Dùng 5.000 tỷ cho dự án “Lên trời gọi mưa”
Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh vừa gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ xem xét dự án “lên trời gọi mưa” cũng như khoản ứng 5.000 tỷ đồng để thực hiện tạo “mưa nhân tạo” chống lại hiện tượng khô hạn của El Nino hay mưa lụt do hiện tượng La Nina gây ra.
Làm mưa nhân tạo (cloud seeding) là công nghệ thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa, giảm thiểu thiệt hại như hạn hán hay mưa đá. Công nghệ làm mưa nhân tạo trên thế giới đã có từ hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này vô cùng đắt đỏ, như việc sử dụng hóa chất Iốt Bạc (AgI) làm một tâm ngưng tụ cho hơi ẩm trong mây, làm quá trình xả nước từ mây hiệu quả hơn.
Cũng vì việc này, rất nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận đến các chuyên gia về dự án gây sốc này của ông Phan Đình Phương (Giám đốc Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh). Nhiều người còn cho rằng đây là đề án “viễn vông”, “vô bổ”, ”không thực tiễn” và số tiền 5.000 tỷ không phải là “vỏ hến”…
Theo tiến sĩ Ngô Quang Toàn (Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng dự án này hoang đường, hoang tưởng, không đáng phải quan tâm.
Theo tiến sĩ Toàn, việc tác động vào thiên nhiên không phải là chuyện nói là làm được. “Chuyện phòng tránh, biến đổi khí hậu là chuyện lâu dài, mất rất nhiều thời gian và tâm sức, tiền của. Việc này phải thực hiện theo chiều sâu là tìm ra nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu mà tìm cách khắc phục chứ không ai làm theo kiểu đi tắt đón đầu”, ông nói.
Vị Viện phó cũng cho hay biến đổi khí hậu, mưa gió lũ lụt, người ta mới chỉ dừng ở mức độ phòng và tránh để giảm thiểu thiệt hại chứ mấy ai dám chống lại sức mạnh thiên nhiên.
“Làm như vậy tốn kém lắm. Việt Nam mình đã làm được đâu. Các nước tiên tiến họ cũng không làm việc này”, chuyên gia này phân tích.
Nhiều người cho rằng, thay vì dùng 5.000 tỷ đồng cho việc khởi động dự án “Lên trời gọi mưa” thì việc xây dựng nhiều công trình thủy lợi, tiêu nước, sử dụng lâu dài ứng phó với hạn hán sẽ thiết thực hơn rất nhiều. Không nên phung phí tiền vào các dự án viễn vông, không đem lại lợi ích cho dân.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ lại đánh giá dự án là ý tưởng độc đáo và có tính khả thi, đảm bảo an ninh quốc phòng. Nếu dự án này được thực thi, nhiều người lo sợ rằng sẽ khó thành công, tiền bỏ ra thì quá lớn so với hiệu quả mà nó đem lại.
Tổng công ty Đường sắt xin “ứng” hơn 471 tỷ đồng để trả nợ
Theo VNR, việc Tổng công ty này đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại Tổng công ty này.
“Trong khi công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu nợ tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động”, báo cáo của VNR cho biết.
Mặc khác, theo VNR, các nhà thầu trước đây trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn, vì vậy việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thể thực hiện được.
Liên quan tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo thanh tra, trong đó chỉ ra hàng loạt các sai phạm tại đơn vị này.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, từ năm 2010 đến hết năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (12 đoàn có trong kết hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).
Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng – sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.
Thanh tra Chính phủ đã khẳng định: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước” trước việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng hai khu đất vàng diện tích gần 1.000 m2, có giá trị rất lớn ở Thủ đô Hà Nội (số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu) thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.
Làm đường nứt nhà dân, xin đền bằng ngân sách
Việc đền bù lún nứt do thi công quốc lộ 1A, quốc lộ 14 là vấn đề tồn đọng khiến hàng nghìn hộ bức xúc, đơn thư khiếu nại. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép dùng ngân sách đền bù.
Theo các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT, thực trạng lún nứt nhà dân dọc tuyến quốc lộ QL 1A và QL 14 diễn ra trên diện rộng với hàng chục nghìn hộ. Đơn cử, QL 1A từ TP Thanh Hoá đến Nghi Sơn dài khoảng 23 km nhưng có hơn 3.600 hộ yêu cầu đền bù lún nứt.
Hợp đồng bảo hiểm thi công đoạn tuyến này chia làm 3 gói, ký với Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Bảo Việt có điều khoản đền bù lún nứt nhà dân nhưng khống chế ở mức 9,5 tỷ đồng/gói (Hợp đồng bảo hiểm sự cố trên chính tuyến, phần bảo hiểm lún nứt nhà dân là điều khoản bổ sung, khuyến mại của công ty bảo hiểm).
Khi sự cố lún nứt nhà dân xảy ra nhiều, thiệt hại hơn 31 tỷ đồng, hai nhà bảo hiểm trên chỉ chấp nhận đền bù hơn 15 tỷ đồng (nhà thầu chịu thêm một phần nhỏ). Dù PMU 1 nhiều lần tranh luận căng thẳng nhưng phía bảo hiểm vẫn bảo lưu quan điểm thực hiện theo hợp đồng vì thua lỗ nặng (tổng giá trị mua bảo hiểm đoạn tuyến là hơn 3 tỷ đồng, đền bù 15 tỷ đồng).
Số tiền thiếu để đền bù cho các hộ dân đoạn tuyến này (14 tỷ đồng) vừa được PMU vay tạm các nhà thầu để chi trả trước.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: Về nguyên tắc, việc đền bù rung nứt nhà dân trong quá trình thi công được tính vào bảo hiểm công trình. Thực tế, khi triển khai dự án, các đơn vị bảo hiểm đã tích cực kiểm đếm và chi trả đền bù cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, số lượng nhà dân bị ảnh hưởng bởi rung nứt vượt quá trách nhiệm chi trả của bảo hiểm.Vì vậy, Bộ GTVT buộc phải tìm cách để xử lý tình huống này bằng cách dùng tiền từ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên đến nay, vấn đề này còn đang được bàn luận khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận được tiền đến bù từ dự án để tiếp tục cuộc sống.
Anh Minh (tổng hợp)