Lướt một vòng trên Internet với từ khoá “hạn hán, ngập mặn” và đọc những tài liệu nghiên cứu nghiêm túc về dòng sông Mekong của một số tác giả có tâm huyết với đất nước, tôi bật khóc trước một tương lai tăm tối điêu linh của dân tộc!
Để giải thích cho hiện tượng hạn hán, ngập mặn đang làm người dân điêu đứng, hầu hết các kênh truyền thông chính thức đều gọi bằng cụm từ “thiên tai”, “ảnh hưởng của hiện tượng El Nino”. Phơn phớt đôi chỗ có đề cập đến vấn đề đập thuỷ điện trong nước và “các nước trong khu vực”. Sự thật về hiểm hoạ biến mất của dòng Mekong, về tình trạng bị “bức tử” của ĐBSCL cũng như các khu vực hạ lưu sông Mekong dọc theo các quốc gia Myanma, Thái – Lào, Campuchia đang bị lấp liếm che đậy.
Nhân họa
Sông Mekong có chiều dài 4800km, khởi nguồn từ Tây Tạng. Lưu vực trên gồm một nửa con sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, lưu vực dưới là nửa con sông còn lại chảy dài qua lãnh thổ các quốc gia Myanma, đôi bờ lãnh thổ Thái – Lào, đến Campuchia, rồi kết thúc tại ĐBSCL và đổ ra biển Đông. Mekong là con sông lớn thứ nhất Đông Nam Á, thứ 3 Châu Á và thứ 11 thế giới. Sự phong phú, đa dạng về hệ sinh thái của sông Mekong được đánh giá là đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau sông Amazon. Dòng sông này trở thành nguồn sống của 60 triệu cư dân dọc theo đôi bờ lưu vực – và cả những cư dân dọc theo các phụ lưu – tất yếu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế của các nước mà nó chảy qua.
Riêng ĐBSCL – nhờ lượng phù sa dồi dào dồn từ thượng nguồn đổ về bồi đắp – nơi đây đã trở thành vựa lúa lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan, và cũng là vựa trái cây chủ lực của Việt Nam. Nhịp lũ đều đặn hàng năm mang lại sản lượng cá rất lớn, có năm lên đến 4 triệu tấn (trị giá đến 9 tỉ Mỹ kim), ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng phát triển mạnh mẽ. Miền Tây trở thành miền đất trù phú với nét “văn hoá miệt vườn” đặc trưng và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia.
Đó là trước kia, gần đây, sản lượng lúa gạo, tôm cá, trái cây mỗi năm mỗi sụt giảm mạnh do hạn hán, thiếu nước ngọt, ruộng vườn bị xâm nhập mặn – mà đỉnh điểm là năm nay. Tình hình này đang đẩy ĐBSCL đến sự kiệt quệ khó có thể khôi phục.
Chúng ta đang nói về một sự thật – một sự thật bi đát không xuất phát từ thiên tai nhưng là nhân hoạ – bởi sự tham lam vô độ và hiểm ác của con người. Dòng sông Mekong giàu có, phong phú kia đang bị những quốc gia quyền lực, những “nhóm lợi ích” chặt khúc, băm nát và xâu xé, tranh phần với nhau bằng một chuỗi các đập thuỷ điện lớn nhỏ chằng chịt nằm ngay trên dòng chính và các dòng phụ của sông Mekong. Tiềm năng thuỷ điện từ các con đập này đem lại lợi nhuận khổng lồ, đẩy nền kinh tế và nền công nghiệp phát triển vượt trội. Tuy nhiên, đây là một kiểu phát triển không bền vững, bởi nó đưa đến những tổn hại không thể phục hồi đối với môi trường thiên nhiên cũng như đối với đời sống của triệu triệu cư dân ở hai bờ lưu vực.
Hiểm họa từ những con đập
Theo nguồn tài liệu tiếng Anh của các khoa học gia nước ngoài, được trích dẫn bởi nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh – tác giả của nhiều tài liệu được đánh giá cao về sông Mekong và ĐBSCL – thì hiện nay, TQ đã xây xong và đưa vào hoạt động 6 đập thuỷ điện nằm trên dòng chính ở lưu vực trên (Lan Thương Giang) thuộc Vân Nam, TQ. 9 dự án khác đang và sẽ được xây dựng cũng trên dòng chính này, chưa kể còn rất nhiều đập khác trên các phụ lưu trong lãnh thổ TQ. Nổi bật phải kể đến “con khủng long” Nọa Trác Độ (Nuozhadu) có công suất lớn nhất, đạt đến 5.850MW. Tiếp đến là con đập Mẹ Tiểu Loan (Xiaowan), có công suất 4.200 MW. Nọa Trác Độ cao 254m, có hồ chứa dài 226km, và Tiểu Loan cao 300m có hồ chứa dài 169km. Ước tính mỗi hồ cần ít nhất 10 năm để chứa đủ lượng nước tương ứng! Chỉ đơn thuần hai con đập này thôi, chúng đã trở thành hai quả “bom” khổng lồ chứa đến hàng vài chục tỉ mét khối nước được đặt ở độ cao 1000m! Nếu có sự cố vỡ đập xảy ra thì sẽ là thảm hoạ khôn lường cho các khu vực hạ lưu – mà đặc biệt là ĐBSCL ở cuối nguồn.
Ở lưu vực dưới, có 12 con đập thuỷ điện khác cũng nằm ngay trên dòng chính sông Mekong chủ yếu thuộc 2 quốc gia Lào và Campuchia. Bên cạnh đó còn có vô số đập khác trên các dòng phụ được xây dựng rầm rộ ở các quốc gia Thái, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong số này, phải kể đến tên tuổi của đập Hạ Sesan 2 (cao 75m, diện tích hồ chứa 340km2, công suất 400MW) và đập Sambo (cao 56m, trên mực nước biển 40m, bề ngang hồ chứa 18km) đều thuộc Campuchia. Chỉ cần một trong 2 hồ này có sự cố vỡ đập thì ĐBSCL bị san phẳng và có nguy cơ bị xoá sổ. Ghê gớm nhất là tình trạng vỡ đập dây chuyền có thể xảy ra: chỉ cần một con đập ở thượng nguồn bị vỡ thì tất yếu những con đập khác ở hạ nguồn cũng vỡ theo. Số phận của ĐBSCL như ngàn cân treo sợi tóc!
Để qua một bên hiểm hoạ vỡ đập, thì việc xây dựng chằng chịt những đập thuỷ điện trên dòng chính và các phụ lưu sông Me-kong cũng đã huỷ hoại sự sống của môi trường và con người. Bởi hệ thống sông ví như một hệ tuần hoàn, bị phình mạch bởi các hồ chứa và nghẽn mạch bởi các đập, điều này làm thay đổi thuỷ lưu, cản đường lưu thông của phù sa bồi đắp cho các đồng bằng châu thổ, gây ra tình trạng đất bạc màu, nhiễm mặn và sạt lở bờ sông.
Sự giảm dòng chảy vào mùa khô gây nên hạn hán khô cằn, cộng với ô nhiễm môi trường trầm trọng do dòng chảy mất đi khả năng rửa trôi, hai yếu tố này cộng hưởng là một trong những nguyên nhân làm tuyệt chủng các loài sinh vật. Vào mùa mưa thì lũ diễn biến bất thường, có khi các đập đồng thời xả nước sẽ gây nên hiện tượng lũ chồng lũ, dẫn đến ngập lụt nặng, tàn phá mùa màng và cuốn trôi nhà cửa.
Theo nghiên cứu cửa Ủy hội sông Mekong, các đập thuỷ điện sẽ biến 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước. Điều này làm biến đổi bản chất tự nhiên của con sông, phá đi nhịp lũ đều đặn hằng năm và chặn luồng di cư của nhiều loại thuỷ sản, dẫn đến sản lượng cá trong mùa nước nổi bị tụt giảm. Ngành nuôi trồng thuỷ sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diện tích hồ chứa khổng lồ này cũng nhấn chìm phần lớn các khu vực đầm lầy, rừng ngập mặn phòng hộ – là những vùng được công nhận về sự đa dạng sinh thái, gây huỷ hoại hệ sinh thái của toàn bộ lưu vực sông Mekong.
Hãy thức tỉnh
Xét trong toàn bộ hệ thống, thì TQ, nằm ở đầu nguồn với một hệ thống đập đồ sộ, trở thành kẻ nắm quyền sinh sát trong tay và có uy lực đe doạ các quốc gia phía dưới hạ nguồn – đặc biệt là VN. Bởi TQ có thể san bằng các vùng hạ lưu thành biển nước mênh mông hoặc biến chúng thành đồng khô cỏ cháy. Đây là một trong những con “át chủ” để TQ có quyền lực khuynh đảo các thế lực chính trị – kinh tế của các quốc gia này. Chẳng phải vì thế mà TQ đã thò bàn tay lông lá đến tận Lào, Campuchia để đầu tư xây dựng các con đập nơi đây – đặc biệt là 2 con đập khổng lồ Sesan 2 và Sambo đã được nêu ở trên. Điều khó hiểu là VN không những không phản đối mà còn bắt tay chung phần vào những dự án giết dân, hại nước này! Đây là một trò rối giật dây hay lòng tham vô độ của những kẻ mất lương tri, bất nghĩa với quốc gia dân tộc?
Những gì chúng ta lo lắng đang được “dạo đầu” ở ĐBSCL, khúc “dạo đầu” nhè nhẹ đã làm điêu đứng hai chục triệu dân! VN đang rơi vào cảnh thiếu lương thực – thực phẩm trầm trọng: đồng lúa bị đốt cháy, sông ngòi bị phơi cạn, biển cá bị bao vây. Những điều đó không vô tình xảy ra nhưng đã nằm trong một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng của Trung Cộng.
Chỉ có dân ta là vô tư ơ hờ, thơ ngây để bị bịt mắt và ru ngủ. Dân ta đang suy kiệt dần mòn, trong thiếu thốn và trong sự đầu độc, bách hại bao vây tứ phía: từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng, từ ngọn rau cho đến viên thuốc, kể cả những sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, tất tần tật! Thành công nhất là họ đã tắm được tâm hồn người Việt vốn thuần khiết nhân nghĩa trong một thứ văn hoá ác độc, tàn nhẫn với nhau, bất chấp tất cả vì lợi nhuận. Chính người Việt đang tiếp tay cho sự ác để sát hại lẫn nhau một cách rất êm đềm qua các loại thuốc tăng trưởng, tăng trọng, phẩm màu tẩm ướp.v.v… Nếu chính người Việt không thức tỉnh, không vực dậy, thì nguy cơ bị diệt vong, bị thống trị không còn là điều xa xôi!
Chúng ta đang đối diện với nhiều bế tắc và bất lực – nhưng chúng ta không đối diện với sự vô vọng. Một dân tộc triền miên trong đấu tranh để tồn tại và độc lập càng không phải là một dân tộc vô vọng! Mekong có thể cạn, đồng bằng có thể cháy khô nhưng dân tộc Việt Nam phải tồn tại với những bản sắc riêng đáng quý mà bao đời cha ông đã để lại.
Tôi trộm nghĩ, cảnh vật có thể sẽ qua đi, sẽ lụi tàn, nhưng con người sẽ tồn tại trong Ơn cứu độ. Lịch sử nhân loại đã cho thấy con người được ban cho những năng lực phi thường và một sức sống mãnh liệt để sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng Tạo Hoá đòi hỏi con người phải cộng tác vào Ơn cứu độ đó bằng lòng thiện chí và ơn khôn ngoan. Tôi thấy mình có quyền hi vọng khi nhìn những sa mạc chói chan của Israel biến thành ruộng đồng tốt tươi. Dân tộc Việt Nam cũng có thể làm được những điều kì diệu như thế!
Đã bao lần tôi tôi thắc mắc tự vấn về sự ra đi, chôn vùi của những nền văn minh tột bậc của nhân loại như Kim Tự Tháp, Angkor-wat…, giờ đây điều đó không còn quá khó hiểu với tôi, khi mà một điều tương tự cũng đang có nguy cơ diễn ra trên chính quê hương yêu dấu này. Nếu mỗi người dân nước Việt không làm một điều gì đó cho dân tộc – chí ít là sống có hiểu biết, sống có thiện chí, ngay lành – thì một ngày nào đó không xa, con sông Mekong hiền hoà giàu có cùng Miền Tây trù phú thơ mộng kia sẽ mãi mãi đi vào cổ tích đã đành, mà dân tộc này còn bị họa vong thân, mất nước!
Tịnh Khê
Tài liệu tham khảo:
http://www.vncold.vn/Modules/CMS/Upload/10/PhatTrienNuoc/151102/BanCoMEKONG.pdf
http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/oan-minh-chong-han-man/225506.html
http://www.trithuccongluan.com.vn/xa-hoi/1969-bom-nuoc-tu-ho-dap-trung-quoc-co-the-nhan-chim-dbscl.htmlhttp://danviet.vn/tin-tuc/bom-nuoc-tu-ho-dap-trung-quoc-co-the-nhan-chim-dbscl-666474.html