Sáng 12/9, lúc 8:30 giờ Rôma, Cha Michael Brelh, Bề Trên Tổng Quyền DCCT, cùng với 112 tham dự viên, trong có đó 91 Nghị viên Tổng Công hội, đã dâng Thánh Lễ khai mạc Giai đoạn Giáo luật của Tổng Công Hội Thứ XXVI tại Roma.
Trong lời mở đầu, ngài đã gởi lời chào đến các tham dự viên đang hiện diện, cách đặc biệt đến toàn thể anh em trong Hội Dòng, các nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân trong Gia đình Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài trích lại lời của thánh Giêrađô: “Chính nơi đây thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện, như Thiên Chúa muốn, và bao lâu như Thiên Chúa muốn.”
Ngài cũng gởi lời cám ơn đến các Hồng y, Giám mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân đã chúc mừng và cầu nguyện cho Tổng Công Hội.
Sau đây là bài giảng của Cha Bề Trên Tổng Quyền trong Thánh Lễ Khai Mạc.
Bài Giảng của Cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT
trong Lễ Khai Mạc Tổng Công Hội Thứ XXVI tại Roma
Ngày 12 tháng 9 năm 2022
Anh em thân mến,
Sáng hôm nay chúng ta cùng nhau quy tụ cử hành Thánh Lễ Khai Mạc Tổng Công Hội Thứ XXVI. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện với chúng ta và ban cho chúng ta sự khôn ngoan của Ngài. Tôi cảm nhận được hai bài đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay (x. Cv 2, 1-13; Ga 20, 19-23) phản ánh ít nhiều kinh nghiệm của chúng ta trong những năm qua.
Giống như các Tông đồ trong Tin Mừng Gioan, các cộng đoàn của chúng ta cũng đã quy tụ trong nhà mình, ở “phòng chung trên cao” với cửa đóng then cài. Ngay cả các cửa nhà thờ của chúng ta cũng đóng kín. Các cửa đóng kín vì sợ – sợ lây truyền vi rút cho những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, sợ hãi khi phải đối diện với các hạn chế do chính phủ bắt buộc. Từng chút một, khi các hạn chế được nới lỏng ở nhiều quốc gia, chúng ta lại mạo hiểm lên đường, rất cẩn thận – giống như các Tông đồ sau khi Chúa phục sinh. Chúng ta đã mở lại các nhà thờ, nhưng số lượng người tham dự còn giới hạn. Tuy nhiên, chúng ta dường như vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng để tập trung với nhau trong các cuộc hội họp lớn hay cho những chuyến đi xa.
Chúng ta biết rằng đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Và xã hội ngày càng tồi tệ hơn, khi ngay giây phút này chúng ta thấy mình đang ở giữa chiến tranh. Sự phân chia chính trị và xã hội làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Hơn nữa, chúng ta ngày càng nhận ra những tác động của khủng hoảng khí hậu. Điều này thách thức chúng ta quan tâm đến Ngôi nhà Chung của mình. Ở nhiều quốc gia, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về năng lượng và cả về lương thực. Ấy vậy, chính vào thời điểm này, trong chính thế giới đầy thương tích này, Thiên Chúa mời gọi kêu gọi chúng ta đến với nhau trong Tổng Công Hội – để đi khắp thế giới, để hình dung lại căn tính và sứ vụ của Dòng Chúa Cứu Thế, để tin tưởng rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đang ở giữa chúng ta, và rằng Ngài luôn ở gần chúng ta hơn chúng ta có thể tưởng tượng.
Giống như các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên, chúng ta đang cùng nhau quy tụ với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta. Chúng ta quy tụ trong sự sợ hãi và mong chờ, trong do dự và hy vọng. Chúng ta biết rằng chúng ta đang được mời gọi mang Tin Mừng đến với thế giới bị tổn thương này, nhưng có lẽ chúng ta chưa chắc cách nào tốt nhất để thực thi sứ mạng này, chúng ta sẽ được sai đến với ai, và chúng ta sẽ thành lập cộng đoàn gồm những anh em nào…
Để có thể đón nhận lời mời gọi của Chúa dành cho chúng ta ngày hôm nay, chúng ta cần có một sự can đảm và quyết tâm, giống như sự can đảm của thánh Anphongsô khi các anh em bỏ rơi ngài và của thầy Vitô khi một mình ở Scala. Đó cũng giống như lòng can đảm của thánh Clêmentê khi ngài bị trục xuất khỏi St. Benno’s ở Warsaw và không biết liệu mình có còn được gặp lại các anh em Dòng Chúa Cứu Thế nữa hay không. Đó là lòng can đảm của các vị Chân phước Tử đạo của chúng ta ở Ukraine, Slovakia, Tây Ban Nha… Chúng ta tìm thấy hy vọng hôm nay nơi lòng can đảm của các bậc tiền bối của chúng ta trong Dòng thánh, những anh em đã lên đường mang Tin Mừng đến cho mọi người, bước theo Chúa Giêsu Cứu Thế từ rừng rậm Surinam và các sa mạc ở Tây Phi, đến vùng hoang dã của Bắc Mỹ và các nền văn minh cổ đại của Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Chúng ta tìm thấy hy vọng và lòng can đảm của các anh em đang hy sinh thầm lặng ở Ukraine, Slovakia, Trung Quốc và ở rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nữa.
Giống như Chúa Giêsu thổi hơi vào nhóm các Tông đồ nhỏ bé sợ hãi trong Tin Mừng, thì Ngài cũng đang thổi hơi vào chúng ta hôm nay, trong Thánh Lễ này, trong Tổng Công Hội này. Hãy lắng nghe lại lời Ngài nói với chúng ta: “Bình an cho em. Anh hãy lãnh nhận Thánh Thần. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần – hãy tha thứ và chữa lành và hãy đón tiếp và rao giảng”.
Giống như các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên ấy, chúng ta cần học một ngôn ngữ mới mà con người ngày nay có thể hiểu được. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta một niềm đam mê được đổi mới khiến chúng ta có thể làm chứng một cách mạnh mẻ hơn là lời nói.
Như lời nguyện nhập Lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện một lần nữa: “Lạy Cha, xin tuôn đổ tràn đầy các ân huệ Thánh Thần của Cha đến tận cùng trái đất, và hôm nay xin Cha hãy tiếp tục những công việc kỳ diệu mà Cha đã thực hiện khi khởi sự công trình loan báo Tin Mừng ”.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, xin dạy chúng con bay cao với đôi cánh của Thánh Thần và xin cho Ngôi Lời một lần nữa thành xác phàm nơi thời đại này! Amen.
Đúng 11 giờ 25 phút, với sự đồng thuận của tất cả các Nghị viên Tổng Công Hội, Cha Michael Brehl, Bề Trên Tổng Quyền, đã chính thức khai mạc Giai đoạn Giáo luật của Tổng Công Hội Thứ XXVI tại Roma.
Hai ngày kế tiếp (13 – 14 / 9 / 2022), Tổng Công Hội sẽ tĩnh tâm. Xin mọi người cầu nguyện cho Tổng Công Hội.
Roma, 12 tháng 9 năm 2022
Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh