lý giải vì sao lại có các thánh tử đạo: các ngài hi sinh mạng sống để rao giảng những điều gây xáo trộn.
Đó là trả lời câu hỏi thứ nhất của bạn. Còn với câu thứ hai: Tôi không muốn trả lời trực tiếp nhà báo người Đức đó nhưng tôi đã nói với anh ta: Tôi cũng đang nghĩ đến điều đó, có thể bạn đúng. Tôi luôn luôn nói về giới trung lưu, ngay cả khi không đề cập đến họ. Tôi dùng một thuật ngữ mà tiểu thuyết gia người Pháp Malègue đã dùng, “tầng lớp trung lưu thánh thiện”. Tôi luôn nói về bố mẹ, con cháu, vú em, những người sống phục vụ người khác, chăm sóc con cái mình, đi làm… Những người đó quả là thánh thiện! Họ cũng là những người đưa Giáo hội tiến lên: những người kiếm sống theo phẩm giá của mình, chăm sóc con cái, chôn cất người qua đời, chăm sóc cho người cao tuổi thay vì tống họ vào các nhà dưỡng lão: đó là tầng lớp trung lưu thánh thiện.
Từ quan điểm kinh tế, ngày hôm nay, tầng lớp trung lưu đang ngày càng biến mất, và có nguy cơ là chúng ta sẽ trú ẩn vào những hang động ý thức hệ. Nhưng “tầng lớp trung lưu thánh thiện” đó: người cha, người mẹ chăm sóc gia đình, với những nhân đức và cả tội lỗi, người ông, người bà, ở giữa gia đình, đó là “tầng lớp trung lưu thánh thiện”. Đó là một nhận định lớn của Malègue, người viết một câu văn thực sự ấn tượng. Trong tiểu thuyết Augustine, một người vô thần hỏi ông: “Nhưng ông có tin Giêsu Kitô là Chúa”. Ông đã trả lời: “Một người Narareth là Thiên Chúa? Đối với tôi, đó không thành vấn đề, vấn đề là nếu Thiên Chúa không trở thành Đấng Kitô”. Đó là “tầng lớp trung lưu thánh thiện”.
Thưa ĐTC, ngài nói đến những hang động ý thức hệ. Ý ngài là sao? Trong vấn đề này đâu là mối quan tâm của ngài?
Đó không phải một mối quan tâm. Tôi chỉ nói lên thực tế. Một người luôn cảm thấy dễ chịu khi ở trong một hệ thống ý thức hệ được xây dựng sẵn cho anh ta, bởi vì nó dễ dàng hơn.
Có phải điều đó đã bị thổi phồng lên trong những năm gần đây?
Nó luôn luôn tồn tại. Tôi sẽ không nói là nó bị thổi phổng, luôn luôn có những thất vọng vì tuyên bố đó. Tôi nghĩ rằng trước Thế chiến đệ nhị sự phân rẽ còn nhiều hơn người ta được biết. Tôi nghĩ vậy. Tôi không dành nhiều suy nghĩ về điều đó. Tôi đang kết nối mọi việc với nhau. Trong cửa hàng cuộc sống, có nhiều món ăn ý thức hệ. Bạn luôn ẩn náu trong đó. Đó là những nơi nương náu ngăn cản bạn kết nối với thực tại.
Thưa ĐTC, trong các chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã nhìn thấy ngài xúc động bởi tình cảnh của những người khác và ngài cũng làm nhiều người nghe ngài thấy xúc động. Đó là những dịp rất đặc biệt: tại Lampedusa, khi ngài hỏi rằng liệu chúng ta đã khóc với người phụ nữ mất con trên đại dương, tại Sardinia, khi ngài nói về tình trạng thất nghiệp và các nạn nhân của hệ thống tài chính toàn cầu, tại Phillipines, về thảm kịch bóc lột trẻ em. Giáo hội có thể làm gì, điều gì đã được làm và các chính phủ đang làm gì?
Biểu tượng mà tôi đề xuất cho văn phòng Di dân mới – trong cấu trúc mới, sở Di dân và Tị nạn, với hai thư ký – là một chiếc áo phao cứu hộ màu da cam, như tất cả chúng ta đều biết. Trong một buổi tiếp kiến chung, có một nhóm người đang làm công việc giải cứu người tị nạn tại Địa Trung Hải. Tôi đang đi trong đám đông, chào hỏi mọi người, và rồi một người đàn ông cầm một trong những đồ này trong tay và khóc trên vai tôi, ông sụt sùi: “Tôi không thể, tôi không thể đến với con bé kịp thời, tôi không làm được”. Và khi đã bình tĩnh hơn một chút, ông nói với tôi: “Con bé mới chỉ hơn bốn tuổi. Và nó đã ra đi. Tôi gửi vật này cho ngài”. Đây là biểu tượng cho thảm kịch mà chúng ta đang sống trong đó.
Các chính phủ có khả năng xử lý vấn đề này không?
Mọi người làm những gì mình có thể và những gì họ muốn. Rất khó để đưa ra đánh giá. Rõ ràng Địa Trung Hải đã trở thành một nghĩa trang, đó là điều cần suy nghĩ rất nhiều.
Ngài có thấy cách mình đi đến với những người ở bên lề, những người chịu đau khổ và mất mát, là một thái độ đón chào nhưng lại đi cùng với một hệ thống chạy theo tốc độ rất khác so với ngài? Ngài có thấy mình và Giáo hội có tốc độ khác nhau? Ngài có thấy mình được ủng hộ không?
Tôi nghĩ rằng thật may là các phản hồi nói chung là tốt, rất tốt. Khi tôi xin các giáo xứ và các trường học ở Rôma đón nhận người nhập cư, nhiều người nói đó là một sai lầm. Không đúng! Không sai lầm gì cả! Một tỉ lệ lớn các giáo xứ ở Rôma, khi không có những tòa nhà đủ lớn, họ thuê nhà cho những gia đình nhập cư. Trong các trường dòng, khi có phòng, họ chào đón một gia đình nhập cư… Câu trả lời là chúng tôi đã làm nhiều hơn những gì bạn biết, bởi vì chúng tôi không quảng cáo những điều đó. Ở Vatican có hai giáo xứ và mỗi giáo xứ có một gia đình nhập cư, mỗi gia đình một căn hộ. Có sự ủng hộ liên tục. Không phải là ủng hộ 100%, tôi không biết con số chính xác, tôi nghĩ là 50%
Tiếp đến có vấn đề về sự hội nhập. Mỗi người nhập cư có những vấn đề rất nghiêm trọng. Họ chạy trốn khỏi đất nước, vì nghèo đói hay chiến tranh. Họ bị bóc lột. Lấy ví dụ châu Phi, châu Phi là một ví dụ về sự bóc lột. Ngay cả khi đã được trao trả độc lập, tại một số nước, họ làm chủ đất đai ở trên bề mặt, chứ không phải trong lòng đất. Cho nên họ luôn bị lợi dụng và lạm dụng.
Việc đón nhận người di dân có một số giai đoạn. Có một giai đoạn khẩn cấp: bạn phải chào đón họ, bởi vì nếu không họ sẽ chết. Ý và Hy Lạp là những ví dụ. Ngay cả hiện tại, ở Ý, với tất cả những vấn đề do động đất, người ta vẫn chăm sóc cho những người nhập cư. Họ đến Ý bởi vì đó là bờ gần nhất, tất nhiên. Tôi nghĩ họ cũng có thể đến Tây Ban Nha qua ngả Ceuta. Nhưng thay vì ở lại Tây Ban Nha, hầu hết họ có ý định đi lên phía bắc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Nhưng Tây Ban Nha có rào chắn Ceuta và Melilla nên họ không thể đi qua.
Đúng, tôi biết. Và họ muốn đi lên phía bắc. Cho nên vấn đề là: chào đón họ, đúng vậy, trong một vài tháng, trao cho họ nhu yếu phẩm. Một hình mẫu cho cả thế giới là Thụy Điển. Thụy Điển có chín triệu người. Trong đó, có 890.000 người là “những người Thụy Điển mới”, là con cái của những người nhập cư hoặc là những người nhập cư có tư cách công dân Thụy Điển. Bà Bộ trưởng là một phụ nữ trẻ, con của một bà mẹ Thụy Điển và người bố đến từ Gabon. Đó là những người di dân đã hội nhập cuộc sống. Vấn đề là sự hội nhập. Không có sự hội nhập, sẽ có những khu biệt lập. Tôi không trách cứ ai cả, nhưng thực tế có những khu biệt lập như thế. Những chàng trai trẻ đã thực hiện việc tàn bạo tại sân bay Zaventem là người Bỉ, họ sinh ra tại Bỉ. Tuy nhiên họ sống trong một khu nhập cư, một khu đóng kín. Cho nên giai đoạn hai là: hội nhập. Vấn đề lớn với Thụy Điển bây giờ là gì? Không phải là họ không muốn đón nhận người nhập cư. Vấn đề là họ không có đủ chương trình hỗ trợ hội nhập. Họ tự hỏi có thể làm gì để nhiều người đến với họ hơn. Thật ngạc nhiên. Đó là ví dụ cho cả thế giới dù không có gì mới cả. Tôi đã nói điều đó ngay từ đầu, sau Lampedusa. Tôi biết đến Thụy Điển bởi vì người Argentina, Uruguay, Chilê đến đó trong thời kỳ độc tài quân sự đã được chào đón. Tôi có những người bạn đã đến đó tị nạn và sống tại đó. Bạn đi đến Thụy Điển và họ cho bạn được hưởng sự chăm sóc sức khỏe, giấy tờ tùy thân và cho phép cư trú. Khi bạn có một ngôi nhà, tuần tiếp theo bạn được đến trường học ngôn ngữ, và làm một việc một ít, và cứ thế tiếp tục.
Cũng vậy, Sant’Egidio ở Ý là một hình mẫu khác. Vatican đang chăm sóc cho 22 di dân và họ đang dần dần trở nên độc lập. Ngày thứ hai, những đứa trẻ được đến trường. Ngay ngày thứ hai! Bố mẹ thì dần dần ổn định trong một căn hộ, làm việc đây đó. Họ có những người giúp học ngôn ngữ. Sant’Egidio cũng có thái độ đó. Cho nên vấn đề là: cứu nạn, cho mọi người. Thứ hai, đón tiếp, tốt nhất có thể. Sau đó, hội nhập.
Thưa ĐTC, đã nữa thế kỉ trôi qua kể từ khi xảy ra những sự kiện: Công đồng Vatican đệ nhị, chuyến thăm của ĐGH Phaolo VI tới Thánh Địa và cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Athenagoras. Có những người nói rằng để hiểu ngài, cần biết về Đức Phaolo VI – người đã trở thành một vị giáo hoàng không được ưa. Ngài có cảm thấy điều đó, một vị giáo hoàng khó chịu?
Không không tôi nghĩ rằng tôi nên ít được biết đến vì tôi là người có tội. Đức Phaolo VI là một vị tử đạo không được ưa. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, đưa ra những nguyên tắc mục vụ mà tôi muốn thấy được thực hiện trong Giáo hội, là một sự cập nhật tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolo VI. Ngài là người đi trước lịch sử. Ngài đã phải chịu đau khổ nhiều. Ngài là một vị tử đạo. Có nhiều điều ngài không thể làm, ngài là một người thực tế và ngài biết rằng mình không thể làm và ngài đau khổ vì điều đó, nhưng ngài mang lại cho chúng ta hoa trái của đau khổ ngài phải chịu. Ngài đã làm những gì mình có thể. Và điều tốt nhất ngài đã làm là gieo giống. Hạt giống của những điều mà lịch sử sau đó đã gặt hái. Niềm vui Tin Mừng là sự hòa hợp của Loan báo Tin Mừng và tài liệu Aparecida (Đại hội lần V của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và vùng Caribê diễn ra vào 13-31/5/2007 về chủ đề: Các môn đệ và các thừa sai của Đức Giêsu Kitô – ND). Mọi thứ phát triển từ dưới lên. Loan báo Tin Mừng là một tài liệu mục vụ hậu Công đồng tốt nhất, và đến giờ vẫn còn giá trị. Tôi không cảm thấy không được công nhận. Tôi thấy được nhiều người đồng hành, người trẻ, người già… Tất nhiên, có những người không đồng ý với tôi và họ có quyền như thế, bởi vì nếu tôi không thích khi có ai bất đồng với mình là tôi có mầm mống độc tài trong mình. Họ có quyền bất đồng. Họ có quyền nghĩ rằng con đường đó là nguy hiểm và kết quả có thể tồi tệ. Nhưng không được nấp sau lưng người nào khác mà nói. Không ai được như thế. Nấp sau lưng người khác là vô nhân, là tội ác. Mọi người đều có quyền tranh luận, và tôi mong rằng chúng ta sẽ tranh luận nhiều hơn nữa, bởi vì nó tạo ra một sự kết nối dễ dàng hơn giữa chúng ta. Tranh luận liên kết chúng ta lại với nhau. Một cuộc tranh luận trong đức tin tốt lành, không phải một sự mạt sát hay cái gì như thế.
Ngài không cảm thấy khó chịu với quyền lực?
Nhưng tôi không có quyền lực. Quyền lực là điều phải được chia sẻ. Quyền lực tồn tại khi chúng ta đưa ra những quyết định đã được suy tư, thảo luận và cầu nguyện; cầu nguyện giúp tôi rất nhiều, đó là nguồn ủng hộ rất lớn dành cho tôi. Tôi không thấy khó chịu với quyền lực. Tôi chỉ thấy khó chịu với những nghi thức cứng nhắc, nhưng đó chỉ là vì tôi đến từ các khu đường phố.
Ngài đã không xem ti vi 25 năm nay, và được biết là ngài không bao giờ hứng thú với các nhà báo. Tuy nhiên ngài đã cải tổ lại toàn bộ hộ thống truyền thông của Vatican, làm cho nó được chuyên nghiệp hóa và đưa thành một thánh bộ trong Giáo triều. Phương tiện truyền thông quan trọng như thế đối với Giáo hoàng hay sao? Có nguy cơ nào chống lại tự do báo chí không? Truyền thông xã hội có thể gây thiệt hại cho tự do cá nhân không?
Tôi không xem tivi. Đơn giản là tôi cảm thấy Chúa muốn tôi như vậy. Vào ngày 16/7/1990 tôi đã hứa như thế và đã không thất hứa. Tôi chỉ đến trung tâm tivi bên cạnh tòa giám mục để xem vài bộ phim tôi yêu thích và tôi cho rằng sẽ thích hợp cho những gì tôi rao giảng. Tôi từng thích xem phim, tôi nghiên cứu rất nhiều về điện ảnh, hầu hết các bộ phim Ý về thời hậu chiến, chủ nghĩa hiện thực Ý và đạo diễn người Ba Lan Wajda, Kurosawa và một số đạo diễn người Pháp. Tuy nhiên việc không xem TV không ngăn tôi làm truyền thông. Không xem TV là một quyết định cá nhân, chỉ vậy thôi.
Truyền thông đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền thông. Thiên Chúa truyền thông với chúng ta qua lịch sử. Thiên Chúa không hiện diện trong sự cô lập. Ngài đã truyền thông, đã nói và đồng hành, thử thách chúng ta, làm chúng ta phải đổi hướng. Chúng ta không thể hiểu thần học Công giáo nếu không biết đến sự truyền thông của Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngồi yên một chỗ, nhìn loài người vui chơi và hủy diệt chính mình. Thiên Chúa viếng thăm qua lời nói và chính thân thể. Đó là điểm khởi đầu của tôi.
Tôi hơi lo một chút khi truyền thông đại chúng không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ, có những cách truyền thông làm suy giảm sự liên kết thay vì tăng cường sự liên kết. Một ví dụ đơn giản: một gia đình dùng bữa tối mà không nói chuyện với nhau, vì họ đang xem ti vi còn bọn trẻ thì dùng điện thoại, nhắn tin cho những người ở đâu đó. Khi truyền thông mất đi tính chân thực, động chạm, tính con người, nó trở nên nguy hiểm. Các gia đình và con người nói chung rất cần truyền thông, theo cả những cách khác nữa.
Truyền thông ảo rất phong phú nhưng nó trở thành nguy cơ nếu thiếu đi tính con người, đơn giản, gặp gỡ trực tiếp. Nội dung thực sự của truyền thông là biến những nội dung ảo đi theo đúng hướng. Chúng ta không phải là những thiên thần, chúng ta là những cá nhân cụ thể. Truyền thông là chìa khóa và chúng ta phải bước tiếp. Tôi đã nói về những tội lỗi của truyền thông trong một bài giảng tại Hiệp hội các Cơ quan Báo chí Argentina (ADEPA) ở Buenos Aires, một hiệp hội liên kết các nhà xuất bản Argentina. Vị chủ tịch mời tôi dùng bữa tối trong đó tôi sẽ có một bài giảng. Tôi nhắc đến những tội lỗi của giới truyền thông và nói: đừng thực hiện chúng, bởi vì các bạn có một kho báu rất lớn trong tay.
Hôm nay, truyền thông là điều thiêng liêng như nó vẫn là thiêng liêng, bởi vì Thiên Chúa truyền thông, và nó cũng mang nhân tính bởi vì Thiên Chúa truyền thông theo cách của con người. Do đó, nhằm thực hiện những mục tiêu mang tính chức năng, có một thánh bộ để hướng dẫn tất cả. Truyền thông rất quan trọng với nhân loại, vì nó quan trọng với Thiên Chúa.
Cơ quan ngoại giao của Vatican hoạt động hết công suất. Cả Barack Obama và Raúl Castro đều công khai cảm ơn công việc của cơ quan này khi họ gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp khác như Venezuela, Colombia hay Trung Đông vẫn đang đóng kín. Trong trường hợp Venezuela, các đảng phái còn chỉ trích vai trò hòa giải của Vatican. Ngài có sợ rằng điều đó sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Vatican? Ngài có những chỉ dẫn gì trong những trường hợp như vậy.
Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi ơn đừng thực hiện bất kì điều gì chỉ vì hình ảnh mà thôi. Sự trung thực và phục vụ, đó là tiêu chí. Có thể đôi khi bạn mắc sai lầm, hình ảnh của bạn bị tổn hại nhưng không có vấn đề gì nếu bạn có thiện chí. Lịch sử sẽ phán xét sau.
Và có một nguyên tắc rất rõ ràng đối với tôi, rằng phải quản trị mọi thứ bằng hoạt động mục vụ và cả hoạt động ngoại giao của Vatican: chúng ta là những người hòa giải hơn là những người môi giới. Chúng ta xây cầu chứ không phải những bức tường.
Đâu là sự khác biệt giữa một người hòa giải và một người môi giới? Ví dụ người môi giới bán nhà làm việc về một ngôi nhà thực sự, tìm kiếm một người muốn bán và một người muốn mua, để giúp họ thỏa thuận với nhau và người môi giới có một nhiệm vụ, anh ta thực hiện một công việc tốt nhưng luôn luôn được hưởng lợi, và điều đó là chính đáng vì đó là công việc của anh ta. Người hòa giải là người phục vụ cả hai bên và muốn cả hai bên chiến thắng dù anh ta có thua cuộc.
Ngoại giao Vatican phải là một bên hòa giải, không phải là một bên môi giới. Nếu, trong lịch sử, nó có những lúc thủ đoạn hay dàn xếp một cuộc họp mặt để kiếm lợi, đó thực sự là tội lỗi. Người hòa giải xây dựng cây cầu nhưng không phải cho mình mà là cho người khác để họ đi đến với nhau. Anh ta không thu phí. Anh ta xây cầu và rời đi. Đó là hình ảnh của ngoại giao Vatican đối với tôi. Hòa giải, hơn là môi giới. Người xây cầu.
Chính sách ngoại giao đó của Vatican sẽ sớm áp dụng với Trung Quốc?
Thực tế, đã có một ủy ban làm việc nhiều năm với Trung Quốc, họ gặp nhau ba tháng một lần, lần lượt ở đây và ở Bắc Kinh. Có rất nhiều cuộc đối thoại với Trung Quốc. Trung Quốc luôn luôn toát ra sự huyền bí làm người ra ngạc nhiên. Hai hoặc ba tháng trước họ tổ chức một cuộc triển lãm các hiện vật từ Bảo tàng Vatican tại Bắc Kinh và họ rất vui về điều đó. Sang năm, họ mang những hiện vật của mình đến Vatican.
Ngài sẽ sớm đến Trung Quốc?
Ngay khi họ gửi lời mời. Họ biết là như thế. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, các nhà thờ có đông người. Tại Trung Quốc họ có thể thờ phượng tự do.
Cả tại châu Âu và châu Mỹ, những hậu quả của cuộc khủng hoảng không bao giờ kết thúc, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và thiếu vắng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ đang mở đường cho các nhóm chính trị bày tỏ sự khó chịu của người dân. Một số – có thể gọi là những người dân túy hay chống đối hệ thống – tấn công vào nỗi lo về một tương lai bất định nhằm đưa ra một thông điệp toàn nội dung bài ngoại và thù ghét đối với người nước ngoài. Trường hợp của Trump là một ví dụ đáng kể, nhung có những ví dụ khác như Áo hay Thụy Sỹ. Ngài có lo lắng về xu hướng này không?
Đó là điều họ gọi là chủ nghĩa dân túy. Đó là một thuật ngữ không rõ ràng, bởi vì ở châu Mỹ Latinh, nó mang một ý nghĩa khác. Tại châu Mỹ Latinh, nó có nghĩa là nhân dân là trung tâm – ví dụ, các phong trào của nhân dân. Họ tự tổ chức cho mình. Khi tôi mới nghe về chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, tôi không biết phải nhận định thế nào về nó, cho đến khi tôi nhận ra rằng nó có những ý nghĩa khác. Các cuộc khủng hoảng gây ra nỗi lo sợ, sự cảnh báo.
Theo ý kiến của tôi, ví dụ rõ nhất cho chủ nghĩa dân túy trong tâm thức của châu Âu về thế giới là nước Đức năm 1933. Sau Hinderburg, sau khủng hoảng 1930, nước Đức đổ vỡ, nó cần đứng dậy, khẳng định bản sắc của mình, cần một người lãnh đạo có khả năng khôi phục lại bản sắc đất nước, và có một thanh niên trẻ tên Adolf Hitler nói rằng: “Tôi có thể, tôi có thể”. Nước Đức bầu chọn Hitler. Hitler không cướp quyền, dân tộc đó bầu cho ông ta và rồi ông ta tàn phá dân tộc. Đó là mối nguy hiểm.
Trong cơn khủng hoảng, chúng ta thiếu sự phán đoán, và đó là một điều thường xuyên trở lại trong suy nghĩ của tôi. Tìm kiếm một vị cứu tinh trả lại cho chúng ta bản sắc và chúng ta tự bảo vệ mình với những bức tường, dây thép gai, đại loại vậy, khỏi những người có lẽ đã cướp mất bản sắc của chúng ta. Đó là một điều rất nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao tôi luôn có gắng nói: nói giữa mọi người, nói với một người.
Những trường hợp nước Đức năm 1993 là điển hình, một dân tộc đắm chìm trong khủng hoảng, tìm kiếm bản sắc của mình cho đến khi người lãnh đạo đầy lôi cuốn xuất hiện và hứa mang lại cho họ bản sắc, rồi ông ta mang lại cho họ một bản sắc méo mó, và tất cả chúng ta đều biết điều gì xảy ra sau đó.
Khi không có đối thoại … Liệu các biên giới có được kiểm soát? Vâng, mỗi quốc gia có quyền kiểm soát biên giới của mình, kiểm soát ai được vào ai được ra, và những quốc gia đang phải đối phó với nguy hiểm – từ chủ nghĩa khủng bố hay tương tự – càng có quyền kiểm soát, nhưng không quốc gia nào có quyền cấm đoán công dân của mình nói chuyện với người bên cạnh.
Thưa ĐTC, ngài có thấy bất kì dấu hiệu nào của nước Đức năm 1993 tại châu Âu ngày nay?
Tôi không phải nhà chuyên môn, nhưng nói về châu Âu ngày nay, tôi xin được nhắc tới ba bài phát biểu của tôi, hai tại Strasbourg và bài thứ ba trong dịp nhận giải thưởng Charlemagne, giải thưởng duy nhất tôi chấp nhận bởi vì họ nhiều lần khẳng định lợi ích cho tình hình châu Âu hiện nay và tôi nhận nó như một sự phục vụ. Ba bài phát biểu là những gì tôi nghĩ về châu Âu.
Tham nhũng có phải tội lỗi lớn nhất của thời đại chúng ta?
Đó là một tội lớn. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không được coi tình hình của chúng ta như một điều không nằm trong dòng lịch sử. Luôn luôn có sự tham nhũng, nơi này nơi kia. Nếu bạn đọc lịch sử về các giáo hoàng, bạn sẽ tìm thấy một số vụ rắc rối. Ngay ở quê hương tôi, các quốc gia bên cạnh cũng có tham nhũng. Rất nhiều. Hay chỉ nghĩ về Giáo hoàng Alexander VI và Lucrezia với vụ trà độc của bà ấy.
Ngài có tin tức gì từ Tây Ban Nha không? Sứ điệp, sứ vụ và công việc của ngài được đón nhận ra sao tại Tây Ban Nha?
Tôi chỉ nhận được từ Tây Ban Nha một số bánh mì nhỏ (polvorones) và kẹo nougat (turrón de Jijona) mà tôi sắp chia cho các cậu bé.
Ha ha. Tại Tây Ban Nha, có một cuộc tranh luận sống động về thế tục và tôn giáo, như ngài biết
Thực sự rất sống động.
Ngài nghĩ thế nào? Liệu cuối cùng, tiến trình thế tục có nguy cơ đẩy Giáo hội Công giáo ra ngoài lề?
Hãy tự nói chuyện với nhau. Đó là lời khuyên tôi dành cho mọi quốc gia. Xin hãy nói chuyện. Hãy có một cuộc đối thoại trong tình huynh đệ, nếu được hoặc ít nhất là lịch sự với nhau. Đừng xúc phạm người khác. Đừng kết án trước khi nói chuyện. Nếu sau khi đối thoại, bạn vẫn muốn xúc phạm người khác, được thôi, nhưng phải nói chuyện trước. Nếu sau khi đối thoại, bạn vẫn muốn kết án người khác, được thôi, nhưng phải nói chuyện trước. Ngày nay, với trình độ phát triển con người mà chúng ta đã đạt được, nền chính trị không có đối thoại là không thể chấp nhận được. Và điều đó đúng với Tây Ban Nha và những nói khác. Cho nên, nếu bạn hỏi tôi lời khuyên dành cho người Tây Ban Nha, tôi sẽ nói: hãy nói chuyện. Nếu có vấn đề, hãy nói chuyện trước đã.
Không nhạc nhiên khi lời nói và quyết định của ngài nhận được sự hưởng ứng rất đặc biệt từ khu vực Mỹ Latinh. Ngài nghĩ thế nào về châu lục đó và về quê hương của ngài?
Vấn đề là châu Mỹ Latinh đang phải chịu những hậu quả – như tôi đã nhấn mạnh trong Laudato Si – của một hệ thống kinh tế tôn thờ đồng tiền, có nghĩa là những chính sách dẫn đến sự loại trừ, sự đau khổ. Rõ ràng Mỹ Latinh ngày nay là mục tiêu của cuộc tấn công mạnh mẽ từ chủ nghĩa tự do kinh tế, điều mà tôi đã kết án trong Niềm vui Tin Mừng khi tôi nói rằng đó là “nền kinh tế hủy diệt”. Nó hủy diệt bằng sự đói nghèo, thiếu văn hóa. Dòng người nhập cư từ châu Phi vào Lampedusa hay Lesbos. Người di cư cũng đi từ Panama đến biên giới Mêxicô – Mỹ. Mọi người di cư để tìm kiếm điều gì đó, bởi vì các hệ thống của chủ nghĩa tự do không mang lại cho họ cơ hội việc làm trong khi làm cho sự tàn ác gia tăng.
Tại Mỹ Latinh, có vấn đề từ các tổ chức buôn bán ma túy cho Mỹ và châu Âu. Họ làm điều đó cho các nước giàu và khiến nhiều người thiệt mạng. Và đó là những người làm một cách tự nguyện.
Tại quê tôi, chúng tôi có một thuật ngữ để nói về họ: cipayos. Đó là một từ văn hoa, cổ điển trong thơ ca dân tộc tôi. Cipayo là một người bán đất quê hương cho người nước ngoài nào trả anh ta nhiều nhất. Ví dụ trong lịch sử Argentina, luôn luôn có một cipayo trong giới chính trị. Hoặc một số chức vụ chính trị dễ trở thành các cipayo. Luôn là như vậy. Cho nên Mỹ Latinh cần tái trang bị cho chính mình bằng những nhóm chính trị khôi phục sức mạnh của nhân dân.
Ví dụ lớn nhất đối với tôi là Paraquay sau chiến tranh – quốc gia thua cuộc trong Chiến tranh Liên minh Tay Ba và chỉ còn lại hầu như toàn phụ nữ. Và những người phụ nữ Paraguay thấy rằng họ phải xây dựng lại đất nước, bảo vệ đức tin, nền văn hóa và ngôn ngữ của mình, và họ đã làm điều đó. Người phụ nữ Paraguay không phải là một cipayo, bà bảo vệ những gì là của mình và làm đất nước phồn thịnh trở lại. Tôi nghĩ họ là những người phụ nữ vinh quang nhất tại châu Mỹ. Đó là ví dụ về những người không bao giờ bỏ cuộc. Chủ nghĩa anh hùng.
Tại Buenos Aires, có một khu dân cư ở bờ Río de la Plata, có những con đường mang tên những người phụ nữ anh hùng, những người phụ nữ đấu tranh giành độc lập, vì quê hương. Nhưng họ có một mối liên hệ mạnh mẽ hơn khi đấu tranh cho quê hương, đó là vì họ là những người mẹ. Họ ít mang đặc điểm của các cipaya. Họ ít có nguy cơ trở thành những cipaya.
Đó là lí do tại sao mà rất đau đớn khi chức kiến tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, một bi kịch tại Mỹ Latinh và nhiều nơi khác…
Khắp nơi. Tại châu Âu. Ví dụ như tại Ý, tôi đã thăm nhiều tổ chức giải cứu các phụ nữ mãi dâm bị lợi dụng bởi những người châu Âu. Một người bảo tôi rằng họ đã mua cô từ Slovakia trong một chiếc xe tải. Họ nói với cô rằng: mày phải kiếm được bằng này bằng này hôm nay, và nếu mày không mang tiền về, bọn tao sẽ đánh mày. Họ đã đánh cô ấy. Tại Rôma. Hoàn cảnh của những phụ nữ này, ngay tại Rôma, thật kinh hoàng. Trong ngôi nhà tôi đến thăm, có một người phụ nữ đã bị cắt một tai. Khi họ không kiếm đủ tiền, họ bị tra tấn. Và họ bị lừa bởi vì họ bị đe dọa, những kẻ lạm dụng nói với họ rằng chúng sẽ giết bố mẹ của họ. Họ là người Albani, Niger và cả người Ý. Tổ chức này đi xuống các đường phố, tiếp cận những người phụ nữ này và thay vì hỏi giá họ, họ hỏi: Bạn đã phải chịu đau khổ thế nào? Và họ đem những người phụ nữ đó đến một cộng đồng an toàn để họ có thể hồi phục. Năm ngoái, tôi thăm một trong những cộng đồng như vậy với những cô gái đang trên đà hồi phục, và có hai người đàn ông ở đó, hai tình nguyện viên. Và một người phụ nữ nói với tôi: Tôi đã tìm thấy anh ấy. Cô đã cưới anh – người đã cứu cô và họ rất mong có một đứa con. Sử dụng phụ nữ để kiếm lợi là một trong những điều kinh khủng nhất đang diễn ra ngày hôm nay, cũng như tại Rôma. Đó là tình trạng nô lệ phụ nữ.
Ngài có nghĩ rằng sau cố gắng nhưng thất bại của Thần học Giải phóng tại Mỹ Latinh, Giáo hội Công giáo đã mất vị thế của mình cho các giáo phái khác? Lý do là gì?
Thần học giải phóng là điều rất tích cực cho Mỹ Latinh. Vatican lên án bộ phận lựa chọn cách phân tích theo Mác-xít. Hồng y Ratzinger đã điều tra hai vấn đề khi còn là Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin. Thứ nhất là về các phân tích theo Mác-xít. Thứ hai tìm cách khôi phục một số khía cạnh tích cực. Thần học Giải phóng có những khía cạnh tích cực và cũng có những lệch lạc, chủ yếu liên quan đến cách tiếp cận theo Mác-xít.
Về mối quan hệ của ngài với Argentina, ba năm vừa qua, Vatican đã trở thành một địa điểm hành hương cho nhiều chính trị gia mang nhiều màu da khác nhau. Ngài có cảm thấy mình bị lợi dụng?
À, có. Một số người nói: hãy chụp hình chung với nhau, như một món quà, và tôi hứa sẽ chỉ dùng với mục đích cá nhân, không công bố nó. Và rồi trước khi bước ra khỏi cửa họ đã công bố nó rồi. Thực ra, nếu điều đó làm họ vui, đó là vấn đề của họ. Tư cách của họ bị hủy hoại. Tôi có thể làm gì? Đó là vấn đề của họ, không phải của tôi. Khi còn ở Argentina, tôi đi lại rất nhiều, nhưng hiện nay, đi đến các buổi tiếp kiến chung là điều bắt buộc đối với ĐGH. Cũng có nhiều người bạn của tôi đến thăm, đôi khi là gia đình, các cháu – tôi đã ở Argentina 76 năm. Nhưng tôi có cảm thấy bị lợi dụng, vâng. Một số người đã lợi dụng tôi, những bức hình của tôi, những lời tôi nói, như thể tôi đã nói với họ, và khi ai đó hỏi tôi, tôi luôn trả lời: đó không phải vấn đề của tôi, tôi không nói bất kì điều gì với họ nhưng là nói với lương tri của mỗi người.
Một chủ đề quen thuộc là vai trò của giáo dân và trên hết là vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ước muốn của ngài là họ có ảnh hưởng lớn hơn, thậm chí là vai trò ra quyết định. Ngài nghĩ điều đó sẽ được thực hiện đến mức nào?
Chúng ta không được nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ từ quan điểm chức năng, bởi vì nếu theo cách đó, cuối cùng, người phụ nữ hay là phong trào của phụ nữ trong Giáo hội sẽ là một dạng chủ nghĩa sô vanh trong giới phụ nữ. Thực ra về khía cạnh chức năng, mọi thứ cũng đang diễn tiến tốt. Phó Giám đốc phòng Báo chí tại Vatican là một phụ nữ, Giám đốc Thư viện là một phụ nữ.
Nhưng điều tôi muốn là trao cho người phụ nữ quyền suy nghĩ của họ, bởi vì Giáo hội là phụ nữ, là hiền thê của Đức Giêsu Kitô, và đó là nền tảng thần học về phụ nữ. Ai là người quan trọng hơn trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Trinh Nữ hay các tông đồ? Đức Trinh Nữ. Vẫn còn chặng đường dài phía trước, và chúng ta phải làm việc để người phụ nữ có thể trao cho Giáo hội chính họ như một con người đặc trưng và tư tưởng của họ.
Trong một số chuyến đi, ngài đã trình bày trước các giáo sĩ, cả ở Giáo triều Rôma và hàng giáo phẩm địa phương hoặc các linh mục, tu sĩ nói chung, xin họ có thái độ cam kết, gần gũi và thậm chí là tốt lành hơn. Ngài nghĩ họ đón nhận lời khuyên hay có thể nói là sự khiển trách đó như thế nào?
Tôi luôn nhấn mạnh vào sự gần gũi. Nói chung điều đó được đón nhận khá tốt. Luôn luôn có những nhóm trung thành với truyền thống ở mọi nước, cũng như ở Argentina. Họ là những nhóm nhỏ và tôi tôn trọng họ, họ là những người tốt và muốn sống đức tin theo cách đó. Còn tôi thì rao giảng điều tôi cảm thấy là Thiên Chúa muốn tôi rao giảng như thế.
Tại châu Âu, ngày càng nhiều linh mục và tu sĩ đến từ cái gọi là Thế giới Thứ Ba. Lý do là gì?
150 năm về trước, tại Mỹ Latinh, cũng từng có nhiều linh mục và tu sĩ châu Âu, cũng như châu Phi và châu Á. Các Giáo hội trẻ thì mở rộng. Tại châu Âu ngày nay không có trẻ sơ sinh. Italia có tỉ suất sinh dưới không. Tôi nghĩ rằng Pháp đang dẫn đầu xu hướng này do các quy định về tỷ lệ sinh nở. Nhưng không có trẻ sơ sinh. Kế hoạch chi tiêu của người Ý cắt giảm việc sinh nở. Chúng ta thà đi nghỉ mát, mua chó, mèo hơn là sinh con. Nếu không có trẻ sơ sinh, sẽ không có ơn gọi.
Trong hồng y đoàn, ngài đã đặt những vị hồng y đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngài muốn mật nghị hồng y sắp tới bầu người kế vị ngài sẽ như thế nào? Thưa ĐTC, ngài có nghĩ mình sẽ chứng kiến mật nghị kế tiếp?
Tôi muốn mật nghị đó mang tính Công Giáo. Một mật nghị Công giáo bầu chọn vị kế nhiệm tôi.
Ngài sẽ chứng kiến nó chứ?
Tôi không biết. Do Chúa quyết định. Khi tôi cảm thấy không thể tiếp tục, tôi có vị thầy lớn là Đức Bênêđictô chỉ cho tôi cách phải làm thế nào. Và nếu Chúa cất tôi đi trước, tôi sẽ chứng kiến nó trong cuộc sống đời sau. Tôi hi vọng là không phải ngồi ở hỏa ngục mà chứng kiến. Nhưng tôi muốn đó là một hồng y đoàn Công giáo.
Ngài dường như rất vui khi làm Giáo hoàng
Thiên Chúa tốt lành và không lấy mất đi khiếu hài hước của tôi.
Antonio Caño
Pablo Ordaz
P.B. chuyển ngữ