Để tiếp cận những người trẻ tuổi, chúng ta cần phải trung thực về Giáo hội bị rạn vỡ của chúng ta

Làm thế nào để chúng ta tự xác định mình với tư cách là một Giáo hội? Chúng ta sẽ sử dụng hình ảnh nào? Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta tìm kiếm những hình ảnh mới về Giáo hội để nó có thể trở thành như dự định ngay từ đầu. Câu hỏi mà các sinh viên của tôi phải vật lộn đó chính là, đâu là bản sắc đích thực của Giáo hội ngày nay? Tôi tin rằng cách thức duy nhất mà Giáo hội có thể trở nên có liên quan đó là nếu nó chấp nhận hình mẫu của một hối nhân, theo tác giả bài viết, Nữ tu Mary Ann Spanjers O.S.F

Nữ tu Mary Ann Spanjers O.S.F với các học sinh tại trường trung học Lasallian San Miguel Cristo Rey

Nữ tu Mary Ann Spanjers O.S.F với các học sinh tại trường Trung học Lasallian San Miguel Cristo Rey

Cuộc sống quả là không hề dễ dàng đối với nhiều công dân Hoa Kỳ thế hệ đầu tiên này. Mỗi ngày họ phải đối mặt với nỗi sợ hãi về những người mà họ yêu thương bị trục xuất. Có những thành viên của bộ lạc người Mỹ bản địa Tohono O’odham, những người không từ bỏ hy vọng nỗ lực làm việc để đạt được ước mơ của họ bất chấp những thách thức của tình trạng nghiện rượu và các băng đảng sách nhiễu cộng đồng của họ. Sự kết nối mạnh mẽ mà những người trẻ này có với gia đình của họ và sự hỗ trợ mà họ dành cho nhau cho phép các nguyên tắc cốt lõi của nền giáo dục Lasan cộng hưởng trong cuộc sống của họ: Họ nỗ lực vì “Đức tin vào Sự hiện diện của Thiên Chúa”; họ trải nghiệm “Tinh thần cộng đồng”; họ đánh giá cao “Giáo dục chất lượng”; họ thể hiện “Sự quan tâm đến người nghèo và công bằng xã hội”’ và họ thực hành “Sự tôn trọng đối với tất cả mọi người”.Làm thế nào để tôi có thể hướng dẫn các học sinh trung học và thanh thiếu niên muốn trưởng thành trong đời sống đức tin của họ trong một Giáo hội không hoàn hảo này và đôi khi gây phẫn nộ này? Đó là một câu hỏi mà tôi đã cầu nguyện và suy ngẫm hàng năm vào thời điểm này, khi tôi chào đón một khóa học mới tại trường trung học Công giáo nơi tôi đã giảng dạy thần học trong suốt 5 năm qua tại South Tucson, Ariz. Các học sinh tại trường trung học Lasallian San Miguel Cristo Rey là một trong những con người chân thực nhất mà tôi từng được giảng dạy. Họ chủ yếu là những người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa; một số đến từ các gia đình tị nạn. Những người trẻ này đã quen làm việc chăm chỉ đối với tất cả mọi thứ. Không có quyền lợi gì cả. Họ có khiếu hài hước tuyệt vời và tinh thần bác ái, thậm chí ngay cả khi họ phải vật lộn với chu trình của sự nghèo khó trong cuộc sống của họ.

Mặc dù họ có thể không nhận ra rằng trong cuộc sống của họ tại ngôi trường trung học Công giáo này, họ đang tham gia Giáo hội, tôi tin chắc rằng một trải nghiệm tích cực về Giáo hội được tìm thấy trong niềm vui và sự nỗ lực phấn đấu hàng ngày của họ tại San Miguel. Tất cả chúng tôi, các sinh viên, giảng viên và nhân viên, cùng với các anh em Tu sĩ Lasan, cố gắng sống theo những nguyên tắc cốt lõi này trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không xác tín về ý nghĩa của việc trở thành một phần của Giáo hội. Tôi tin rằng một mô hình mới của Giáo hội là cần thiết nếu như đức tin trở nên đáng tin cậy đối với các học sinh của tôi cũng như đối với tất cả mọi thành phần thuộc Dân Chúa. Bị ảnh hưởng bởi các mô hình Giáo hội của Đức Hồng Y Avery Dulles, tôi đề xuất mô hình “Giáo hội sám hối”.

Lỗi lầm nhưng chân thực và được yêu mến

Một trong những cựu học sinh của tôi đã tóm tắt trong một câu về một Giáo hội như vậy sẽ trông như thế nào. Bày tỏ lòng biết ơn tôi trong cương vị là một người thầy, cậu ta nói: “Cô đã yêu thương chúng em, thậm chí ngay cả khi chúng em làm cô thất vọng” (Tôi có thể nói thêm rằng các sinh viên của tôi yêu mến tôi, thậm chí ngay cả khi tôi làm chúng thất vọng).

Đây há chẳng phải là lời kêu gọi ăn năn sám hối, để nhận ra rằng một người thiếu sót, lầm lỗi, thất vọng , tuy nhiên  biết rằng bất chấp tất cả, họ được yêu thương và được tha thứ? Đây há chẳng phải là cách thức chúng ta cảm nghiệm tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa? Câu trả lời thực sự duy nhất cho sự tuyệt vọng đau khổ của thế giới đó chính là tình yêu của Chúa Giêsu, thông qua chúng ta, Giáo hội của Người. Tuy nhiên, khi chúng ta với tư cách là một Giáo hội không trở nên đáng tin cậy, để yêu thương và tha thứ cho nhau, chúng ta cũng trở nên đổ vỡ. Khi những người được mời gọi để hướng dẫn chúng ta trong Giáo hội trở thành nguyên nhân của tội lỗi, sự tổn hại và xấu xa, sự đổ vỡ dẫn đến sự từ chối, đau khổ và mất lòng tin. Đôi khi sự thiệt hại dường như vượt quá sự hồi phục và sự hòa giải.

Do những hành vi tội lỗi, đổ vỡ và không trung thực trong Giáo hội, các học sinh của tôi và nhiều thanh thiếu niên phải vật lộn với việc liệu Giáo hội có liên quan thế nào trong việc hướng dẫn đời sống của họ. Tôi dạy họ rằng họ chính là một phần của lịch sử nhân loại trong cuộc hành trình của mối tương quan đức tin với Thiên Chúa của Giáo hội. Cuộc hành trình đức tin và mối tương quan này là một động lực thiêng liêng vẫn đang tiếp tục. Giáo hội, cộng đồng các tín hữu, phải tìm kiếm sự thật về về việc chúng ta là ai với Thiên Chúa và với nhau.

Làm thế nào để chúng ta tự xác định mình với tư cách là một Giáo hội? Chúng ta sẽ sử dụng hình ảnh nào? Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta tìm kiếm những hình ảnh mới về Giáo hội để nó có thể trở thành như dự định ngay từ đầu. Câu hỏi mà các sinh viên của tôi phải vật lộn đó chính là, đâu là bản sắc đích thực của Giáo hội ngày nay? Tôi tin rằng cách thức duy nhất mà Giáo hội có thể trở nên có liên quan đó là nếu nó chấp nhận hình mẫu của một hối nhân.

Sự thích hợp của Giáo hội như một công cụ của sự tha thứ và ân sủng của Chúa Thánh Thần từ lâu đã được hiểu thông qua Bí tích Hòa giải. Nhưng thần học gia Robert Schreiter, C.PP.S., cho rằng có những khi Giáo hội trong lịch sử đã mất đi quyền trở thành nhà trung gian hòa giải. Linh mục Schreiter đã đưa ra một ví dụ về sự thất bại của Giáo hội trong việc phản đối mạnh mẽ nạn phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Khi Giáo hội rõ ràng không đứng về phía người nghèo và những người đau khổ, nó góp phần vào sự áp bức, và như Linh mục Schreiter giải thích, không thể có hòa giải nếu như không có công lý. Những sự kiện lịch sử như vậy tiết lộ những sự rạn nứt của Giáo hội.

Hòa giải và vượt lên trên tội lỗi

Vụ bê bối lạm dụng tình dục là một sự kiện khác khiến Giáo hội đánh mất quyền trở thành người trung gian hòa giải. Kết quả của việc tự đánh giá trung thực qua việc tự đồng hóa mình với tội nhân, như là tội nhân. Linh mục Schreiter viết rằng nếu như Giáo hội có ý thức về sự yếu đuối lầm lỗi và ý thức về sự giới hạn của chính mình, thì nó sẽ tìm thấy vị trí của nó trong quá trình của sự hòa giải.

Để dạy cho các sinh viên kiểu mẫu về Giáo hội sám hối, bắt buộc cần phải nhìn vào nền tảng của một Giáo hội như vậy. Thánh Phanxicô Assisi đã cung cấp cho chúng ta một ví dụ lịch sử. Thánh nhân chọn sống giữa những người phong cùi trong thời đại của mình, nhận lấy sự kỳ thị của việc trở thành một kẻ bị ruồng bỏ và làm bạn với những kẻ tội lỗi, những người khốn cùng và nghèo khổ. Thánh Phanxicô Assisi đã tiếp nhận lối sống này như một hối nhân ngõ hầu có thể noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã chia sẻ nhân tính của chúng ta và đền thay tội lỗi cho tất cả mọi người thông qua việc sống thân phận con người, thong qua Cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. Chúa Giêsu đã đón nhận tội lỗi và đau khổ của chúng ta thông qua cái chết của Người ngõ hầu sự sống mới có thể được nảy sinh. Đây chính là lời mời gọi của hối nhân, để đối mặt với tội lỗi, để giao hòa và vượt lên trên nó nhờ ân sủng mà Thiên Chúa đã ban.

Mô hình đề xuất Giáo hội như là hối nhân xem Giáo hội như là những con người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan này được chia sẻ với tất cả mọi loài thọ tạo của Thiên Chúa. Thanh thiếu niên và các bạn trẻ nắm bắt tầm quan trọng của các mối tương quan. Họ thường là yếu tố thúc đẩy đối với cuộc sống hàng ngày. Lời cầu nguyện của các Tu sĩ Lasan mà chúng ta cầu nguyện trước mỗi giờ học, bảy lần một ngày, bắt đầu như sau: “Chúng ta hãy nhớ … rằng chúng ta đang ở trong sự hiện diện linh thiêng của Thiên Chúa”. Đây chính là lời cầu nguyện về các mối quan hệ. Đó chính là về việc khám phá Thiên Chúa nơi tha nhân, qua những niềm vui và nỗi buồn hàng ngày và nơi chính bản thân mình. Nó nhận ra rằng khi một người không nhận ra Thiên Chúa nơi người khác, nơi những thử thách trong đời sống thường ngày hoặc nơi chính bản thân mình, có điều gì đó không ổn.

Thông qua việc tĩnh tâm, cầu nguyện và suy ngẫm, các sinh viên nhận ra rằng sự khác biệt của việc trở nên con người, trở nên độc đáo, có giá trị và bản tính lương thiện chỉ có thể được khẳng định một cách thích hợp trong bối cảnh của sự phản ánh trung thực. Chúng ta cũng phải thừa nhận sự bất toàn của con người chúng ta. Thánh Phao-lô viết, “Thật vậy, tất cả đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính nhờ ân huệ Thiên Chúa ban như một quà tặng, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 3: 23-24). Giáo hội với tư cách là hối nhân phản ánh cả nhân tính và thiên tính của Dân Chúa.

Việc chấp nhận chính mình như được chứng minh thông qua tình yêu và sự tha thứ của Chúa Giêsu, là chấp nhận mô hình về Giáo hội như là hối nhân. Việc trở thành một hối nhân là có thể nếu như có một sự thay đổi trong thái độ. Karl Rahner, S.J., thần học gia nổi tiếng thế kỷ 20, nhấn mạnh rằng chỉ qua việc thừa nhận sự thật về tội lỗi và cảm thức tội lỗi của chúng ta với là thành viên của Giáo hội, chúng ta sẽ có thể tiếp tục đổi mới và hoán cải. Yếu tố trung tâm vốn gắn kết chúng ta với nhau với tư cách là những thành viên của Giáo hội đó chính là ân sủng hòa giải của Chúa Kitô. Việc sống một cách chân thực đó chính là nhận ra sự giới hạn và tội lỗi của một con người trong khi nhận thức được rằng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn và luôn sẵn sàng khi chúng ta hành động với sự thật và sự trung thực. Những người trẻ tuổi nhận ra điều này khi đó là một phần của trải nghiệm của chính họ, cũng như các sinh viên của tôi tại San Miguel. Khi các sinh viên của tôi khám phá ra rằng họ được yêu thương thậm chí ngay cả khi họ thất vọng, họ tự thấy mình có khả năng yêu thương những người không như sự mong đợi của họ.

Vượt qua những sự ác

ĐTC Phanxicô thừa nhận nhận và ủng hộ sự trung thực và sự minh bạch triệt để này để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong  Giáo hội. “Bất chấp các biện pháp đã được thực hiện và những tiến bộ đặt được trong lĩnh vực ngăn chặn lạm dụng, sự đồi hỏi về một sự cam kết liên tục đổi mới đối với sự thánh thiện của các vị Mục tử, mà sự thích ứng của họ với Chúa Kitô, vị Mục tử Tốt lành, là quyền của Dân Chúa”, ĐTC Phanxicô phát biểu tại phần kết luận tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử của Vatican về việc bảo vệ trẻ vị thành niên vào tháng Hai. “Việc tự lên án chính là khởi đầu của sự khôn ngoan và bị ràng buộc bởi việc kính sợ Thiên Chúa: học cách làm thế nào để tự lên án chính mình, với tư cách cá nhân, tổ chức, hay với tư cách là một xã hội”.

Đây chính là cách thức ân sủng của Thiên Chúa hoạt động. Việc đáp lại món quà ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta và với tư cách Giáo hội đó chính là trở nên những hối nhân, những con người bước đi trên con đường của sự khiêm nhu và tình yêu sâu sắc dành cho Chúa Giêsu và dành cho nhau. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, “Chúng ta cần nắm lấy các phương tiện tâm linh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: sự tự hạ, tự lên án, cầu nguyện và ăn năn sám hối. Đây chính là cách thức duy nhất để vượt qua những sự ác. Đó chính là cách chính Chúa Giêsu đã chế ngự và chiến thắng nó”.

Với tư cách là một nữ tu Dòng Bác Ái Phanxicô, việc đón nhận cuộc sống của một hối nhân chính là thực tế của tôi. Đó chính là cách tôi có thể dạy dỗ các học sinh Lasallian Cristo Rey của mình. Tôi có thể cùng đồng hành với họ khi cần đến tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Tôi giảng dạy thần học về một Giáo hội vốn đang bị xáo trộn. Sự trung thực với các thanh thiếu niên là điều duy nhất hoạt động. Chính sự trung thực của họ về việc họ là ai và hy vọng trở thành con người thế nào sẽ mang lại cho tôi hy vọng. Chúng tôi là một Giáo hội, chúng ta là một cộng đồng của những con người có đức tin, nhưng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta ngã quỵ và phạm tội, và rồi chúng ta đứng dậy nhờ tình yêu Thiên Chúa. Chính trong điều này, chúng ta đón lấy cuộc sống của hối nhân.

Tôi tin rằng chúng ta giờ đây được mời gọi, kể cả giáo dân và giáo sĩ, để trở nên những chứng nhân đáng tin cậy cho tình yêu chữa lành của Thiên Chúa trong Giáo hội và thế giới rạn vỡ này. Tất cả chúng ta đều cần sự thanh tẩy và ăn năn sám hối. Giáo hội càng nhận thức về sự cần thiết cần phải thú nhận những thất bại và tội lỗi này, thì Giáo hội sẽ càng có thể hoàn thành sứ mạng hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Nữ tu Mary Ann Spanjers O.S.F

Sơ Mary Ann Spanjers O.S.F., là một thành viên thuộc Dòng các Nữ tu Bác ái Phanxicô. Sơ Spanjers có bằng tốt nghiệp về Thần học và Nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Thánh Gioan tại Queens, N.Y. Sơ Spanjers cũng đã tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Thánh gia tại Manitowoc, Wis., và các trường trung học khác tại Hoa Kỳ. Sơ cũng đã làm công việc truyền giáo trong suốt 10 năm tại Lima, Peru và hiện đang giảng dạy thần học tại trường Trung học San Miguel, Tucson, Ariz.

Minh Tuệ chuyển ngữ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết