Dấu lạ Giôna và lời kết án của dân ngoại

Suy niệm Tin Mừng của thứ Tư tuần I Mùa Chay – thứ Tư 13/03/2019: Lc 11,29-32

tin-mung-lc-11-29-32

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. 30 Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. 32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

Giải thích:

Người Do Thái yêu cầu Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ để chứng minh rằng Ngài hành động do quyền năng của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Chúa Giêsu trước yêu cầu đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, gồm hai phần.

(1) Không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này “ngoại trừ dấu lạ ông Giôna” (các câu 29-30). Mc 8,11-12 cũng theo một truyền thống tương tự với nội dung đơn giản: “Không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này“. Mt 12,38-40 gần với Lc hơn: “Không có dấu lạ nào … ngoại trừ dấu lạ của ngôn sứ Giôna” (Mt 12,39). Tuy nhiên, trong Mt 12,40, tác giả Tin Mừng đã đưa ra một tuyên bố đặc biệt để giải thích về dấu lạ của ngôn sứ Giôna: “Vì ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy“. Đối với Mt, dấu lạ Giôna là cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu. Cách hiểu của Lc về câu trả lời của Chúa Giêsu đối với yêu cầu về một dấu lạ thì không giống như của Mt hay Mc. Ông hiểu dấu lạ Giôna là lời kêu gọi ăn năn sám hối của Giôna: “Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (câu 30); vì những người dân Ninivê “đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng” (câu 32).

Như vậy, phần đầu tiên trong phản ứng của Chúa Giêsu đối với yêu cầu về một dấu lạ, là nói rằng dấu lạ duy nhất được đưa ra chính là lời ngôn sứ kêu gọi ăn năn sám hối.

(2) Phần thứ hai của câu trả lời được tìm thấy trong các câu 31-32: Dân ngoại (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) sẽ kết án Israel vì họ đã đưa ra câu trả lời thích đáng trước sự khôn ngoan của Salômôn và lời rao giảng của Giôna. Tuy nhiên, Israel lại không đáp ứng đúng với một điều còn lớn hơn cả Salômôn hay Giôna, cụ thể là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Quan niệm cho rằng người ngoại sẽ làm chứng chống lại người Do Thái trong cuộc phán xét, hoàn toàn trái ngược với niềm tin của người Do Thái. Đối với họ, chính “dân thánh sẽ xét xử thế gian” (x. 1Cr 6,2) chứ không phải ngượi lại.

Như vậy, phần thứ hai trong phản ứng của Chúa Giêsu đối với yêu cầu về một dấu lạ, là nói rằng dân ngoại đáp lại lời kêu gọi ăn năn tốt hơn Israel.

Suy niệm:

Mùa Chay là thời gian hồng ân để hoán cải.

Giuse Ngọc Huỳnh

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết