Đã hơn 5 tháng trôi qua, kể từ khi Fomosa xả thải gây ra thảm hoạ môi trường, kéo theo những thảm hoạ khác về kinh tế, nghề nghiệp, sức khoẻ và cả mạng sống con người và giống nòi, gây mất ổn định xã hội, xáo trộn nhịp sống gia đình và khu vực, đáng nói nhất là đẩy người dân bốn tình Miền trung vào một tương lai vô định, đầy khó khăn.
Sự lấp liếm, binh vực Formosa theo kiểu “chày cối” của nhà cầm quyền cộng sản, ngay cả khi Phó phòng Đối ngoại Formosa, – ông Chu Xuân Phàm, đã công khai nguyên nhân cá chết là do nhà máy Formosa xả thải, khiến người dân chuyển từ “ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác”, vì những uẩn khúc đàng sau những “trò hề” của các quan chức và thái độ “uốn éo” trong việc minh bạch những thông tin cần thiết, về sự thật những chất thải độc hại ngầm dưới nước lẫn chôn trộm trên bờ của Formosa, về tác hại lâu dài của những độc chất đến môi trường sống của biển và sức khoẻ của người dân hầu như “nhỏ giọt”, chỉ khi nào bị người dân hoặc báo chí phanh phui.
Việc nhà máy Formosa bồi thường thiệt hại 500 triệu USD mà nhà cầm quyền coi như một chiến công oanh liệt, cốt ý chỉ nuôi người dân bằng “hy vọng”. Chẳng ai biết chính quyền căn cứ vào những dữ liệu khoa học, những khảo sát thiệt hại về môi trường biển, về kinh tế, về sức khoẻ, việc làm sạch môi trường… như thế nào, nhưng sau những lần thương thuyết “kín và chóng vánh”, số tiền đến bù của Formosa được nhà nước “hỉ hả” dùng như “chiếc bánh vẽ vĩ đại” hỗ trợ cho ngư dân Miền trung, đến nỗi báo chí nước ngoài phải “tặc lưỡi” với nhiều nghi vấn: chỉ có thế thôi sao; sao rẻ thế; sao các bạn lại làm ăn với loại “đầy tai tiếng” như vậy…
Sau đó, sự “hỗ trợ” của chính quyền với các ngư dân trực tiếp là nạn nhân của thảm hoạ thậm chí còn tệ hơn cả “lấy lệ”. Lương thực phát cho dân là “cái gì đó” được nhà nước gọi là gạo, và nhất là sự triển khai bồi thường còn “chậm hơn cả rùa”, như muốn kéo dài thời gian làm “nguội” những cái đầu nóng, để cho những cái dạ dày cồn cào vì đói thúc bách những người dân phải mất kiên nhẫn, tha phương cầu thực, quên đi nỗi đau, quên đi cố hương, quên luôn cả những quyền chính đáng mà luật pháp đã quy định, và dần dà vụ việc sẽ chìm vào quên lãng.
Không thể bó gối ngồi chờ đền bù; không thể an tâm trước những lời hứa hẹn; không tin được vào những lời dối trá của những ông Bộ trưởng, Thủ tướng, những ban ngành có trách nhiệm liên quan về việc “ăn cá và tắm biển”, người dân chỉ muốn biết biển sạch chưa và bao giờ ra biển đánh cá được như trước. Kết luận ấy không phải từ trong nước, nhưng phải có những tổ chức độc lập, những nhà khoa học nước ngoài công tâm và nghiêm minh.
Không thể “luẩn quẩn” với những cuộc diễu hành “trong ngõ”, bày tỏ nguyện vọng và thái độ cho những người “trong nhà”. Hôm nay, ngày 26/9/2016, điều kỳ diệu xảy ra khi khoảng 600 người dân Quỳnh Lưu, cả người Công giáo lẫn Lương dân, đại diện cho gia đình mình là nạn nhân trực tiếp của thảm hoạ Formosa, đã “thắp lên ngọn lửa thần kỳ”, cùng nhau đến Toà án xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để KHIẾU KIỆN nhà máy Formosa theo đúng quy định của pháp luật.
Nhìn đoàn xe do Linh mục Anton Đặng Hữu Nam hướng dẫn chở những con người khốn cùng trong âu lo và bế tắc, như những “bước chân” đòi công lý và công bằng, đòi được đối xử bình đẳng, đòi quyền con người, “Trả lại cho dân” những gì thuộc về dân; như bước vào cuộc chiến, dù bên ngoài có vẻ như “con kiến kiện củ khoai”, nhưng chân lý sẽ rạng soi và sự thật tất thắng.
Nhiều người không nghĩ sẽ có ngày này. Nhưng dù biết sẽ gặp nhiều gian khổ, nhưng nếu khổ như đã khổ, đang khổ, thì sá chi một chút khổ nữa cho đời tươi sáng, cho gia đình mình bớt khổ, cho con cháu mình hết khổ, cho hàng xóm được ấm no, cho đồng bào mình được hạnh phúc.
Sự sai lầm của nhà cầm quyền cộng sản là chỉ biết làm giầu trên sự nghèo khổ của người dân, như những trọc phú quần là, áo lượt, ngày ngày yến tiệc linh đình trên sự khốn cùng của những Ladarô đói khát (Lc 16,19-31). Những trọc phú ấy, dù có ăn uống cùng nhau, hỉ hả với nhau, nhưng lòng dạ luôn “gờm” hãm hại nhau.
Thực tế hôm nay chứng minh điều ngược lại: chính khi khổ, người ta mới đồng thân, đồng phận với nhau, mới đoàn kết, gắn bó yêu thương, biết san sẻ và lo cho nhau, dấn thân vì nhau và sẵn sàng hy sinh cùng nhau.
Một khi chính quyền không còn là của dân, do dân và vì dân, thì chính những người dân sẽ đòi lại những gì là của mình, những gì thuộc về mình và phải phục vụ mình, ngay tại “cửa quyền”, không phải bằng những tiếng thét gào đòi nợ máu bằng bạo lực và lòng căm thù đốt cháy, nhưng bằng thái độ văn minh ôn hoà, bằng những hành vi văn hoá đúng mực trong khuôn khổ luật pháp.
Chính ở điểm đó mà những ai hiện diện trong buổi KHIẾU KIỆN của người dân Quỳnh Lưu hôm nay tại Toà án xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh sẽ phân biệt được ai đúng, ai sai; ai chính, ai tà, và có thể nói, ai thắng, ai thua.
Cuộc khiếu kiện này sẽ trở nên là những Tia sáng báo trước bình minh. Dù đêm đen vẫn còn bao phủ dày đặc, nhưng đêm phải nhường chỗ cho ánh sáng, bóng tối sẽ không thể diệt được ánh sáng (Ga 1,5). Đó là chân lý.
Vậy, hãy “Dậy mà đi… khiếu kiện, hỡi đồng bào ơi!”.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.