Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 4/9/2016 (Lc 14,25-33)
1. Những đòi hỏi triệt để và nghiêm túc
Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem.
Một đám đông dân chúng đi theo Ngài. Họ muốn được gắn bó với Ngài. Họ tin rằng Ngài có những điều rất giá trị để nói với họ và những thực tại rất quý giá để ban tặng cho họ. Đức Giêsu không từ chối, càng không xua đuổi họ. Nhưng Ngài cũng không muốn họ đi theo Ngài với những sự chờ đợi và mơ mộng hão huyền. Họ cần phải biết rõ những yêu sách của việc đi theo Ngài, và họ cần phải ý thức về những khó khăn đang chờ đợi họ ở phía trước. Vì thế, Ngài ngỏ lời với họ và nói rõ ràng về những đòi hỏi dành cho những ai muốn làm đồ đệ của Ngài.
Đó là bối cảnh của những lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng Lc 14,25-33. Và những lời này không chỉ dành riêng cho một nhóm những người được tuyển chọn đặc biệt, mà là dành cho mọi Kitô hữu.
a. Những điều kiện để làm môn đệ Đức Giêsu (cc.26-27)
Trước hết, Đức Giêsu nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (c.26).
Điều đầu tiên Đức Giêsu đòi hỏi là người ta phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em… (Thực ra, tác giả Luca dùng động từ “ghét bỏ”, một kiểu nói Hípri có nghĩa là “yêu mến ít hơn”). Thoạt nghe, người ta có thể hiểu sai rằng Đức Giêsu đòi hỏi một điều trái luân lý, vừa đi ngược lệnh truyền yêu mến người thân cận, vừa đi ngược điều răn thảo kính cha mẹ của Thập Giới. Nhưng động từ “ghét bỏ” hoặc “dứt bỏ” ở đây không có nghĩa là từ chối những mối tương quan nhân loại, mà có nghĩa là tương đối hóa những mối tương quan ấy khi đặt chúng trước những chọn lựa của Thiên Chúa.
Chắc chắn Đức Giêsu không hề muốn nói rằng các đồ đệ của Ngài phải mong muốn điều dữ cho gia đình mình, hoặc phải coi thường những tình cảm cao quý mà Thiên Chúa đặt trong tâm lòng mỗi người đối với cha mẹ, vợ con, anh em, chị em… Vấn đề là đặt chúng trong trật tự đúng đắn. Người đồ đệ của Chúa được mời gọi dứt bỏ những tình cảm, những gắn bó và những mối tương quan khi sự dứt bỏ như thế là cần thiết để họ có thể thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Nói cách khác, người đồ đệ không được để cho bất cứ thực tại nào ngăn cản mình thực thi ý muốn của Thiên Chúa, cho dù đó là những thực tại mà họ phải yêu quý, là chính gia đình ruột thịt của họ và chính bản thân họ.
Các rabbi Do Thái cũng đòi hỏi các đồ đệ rời bỏ gia đình và họ hàng để nghiên cứu Torah, nhưng đó là sự dứt bỏ trong một giai đoạn nào đó thôi, và kết cuộc thường là những vinh dự lớn lao mà người ta có được sau khi tốt nghiệp các trường học của các rabbi. Họ sẽ trở thành rabbi và sẽ được hưởng những ưu thế và danh dự đi kèm với chức phận rabbi vốn được coi trọng trong xã hội Do Thái.
Việc đi theo Đức Giêsu thì khác hẳn. Các đồ đệ đích thực của Đức Giêsu ứng đáp lại một lời mời gọi ngôn sứ chứ không chọn một trường phái học thuật hay một ý thức hệ để đi theo. Lời mời gọi đó gắn kết người đồ đệ, một cách triệt để, quyết liệt và luôn mãi, không chỉ với giáo huấn của Đức Chúa, mà còn với chính bản thân và số phận của Ngài. Đòi buộc dứt bỏ cha mẹ, vợ con và anh chị em cũng không chỉ là đòi buộc của một giai đoạn nào đó như trong các trường rabbi, mà là đòi buộc luôn luôn; và khác với các đồ đệ của các rabbi Do Thái, người đồ đệ của Chúa Giêsu không bao giờ thôi là đồ đệ để trở thành Tôn Sư như Chúa Giêsu được.
Vì thế, những đòi hỏi của Đức Giêsu dành cho các đồ đệ ở đây thực sự là những đòi hỏi rất triệt để. Tính cách triệt để này chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta đặt nó trong viễn tượng của những thực tại mới mẻ và cánh chung mà Đức Giêsu khai mở. Hành động của Thiên Chúa (được mạc khải nơi Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu) là hành động tối hậu, chung cục và quyết định. Do đó, người ta được đòi hỏi phải triệt để và quyết liệt thi hành ý muốn của Thiên Chúa bằng mọi giá.
Bên cạnh khía cạnh tiêu cực (đòi hỏi dứt bỏ gia đình và cả mạng sống mình nữa), là khía cạnh tích cực của cũng một đòi hỏi triệt để: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi” (c.27). Trong truyền thống hậu phục sinh, các chủ đề “làm môn đệ” và “vác thập giá” thường được nối kết chặt chẽ với nhau và thường được hiểu trong ánh sáng của biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô. Đi theo Đức Giêsu và làm môn đệ của Ngài tức là đương nhiên được gắn kết khăng khít với số phận của chính bản thân Ngài, Đấng bị đóng đinh và đã phục sinh. Tư cách đồ đệ được “đóng dấu” bằng chính sự thông hiệp mật thiết với cái chết và sự sống lại của Đức Chúa.
Khi nói “thập giá của mình” (tức là thập giá của mỗi người đồ đệ), tác giả Luca nhấn mạnh tính chất thực tế và cụ thể hằng ngày của thực tại mà người đồ đệ được yêu cầu phải vác lấy. Mỗi người đều có cây thập giá “của mình”. Mỗi người đều có những đau khổ và những thử thách của chính mình. Nối kết với đòi hỏi phải ghét bỏ chính mạng sống được nói ở câu 26, chúng ta có thể hiểu câu 27 này như là một đòi hỏi người đồ đệ phải sẵn sàng tử đạo với những nhục hình thảm khốc nhất, vì Đức Kitô.
b. Tính cách nghiêm túc của lời mời gọi làm đồ đệ của Chúa (cc. 28-33)
Sau khi đưa ra những đòi hỏi, Đức Giêsu kể hai dụ ngôn cho thấy tính cách nghiêm túc của việc đi theo Ngài và trở thành đồ đệ của Ngài:
“Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (cc.28-33).
Thực ra, chúng ta không biết chính xác Đức Giêsu đã kể hai dụ ngôn này trong hoàn cảnh cụ thể nào. Có lẽ ban đầu hai dụ ngôn này đã được Ngài kể cho những kẻ đang háo hức đi theo Ngài và đang tha thiết muốn trở thành những môn đệ thân tín của Ngài, để mời gọi họ phải cân nhắc cẩn thận. Và như thế, hai dụ ngôn này được kể trước hết là để nhắc họ cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi làm một quyết định dấn thân quan trọng như vậy.
Nhưng trong ngữ cảnh Tin Mừng Lc hiện thời, hai dụ ngôn này đã được Thánh Luca đưa vào đây để nhấn mạnh tính cách nghiêm túc của ơn gọi Kitô hữu. Những đòi hỏi của ơn gọi ấy vốn đã được trình bày một cách hết sức rõ ràng trong các câu 26-27. Thánh Luca kể hai dụ ngôn ở đây là kể cho các Kitô hữu, tức là những người đã trở thành đồ đệ của Đức Giêsu rồi, và do đó, điểm nhấn của hai dụ ngôn đã thay đổi so với ban đầu.
Chắc chắn tác giả Luca không có ý khuyên những Kitô hữu rằng họ hãy rút lui đi nếu họ thấy những đòi hỏi dành cho các Kitô hữu là những đòi hỏi triệt để vượt quá sức họ. Ông không có ý khuyên những người Kitô hữu đang nản chí rằng hãy buông xuôi và rời bỏ Hội Thánh. Ngỏ lời với những người đã trở thành Kitô hữu rồi, tác giả Luca, khi thuật lại hai dụ ngôn nói trên, chỉ muốn nói rằng việc sống tư cách và đời sống Kitô hữu là việc nghiêm túc, đòi hỏi người ta phải dấn tất cả sinh mạng và của cải vật chất mình có vào, nếu muốn hoàn thành ơn gọi và chọn lựa đó.
2. Gợi ý suy niệm
(1) Điều kiện thứ nhất Đức Giêsu nêu rõ trong bài Tin Mừng hôm nay là người đồ đệ của Chúa phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và chị em. Trong Mt 10,37 Đức Giêsu nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy; Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều đó có nghĩa là người Kitô hữu phải yêu mến Chúa Giêsu hơn tất cả những người khác, kể cả những người thân tín nhất với mình, và thậm chí là chính bản thân mình. Đức Giêsu phải ở vị trí đặc biệt và độc nhất trong cuộc đời của người Kitô hữu. Tình yêu mến dành cho Ngài phải được ưu tiên và đi trước tất cả những mối tương quan khác.
Tất nhiên tình yêu mến dành cho Đức Giêsu, trong thực tế, không loại trừ tình yêu mến mà chúng ta dành cho tha nhân, nhưng trái lại. Bởi vì chính Ngài yêu cầu chúng ta như thế. Nói cách khác, tình yêu mến đối với Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải thi hành ý muốn của Ngài, mà ý muốn đó, trước hết, lại là chúng ta phải yêu mến anh chị em mình như chính Ngài vậy. Vấn đề là tình yêu mến dành cho những người thân cận của chúng ta phải được xác định trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và phải được hội nhập vào mối tương quan đó. Và nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và người thân của chúng ta hay giữa Chúa Giêsu và chính sự sống của chúng ta, thì chúng ta phải chọn Chúa Giêsu.
Đàng khác, chúng ta được mời gọi thực thi mối tương quan của mình với người khác (kể cả những người thân tín nhất) như thế nào để không ảnh hưởng xấu đến mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Trái lại, chính mối tương quan với Chúa Giêsu sẽ quyết định mối tương quan của chúng ta với những người ấy. Nói cách khác, tiêu chuẩn tối hậu quy định cách hành xử của chúng ta sẽ không phải là ý muốn hay khao khát của những người thân tín của chúng ta, cũng không phải sự hài lòng họ của họ hoặc sự hòa hợp với ý thích của họ, mà là theo ý muốn của Chúa Giêsu. Câu “dĩ hòa vi quý” nhiều khi không thể chấp nhận được, nếu người ta hòa với nhau mà lại đối nghịch với Đức Giêsu.
Trong thực tế, vẫn có nhiều người coi dư luận, thói quen của đám đông, ý kiến của những người có quyền… là tiêu chuẩn hành động, cho dù những dư luận, thói quen và ý kiến đó đi ngược lại với ý muốn của Đức Giêsu. Và quả thực đó là một sai lầm lớn lao.
(2). Tư cách là Kitô hữu không chỉ đòi hỏi chúng ta phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và chị em mình, mà chính yếu, quan trọng và khó khăn hơn nữa, là đòi hỏi chúng ta phải dứt bỏ chính bản thân mình, thoát khỏi sự kềm tỏa của thói ích kỷ và thói yêu chính mình. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi vác thập giá của chính mình mà đi theo Chúa trên con đường thập giá. Đó là đòi hỏi chính yếu và quyết liệt của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai đến với tôi mà không ghét bỏ… cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình và đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi” (cc.26-27).
Người đồ đệ của Chúa Giêsu đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi. Trong con đường đó của Chúa Giêsu, người đồ đệ không thể chỉ chọn đi theo những đường nét hay lối nẻo mà mình thích, thay vì đi trọn vẹn con đường thập giá. Hoặc người đó theo Ngài trọn con đường, hoặc người đó chỉ bắt đầu cuộc hành trình một cách vô ích.
Thập giá là dấu hiệu cụ thể của lòng trung thành vô điều kiện của Đức Giêsu với thánh ý Cha, và vì thế, là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài với Cha. Đối với Đức Giêsu, trung thành với thánh ý Cha là điều quan trọng hơn cả mạng sống của Ngài. Và Ngài luôn sống theo thánh ý ấy, nên Ngài đã bị kết án tử hình, phải vác lấy thập giá của mình mà đi lên Núi Sọ. Đức Giêsu đã không đi tìm đau khổ và cái chết bi thảm, nhưng Ngài đã hiến dâng chính mạng sống Ngài trong cái chết bi thảm ấy, để trung thành với thánh ý Thiên Chúa.
Người Kitô hữu được mời gọi đi cũng một con đường thập giá và vâng phục đó của Chúa Giêsu. Giá trị thật sự của cuộc sống Kitô hữu không phải là gì khác hơn việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa bằng cách vác thập giá của mình và đi theo Đức Giêsu.
Kết luận
Trong thực tế, chúng ta thường muốn đi theo Đức Giêsu và làm đồ đệ của Ngài, nhưng là với những điều kiện và tiêu chuẩn do chúng ta đặt ra hoặc được chúng ta ưa thích. Trong những điều mà Đức Chúa mời gọi chúng ta thực hiện, có những điều chúng ta thích hơn, có nhiều điều chúng ta không muốn. Và chúng ta dễ có khuynh hướng thiết lập những tiêu chuẩn hành xử theo ý mình. Chúng ta muốn có một Kitô giáo theo những tiêu chuẩn của chúng ta, phù hợp với ý muốn và sở thích của chúng ta. Chúng ta muốn có những quy định theo ý chúng ta và theo tiêu chuẩn của chúng ta…
Nhưng Đức Giêsu thì lại khẳng định rõ ràng một nguyên tắc khác hẳn: chúng ta sẽ chỉ xứng đáng với Người nếu chúng ta thực hiện những điều kiện của Người.
Theo Lc 14,26.27.33, những điều kiện đó là như sau:
– “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.
– Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
– Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT