Bài Tin mừng Ga 1,29-34 thuật lại lời chứng trung tâm của ông Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu. Đây là lời chứng được công bố trực tiếp cho mọi người, vì tác giả Tin Mừng đã không giới hạn đối tượng của lời chứng này; và do đó, lời chứng này có một tiếng vang thường xuyên trong cộng đoàn Kitô hữu, như chúng ta có thể thấy trong Ga 1,15. Trong thực tế, có thể coi đây là lời giải thích của cộng đoàn Kitô hữu, nhưng được đặt trên miệng ông Gioan Tẩy Giả, về Đức Giêsu và sứ mạng cứu độ của Ngài.
Phần thứ nhất của bài Tin Mừng (cc.29-31) là một lời tuyên bố (= nói) của ông Gioan về Đức Giêsu.
“Khi ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (c.29).
Ngữ đoạn “Chiên Thiên Chúa” ám chỉ chiên lễ Vượt Qua (Xh 12,3-14.21-27.43-46), vì thế, loan báo cái chết của Đức Giêsu, đồng thời nói đến cuộc Vượt Qua của Ngài, tức là nói về cuộc xuất hành mà Thiên Chúa sắp thực hiện. Chính Thiên Chúa chuẩn bị Chiên cho cuộc vượt qua cứu độ mới, như được nói trong 3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Chiên Thiên Chúa chính là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Lời này mô tả cuộc giải thoát mà Thiên Chúa sắp thực hiện nhờ Đức Giêsu, Con Chiên của cuộc xuất hành mới. Tác giả Tin Mừng không nói “những tội lỗi của nhân loại”, mà nói “tội của trần gian”, một tội duy nhất đè nặng toàn thể nhân loại. Chính tội đó cần phải bị xóa bỏ, cần phải bị cất đi, cần phải bị làm cho biến mất.
Cần chú ý rằng tội trần gian đã tồn tại trước khi Đức Giêsu bắt đầu hoạt động và sứ mạng của Ngài sẽ là hủy diệt tội ấy. Do đó, tội này không được đồng nhất hóa với sự không tin vào Đức Giêsu (16,9). Sự từ chối Đức Giêsu sẽ chỉ là hậu quả và bằng chứng của việc người ta sống trong tội này. Dưới ánh sáng của lời tựa Tin Mừng Gioan (mà bài Tin Mừng hôm nay rõ ràng có mối tương quan sâu sắc, x. 1,15.30), có thể nói tội được đề cập ở đây là sự từ chối và hơn nữa, là sự đối nghịch với sự sống mà Thiên Chúa thông ban. Đó là sự thuộc về hạ giới (x.8,23), tức là hệ thống áp bức trong đó “tối tăm”, tức là kẻ thù của sự sống – sự sáng (1,5), thống trị. Đức Giêsu đến là để giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của “tối tăm” đó. Đây sẽ là điểm xuất phát của cuộc xuất hành của Ngài.
Hạn từ “thế gian” trong Tin Mừng Ga có nhiều nghĩa khác nhau.
(a) Trước hết, đó là thế giới vật chất, là vũ trụ (17,5.24), là trái đất nơi con người sinh sống (11, 9; 21, 25).
(b) Đó là đám đông nói chung: “cả thế giới” (12,9; 14,27).
(c) Đó cũng có nghĩa là nhân loại, những kẻ cư ngụ trong thế giới (1,9.19.29; 3,16.17.19; 4,42; 6,14.33.51; 8,12; 9,5; 10, 6; 11,27; 12, 6.47; 16,21.28; 17,18.21.33; 18,20.37), thường với hàm ý là những người cần ơn cứu độ (1,29; 3,17…).
(d) Cuối cùng, đó là những người thù nghịch với ơn cứu độ, tức là nhân loại xét trong tư thế đặt mình quy thuận một trật tự xã hội – tôn giáo thù nghịch với Thiên Chúa và đối nghịch hẳn với Đức Giêsu (7,4.7; 8,23.26; 9,39; 12,25.31; 13,1; 14,17.19.22.30.31; 15,18.19; 16,8.11.20.33; 17,6.9.11; 17,13; 14,15.16.25; 18,36).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hạn từ “thế gian” được dùng theo nghĩa thứ ba, chỉ nhân loại cần ơn cứu độ, tức là nhân loại đang sống trong tình trạng nô lệ cho tội và cần ơn giải thoát. Có lẽ chính vì vậy mà chúng ta chọn từ “trần gian’ thay vì “thế gian” ở đây.
Đàng khác, câu “Đấng xóa tội trần gian” được đặt song song với câu “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (c.33). Phép rửa ấy sẽ là phương thế để xóa tội trần gian. Xóa tội trần gian, như thế, giả thiết hành động của Đức Giêsu trên mỗi cá nhân. Hành động của Đấng Mêsia, vì thế, sẽ không phải là dẫn đầu hay lãnh đạo một cuộc chiến chống lại hệ thống tối tăm, mà là ban cho con người khả năng thoát khỏi sự thống trị của hệ thống đó. Đón nhận Thánh Thần từ Đức Giêsu tức là ra khỏi hệ thống bất chính kia, tức là từ bỏ “thế gian” vậy (17,14.16).
Phần thứ hai của bài Tin Mừng (c.32) là một chứng từ (= làm chứng) của ông Gioan dựa vào điều ông “thấy”.
Tác giả Tin Mừng viết: “Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (c.32).
Bằng chính mắt mình, ông Gioan đã thấy Thần Khí xuống và đậu lại trên Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng Ga không hề khẳng định rằng ông Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu, có lẽ vì ông không muốn độc giả hiểu rằng có sự lệ thuộc, cho dù là rất nhỏ, của Đức Giêsu vào ông Gioan. Tác giả đã không mô tả bất cứ mối liên hệ trức tiếp nào giữa hai Đấng. Ông Gioan chỉ làm chứng cho thực tại mà ông thấy, tức là cho điều đã nên như một thực tại thấy được, chiêm ngưỡng được.
Trong lời chứng của mình, ông Gioan “định tính” Thần Khí là thực tại “từ trời”, tức là Thần Khí của Thiên Chúa. Ông Gioan thấy Thần Khí xuống và ở lại nơi Đức Giêsu “tựa chim bồ câu”. Cách nói này có thể mang nhiều ý nghĩa. Nhưng cần chú ý rằng “tựa chim bồ câu” ở đây không phải là một định ngữ của danh từ Thần Khí, mà là một trạng ngữ có vai trò bổ nghĩa cho các động từ “đáp xuống” và “ở lại”.
Vậy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” trước hết có thể hiểu là tựa chim bồ câu đáp xuống và ở lại nơi tổ mình, Thần Khí Thiên Chúa gặp nơi Đức Giêsu chỗ cư ngụ tự nhiên, dấu yêu, êm ấm và hạnh phúc của mình.
Thứ đến, cách nói này cũng có thể hiểu theo nghĩa ám chỉ đến cuộc sáng tạo nay trở nên hoàn hảo trong Đức Giêsu, Lời đã trở nên người phàm, tức là Lời đến trong tạo thành và là đỉnh điểm và cùng đích hiện thực của tất cả tạo thành theo chương trình của Thiên Chúa.
Sự kiện Thần Khí xuống và ngự trên Đức Giêsu cũng có thể hiểu là biến cố tấn phong Người làm Mêsia, theo các sấm ngôn của các ngôn sứ: Is 11,2tt: “Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA… ”; Is 42,1: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”; Is 61,1tt: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn”.
Cách tác giả Tin Mừng Ga nhấn mạnh rằng Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu (c.32 và c.33) cũng là một chi tiết đáng chú ý. Có lẽ ông muốn ám chỉ việc xức dầu cho vua Đavít: “Ông Samuel cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đavít từ ngày đó trở đi” (1Sm 16,13). Vua Đavít là vị vua duy nhất được nhấn mạnh rằng Thần Khí ở lại trên ông, đang khi vua Saun và các vua khác thì không như thế (x. Tl 3,10; 11,29; 1Sm 10,6.10). Và nếu như thế, theo lời chứng của ông Gioan, Đức Giêsu được xức dầu Thần Khí chính là Đavít mới, là Vua của dân mới theo sấm ngôn của Ed 34,24: “Chính Ta, ĐỨC CHÚA, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và Đavít, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng”.
Phần thứ ba của bài Tin Mừng (cc.33-34) tiếp tục là một chứng từ (= chứng thực) của ông Gioan dựa trên điều mà Đấng sai ông đi làm phép rửa đã nói với ông.
Tác giả Tin Mừng ghi lại lời ông Gioan: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (cc.33-34).
Lần thứ hai ông Gioan nói rằng ông đã không biết Đức Giêsu. Như thế, chứng từ của ông không xuất phát từ một suy đoán phàm nhân, mà chính là từ một lời loan báo thần linh được chứng thực bởi kinh nghiệm của bản thân ông. Thiên Chúa ban cho ông một dấu để ông nhận biết Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
Một điểm quan trọng rất đáng lưu ý ở đây: khi được định danh trong liên hệ với Đức Giêsu, Thần Khí không có hạn từ “Thánh” đi kèm (các câu 32 và 33; vì thế không được dịch là “Thánh Thần” mà chỉ là “Thần Khí”), nhưng ngược lại, trong liên hệ với những người khác thì có tính từ “Thánh” (c.33). “Thánh” là một phẩm chất nội tại của Thần Khí, nhưng đồng thời cũng là một hoạt động của Ngài. “Thánh” là thực tại được tách riêng ra để thuộc về Thiên Chúa và cảnh vực của Thiên Chúa. Trong ngữ cảnh của đoạn Tin mừng hôm nay, “Thánh” trước tiên gợi ý đến hoạt động giải thoát được thực hiện cho con người, cho phép con người đi ra khỏi thế gian không có Thiên Chúa (xóa tội trần gian). Đức Giêsu không thuộc về thế gian đó và không cần phải được tách riêng ra khỏi thế gian đó để thuộc về Thiên Chúa.
Phép rửa của ông Gioan chưa đủ, vì nó chưa đưa người ta đến chỗ hoàn toàn thuộc về Đấng Mêsia, là Đấng đang đến và chính ông Gioan nhận rằng ông đã không biết Ngài khi ông làm phép rửa cho dân chúng. Chỉ Thánh Thần mới thánh hóa và ban cho người ta sự sống thật sự, tức là mới là Đấng làm cho người ta hoàn toàn gắn bó và thuộc về Đấng Mêsia. Thánh Thần sẽ tách, tức là sẽ giải thoát con người khỏi thế gian tội lỗi và tăm tối mà đưa vào trong sự sống của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Đấng mà Thần Khí tựa chim bồ câu đã đáp xuống và ở lại trên Ngài, chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần đó.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Trong thánh lễ, chúng ta thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện đó diễn tả ý thức của chúng ta về sức nặng của tội trần gian trên cuộc đời chúng ta và niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu là Đấng giải thoát chúng ta. Chúng ta kinh nghiệm nơi đời mình sự kinh khủng của tình trạng từ chối và hơn nữa, đối nghịch với sự sống mà Thiên Chúa thông ban. Đó là sự thuộc về hạ giới (x.8,23), thuộc về hệ thống áp bức trong đó “tối tăm”, tức là kẻ thù của sự sống, thống trị. Và chúng ta nài xin Đức Giêsu giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của “tối tăm” đó.
2.Hai hoạt động của Đức Giêsu được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay (c.29: xóa tội trần gian; c.33: làm phép rửa trong Thánh Thần) có tương quan chặt chẽ với nhau: Ngài sẽ xóa tội nhân loại bằng cách thánh hóa nhân loại trong Thánh Thần chân lý. Mối tương quan đặc biệt này xác nhận rằng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” ở đầu bài Tin Mừng không được hiểu theo nghĩa chỉ về sự chuộc tội. Chiên Thiên Chúa loan báo Lễ Vượt Qua mới sẽ được thực hiện bằng cách thông ban cho con người sự sống của chính Thiên Chúa, tức là Thần Khí. Chính trải nghiệm về sự sống mới đó sẽ là chân lý làm cho con người được tự do (8,31). Trái lại, từ chối đón nhận Thánh Thần sẽ là cố ý ở lỳ trong ‘xác thịt” (3,5.6). Chúng ta (giáo xứ, cộng đoàn, gia đình, mỗi cá nhân) được mời gọi đón nhận phép rửa trong Thánh Thần, không chỉ theo nghĩa là đón nhận nghi thức thanh tẩy Kitô giáo mà thôi, mà còn là và chính yếu là sống thực sự trong Thần Khí của Đức Giêsu. Đó sẽ là sự giải thoát và tự do đích thật.
Nguyễn Thể Hiện